Nội dung đào tạo bồi dưỡng đội ngũ Hiệu trưởng nằm trong nội dung đào tạo bồi dưỡng cán bộ công chức Nhà nước đã được qui định trong Quyết định 847/QĐ- TTg ngày 20/11/1996 của Thủ tướng Chính phủ, bao gồm 6 nội dung cơ bản sau:
1. Đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị, cập nhật đường lối chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước.
2. Đào tạo, bồi dưỡng kiến thức hành chính của Nhà nước.
3. Đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về quản lý Nhà nước trong nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN.
4. Đào tạo, bồi dưỡng kiến thức quản lý các lĩnh vực chuyên môn nghiệp vụ kỹ năng nghề nghiệp.
5. Đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ.
6. Trang bị những kiến thức cơ bản về tin học.
Căn cứ vào 6 nội dung cơ bản này Bộ trưởng Bộ giáo dục và đào tạo đã ra Quyết định số 3481/GD-ĐT ngày 01/11/1997 ban hành chương trình bồi dưỡng cán bộ công chức Nhà nước của ngành giáo dục - đào tạo.
- Nội dung
1. Về đường lối chính sách
Cung cấp, trang bị cho học viên những quan điểm cơ bản của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội nói chung và phát triển giáo dục nói riêng trong giai đoạn hiện nay.
2. Về quản lý hành chính Nhà nước
Trang bị cho học viên những kiến thức cơ bản về Nhà nước và quản lý hành chính Nhà nước.
3. Về quản lý giáo dục - đào tạo
Cung cấp cho học viên cả về phương pháp luận cả về kỹ năng quản lý giáo dục - đào tạo.
Những nội dung trên đây được xây dựng thành các chương trình để đào tạo, bồi dưỡng một cách hệ thống.
Hiện nay đất nước ta đang trong thời kỳ hội nhập quốc tế nên trong đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ Hiệu trưởng cũng cần cập nhật thông tin, tăng cường bồi dưỡng thêm về một số nội dung sau:
Đào tạo, bồi dưỡng về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực lãnh đạo, năng lực quản lý tiếp cận với nền giáo dục tiên tiến thế giới;
Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao bản lĩnh chính trị tư tưởng, phẩm chất đạo đức, lương tâm nghề nghiệp, tinh thần tự chủ, tự tin trong hội nhập quốc tế;
Đào tạo, bồi dưỡng những kiến thức chung về hội nhập kinh tế quốc tế và hội nhập quốc tế trong lĩnh vực giáo dục;
Đào tạo, bồi dưỡng những nét văn hoá đặc trưng các vùng miền, các dân tộc để đội ngũ hiệu trưởng có thêm hiểu biết nhằm phát huy tốt công tác xã hội hóa giáo dục và xây dựng xã hội học tập hiện nay.