Phẫu thuật bắc cầu ĐMV xâm lấn tối thiểu (MIDCAB): kỹ thuật không sử dụng THNCT được Benetti mô tả năm 1985 với cầu nối cho 1 vùng cơ tim (thường là ở thành trước) qua đường mở ngực trước-bên còn gọi là phẫu thuật mạch vành xâm lấn tối thiểu [31]. Kỹ thuật sau đó được phát triển với sự hỗ trợ hình ảnh video, tuy nhiên vẫn còn hạn chế bởi đường tiếp cận thông qua đường mở ngực bên chỉ cho phép thực hiện được cầu nối cho 1 vùng cơ tim [46],[78],[108].
Phẫu thuật bắc cầu ĐMV hỗ trợ bằng robot: sử dụng robot vào phẫu thuật và phẫu thuật tim được thực hiện từ những năm 1990. Robot đã được nghiên cứu sử dụng theo các hướng kết hợp với THNCT và liệt tim (TECAB – Totally Endoscopic Coronary Artery Bypass) và không sử dụng THNCT (OP-TECAB – Off-Pump Totally Endoscopic Coronary Artery Bypass). Tuy nhiên, việc sử dụng robot vào phẫu thuật mạch vành chưa phát triển vì cả lý do chi phí quá cao và khả năng huấn luyện để mở rộng triển khai [46],[78],[108].
Kết hợp phẫu thuật xâm lấn tối thiểu và can thiệp qua da (Hybrid): kết hợp phẫu thuật xâm lấn tối thiểu bắc cầu ĐMNT vào nhánh LAD với can thiệp qua da các nhánh ĐMV khác được nghiên cứu thực hiện nhằm mục đích hạn chế xâm lấn ở những trường hợp có nguy cơ phẫu thuật cao đã mang lại những kết quả tương đối tốt ở giai đoạn sớm và trung hạn. Can thiệp qua da có thể được thực hiện đồng thời hoặc trước hay sau phẫu thuật. Tuy
nhiên, các nghiên cứu về chi phí-hiệu quả cho thấy sự kết hợp này không có lợi bằng phẫu thuật kinh điển [46],[78],[108].