Sự thay đổi phác đồ ban đầu

Một phần của tài liệu Đánh giá sử dụng kháng sinh trong điều trị viêm phổi mắc phải cộng đồng tại bệnh viện hữu nghị (Trang 74)

Trong tổng số 168 phác đồ ban đầu, đã có 51 phác đồ phải thay đổi kháng sinh, chiếm tỷ lệ không nhỏ là 30,3%. Trong đó, hơn một nửa phác đồ khởi đầu đơn độc phải thay đổi (50,8%), tỷ lệ này ở phác đồ 2 thuốc và 3 thuốc lần lượt là 25,0% và 16,5%. Kiểu thay đổi chủ yếu của các phác đồ ban đầu là thêm một kháng sinh hoặc đổi sang kháng sinh khác (19,0% và 10,7% tương ứng). Tỷ lệ phải thay đổi kháng sinh ở phác đồ khởi đầu đơn độc nhiều hơn có ý nghĩa thống kê so với các phác đồ khác.

Căn cứ theo kết quả nuôi cấy vi khuẩn và kháng sinh đồ chỉ có được ở 10 phác đồ thay đổi (19,6%), những trường hợp còn lại bệnh nhân tiếp tục được nhận một phác đồ kháng sinh theo kinh nghiệm. Điều này một lần nữa cho thấy sự thiếu hụt vai trò của các xét nghiệm vi sinh trong điều trị bệnh lý nhiễm khuẩn.

Bảng phân tích đa biến cho thấy các yếu tố bệnh mắc kèm và khoa điều trị liên quan có ý nghĩa thống kê đến sự thay đổi phác đồ kháng sinh ban đầu. Tỷ lệ phải thay đổi phác đồ ở nhóm bệnh nhân có 1 bệnh và hơn 1 bệnh mắc kèm đều cao hơn so với nhóm không có bệnh mắc kèm (OR lần lượt là 8,4 và 6,88 với p đều <0,05). Sự thay đổi phác đồ ban đầu cũng diễn ra nhiều hơn ở khoa Hô hấp so với khoa Nội tổng hợp (OR lần lượt là 5,90 với p <0,05). Tuy nhiên, yếu tố mức độ nặng của bệnh không có liên quan có ý nghĩa thống kê đến sự thay đổi phác đồ.

So sánh kết quả trên với nghiên cứu hồi cứu REACH [16] cho kết quả tương đồng khi thấy tỷ lệ phải thay đổi phác đồ kinh nghiệm cao hơn ở nhóm bệnh nhân có bệnh lý mắc kèm. Tuy nhiên, trong nghiên cứu này yếu tố mức độ nặng cũng là một trong các yếu tố ảnh hưởng đến sự thay đổi phác đồ kháng sinh.

Một phần của tài liệu Đánh giá sử dụng kháng sinh trong điều trị viêm phổi mắc phải cộng đồng tại bệnh viện hữu nghị (Trang 74)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(105 trang)