Các vấn đề tác động môi trường chủ yếu của ngành than

Một phần của tài liệu Một số giải pháp tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong quản lý khai thác than tại tỉnh Quảng Ninh (Trang 61)

2.2.1.1. Biến đổi địa hình và cảnh quan

Những biến đổi mạnh nhất diễn ra chủ yếu ở những khu vực có khai thác than lộ thiên. Đất đá thải phần lớn đổ bãi thải ngoài tập trung tại các bãi thải lớn như bãi thải Đèo Nai, Cọc Sáu, Hà Tu, Dương Huy, Vàng Danh, Uông Bí. Các bãi đổ thải tạo nên những quả đồi ở Cọc Sáu cao 280m, Nam Đèo Nai có độ cao 200m, Đông Cao Sơn cao 250m, Đông Bắc Bàng Nâu cao 150m và Núi Béo cao 140m... và nhiều bãi thải trên các sườn đồi, bãi thải thường có sườn dốc tới 350

.

Hình 2.3: Sơ đồ khái quát các khâu hoạt động trong quá trình khai thác than lộ thiên, hầm lò và phát sinh nguồn ô nhiễm môi trường

Nhiều moong khai thác lộ thiên như ở các mỏ Cọc Sáu, Hà Tu, Núi Béo,... có độ sâu từ -50m đến -150m dưới mực nước biển đã tạo nên những biến đổi lớn về địa mạo khu vực, khó có thể cải tạo phục hồi môi trường sau khi kết thúc mỏ.

Mùa mưa lũ, bùn đất và than cám cùng các chất thải rắn khác từ 30 bãi thải và các mỏ theo các sông ngòi, mương thoát nước đổ ra biển vùi lấp bồi lắng và ô nhiễm hải dương. Tại bãi biển do mương thoát nước mỏ Cọc Sáu đổ ra đã lấn ra biển 600m, gây ô nhiễm biển Bái Tử Long và đe doạ Đảo Khỉ. 2.2.1.2. Suy thoái rừng

Tỷ lệ rừng che phủ trên toàn tỉnh bị suy giảm một cách nghiêm trọng do mở khai trường, đổ thải và trôi lấp, do lấy gỗ chống lò,... Rừng tự nhiên bị giảm mạnh nhất tại các khu vực có khai thác than lộ thiên, có nơi tới 70 - 80% như phía Bắc thành phố Hạ Long và thành phố Cẩm Phả. Hiện nay ở thành phố Hạ Long đất có rừng chỉ còn chiếm khoảng 15%; thành phố Cẩm Phả chỉ còn rừng nguyên sinh trên núi đá vôi khu vực Đèo Bụt, núi Giáp Khẩu, khoảng 60% diện tích rừng tự nhiên đã bị tàn phá. Tình trạng tương tự xảy ra với vùng Đông Triều - Mạo Khê - Uông Bí, là những khu vực trước kia vốn có nhiều rừng nguyên sinh. Hiện nay trong khu vực Hòn Gai - Cẩm Phả có khoảng 30 mỏ than lớn nhỏ đang hoạt động, bình quân khoảng 2.000 ha, chiếm 28,7% tổng diện tích đất tự nhiên của thành phố Hạ Long và thị xã Cẩm Phả. Trong giai đoạn 1970 - 1997, các hoạt động khai thác than ở Hòn Gai, Cẩm Phả đã làm mất khoảng 2.900 ha đất rừng các loại (trung bình mỗi năm mất 100 - 110 ha), trong đó khoảng 2.000 ha bị mất do mở vỉa, đổ đất đá thải.

2.2.1.3. Xói mòn, rửa trôi, sạt lở đất và làm mất quỹ sử dụng đất

Hiện tượng xói mòn, rãnh xói và trượt lở xảy ra rất phổ biến trên các khai trường khai thác than, tuyến đường vận chuyển và đặc biệt là trên các khu vực đổ thải. Đặc biệt, các bãi đất đá thải cao tới vài trăm mét và những bãi thải tuy

nhỏ nhưng có vị trí trên sườn đồi luôn là những nguy cơ đe doạ gây nên sạt lở lớn, lũ tích làm nguy hại đến tính mạng, phá huỷ nhà cửa, hoa màu của nhân dân và các công trình giao thông các khu vực dưới chân bãi thải hoặc dưới hạ lưu. Các khối trượt có thể tích từ 500 - 2.000m3 đất đá và thường hay xuất hiện ở những mỏ lộ thiên lớn như Cọc Sáu, Đèo Nai, Cao Sơn...Việc chặt phá rừng cũng là nguyên nhân gây ra nhiều hiện tượng địa chất và tai biến khác cho vùng.

Đây là những nguy cơ đe doạ gây nên sạt lở lớn, lũ tích, làm nguy hại đến tính mạng, phá huỷ nhà cửa, hoa màu của nhân dân và các công trình công cộng...(như sạt lở bãi thải Nam Lộ Phong, Nam Đèo Nai, Khe Rè - Cọc Sáu, khu Vũ Môn - Cao Sơn) gây bồi lắng các cửa sông, dải ven biển vịnh Hạ Long và Bái Tử Long (cửa sông Diễn Vọng, suối Hà Tu, sông Mông Dương và nhiều mương thoát nước ở các địa phương Uông Bí, Đông Triều, Hạ Long, Cẩm Phả). Một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nhất, đó là huyện Đông Triều, vùng trọng điểm lúa của tỉnh gần 7.000 ha lúa và hoa màu đang đối mặt với nạn hạn hán và thiếu nước nghiêm trọng trong khi nhiều hồ thủy lợi lớn bị ô nhiễm, tài nguyên rừng bị suy thoái, gây cạn kiệt dòng sinh thuỷ, gây ngập úng và hạn hán cục bộ, làm bồi lắng lòng hồ, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống dân sinh các khu vực lân cận.

Khai thác than chiếm dụng một diện tích đất rất lớn (2,9% diện tích của toàn tỉnh). Để hoàn thổ được đất sử dụng cho mục đích công nghiệp của ngành than đòi hỏi phải có thời gian, tốn nhiều sức lực, tiền của.

2.2.1.4. Ảnh hưởng đến chất lượng môi trường không khí

Môi trường không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng do bụi không chỉ ở những khu vực khai thác mà cả ở các khu vực dân cư. Bụi bao phủ lên khắp mái nhà, ruộng vườn, trên cá thảm xây xanh dọc theo đường vận chuyển than. Bụi tích tụ trên lá cây làm giảm khả năng quang hợp, ảnh hưởng đến sự phát triển của cây xanh do có các độc tố chứa trong bụi... Bụi gây tác hại đến các công trình và vật liệu, máy móc vì bụi có chứa các chất hoá học, khi bám vào bề mặt của vật liệu

sẽ gây ra các phản ứng hoá học, làm hư hỏng các công trình máy móc thiết bị. Hàm lượng bụi tại các khu vực khai thác, chế biến than đều vượt tiêu chuẩn cho phép từ 1,2 - 5,2 lần (trung bình trong 24 giờ). Các khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do bụi là Mạo khê, Đông Triều, Uông Bí, Cẩm Phả.

Mức độ ô nhiễm bụi tuỳ theo mùa và cường độ hoạt động khai thác liên quan. Nguồn sinh bụi chủ yếu là do các khâu khoan nổ mìn, khai thác gương lò chợ, sàng tuyển tại các nhà máy tuyển than, bốc rót than tại các bến cảng, bụi từ cá bãi thải mỏ lộ thiên cao hàng trăm mét, dài hàng chục km theo dọc bờ biển từ vịnh Hạ Long đến Bái Tử Long do gió cuốn theo, bụi do vận chuyển than và đất đá bằng ôtô từ khu vực khai thác qua các khu dân cư đến nhà máy tuyển, kho chứa hoặc đến các bến cảng.

Ngoài bụi từ các mỏ than hầm lò còn thoát ra một lượng lớn khí độc như khí CO, SO2, H2S, NOx, CH4... Tại các khu vực sàng tuyển, nghiền, chế biến than còn xảy ra quá trình ôxy hoá dẫn đến suy giảm nồng độ ôxy cần thiết để hô hấp (<12%).

2.2.1.5. Ảnh hưởng đến chất lượng môi trường nước

Môi trường nước bị ô nhiễm do hai nguồn chính là nước chảy trên bề mặt, nước mưa và nước thải từ các khu mỏ. Hầu hết các đơn vị khai thác, sàng tuyển và chế biến đều thải ra một lượng nước thải rất lớn. Đặc biệt, các hoạt động khai thác than đều nằm trong các khu vực có hệ sinh thái rừng, hệ sinh thái các lưu vực, môi trường đất...và nằm xen kẽ các khu vực dân cư.

Do đặc thù của loại hình khai thác nên nước thải hầm lò bị axit hoá mạnh, có chất rắn lơ lửng cao, có hàm lượng các kim loại mạnh như Fe, Mn, Cu , Zn. Các nguồn thải này không được xử lý cộng với lượng mưa lớn tạo ra dòng chảy bề mặt đổ thải trực tiếp vào nguồn nước mặt là các sông suối, ao hồ chứa nước, gây ô nhiễm nghiêm trọng môi trường nước. Đất đá từ các bãi bị mưa lớn bào mòn cuốn trôi theo dòng chảy mặt làm bồi lấp sông suối, làm cạn kiệt nguồn nước mặt về mùa khô. Các hoạt động khai thác hầm lò sâu dưới lòng đất gây nứt nẻ, sụt lún địa

hình là nguyên nhân suy thoái hệ thống thủy vực trong khu vực và hạ thấp mực nước ngầm, dẫn đến sự thâm nhiễm nước biển vào nguồn nước ngầm.

Hình 2.4: Những bãi thải do khai thác than lộ thiên ở Hạ Long, Cẩm Phả đang gây ô nhiễm nước vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long

Nước thải từ các khu vực khai thác than cũng đang làm xấu đi môi trường sống, lao động của những người dân, có khoảng 25 - 30 triệu m3/năm. Độ pH của nước thải mỏ luôn dao động từ 3,1 - 6,5. Hàm lượng cặn lơ lửng thường vượt tiêu chuẩn cho phép từ 1,7 - 2,4 lần, có nơi lên tới hơn tám lần. Nước thải ở các mỏ than đang gây nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến môi sinh sông, suối, vùng ven biển như gây bồi lấp, làm mất nguồn thuỷ sinh, suy giảm chất lượng nước…Người ta dễ dàng chứng kiến, do tác động lâu ngày từ các hoạt động khai thác than trong đó có các hoạt động khai thác than trái phép, một số hồ thuỷ lợi tại vùng Đông Triều của Quảng Ninh đã bị chua hoá, gây khó khăn lớn cho sản xuất nông nghiệp tại đây.

2.2.1.6. Tác động đến kinh tế - xã hội

theo hiệu ứng lan tỏa. Nguồn thu từ hoạt động khai thác than đóng một tỷ trọng rất lớn trong nguồn thu của ngân sách (Hiện nay khai thác than đóng góp tới 1/3 GDP và hơn một nửa ngân sách của tỉnh, đây là nguồn chi phục vụ cho các chính sách, chương trình phát triển kinh tế - xã hội. Cơ sở hạ tầng được nâng cấp tạo điều kiện cho các lĩnh vực khác phát triển, dịch vụ hàng hóa lưu thông dễ dàng. Các điểm khai thác than sẽ được đô thị hóa, đời sống của người dân sẽ được nâng cao. Tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho các lao động trực tiếp và gián tiếp liên quan đến hoạt động khai thác than (đây cũng là ngành tạo ra nhiều việc làm với số lượng lao động lớn cho tỉnh, khoảng 110.000 người, chiếm trên 16% tổng số lao động toàn tỉnh).

Kinh tế phát triển tạo điều kiện cho văn hóa, giáo dục, y tế phát triển, người dân có cơ hội được tiếp cận với các dịch vụ và được hưởng phúc lợi xã hội nhiều hơn. Tuy nhiên, sự lai tạp văn hóa cũng là gây nên có mặt trái của nó. Đó là vấn đề gia tăng tệ nạn xã hội, an ninh xã hội khó được đảm bảo.

2.2.1.7. Ảnh hưởng đến sức khoẻ cộng đồng

Hiện nay, hoạt động khai thác than đã có nhiều biện pháp để giảm thiểu tác động xấu đến môi trường. Tuy nhiên, ô nhiễm môi trường vẫn đang là một vấn đề bức xúc của hoạt động này. Ô nhiễm môi trường, đặc biệt là môi trường nước và không khí từ các giai đoạn xây dựng, vận hành và kết thúc mỏ là nguyên nhân gây ra các bệnh về đường hô hấp, các bệnh liên quan đến nước đối với công nhân mỏ cũng như người dân địa phương ở khu vực khai thác.

Vùng than Hòn Gai - Cẩm Phả có trên 50.000 người làm việc trong ngành than, đại diện cho 140.000 người sinh sống và làm việc trong môi trường bị ô nhiễm từ mức trung bình đến nặng. Kết quả khám định kỳ cho 1.700 công nhân ngành than cho thấy trên 40% người mắc bệnh viêm mũi, viêm họng; 17% mắc bệnh viêm xoang sau 5 năm làm việc; 40% mắc bệnh phế quản sau 5 năm làm việc. Số công nhân ngành than bị bệnh bụi phổi chiếm 85% tổng số người mắc bệnh của cả khối công nghiệp.

2.2.1.7. Ảnh hưởng đến hoạt động du lịch

Đối với hoạt động khai thác than ở khu vực gần bờ biển, ô nhiễm bờ biển là một trong những tác động rất đáng kể của hoạt động khai thác than. Hàng chục triệu mét khối nước từ các mỏ ra sông suối không qua xử lý và đổ thẳng ra biển. Hàng chục ngàn mét khối đất đá từ các bãi thải bị mưa lớn bào mòn, cuốn trôi theo các dòng sông, suối rồi đổ ra biển. Sự bồi lấp đất đá đã xoá sổ 200 ha đất canh tác dọc đường 18 cũ từ thị xã Cẩm Phả đến Cọc Sáu. Bờ biển bị lấn chiếm khoảng 700 - 800m. Cảnh quan trong vịnh Hạ Long và Bái Tử Long bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Một phần của tài liệu Một số giải pháp tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong quản lý khai thác than tại tỉnh Quảng Ninh (Trang 61)