1.2.2.1. Mục đích của việc giáo dục pháp luật cho học sinh
Công tác dạy học, GDPL cho học sinh THPT có vị trí vô cùng quan trọng trong quá trình xây dựng đội ngũ những người lao động phục vụ sự nghiệp CNH, HĐH, xây dựng Nhà nước xã hội chủ nghĩa hiện nay. Là một bộ phận của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, là trách nhiệm của toàn bộ hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong đó, nhà trường đóng vai trò chủ đạo; là khâu then chốt, quan trọng để chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước thực sự đi vào cuộc sống xã hội, đi vào ý thức, hành động của từng học sinh - chủ thể trong xã hội.
GDPL là cầu nối để chuyển tải pháp luật vào cuộc sống. Nói cách khác, quá trình đưa pháp luật vào cuộc sống được bắt đầu bằng hoạt động GDPL cho học sinh. Thực hiện pháp luật dù bằng hình thức nào - tuân thủ, thi hành pháp luật, sử dụng (vận dụng) pháp luật hay áp dụng pháp luật. Đó là mục tiêu, là biểu hiện đầu tiên của hiệu quả pháp luật ở nước ta. Thể hiện:
Trước hết, mục tiêu của GDPL là làm cho học sinh có có hiểu biết pháp
luật. Nếu không nhận thức đầy đủ vị trí quan trọng và không thực hiện tốt công tác GDPL thì dù công tác xây dựng pháp luật có làm tốt đến mấy cũng không đạt được hiệu quả thực thi pháp luật. Pháp luật của Nhà nước không phải khi nào cũng được mọi người trong xã hội biết đến, tìm hiểu, đồng tình ủng hộ và thực hiện nghiêm chỉnh, đặc biệt là lứa tuổi học sinh THPT khi sự hiểu biết của các em về bản chất, vai trò, vị trí và các quy định của pháp luật đối với đời sống còn rất hạn chế. Tuy rằng bản chất pháp luật của Nhà nước ta là tốt đẹp, nó phản
ánh ý chí, nguyện vọng, mong muốn của đông đảo quần chúng nhân dân trong xã hội. Tuy nhiên, dù những quy định pháp luật có tốt đẹp nhưng không được HS - người công dân tương lai biết đến, và thực hiện với ý thức, thái độ tự giác thì rất khó đưa pháp luật đi vào cuộc sống.
GDPL chính là phương tiện truyền tải những thông tin, những yêu cầu, nội dung và các quy định pháp luật đến với HS, giúp cho HS hiểu biết, nắm bắt pháp luật kịp thời mà không mất quá nhiều thời gian, công sức cho việc tự tìm hiểu, tự học tập. Đó chính là phương tiện hỗ trợ tích cực để nâng cao hiểu biết pháp luật cho HS.
Thứ hai, GDPL nhằm hình thành lòng tin vào pháp luật cho học sinh
Pháp luật chỉ có thể được HS thực hiện nghiêm chỉnh khi các em tin tưởng vào những quy định của pháp luật. Pháp luật được xây dựng là để bảo vệ quyền và lợi ích của nhân dân, trong đó có học sinh, đảm bảo lợi ích chung của cộng đồng, đảm bảo công bằng và dân chủ xã hội. Khi nào HS nhận thức đầy đủ được như vậy thì pháp luật không cần một biện pháp cưỡng chế nào mà HS vẫn tự giác thực hiện.
Để tạo lập niềm tin vào pháp luật cho HS đòi hỏi sự kết hợp của nhiều yếu tố. Một trong các yếu tố đóng vai trò quan trọng là GDPL để HS hiểu biết về pháp luật, hiểu biết về quá trình thực hiện và áp dụng pháp luật. Pháp luật cũng như mọi hiện tượng khác trong xã hội bao giờ cũng có hai mặt, không phải lúc nào nó cũng thoả mãn hết, phản ánh được đầy đủ nguyện vọng, mong muốn của tất cả mọi người trong xã hội. Quá trình điều chỉnh pháp luật sẽ lấy lợi ích của đông đảo nhân dân trong xã hội làm tiêu chí, thước đo, do đó sẽ có một số ít không thoả mãn được. Ví dụ, một bộ phận học sinh có biểu hiện yêu sớm, muốn sống thử hoặc rất nhiều học sinh có nhu cầu đi xe máy có phân khối lớn đến trường nhưng vì các quy định pháp luật cấm điều này. Chính các yếu tố hạn chế của các quy định pháp luật càng tạo nên sự cần thiết của công tác GDPL để HS
hiểu đúng pháp luật, đồng tình ủng hộ pháp luật. Có như vậy mới hình thành lòng tin vào pháp luật ở đông đảo HS.
Thứ ba, GDPL góp phần cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật của
học sinh
Ý thức pháp luật của HS được hình thành từ hai yếu tố đó là tri thức pháp luật và tình cảm pháp luật;
Tri thức pháp luật là sự hiểu biết pháp luật của HS có được qua việc dạy học, giáo dục và tìm hiểu pháp luật, qua quá trình tích luỹ kiến thức của hoạt động giáo dục khác trong nhà trường và trong cuộc sống. Tình cảm pháp luật chính là trạng thái tâm lý của HS khi thực hiện và áp dụng pháp luật, các em có thể đồng tình ủng hộ với những hành vi thực hiện đúng pháp luật, lên án các hành vi vi phạm pháp luật.
Ý thức tự giác chấp hành pháp luật của HS chỉ có thể được nâng cao khi công tác GDPL cho HS được tiến hành thường xuyên, kịp thời và có hình thức, phương pháp thích hợp. GDPL không đơn thuần là phổ biến các văn bản pháp luật đang có hiệu lực mà còn lên án các hành vi vi phạm pháp luật, đồng tình ủng hộ các hành vi thực hiện đúng pháp luật, hình thành dư luận và tâm lý đồng tình ủng hộ với hành vi hợp pháp, lên án các hành vi vi phạm pháp luật.
GDPL nhằm hình thành, củng cố tình cảm tốt đẹp của con người với pháp luật, đồng thời ngày càng nâng cao sự hiểu biết của HS đối với các văn bản pháp luật và các hiện tượng pháp luật trong đời sống, từ đó nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật của HS.
Thứ tư, GDPL góp phần nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà
trường, quản lý xã hội
Vai trò quan trọng này của công tác GDPL bắt nguồn từ chính vai trò và giá trị xã hội của pháp luật là phương tiện hàng đầu để Nhà nước thực hiện quản lý xã hội, trong đó có quản lý của các nhà trường, quản lý của giáo viên đối với học sinh. GDPL giúp cho HS có tri thức pháp lý, tình cảm pháp luật đúng đắn và
hành vi hợp pháp mà cụ thể ở đây là các em bắt đầu tiếp cận và thực hiện những quy định của nhà trường về việc chấp hành giờ giấc học tập, rèn luyện; chấp hành những quy định về trang phục, về quy tắc ứng xử trong nhà trường, tôn trọng bạn bè, lễ phép với thầy cô, gương mẫu đi đầu trong học tập và lao động... đó là những phẩm chất quan trọng tạo tiền đề cho việc quản lý hiệu quả của nhà trường đối với học sinh, phát huy dân chủ và quyền tự do của mỗi người, xây dựng “trường học thân thiện, học sinh tích cực” theo tinh thần phong trào thi đua do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phát động từ những năm học trước.
GDPL đồng thời tạo ra khả năng đổi mới nội dung, phương pháp dạy học, phát hiện và từng bước hạn chế những hiện tượng tiêu cực, tư tưởng chống đối pháp luật diễn ra trong quá trình quản lý, giáo dục học sinh.
1.2.2.2. Vai trò, ý nghĩa của giáo dục pháp luật cho học sinh trung học phổ thông
Trong sự phát triển của xã hội ngày nay, vấn đề giáo dục nhân cách, lối sống tuân thủ pháp luật, thực hiện đúng các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với học sinh phổ thông là vấn đề có ý nghĩa hết sức quan trọng. Nhiều học sinh đã không biết đến vai trò của pháp luật trong đời sống xã hội, coi pháp luật chỉ là những văn bản trong đó chứa đựng những điều cấm có tính chất hình thức, không có sự liên quan ảnh hướng đến cuộc sống và hành vi của các em.
Thực tế cho thấy, pháp luật góp phần bảo vệ các giá trị chân chính, liên quan đến hành vi đến lợi ích của con người và xã hội. Pháp luật tham gia điều chỉnh quan hệ xã hội bằng những quy phạm, điều khoản quy định các quyền và nghĩa vụ của chủ thể. Các quy phạm pháp luật quy định chi tiết các hành vi được phép và hành vi bị cấm đoán. Đồng thời, còn xác định cụ thể cách cư xử lẫn những hình phạt sẽ áp dụng nếu chủ thể vi phạm. Ngoài ra, pháp luật còn thực hiện điều chỉnh mối quan hệ giữa con người và xã hội bằng sự bắt buộc, cưỡng chế từ bên ngoài. Do vậy, có thể nói pháp luật không những là công cụ để quản
lý Nhà nước, mà còn là môi trường thuận lợi cho sự hình thành và phát triển ý thức đạo đức, lối sống của con người. Tính nhất quán trong giáo dục pháp luật là tác động đến học sinh, thông qua việc hình thành lòng tin đối với sự cần thiết tuân theo những nguyên tắc cơ bản những giá trị xã hội của pháp luật; tác động vào lòng tin đối với những quy phạm đơn giản trong đời sống thực tế hàng ngày hướng đến hoàn thiện trong mối quan hệ lẫn nhau giữa con người.
Giáo dục pháp luật là một quá trình phức tạp của một chuỗi những tác động bên ngoài lên cấu trúc tâm lý của các em nhằm định hướng đến hình thành mục đích, sự định hướng giá trị, những nét đặc trưng về phẩm chất, ý chí, năng lực, tính cách của con người. Do vậy, giáo dục pháp luật đảm bảo sự điều chỉnh từ bên ngoài đối với hành vi của con người. Bởi vì lòng tin sẽ chuyển thành mục đích, định hướng giá trị và thành hành động. Như vậy, cái đích cuối cùng của công tác giáo dục pháp luật cho học sinh được thể hiện cuối cùng ở hành vi hợp pháp.
Nhận thức sâu sắc vai trò của giáo dục pháp luật có ý nghĩa trực tiếp to lớn đến việc tăng cường giáo dục pháp luật cho học sinh, sẽ giúp chúng ta có được những định hướng đúng đắn khi lập kế hoạch, tổ chức thực hiện dạy học pháp luật, định hướng hành vi lành mạnh, phù hợp cho học sinh trong nhà trường phổ thông hiện nay.
Thực tiễn đã chỉ ra rằng, xã hội càng phát triển giáo dục pháp luật càng phải được coi trọng, không thể thay thế giáo dục pháp luật, bằng một nội dung giáo dục khác với hi vọng con người sẽ tin tưởng và chấp hành tuyệt đối, điều cần phải làm hiện nay là đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục sao cho hiệu quả nhất, phù hợp nhất để giáo dục nhân cách của con người Việt Nam. Xu hướng những kẻ phạm tội ở tuổi vị thành niên ngày càng nhiều làm dấy lên những lo lắng, quan ngại trong dư luận xã hội. Có thể nhận thấy, ngoài những nhân tố như: hoàn cảnh, môi trường sống, phương pháp giáo dục của gia đình, một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn tới tình trạng trên là những khoảng trống chưa được khỏa lấp trong công tác giáo dục pháp luật cho học
sinh. Chính những nhận thức, hiểu biết về pháp luật còn hạn chế, mơ hồ đã dẫn đến ý thức chấp hành pháp luật chưa tốt, thậm chí là có những hành vi coi thường pháp luật. Chỉ đến khi bị các cơ quan chức năng phát hiện, xử lý thì mọi sự đã muộn, những hậu quả đáng tiếc đã xảy ra.
Vì vậy, việc giáo dục pháp luật cho học sinh trung học phổ thông (THPT) có vai trò đó là: Góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, quản lý xã hội; góp phần nâng cao ý thức pháp luật, văn hóa pháp lý cho học sinh, nâng cao trách nhiệm thi hành pháp luật, giảm các tệ nạn xã hội; xây dựng các quan hệ xã hội hài hòa trên tinh thần tôn trọng đề cao pháp luật. Mục đích của giáo dục pháp luật là nhằm hình thành, làm sâu sắc mở rộng hệ thống tri thức pháp luật cho học sinh; hình thành, bồi dưỡng niềm tin pháp luật cho học sinh; giáo dục ý thức nhân cách, rèn luyện thói quen, hành vi tuân thủ pháp luật.
Từ sự phân tích trên đây cho thấy, đặc điểm của giáo dục pháp luật cho học sinh THPT là một quá trình phức hợp nhiều yếu tố từ việc xác định vai trò vị trí của giáo dục pháp luật đối với công dân tương lai đến việc xác định nội dung kiến thức, tính liên tục, liên thông và đồng tâm của các ngành luật và đặc điểm tâm sinh lý cho học sinh đối với quá trình nhận thức. Điểm hạn chế hiện nay là chương trình hiện hành chú trọng quá nhiều vào bản chất, vào quyền và nghĩa vụ của một công dân tương lai, trong khi mục tiêu, nội dung, hình thức giáo dục pháp luật mà Đảng, Nhà nước ta chú trọng là nghững ngành luật gần gũi, liên quan đến đời sống hằng ngày của các em.