Việc xác định một chính sách tỷ giá phù hợp đối với từng giai đoạn phát triển của một quốc gia có tác động rất lớn đến xuất nhập khẩu hàng hóa, xuất nhập khẩu tư bản và đến giá cả hàng hóa trong nước...Trong thời gian qua chính sách tỷ giá hối đoái ở nước ta đã đóng góp những thành tựu đáng kể trong chính sách tài chính – tiền tệ như: hạn chế lạm phát, thực hiện mục tiêu hỗ trợ xuất khẩu, cải thiện cán cân thanh toán, tạo điều kiện ổn định ngân sách, ổn định tiền tệ.
Theo Văn kiện Đại hội Đảng XI, trong thời gian tới, đất nước ta sẽ tiếp tục thực hiện chính sách tỷ giá hối đoái linh hoạt theo nguyên tắc thị trường với biên độ được mở rộng hơn phù hợp với mức độ mở cửa thị trường tài chính và năng lực kiểm soát của ngân hàng nhà nước, tiến tới thực hiện cơ chế tỷ giá hối đoái thả nổi có kiểm soát. Đổi mới chính sách quản lý ngoại hối theo hướng tự do hóa hoàn toàn giao dịch vãng lai, từng bước mở cửa các giao dịch vốn; thu hẹp và tiến tới xóa bỏ tình trạng sử dụng ngoại tệ làm phương tiện thanh toán trên lãnh thổ Việt Nam.
Trong ngắn hạn, mục tiêu đầu tiên và quan trọng nhất của phần lớn Ngân hàng Nhà Nước các nước trên thế giới cũng như NHNN Việt Nam là ổn định giá trị đồng tiền của quốc gia thông qua đó góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định nền kinh tế vĩ mô. Để phù hợp với thực trạng và xu hướng phát triển chung của nền kinh tế thế giới, Việt Nam phải tiếp tục nhất quán thực hiện chủ trương điều hành tỷ giá linh hoạt theo diễn biến thị trường, tình hình kinh tế trong và ngoài nước, chủ động can thiệp khi cần thiết. Nhà nước không thể thay thế được vai trò của thị trường ngoại hối trong xu thế hội nhập mà chỉ có thể can thiệp bằng các công cụ và nghiệp vụ điều hành của mình, tránh không để xảy ra những đột biến, cú sốc. Để thực hiện có hiệu quả cơ chế điều hành tỷ giá hối đoái linh hoạt, theo cơ chế thị trường, cần gắn kết chặt chẽ điều hành tỷ giá với điều hành lãi suất để đảm bảo cân bằng lợi tức giữa việc nắm giữ USD và VND (tránh sự dịch chuyển sang USD), kết hợp điều hành nội tệ với điều hành ngoại tệ và theo hướng gắn với một rổ các đồng tiền của các đối tác thương mại,
đầu tư quan trọng của Việt Nam. Nới lỏng dần biên độ giao dịch của tỷ giá chính thức, tiến tới sử dụng các công cụ gián tiếp để điều hành tỷ giá hối đoái.
Trong dài hạn, cần giảm mạnh và tiến tới xóa bỏ sự can thiệp hành chính vào thị trường ngoại hối. Phát triển mạnh thị trường ngoại hối và các thị trường tiền tệ phái sinh theo các thông lệ quốc tế. NHNN chỉ can thiệp thị trường và đáp ứng nhu cầu ngoại tệ của đất nước nhằm thực hiện mục tiêu chính sách tiền tệ và bình ổn thị trường tiền tệ. Nâng cao năng lực quản lý và can thiệp thị trường ngoại tệ của NHNN thông qua các nghiệp vụ thị trường. Đối với việc hoàn thiện thể chế, NHNN cần tập trung hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về quản lý ngoại hối với trọng tâm là sửa đổi Pháp lệnh Ngoại hối, trình Chính phủ ban hành và tổ chức triển khai các Nghị định về quản lý dự trữ ngoại hối Nhà nước, Nghị định về vay trả nợ nước ngoài không có bảo lãnh của Chính phủ. Đối với công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, NHNN tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát thị trường ngoại tệ, thị trường vàng, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm nhằm hạn chế tình trạng đô la hóa, xóa bỏ hoạt động của thị trường ngoại tệ tự do.