- Xét về tính phù hợp của mô hình
Trong các mô hình giới thiệu trên mỗi mô hình đều có những ưu điểm riêng. Tuy nhiên xét về tính phù hợp của mô hình thì mô hình O- Score của Ohlson là mô hình dự báo dựa trên phương pháp tiến bộ hơn so với mô hình Z- Score của Altman. Mô hình O– Score bên cạnh việc xây dựng mô hình dự báo còn đánh giá được xác suất phá sản do đó có thuận tiện khi áp dụng trong thực tế, mang tính thực tiễn cao so với việc xác định các ngưỡng thường không phản ánh được một cách chính xác. Bởi việc xác định các ngưỡng chỉ mang tính tương đối và dễ dẫn đến việc đánh giá sai lệch đối với các quan sát nằm gần các ngưỡng. Trong khi đó xác suất phá sản đem lại cho người dùng cái nhìn khách quan hơn và việc đánh giá nguy cơ phá sản tuỳ thuộc vào khả năng chấp nhận rủi ro của người sử dụng mô hình.
Hơn nữa đối với trường hợp biến phân loại là biến nhị phân thì phương pháp phân tích hồi quy Binary Logistic là phương pháp sử dụng phổ biến hơn vì nhiều lý do. Thứ nhất, các điều kiện trong phương pháp Binary Logistic đơn giản hơn so với MDA. Thứ hai, phương pháp này cũng cho phép các biến độc lập đưa vào phân tích đa dạng hơn. Cụ thể biến độc lập có thể là biến định lượng, biến định tính hoặc thang đo trong khi phương pháp MDA chỉ áp dụng đối với trường hợp biến độc lập là biến định lượng.
45
Phương pháp Binary Logistic cũng đồng thời cho mức độ dự báo cao là một công cụ mạnh trong hỗ trợ xây dựng mô hình dự báo. Do đó trong nội dung bài luận văn này sử dụng mô hình O- Score là mô hình cơ sở từ đó xây dựng nên một mô hình dự báo phá sản cho thị trường Việt Nam dựa trên nền tảng các biến cũng như kỹ thuật được áp dụng trong mô hình O- Score.
Ở chương tiếp theo sẽ trình bày cụ thể về kỹ thuật hồi quy Binary Logistic và các biến sử dụng trong phân tích.
- Xét về điều kiện của các doanh nghiệp lựa chọn trong nghiên cứu
Trong nghiên cứu của Ohlson 1980 thì các doanh nghiệp phá sản được chọn là những trường hợp thoả 3 điều kiện sau: (1) được liệt kê trong chương 10, chương 11 và các doanh nghiệp đang trong tiến trình phá sản; (2) Là những doanh nghiệp có cổ phiếu được niêm yết trên thị trường chính thức hoặc giao dịch phi tập trung; (3) Các doanh nghiệp này phải thuộc nhóm ngành công nghiệp. Điều kiện thứ hai cho thấy mô hình của O-Score loại bỏ việc nghiên cứu các doanh nghiệp có quy mô quá nhỏ. Việc lựa chọn các doanh nghiệp trong nhóm ngành công nghiệp để loại bỏ các nhóm ngành vận tải, các nhóm ngành tài chính vốn là những nhóm có cơ cấu tài chính khác biệt và điều kiện phá sản khác so với các doanh nghiệp bình thường. Nhìn chung thì việc lựa chọn này không có sự khác biệt so với cách thức chọn mẫu thực hiện trong bài nghiên cứu này chính là xem xét đối với các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường, có quy mô vốn tương đối và không xem xét các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tài chính. Xét về sự phù hợp về điều kiện kinh tế trong ứng dụng mô hình ta thấy mô hình của Ohlson được xây dựng trên môi trường quốc gia phát triển sẽ có những khác biệt so với thị trường đang phát triển như ở Việt Nam. Song có một điều đáng lưu ý là trong các nghiên cứu thực hiện trên cơ sở kiểm chứng những mô hình dự báo phá sản trước đó đã cho thấy một kết luận: Các mô hình dự báo phá sản như O-Score vẫn có khả năng dự báo nhất định ở nhiều quốc gia mà điều kiện kinh tế, đặc trưng hoạt động của doanh nghiệp có nhiều sự khác biệt như ở thị trường Tehran, Thái Lan, Trung Quốc…
46
Xét về sự khác biệt trong khái niệm phá sản ở các quốc gia khi ứng dụng. Mô hình O-Score đã được kiểm chứng thực nghiệm đối với các khái niệm phá sản khác nhau vẫn có khả năng đảm bảo tốt như đã đề cập ở trên. Do đó khi ứng dụng vào thị trường Việt Nam với khái niệm phá sản có sự khác biệt vẫn hoàn toàn có đủ cơ sở kỳ vọng đem lại khả năng dự báo tốt.
Dựa vào những yếu tố đó cho thấy việc sử dụng mô hình O-Score của Ohlson là hoàn toàn phù hợp cho việc áp dụng và kiểm định trên thị trường Việt Nam.
TÓM TẮT CHƯƠNG 2
Chương 2 đã trình bày khái niệm phá sản được sử dụng ở các quốc gia. Trong chương này tác giả cũng đề cập đến một số thực trạng diễn ra trong nền kinh tế Việt Nam giai đoạn hiện nay cũng với những nguyên nhân dẫn đến phá sản. Đây là một trong những cơ sở trong việc nghiên cứu hiện tượng phá sản trong nền kinh tế. Bên cạnh đó, tác giả cũng giới thiệu các mô hình dự báo phá sản được xây dựng trên thế giới từ đó dựa trên việc xem xét tính phù hợp, phương pháp và bộ dữ liệu mẫu tác giả thu thập nhằm giải thích cho việc lựa chọn mô hình O- Score cũng như phương pháp hồi quy Binary Logistic để thực hiện kiểm định trên thị trường Việt Nam.
47
CHƯƠNG 3: PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU