Công tác bổ nhiệm

Một phần của tài liệu Một số giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý của hiệu trưởng các trường mầm non huyện nga sơn, tỉnh thanh hóa (Trang 83)

Bổ nhiệm Hiệu trưởng là khâu quan trọng trong công tác quản lý cán bộ. Vì Hiệu trưởng là người đứng đầu đơn vị có tác động đến chất lượng giáo dục, hiệu quả hoạt động và sự phát triển của nhà trường “Thủ trưởng nào phong trào ấy”. Do vậy việc lựa chọn và bổ nhiệm người có đủ phẩm chất và năng lực làm Hiệu trưởng nhà trường có tác dụng vừa củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, góp phần xây dựng nhà trường vững mạnh và cũng vừa làm căn cứ để các cấp quản lý xây dựng quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng và thực hiện các chính sách đối với cán bộ; Đồng thời qua việc lựa chọn, bổ nhiệm, hiệu trưởng được nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý, chất lượng công tác; tự đánh giá mặt mạnh, mặt yếu của mình để có biện pháp rèn luyện, phấn đấu, vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Việc bổ nhiệm được thực hiện theo Quyết định số 27/2003/QĐ-TTg ngày 19/02/2003 của Thủ tướng Chính phủ; Nghị định số 116/2003/NĐ-CP ngày 10/10/2003 của Chính phủ. Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá VIII cũng đã nêu: “Thực hiện chế độ bổ nhiệm có thời hạn. Hết thời hạn giữ chức vụ, cấp có thẩm quyền căn cứ vào mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ và yêu cầu công tác để xem xét quyết định có tiếp tục bổ nhiệm cán bộ giữ chức vụ đó nữa hay không”, “Phải đảm bảo nguyên tắc tập trung dân chủ trong công tác cán bộ để bố trí đúng người, đúng việc, đúng lúc và đúng chỗ” [12].

Thực hiện bổ nhiệm Hiệu trưởng trường MN cần bảo đảm các yêu cầu sau: Người được bổ nhiệm Hiệu trưởng phải thuộc nguồn quy hoạch.

Người được bổ nhiệm Hiệu trưởng phải có đủ tiêu chuẩn theo quy định tại Điều 16 Điều lệ trường mầm non Ban hành kèm theo Quyết định số: 14/2008/ QĐ -BGDĐT ngày 07 tháng 4 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Công tác bổ nhiệm phải thực hiện đúng quy trình, đảm bảo quy chế dân chủ và công khai, tránh nể nang, bè cánh.

- Công tác miễn nhiệm

Việc miễn nhiệm Hiệu trưởng trường MN là một giải pháp không thể thiếu của công tác tổ chức cán bộ nhằm làm trong sạch bộ máy, tạo môi trường lành

mạnh cho nhân tố mới phát triển, kịp thời củng cố, đảm bảo sự ổn định tích cực cho toàn bộ máy.

Khi miễn nhiệm cần bảo đảm các yêu cầu:

Trong thời hạn đảm nhiệm chức vụ vì lý do sức khoẻ hoặc vì hoàn cảnh cá nhân không thể đảm nhận chức vụ nữa thì được tự nguyện từ chức, miễn chức; Người không hoàn thành nhiệm vụ, không đảm đương nổi công việc, hoặc có sai phạm, uy tín giảm sút nếu không tự nguyện dù chưa hết nhiệm kỳ thì các cấp quản lý có thẩm quyền có biện pháp kịp thời miễn chức, cách chức.

Việc miễn nhiệm cần đúng đối tượng, đúng thời điểm, là giải pháp cần thiết làm cho đội ngũ hiệu trưởng trường mầm non luôn được sàng lọc, được bổ sung, đem lại niềm tin cho cán bộ, giáo viên và nhân dân trong đơn vị tạo ra môi trường lành mạnh, ổn định và có tác dụng giáo dục cán bộ.

Cần mạnh dạn thực hiện tốt việc miễn nhiệm để thực hiện phương châm lên có xuống, có vào có ra coi đây là việc làm bình thường trong công tác bố trí sử dụng cán bộ; tránh tình trạng Đã lên không xuống, đã vào không ra.

Một phần của tài liệu Một số giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý của hiệu trưởng các trường mầm non huyện nga sơn, tỉnh thanh hóa (Trang 83)