Các giải pháp về kinh tế

Một phần của tài liệu Một số giải pháp tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong quản lý khai thác than tại tỉnh Quảng Ninh (Trang 106)

1. Các giải pháp về sử dụng các công cụ kinh tế

Trên thực tế, việc tăng cường sử dụng các công cụ kinh tế để bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản nói chung và khai thác than nói riêng, về thực chất là việc thực hiện các khuyến khích và trừng phạt tài chính để tăng cường

năng lực, động lực và sự tự nguyện, tự giác thực hiện các nghĩa vụ, các hoạt động có lợi hơn cho môi trường, cũng như bảo đảm phân phối công bằng các lợi ích thụ hưởng và các chi phí phải gánh chịu cho mục đích bảo vệ môi trường. Trước hết, cần bảo đảm yêu cầu:

Người sản sinh ra phế thải và các tác nhân gây ô nhiễm môi trường sẽ phải trực tiếp chịu trách nhiệm tài chính về hậu quả do mình gây ra, theo mức lũy tiến tương ứng với sự gia tăng các hậu quả đó; còn người được hưởng lợi từ việc sử dụng những sản phẩm và dịch vụ bảo vệ môi trường thì phải trả tiền, cũng với mức luỹ tiến theo mức thụ hưởng. Đồng thời các biện pháp tài chính đưa ra cũng phải hạn chế tiêu dùng tài nguyên không có khả năng tái tạo, tăng áp dụng công nghệ cao không có chất thải hoặc sử dụng nguyên liệu tái chế, nguyên nhiên liệu không gây ô nhiễm.

Mức độ của các chế tài tài chính phải mang tính cụ thể và thực tế cao, nằm trong sức chịu đựng của người dân và doanh nghiệp, đồng thời người dân và doanh nghiệp phải được cân nhắc giữa sức chịu đựng của môi trường với các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội; cũng như phải tính đến tác động qua lại giữa môi trường - tài nguyên thiên nhiên - kinh tế - dân số. Điều cần lưu ý là các công cụ tài chính phải được sử dụng mềm dẻo, hợp lý nhằm hạn chế thấp nhất mặt trái của chúng đến kìm hãm phát triển kinh tế và cả đến mục tiêu bảo vệ môi trường.

Ngày càng đa dạng hóa và sử dụng đồng bộ, hài hoà và linh hoạt các công cụ kinh tế phù hợp đối tượng và mục tiêu cụ thể bảo vệ môi trường như đa dạng hóa các công cụ tài chính được sử dụng cho mục tiêu bảo vệ môi trường, bao gồm: Các định chế tài chính - tín dụng môi trường (quỹ môi trường, ngân hàng môi trường, các công ty đầu tư môi trường…), thuế, phí và lệ phí tài nguyên, môi trường. Chi phí của nhà nước và doanh nghiệp cho bảo vệ môi trường phải thường xuyên tăng. Nguồn vốn của các định chế tài chính - tín dụng môi trường này được hình thành từ các nguồn khác nhau: Ngân sách nhà nước, quyên góp, ủng hộ tự nguyện, vốn viện trợ, vay thương mại, huy động từ xổ số, tín phiếu môi trường, đặc biệt là từ các loại thuế và lệ phí môi trường.

Kết hợp chặt chẽ, hiệu quả việc sử dụng các công cụ kinh tế với các công cụ khác nhằm đạt được những mục tiêu bảo vệ môi trường dài hạn, cũng như lựa chọn thích hợp cho từng thời kỳ cụ thể.

Sử dụng chính sách về phí, thuế, để tránh tình trạng tổn thất tài nguyên và nguồn thu cho ngân sách Nhà nước; Thuế Tài nguyên cần chuyển từ cách tính theo sản lượng khai thác sang tính theo trữ lượng khoáng sản được phê duyệt, tùy thuộc vào loại hình khoáng sản. Miễn giảm thuế đối với phần trữ lượng khai thác tăng thêm tùy theo từng trường hợp, để các doanh nghiệp tăng cường công tác tận thu và tiết kiệm khoáng sản.

2. Các giải pháp về vốn đầu tư

Vốn là yếu tố hết sức quan trọng trong việc đầu tư sản xuất, đưa tiến bộ công nghệ vào sản xuất. Giải pháp về vốn tập trung vào hai khía cạnh là huy động vốn và sử dụng vốn hiệu quả cho phát triển sản xuất và bảo vệ môi trường.

- Đa dạng hoá các nguồn vốn đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường, sử dụng có hiệu quả các nguồn kinh phí chi cho hoạt động quản lý tài nguyên môi trường trong khai thác than. Đẩy mạnh việc huy động vốn từ các thành phần kinh tế trong và ngoài nước thông qua các hình thức hợp tác, liên doanh, liên kết, cổ phần hóa các doanh nghiệp… Khuyến khích các doanh nghiệp ngành than huy động vốn thông qua thị trường chứng khoán (phát hành trái phiếu, cổ phiếu, trái phiếu quốc tế), vay thương mại để đầu tư phát triển các dự án ngành than.

- Tranh thủ các nguồn vốn trong, ngoài nước, các tổ chức quốc tế, các nguồn vốn tài trợ khác dành cho môi trường; kết hợp với chính quyền địa phương nhanh chóng khắc phục những tồn tại ô nhiễm môi trường do khai thác than nhiều năm để lại, đặc biệt là môi trường, cảnh quan vịnh Hạ Long.

- Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí từ ngân sách nhà nước cho các chương trình nghiên cứu có hiệu quả; hỗ trợ doanh nghiệp ngành than được vay vốn tín dụng nhà nước, vốn ODA, vốn của Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam và huy động các nguồn vốn khác để thực hiện các dự án xử lý môi trường.

- Thực hiện ký quỹ, phục hồi môi trường trong hoạt động khai thác than là việc tổ chức, cá nhân được phép khai thác khoáng sản nộp một khoản tiền vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam hoặc Quỹ Bảo vệ môi trường địa phương nơi khai thác khoáng sản. Mục đích của việc ký quỹ là để đảm bảo tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường theo các quy định của pháp luật.

3. Một số giải pháp bảo vệ môi trường theo cơ chế thị trường

Theo nguyên tắc doanh nghiệp nào gây ô nhiễm nhiều mà tiếp tục hoạt động sẽ phải trả tiền cho hoạt động gây ô nhiễm đó vì thế các giải pháp về thị trường được đề cập đến là:

Đánh thuế ô nhiễm: Trên cơ sở chuẩn về môi trường trong giới hạn cho phép về mức độ gây ô nhiễm có thể áp dụng một mức thuế tuỳ theo mức độ gây ô nhiễm.

Thành lập quỹ bảo vệ môi trường: Quỹ bảo vệ môi trường sẽ được hình thành từ các nguồn như Thuế Bảo vệ môi trường, tiền phạt các vi phạm…Quỹ này sẽ dùng để trợ cấp cho các hoạt động giảm ô nhiễm môi trường. Hiện tại ngành than đã hình thành Quỹ bảo vệ môi trường với 1% giá thành sản xuất than tuy vậy theo đánh giá thì so với mức độ gây ô nhiễm của ngành than thì trích 1% là còn quá thấp. Mặt khác việc sử dụng quỹ môi trường của ngành than cũng còn nhiều bất cập cụ thể là mới chỉ có khoảng 26% quỹ này phân bổ cho các địa phương, còn lại được phân bổ trong các đơn vị ngành than thực hiện công tác bảo vệ môi trường, Nhiều hạng mục thuộc chi phí đầu tư xây dựng cơ bản và phí thường xuyên trong sản xuất lại được hạch toán vào Quỹ bảo vệ môi trường vì thế mà số tiền giành cho bảo vệ môi trường càng hạn hẹp. Giải pháp đề xuất trong thời gian tới là tăng thêm tỷ lệ trích quỹ môi trường đối với ngành than.

Một phần của tài liệu Một số giải pháp tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong quản lý khai thác than tại tỉnh Quảng Ninh (Trang 106)