Vai trò của quản lý môi trường

Một phần của tài liệu Một số giải pháp tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong quản lý khai thác than tại tỉnh Quảng Ninh (Trang 26)

Nước ta đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức, trong đó có vấn đề ô nhiễm, suy thoái môi trường đang có xu hướng gia tăng, ngày một gay gắt, đe

dọa trực tiếp tới các thành quả về phát triển kinh tế - xã hội. Theo ước tính của nhiều chuyên gia kinh tế môi trường, nếu GDP Việt Nam trong 10 năm tới tăng gấp đôi mà không quan tâm đúng mức tới công tác bảo vệ môi trường thì ô nhiễm môi trường sẽ tăng 3 lần, đến năm 2025, có thể gấp 4 đến 5 lần mức độ ô nhiễm môi trường hiện nay. Và cứ tăng 1% GDP thì thiệt hại do ô nhiễm môi trường sẽ làm mất đi 3% GDP. Ô nhiễm môi trường không chỉ gây tổn thất kinh tế mà còn tác động tiêu cực và trực tiếp đến sức khỏe con người. Tỷ lệ chi trả cho việc bảo vệ chăm sóc sức khỏe do tác động của ô nhiễm môi trường năm 2010 khoảng 0,3% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), dự kiến sẽ tăng tới 1,2% GDP vào năm 2020.

Vấn đề quản lý và bảo vệ môi trường ở nước ta hiện nay đang là vấn đề cấp thiết, xuất phát từ các vấn đề sau:

1. Sự xuống cấp của môi trường do hậu quả của sự phát triển kinh tế đặt ra yêu cầu quản lý môi trường

Là một nước đang phát triển, Việt Nam đang trên con đường xây dựng phát triển, đòi hỏi sử dụng ngày càng nhiều tài nguyên thiên nhiên, các chất thải trong sản xuất cũng ngày càng tăng lên, đã làm nhiễm bẩn môi trường không khí, đất, nước, làm cho môi trường sống của con người ngày xấu đi, nhất là ở một số vùng mỏ và khu công nghiệp tập trung, là mối đe doạ đối với tài nguyên sinh vật ở các vùng lân cận.

Mặc dù nền kinh tế chưa phát triển, song tình trạng ô nhiễm môi trường do hoạt động của ngành gây ra (công - nông - lâm - ngư - giao thông vận tải - dịch vụ) cũng không kém phần nghiêm trọng. Đặc biệt tình trạng ô nhiễm cục bộ ở các khu công nghiệp và các đô thị đã thể hiện rõ hơn, nhất là ô nhiễm nguồn nước và ô nhiễm môi trường do đất xói mòn. Hiện nay nước ta đang phải đương đầu với những vấn đề môi trường nghiêm trọng như nạn phá rừng và xói mòn đất, khai thác quá mức tài nguyên ven biển, đe doạ các hệ sinh thái ngập nước nói chung và sự can kiệt tài nguyên do mất dần các loại động vật hoang dã và các nguồn gen.

2. Hoạt động khai thác khoáng sản ở nhiều địa phương thiếu sự quản lý chặt chẽ làm gia tăng các điểm nóng về ô nhiễm môi trường

Hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản phát triển khá nhanh song cũng bộc lộ không ít hạn chế, hiệu quả kinh tế không cao, gây ô nhiễm môi trường; trong đó nổi lên là công nghệ khai thác, chế biến khoáng sản nói chung còn lạc hậu vừa ít tạo ra giá trị gia tăng, vừa gây tổn thất tài nguyên và gây nhiều tác động xấu đến môi trường. Quá trình khai thác, chế biến khoáng sản nói chung còn gây ô nhiễm và tác động xấu tới môi trường và cộng đồng dân cư.

3. Tình trạng công nghệ lạc hậu, chất thải dưới hình thức phế liệu nhập vào Việt Nam diễn biến phức tạp

Hàng năm có hàng trăm triệu tấn hàng các loại nhập khẩu vào Việt Nam theo đường chính ngạch, trong đó có nhiều mặt hàng có nguy cơ gây ô nhiễm đến môi trường như máy móc, thiết bị lạc hậu cũ, hỏng, hết niên hạn sử dụng; linh kiện điện tử có chứa chất nguy hại vượt quá ngưỡng nhiều lần, vi phạm nghiêm trọng Luật Bảo vệ môi trường và Công ước Basel. Việc quản lý, ngăn chặn tình trạng chuyển rác thải vào nước ta là vấn đề cấp bách, cần giải quyết ngay nhằm tránh nguy cơ trở thành bãi thải công nghiệp của thế giới.

4. Đa dạng sinh học bị suy thoái và đe dọa nghiêm trọng; Các loài, nguồn gen ngày càng giảm sút và thất thoát; số lượng loài có nguy cơ tuyệt chủng cao vẫn tiếp tục gia tăng

Trong thời gian qua, đa dạng sinh học bị suy thoái và đe doạ nghiêm trọng. Chất lượng của các hệ sinh thái rừng, biển, đất ngập nước bị suy giảm ảnh hưởng đến việc cung cấp dịch vụ hệ sinh thái cho xã hội. Các loài, nguồn gen ngày càng, giảm sút và thất thoát. Tốc độ tuyệt chủng của các loài vẫn tiếp tục gia tăng do sinh cảnh bị thu hẹp bởi việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, đất được bảo tồn để làm thủy điện, phát triển cơ sở hạ tầng, khai thác khoáng sản thiếu kiểm soát, việc khai thác, tiêu thụ quá mức và buôn bán trái phép động, thực vật hoang dã nguy cấp, sự du nhập và phát triển các loài ngoại lai xâm hại.

Suy giảm đa dạng sinh học, mất cân bằng sinh thái sẽ dẫn đến những hậu quả to lớn tới sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

5. Sự phát triển các khu, cụm công nghiệp không đồng bộ với các điều kiện hạ tầng kỹ thuật về môi trường; nhiều khu, cụm công nghiệp chưa được đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng

Tính đến tháng 9/2012, theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cả nước đã có 283 khu công nghiệp bao gồm cả khu chế xuất được thành lập với tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 80.000 ha trên phạm vi 58 tỉnh, thành phố, trong đó diện tích đất công nghiệp có thể cho thuê đạt gần 52.000 ha, chiếm khoảng 65% tổng diện tích. Việc phát triển các khu, cụm công nghiệp diễn ra khá nhanh song lại chưa đi đôi với đầu tư cơ sở hạ tầng về môi trường. Nhiều khu, cụm công nghiệp vừa thu hút đầu tư, vừa xây dựng cơ sở hạ tầng, không tuân thủ thiết kế ban đầu và bỏ qua không xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trung. Theo số liệu thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tỷ lệ các khu công nghiệp có trạm xử lý nước thải tập trung chỉ chiếm khoảng 66%. Một số khu công nghiệp đã có hệ thống xử lý nước thải tập trung nhưng tỷ lệ đấu nối nước thải của các cơ sở còn thấp hoặc không vận hành, vận hành không hiệu quả, xuống cấp nhanh. Không khí ở các khu, cụm công nghiệp, đặc biệt là các khu, cụm công nghiệp cũ đang bị ô nhiễm do các nhà máy sử dụng công nghệ sản xuất lạc hậu hoặc chưa đầu tư hệ thống xử lý khí thải trước khi thải ra môi trường. Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất tại các khu, cụm công nghiệp đã phát sinh một lượng không nhỏ chất thải rắn và chất thải nguy hại, là nguồn gây ô nhiễm môi trường rất lớn.

6.Chất thải từ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân khu vực nông thôn không được thu gom, xử lý đúng quy cách, hợp vệ sinh

Mỗi năm tại khu vực nông thôn ở nước ta phát sinh trên 6,6 triệu tấn rác thải sinh hoạt, hơn 14.000 tấn bao bì hóa chất bảo vệ thực vật, phân bón các loại, 76 triệu tấn rơm rạ và khoảng 47 triệu tấn chất thải chăn nuôi. Việc thu gom, xử

lý chất thải từ bao bì, chai lọ hóa chất bảo vệ thực vật hiện cũng còn nhiều hạn chế. Các loại vỏ bao bì, vỏ chai hóa chất bảo vệ thực vật thường bị vứt bừa bãi tại ruộng, góc vườn hoặc nguy hiểm hơn, có trường họp còn vứt ngay đầu nguồn nước sinh hoạt, gây ra nhiều ảnh hưởng nguy hiểm tới sức khỏe con người và môi trường xung quanh. Hiện tượng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, không đảm bảo thời gian cách ly của từng loại thuốc đã gây nên nhiều vụ ngộ độc, mất an toàn vệ sinh thực phẩm gia tăng. Thực trạng trên đã và đang tạo ra những rào cản lớn trong việc thực hiện chủ trương xây dựng nông thôn mới văn minh, hiện đại.

Một phần của tài liệu Một số giải pháp tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong quản lý khai thác than tại tỉnh Quảng Ninh (Trang 26)