42 Đề tài khoa học cấp Bộ “Cơ sở lý luận và thực tiễn áp dụng kiểm toán điều tra trong điều kiện hiện nay của kiểm
5.4.2.1. Đổi mới việc xây dựng kế hoạch thanh tra hàng năm
Xác định rõ mục tiêu và yêu cầu thanh tra
Việc xác định rõ mục tiêu và yêu cầu thanh tra được đưa vào kế hoạch thanh tra hàng năm phải căn cứ trên cơ sở tham khảo hoặc trực tiếp tham gia quyết toán với Phòng TC-KH, làm việc với Chi cục thuế quận về tình hình nộp thuế, nợ đọng thuế của các đơn vị sự nghiệp có thu, các doanh nghiệp, và đặc biệt chú trọng vào khai thác các thông tin khiếu nại tố cáo (nếu có) để từ đó có định hướng trọng tâm, trọng điểm thanh tra ngay từ đầu như lựa chọn niên độ thanh tra, nội dung khoản mục nào nghi ngờ cần thiết phải thanh tra, qua đó tránh được việc đưa vào kế hoạch thanh tra quá nhiều nội dung dẫn đến thanh tra dàn trải, tăng rủi ro không phát hiện, tốn nhiều thời gian nhưng lại không mang lại hiệu quả cao.
Xác định đối tượng thanh tra
Do số đoàn thanh tra thực hiện được trong năm tại Thanh tra Quận 10 có giới hạn, chỉ từ 6 đến 7 đoàn nên việc lựa chọn đối tượng thanh tra là cần thiết và phải căn cứ vào việc xác định rõ mục tiêu và yêu cầu thanh tra sẽ để xác định được đúng đối tượng cần thanh tra là các cá nhân hay tổ chức đang vi phạm pháp luật về tài chính, hoặc có dấu hiệu bất minh, không rõ ràng về tình hình quản lý tài chính.
Bên cạnh đó, Thanh tra Quận 10 khi thực hiện việc lập kế hoạch thanh tra hàng năm cũng nên chủ động lựa chọn đối tượng bằng việc thực hiện phân tích BCTC ít nhất 2 niên độ để tìm kiếm dấu hiệu bất thường (nếu có) trong quá trình xác định đối tượng. Điều này sẽ giúp giảm thiểu bỏ sót không thanh tra các đơn vị thực sự có sai phạm tài chính.
Xây dựng nội dung và phạm vi thanh tra đối với từng đơn vị
Nội dung thanh tra được xây dựng dựa trên thẩm quyền thanh tra theo luật định và trên cơ sở khảo sát sàng lọc, phân tích BCTC, xác định rõ mục tiêu, yêu cầu và xác định được đối tượng thanh tra. Nội dung phải rõ ràng, nhắm đến làm rõ việc có hay không có sai phạm tài chính, làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân hay tập thể trong việc chấp hành chính sách và tuân thủ pháp luật về thuế, quản lý thu chi tài chính, quản lý và sử dụng tài sản nhà nước của các đơn vị, tình hình thực hiện các chỉ tiêu kinh tế, ký kết hợp đồng dịch vụ, mua sắm tài sản, đầu tư XDCB….
Phạm vi thanh tra có thể là 1 năm hoặc 2 năm tùy theo dấu hiệu nghi ngờ và theo khả năng về nguồn nhân lực hiện có của thanh tra. Tuy nhiên, tốt nhất là giới hạn trong 1 niên độ tài chính, khi thanh tra nếu phát hiện có sai phạm thì tùy theo mức độ có thể mở rộng niên độ thanh tra đối với những sai phạm cụ thể để làm rõ toàn bộ bản chất vấn đề, xác định đúng mức độ sai phạm của cá nhân hay tập thể, xuất toán, truy thu hoàn nộp NSNN, kiến nghị xử lý trách nhiệm hoặc chuyển sang cơ quan điều tra nếu vụ việc có tính chất nghiêm trọng đến mức phải xử lý hình sự theo pháp luật quy định.
Cơ chế phối hợp trong thanh tra
Việc tham mưu đề xuất UBND quận ban hành quyết định thanh tra cần cơ cấu thành viên của các phòng ban có liên quan vào đoàn thanh tra để có cơ chế phối hợp, tận dụng kiến thức, kinh nghiệm chuyên ngành của từng thành viên trên cơ sở phân định, phân công công việc cụ thể cho từng thành viên đoàn thanh tra, tổ chức làm việc theo nhóm, tổ chức phản biện từng khoản mục nội dung nhận xét, phát hiện sai phạm, hoặc nghi vấn để đi đến kết quả thống nhất chung, tránh việc tùy tiện quy kết suy diễn không có cơ sở pháp lý, áp dụng sai văn bản quy phạm pháp luật
hoặc áp dụng văn bản đã hết hiệu lực, tránh việc cơ cấu nhiều thành viên, nhưng thực tế giao toàn bộ công việc thanh tra cho một vài cá nhân nào đó gây áp lực về khối lượng công việc, tiến độ, thời gian, dẫn đến làm tăng rủi ro bỏ sót, không phát hiện được gian lận.