Ở cấp độ vi mô, quản lý giáo dục trong phạm vi nhà trường có thể xem là đồng nghĩa với quản lý nhà trường.
Trường học là tổ chức giáo dục, là một đơn vị cấu trúc cơ sở của hệ thống giáo dục quốc dân. Do vậy xét về mặt bản chất trường học là một tổ chức mang tính Nhà nước- Xã hội – Sư phạm thể hiện bản chất của giai cấp, bản chất xã hội và bản chất sư phạm. Trường học là nơi trực tiếp làm công tác đào tạo, giáo dục thế hệ trẻ, nó là tế bào cơ sở, chủ chốt của bất cứ hệ thống giáo dục ở cấp nào (từ trung ương đến địa phương). “Trường học là thành tố khách thể cơ bản của tất cả các cấp quản lý giáo dục, vừa là hệ thống độc lập tự quản của xã hội. Do đó quản lý nhà trường nhất thiết phải vừa có tính nhà nước vừa có tính xã hội (nhà nước và xã hội cộng đồng và hợp tác trong việc quản lý nhà trường”.
Do vậy quản lý nhà trường được hiểu: Theo GS-TSKH Phạm Minh Hạc:
“ Quản lý nhà trường quản lý giáo dục là tổ chức hoạt động dạy học. Có tổ chức được hoạt động dạy học, thực hiện các tính chất của nhà trường phổ thông Việt Nam xã hội chủ nghĩa mới quản lý được giáo dục, tức là cụ thể hóa đường lối giáo dục của Đảng và biến đường lối đó thành hiện thực, đáp ứng yêu cầu của nhân dân, của đất nước”.[20]
Theo tác giả Nguyễn Ngọc Quang:
“Quản lý nhà trường là thực hiện đường lối giáo dục của Đảng trong phạm vi trách nhiệm của mình, tức là đưa nhà trường vận hành theo nguyên lý giáo dục, để tiến tới mục tiêu giáo dục, mục tiêu đào tạo đối với ngành giáo dục, với thế hệ trẻ và từng học sinh” [18].
Trên cơ sở quan niệm quản lý trường học ta thấy: quản lý trường học là tập hợp những tác động tối ưu của chủ thể quản lý đến tập thể giáo viên, học sinh và các bộ phận khác nhằm tận dụng các nguồn dự trữ do nhà nước đầu tư cũng như do
lực lượng các xã hội đóng góp, hoặc vốn tự có của nhà trường, hướng vào việc đẩy mạnh hoạt động của nhà trường mà tiêu điểm hội tụ là quá trình đào tạo, giáo dục thế hệ trẻ. Tất cả nhằm thực hiện có chất lượng mục tiêu và kế hoạch đào tạo, đưa nhà trường tiến lên trạng thái mới.
Quản lý nhà trường là hệ thống xã hội sư phạm chuyên biệt, hệ thống này đòi hỏi những tác động có ý thức, có kế hoạch và có hướng đích của chủ thể quản lý lên tất cả các mặt của đời sống nhà trường, để đảm bảo vận hành tối ưu xã hội kinh tế và tổ chức sư phạm của quá trình dạy học và quản lý giáo dục cho thế hệ trẻ
Mặt khác, quản lý trường học về bản chất là quản lý con người, điều đó tạo cho người dạy và người học một mối liên kết chặt chẽ không chỉ bởi cơ chế hoạt động theo những quy luật, tính quy luật khách quan của một tổ chức xã hội – nhà trường, mà còn bởi hoạt động chủ quan, hoạt động quản lý của chính bản thân giáo viên và học sinh trong nhà trường, giáo viên và học sinh vừa là chủ thể vừa là đối tượng quản lý. Với tư cách là đối tượng quản lý họ chịu sự tác động của chủ thể quản lý ( Hiệu trưởng ); Với tư cách là chủ thể quản lý, họ là người tham gia chủ động, tích cực vào các hoạt động quản lý chung và biến nhà trường thành hệ tự quản lý. Vì vậy mà việc quản lý nhà trường không chỉ là trách nhiệm riêng của người hiệu trưởng mà còn là trách nhiệm chung của các thành viên trong nhà trường.
Như vậy, có thể nói rằng quản lý nhà trường chính là quản lý quá trình giáo dục bao gồm các thành tố: Mục tiêu – Nội dung- Phương pháp – Giáo viên ( Người dạy ) – Học sinh ( Người học )- Kết quả.
Các thành tố này gắn bó mật thiết với nhau dưới sự tác động của Hiệu trưởng- Người quản lý trường học, tất cả vận hành theo một quỹ đạo chung nhằm đạt được mục tiêu kế hoạch đề ra và được thể hiện bởi sơ đồ sau:
Sơ đồ 1.2: Mối quan hệ giữa các thành tố của quá trình giáo dục:
Như vậy quản lý nhà trường chính là quản lý hoạt động lao động sư phạm của thầy, hoạt động học tập và tự giáo dục của trò diễn ra chủ yếu trong quá trình dạy học. Tuy nhiên, do tính quản lý nhà trường vừa mang tính nhà nước vừa mang tính xã hội nên trong quản lý nhà trường còn bao hàm quản lý đội ngũ, CSVC, tài chính, hành chính - quản trị... và quản lý các hoạt động phối kết hợp với các lực lượng xã hội để thực hiện mục tiêu giáo dục.