Định hướng phát triển

Một phần của tài liệu Một số giải pháp tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong quản lý khai thác than tại tỉnh Quảng Ninh (Trang 97)

1. Về thăm dò than

- Bể than Đông Bắc: Đến hết năm 2015 hoàn thành việc thăm dò phần tài nguyên và trữ lượng than thuộc tầng trên mức -300m và một số khu vực dưới mức -300m đảm bảo đủ tài nguyên và trữ lượng than huy động vào khai thác trong giai đoạn đến năm 2020. Phấn đấu đến năm 2020 hoàn thành cơ bản công tác thăm dò đến đáy tầng than đảm bảo đủ tài nguyên và trữ lượng than huy động vào khai thác trong giai đoạn 2021 - 2030.

- Bể than đồng bằng sông Hồng: Lựa chọn một số diện tích chứa than có triển vọng, có điều kiện địa chất - mỏ thích hợp để tiến hành thăm dò trong kỳ kế hoạch 2012 - 2015, phục vụ việc đầu tư khai thác thử nghiệm và cuối kỳ kế hoạch. Trên cơ sở kết quả điều tra, đánh giá tổng thể tài nguyên than phần đất liền bể than đồng bằng sông Hồng và kết quả triển khai một số dự án thử nghiệm, tiến hành thăm dò mở rộng để làm cơ sở phát triển các mỏ than ở quy mô công nghiệp với công nghệ phù hợp. Phấn đấu đến năm 2030 cơ bản hoàn thành công tác thăm dò phần diện tích chứa than có điều kiện khai thác thuận lợi thuộc khối nâng Khoái Châu - Tiền Hải.

2. Về khai thác than

Sản lượng than thương phẩm sản xuất toàn ngành trong các giai đoạn của quy hoạch:

- Năm 2015: 55 - 58 triệu tấn. - Năm 2020: 60 - 65 triệu tấn. - Năm 2025: 66 - 70 triệu tấn. - Năm 2030: trên 75 triệu tấn. Trong đó:

- Bể than Đông Bắc và các mỏ than khác (ngoài bể than đồng bằng Sông Hồng): Sản lượng than thương phẩm khoảng 55 - 58 triệu tấn vào năm 2015; 59

- 64 triệu tấn vào năm 2020; 64 - 68 triệu tấn vào năm 2025 và duy trì khoảng 65 triệu tấn từ sau năm 2025.

- Bể than đồng bằng sông Hồng: Trong giai đoạn đến năm 2015 đầu tư khai thác thử nghiệm một số dự án để làm cơ sở cho việc đầu tư phát triển sau năm 2015. Phấn đấu đạt sản lượng than thương phẩm (quy đổi) khoảng 0,5 - 1 triệu tấn vào năm 2020; 2 triệu tấn vào năm 2025 và trên 10 triệu tấn vào năm 2030.

Sản lượng than thương phẩm toàn ngành có thể được điều chỉnh để phù hợp nhu cầu thị trường trong từng giai đoạn, kể cả việc xuất, nhập khẩu than, nhằm mục tiêu đảm bảo hiệu quả chung của nền kinh tế.

3. Về sàng tuyển, chế biến than

Trước năm 2015 hoàn thành việc rà soát, điều chỉnh quy hoạch bố trí các cơ sở sàng tuyển vùng Quảng Ninh nhằm mục tiêu tối ưu hóa công tác vận chuyển than, đáp ứng tối đa nhu cầu sử dụng về các chủng loại than qua sàng tuyển và đảm bảo phù hợp quy hoạch phát triển đô thị vùng than, quy hoạch giao thông, cảng biển, yêu cầu bảo vệ môi trường. Phấn đấu đến năm 2020 phát triển chế biến than theo hướng đa dạng hóa sản phẩm (nhiên liệu đốt trực tiếp, than dùng cho luyện kim, khí hóa than, nhiên liệu lỏng từ than, nguyên liệu cho công nghiệp hóa chất…).

4. Về bảo vệ môi trường

Đến năm 2015 sẽ cơ bản đạt các chỉ tiêu chính về môi trường tại các khu vực nhạy cảm như đô thị, khu dân cư, điểm du lịch. Cụ thể, xử lý xong nước thải mỏ hầm lò, mỏ lộ thiên; cơ bản phân tầng, cải tạo xong toàn bộ các bãi thải cao và các khu vực bãi thải đã dừng đổ thải trong đó ưu tiên các bãi thải nhìn thấy được từ QL18A; cơ bản xây dựng xong cơ sở hạ tầng cho việc thu gom, xử lý chất thải nguy hại; chấm dứt ảnh hưởng do bụi đối với các cụm dân cư nằm trên hoặc cận kề các tuyến đường vận chuyển than ra cảng; chuẩn bị cơ sở hạ tầng cho việc cải tạo, phục hồi môi trường các mỏ sẽ đóng cửa trong giai đoạn 2018 -

2020; thực hiện một cách có nề nếp công tác bảo vệ môi trường tại các dự án mỏ và các dự án phục vụ công nghiệp khai thác than theo ĐTM được phê duyệt.

Định hướng đến năm 2020, đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn môi trường trên toàn địa bàn các vùng khai thác than; thực hiện cải tạo, phục hồi các mỏ đã đóng cửa; duy trì trạng thái các vùng sinh thái môi trường đã có dấu hiệu phục hồi; đưa hoạt động bảo vệ môi trường vào quỹ đạo của ngành công nghiệp môi trường. Và đến năm 2030 sẽ tiếp tục duy trì trạng thái phục hồi của các vùng sinh thái môi trường trên địa bàn các vùng khai thác than, cơ bản đưa công nghiệp sản xuất than theo hướng ngành kinh tế xanh.

5. Về thị trường than

Chuyển nhanh hoạt động ngành than theo cơ chế thị trường, hội nhập với thị trường khu vực và quốc tế, có sự điều tiết của Nhà nước.

Một phần của tài liệu Một số giải pháp tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong quản lý khai thác than tại tỉnh Quảng Ninh (Trang 97)