Người dân, các nhà đầu cơ, các ngân hàng và các tổ chức kinh doanh ngoại tệ là các tác nhân trực tiếp giao dịch trên thị trường ngoại hối. Hoạt động mua bán của họ tạo nên cung cầu ngoại tệ trên thị trường. Các hoạt động đó lại bị chi phối bởi yếu tố tâm lý, các tin đồn cũng như các kỳ vọng vào tương lai. Khi nhà đầu cơ dự đoán giá của một ngoại tệ nào đó trong thời gian tới sẽ tăng, họ sẽ dùng nội tệ mua ồ ạt số lượng ngoại tệ trên thị trường làm cho ngoại tệ này trở nên khan hiếm dẫn đến tỷ giá ngoại tệ sẽ tăng. Ngược lại, nếu có một dự đoán ngoại tệ nào đó sẽ sụt giá thì sẽ hiện tượng bán mạnh số ngoại tệ đó ra thị trường làm cung vượt cầu, do đó tỷ giá sẽ giảm.
Chẳng hạn, tin về gia tăng lạm phát tiềm ẩn ở Mỹ có thể làm những nhà đầu cơ bán đồng đôla vì cho rằng đôla sẽ giảm giá trong tương lai. Điều này sẽ gây áp lực làm giảm giá đồng đôla ngay lập tức. Trong suốt thời gian của cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á, nhiều ngân hàng thương mại trên thế giới đã bán tháo các đồng tiền các nước châu Á để mua những đồng tiền khác vì họ đánh giá rằng đồng tiền các nước châu Á được đánh giá cao hơn giá trị thực của chúng. Hành vi này đã gây sức ép giảm
giá các đồng tiền của châu Á và các ngân hàng thương mại đã bị một số người chỉ trích là đã hành động làm tăng thêm sự yếu kém của các đồng tiền này. Điều này giải thích tại sao, giá ngoại tệ hiện tại lại phản ánh các kỳ vọng của dân chúng trong tương lai. Nếu mọi người kỳ vọng rằng tỷ giá hối đoái sẽ tăng trong tương lai, mọi người đổ xô đi mua ngoại tệ thì tỷ giá sẽ tăng ngay trong hiện tại. Mặt khác, giá ngoại tệ rất nhạy cảm với thông tin cũng như các chính sách của chính phủ. Nếu có tin đồn rằng Chính phủ sẽ hỗ trợ xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu để giảm thâm hụt thương mại, mọi người sẽ đồng loạt bán ngoại tệ và tỷ giá hối đoái sẽ giảm nhanh chóng.