Nhiều phân tích gộp so sánh kết quả của 2 kỹ thuật không sử dụng THNCT và có sử dụng THNCT đã được thực hiện. Mặc dù kết quả còn có sự khác nhau, nhưng các nghiên cứu cũng cho nhận định, kỹ thuật không sử dụng THNCT nên được chỉ định cho những trường hợp có nguy cơ phẫu thuật cao, đặc biệt là các trường hợp có xơ vữa của động mạch chủ ngực lên.
Reston (2003) tổng hợp từ 53 nghiên cứu trong đó 10 nghiên cứu lâm sàng có nhóm chứng ngẫu nhiên và 38 hồi cứu. Tổng cộng có 46.621 bệnh nhân. Kết quả ghi nhận tỷ lệ NMCT, đột quỵ, mổ lại vì chảy máu, suy thận, rung nhĩ và nhiễm trùng vết mổ thấp hơn ở nhóm không sử dụng THNCT ở giai đoạn sớm. Kết quả trung hạn cho thấy tỷ lệ đau ngực trở lại không khác nhau (OR 1,28, p=0,309, CI 0,79 tới 2,05). Nguy cơ phải can thiệp lại ĐMV (OR 3,63, p=0,0001, CI từ 1,97 tới 6,78). Tỷ lệ tử vong thấp hơn ở nhóm có sử dụng THNCT (OR 0,49, P=0,08, CI từ 0,29 tới 0,82) [121].
Cheng (2005) thực hiện phân tích gộp 37 nghiên cứu lâm sàng có nhóm chứng ngẫu nhiên (3.369 trường hợp). Không có sự khác biệt được thấy rõ sau 30 ngày về tỷ lệ tử vong, NMCT, đột quỵ, suy thận, sử dụng IABP, nhiễm trùng vết mổ và can thiệp lại ĐMV. Tuy nhiên, kỹ thuật không sử dụng THNCT có làm giảm đáng kể các tỷ lệ: rung nhĩ, phải truyền máu, phải sử dụng thuốc tăng co bóp cơ tim, nhiễm trùng hô hấp, thời gian thở máy, thời gian nằm hồi sức và thời gian nằm viện. Chi phí điều trị trong thời gian nằm viện và 1 năm sau mổ cho nhóm có sử dụng THNCT cao hơn [44].
Wijeysundera (2005) thực hiện phân tích gộp với 37 nghiên cứu lâm sàng có nhóm chứng ngẫu nhiên có 3.449 bệnh nhân và 22 nghiên cứu quan sát có 293.617 bệnh nhân. Ở các nghiên cứu lâm sàng có nhóm chứng ngẫu nhiên, kỹ thuật không sử dụng THNCT giảm rung nhĩ và có xu hướng giảm tử vong 30 ngày sau mổ (OR=0,91; 95% CI là 0,45—1,83), đột quỵ (OR=0,52; 95% CI là 0,25—1,05) và NMCT (OR=0,79; 95% CI là 0,50—1,25). Ngược lại, các nghiên cứu quan sát cho thấy không sử dụng THNCT giảm tỷ lệ tử vong 30 ngày sau mổ (OR=0,72; 95% CI là 0,66—0,78), đột quỵ (OR=0,62; 95% CI là 0,55—0,69), NMCT (OR=0,66; 95% CI là 0,50—0,88) và rung nhĩ (OR=0,78; 95% CI là 0,74—0,82). Ở thời điểm 1-2 năm, không sử dụng THNCT có xu hướng giảm tử vong nhưng lại tăng tỷ lệ phải can thiệp lại ĐMV (RCT: OR=1,75, 95% CI là 0,78—3,94; nghiên cứu quan sát: OR=1,35, 95% CI là 0,76—2,39). Các tác giả kết luận rằng các nghiên cứu lâm sàng có nhóm chứng ngẫu nhiên không chứng tỏ ưu thế của không sử dụng THNCT ngoại trừ rung nhĩ [144].
Parolari (2005) phân tích tổng hợp 9 nghiên cứu lâm sàng có nhóm chứng ngẫu nhiên công bố trên y văn từ 1990 tới 2002. Số lượng 558 trường hợp mổ với kỹ thuật có sử dụng THNCT và 532 mổ với kỹ thuật không sử dụng THNCT. Nghiên cứu ghi nhận số cầu nối trung bình cho 1 trường hợp là 2 cầu nối. Kết luận cho phân tích này các tác giả cho biết kết cuộc chính gộp bao gồm tử vong, đột quỵ và NMCT trong 30 ngày sau mổ có xu hướng ủng hộ kỹ thuật không sử dụng THNCT nhưng không có ý nghĩa thống kê (OR=0,48, P=0,08, CI 95% là 0,21 - 1,09) [105].
Kuss (2010) phân tích gộp từ 8 cơ sở dữ liệu với 35 chỉ số được bắt cặp cho 123,137 bệnh nhân. Tỷ suất chênh (OR) < 1 cho toàn bộ các biến số và ủng hộ cho kỹ thuật không sử dụng THNCT. Lợi ích ghi nhận có ý nghĩa đối với kỹ thuật không sử dụng THNCT về: tỷ lệ tử vong (OR=0,69; 95% CI
0,60-0,75), tỷ lệ đột quỵ, suy thận và truyền máu (P <0,0001), nhiễm trùng vết mổ (P <0,001), thở máy kéo dài (P <0,01), phải sử dụng thuốc tăng co bóp cơ tim (P = 0,02) và đặt bóng dội ngược động mạch chủ (P =0,05). Tỷ suất chênh (OR) cho NMCT, rung nhĩ và phải mổ lại vì chảy máu không khác nhau có ý nghĩa [84].
Phân tích gộp của Moller (2012) với 86 nghiên cứu lâm sàng có nhóm chứng ngẫu nhiên trên 10.716 bệnh nhân. Mười nghiên cứu được đánh giá là có nguy cơ sai lệch ít. Phân tích toàn bộ các dữ liệu cho thấy không sử dụng THNCT làm tăng tỷ lệ tử vong vì tất cả các nguyên nhân (189/5.180 (3,7%) so với 160/5.144 (3,1%); RR 1,24, 95% CI 1,01 to 1,53; P =0,04). Ở nhóm có nguy cơ sai lệch ít thì kết quả này càng rõ hơn (154/2.485 (6,2%) so với 113/2,465 (4,6%), RR 1,35,95% CI 1,07 to 1,70; P =0,01). Nhóm không sử dụng THNCT ít cầu nối hơn (MD -0,28; 95% CI -0,40 tới -0,16, P <0,00001). Không khác biệt về tỷ lệ NMCT, đột quỵ, suy thận hay tỷ lệ phải can thiệp lại. Kỹ thuật không sử dụng THNCT giảm tỷ lệ rung nhĩ, nhưng ở nhóm có nguy cơ sai lệnh ít thì kết quả này không có ý nghĩa. Kết luận của tác giả là kỹ thuật không sử dụng THNCT không cho thấy có lợi so với có sử dụng THNCT về tỷ lệ tử vong, đột quỵ hay NMCT. Sống còn lâu dài tốt hơn ở nhóm có sử dụng THNCT.Với những kết quả này, nhóm có sử dụng THNCT nên được tiếp tục coi là kỹ thuật tiêu chuẩn trong PTBCĐMV. Tuy nhiên, kỹ thuật không sử dụng THNCT được chấp nhận khi có chống chỉ định đặt cannula vào động mạch chủ cũng như là chống chỉ định sử dụng máy tim phổi nhân tạo [96].