Trong thời gian qua, việc xác định tỷ giá của VND với các ngoại tệ chủ yếu dựa trên cơ sở xác định tỷ giá giữa VND với USD. Sau khi xác định được tỷ giá giữa VND và USD, các ngân hàng căn cứ vào tỷ giá này để xác định tỷ giá giữa VND với các ngoại tệ khác như: bảng Anh, Yên Nhật…
Việc gắn VND với USD, thông qua việc xác định tỷ giá các ngoại tệ như trên cũng có mặt thuận lợi vì USD là một trong những đồng tiền chủ yếu sử dụng trong thanh toán quốc tế và hầu hết các thanh toán của Việt Nam với nước ngoài cũng như các nguồn thu ngoại tệ chủ yếu đều bằng USD. Do đó, việc gắn đồng Việt Nam với USD trước hết là phù hợp với tình hình thực tế của Việt Nam, làm đơn giản hóa việc xác định tỷ giá VND với các ngoại tệ khác. Tuy nhiên, điều này chỉ có tác dụng tích cực khi giá trị của đồng USD ổn định trên các thị trường tài chính quốc tế. Song khi USD lên giá so với các ngoại tệ khác thì cũng có nghĩa là VND lên giá so với các ngoại tệ đó, điều đó ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng cạnh tranh quốc tế của hàng Việt Nam, hạn chế xuất khẩu, khuyến khích nhập khẩu, góp phần làm cho cán cân tài khoản vãng lai bị thâm hụt lớn.
Hiện nay, ngoài USD có nhiều loại ngoại tệ có giá trị thanh toán quốc tế như EUR, JPY, CAD, GBP. Điều này tạo điều kiện cho Việt Nam có thể thực hiện chính sách đa ngoại tệ trong thanh toán quốc tế và điều hành chính sách tỷ giá. Ngoài gắn với USD, chúng ta nên lựa chọn những ngoại tệ mạnh để thanh toán và dự trữ, bao gồm một số đồng tiền của những nước mà chúng ta có quan hệ thanh toán, thương mại và có quan hệ đối ngoại chặt chẽ nhất để làm cơ sở cho việc điều chỉnh tỷ giá của
VND ví dụ như đồng EURO, yên Nhật , bởi vì Châu Âu là một thị trường lớn và là một đối tác quan trọng của Việt Nam trong lĩnh vực thương mại và đầu tư; đồng thời nước ta có giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu rất lớn với Nhật Bản, đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản thuộc vào nhóm các nước dẫn đầu, tín dụng của Chính phủ và các ngân hàng Nhật Bản vào loại nhiều nhất. Bên cạnh đó, chúng ta cần phải tính đến sự biến động tiền tệ ở một số nước khác có quan hệ thương mại, đầu tư và tài chính lớn với Việt Nam cũng như các nước là đối thủ cạnh tranh chính của Việt Nam trên thị trường quốc tế như Trung Quốc và Thái Lan. Ngoài ra, do Việt Nam có quan hệ ngoại thương với nhiều nước nên việc neo tiền đồng vào rổ tiền với trọng số của từng đồng tiền phản ánh xu hướng mậu dịch quốc tế của Việt Nam cho phép đánh giá chính xác hơn sức mua của tiền đồng và tác động của của nó đối với sức cạnh tranh xuất nhập khẩu với các đối tác thương mại chủ yếu. Vì thế, điều hành chính sách tỷ giá nên ngày càng giảm bớt sự lệ thuộc của tiền đồng vào đô la Mỹ.
Bên cạnh chính sách đa ngoại tệ trong lĩnh vực thanh toán, cần có định hướng về đa ngoại tệ trong dự trữ ngoại hối. Đồng thời, Nhà nước cũng nên có chính sách khuyến khích các công ty xuất nhập khẩu đa dạng hoá cơ cấu tiền tệ trong giao dịch thương mại quốc tế để nâng cao sự cân đối cung, cầu ngoại tệ, qua đó góp phần đa dạng hóa tiền tệ của nền kinh tế một cách cân đối hơn.