Những tồn tại và nguyên nhân

Một phần của tài liệu Một số giải pháp tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong quản lý khai thác than tại tỉnh Quảng Ninh (Trang 86)

2.4.2.1. Những tồn tại

1. Công tác quản lý môi trường của tỉnh Quảng Ninh

Bên cạnh các kết quả đã đạt được, công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực môi trường vẫn còn những hạn chế:

phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Chất lượng môi trường tại một số khu vực, địa phương nhìn chung chưa được cải thiện, còn để phát sinh nhiều vấn đề bức xúc chưa được giải quyết triệt để, cụ thể: Việc khai thác khoáng sản chưa có quy hoạch, thiếu khoa học đã gây nhiều vấn đề môi trường lớn (đất đai bị rửa trôi, xói mòn, bồi lắng các dòng chảy và nguồn nước tiếp nhận, đặc biệt khu vực vịnh Hạ Long và vịnh Bái Tử Long là các khu vực nhạy cảm). Ô nhiễm môi trường không khí do bụi, ô nhiễm nước do sản xuất than tại Cẩm Phả, Uông Bí vẫn tiếp tục diễn ra.

- Công tác quản lý, xử lý chất thải công nghiệp, chất thải nguy hại, rác thải sinh hoạt, xử lý nước thải còn bất cập. Hiện nay tỉnh vẫn chưa có khu xử lý riêng đối với chất thải công nghiệp, chất thải nguy hại. Nhiều công trình xử lý rác thải, nước thải đô thị, bãi rác sinh hoạt tại các đô thị, khu dân cư chưa được quan tâm đầu tư, xử lý đúng mức nên hiện nay nhiều địa phương đã để xảy ra tình trạng các khu chứa rác gây ô nhiễm môi trường như Cẩm Phả, Uông Bí...

- Sự phát triển kinh tế, quá trình đô thị hoá với tốc độ nhanh và hoạt động khai thác, chế biến than với sản lượng ngày càng tăng đang làm quá tải hệ thống kết cấu hạ tầng, trong khi các công trình xử lý ô nhiễm môi trường chưa được đầu tư đồng bộ đã gây tác động xấu đến môi trường.

- Đối với lĩnh vực quản lý tài nguyên nước, cũng đã bộc lộ nhiều bất cập. Đến thời điểm hiện nay, tổng lượng nước thải của các đơn vị ngành Than được xử lý đạt qui chuẩn mới đạt 47%, số còn lại chỉ được xử lý sơ bộ bằng phương pháp lắng lọc cơ học, hoặc chưa xử lý. Qua tìm hiểu được biết khối lượng đầu tư các công trình xử lý nước thải mỏ rất lớn, do vậy ngành Than mới quan tâm tới xử lý nước thải từ hoạt động khai thác than hầm lò, lộ thiên, còn các nguồn thải khác từ khu vực chế biến, kho bãi chứa than, các khâu dịch vụ, phụ trợ chưa được quan tâm xử lý. Đây là nguyên nhân dẫn đến các sông suối và mương thoát nước xung quanh khu vực có hoạt động khai thác, chế biến than bị ô nhiễm, ảnh hưởng đến đời sống của người dân.

2. Công tác quản lý môi trường của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam

- Bên cạnh việc thực hiện nghiêm công tác bảo vệ môi trường chung trong toàn Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, vẫn còn một số đơn vị chưa làm tốt trách nhiệm, dẫn tới bị xử phạt vi phạm pháp luật về môi trường. Trong năm 2010 có 1 đơn vị bị cảnh cáo và 7 đơn vị bị phạt với tổng số tiền là 329,5 triệu đồng; năm 2011 có 7 đơn vị bị phạt với tổng số tiền 460 triệu đồng.

- Hầu hết các mỏ than lớn nhỏ đã tăng công suất so với thiết kế ban đầu nhưng chưa điều chỉnh kịp thời thiết kế mỏ theo quy định của Luật Khoáng sản; chưa làm hợp đồng thuê đất bổ sung kịp thời theo quy định của Luật Đất đai và chưa lập báo cáo ĐTM bổ sung theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường; việc khai thác và sử dụng nước của nhiều doanh nghiệp còn chưa được kiểm soát theo Luật Tài nguyên nước.

- Việc đầu tư cho các công trình bảo vệ môi trường chưa xét đến mối liên quan giữa các doanh nghiệp cùng có hoạt động trên cùng một địa bàn, lưu vực nước nên nhiều công trình của mỏ này bị hoạt động của mỏ khác làm mất hiệu quả, gây lãng phí kinh phí đầu tư.

- Nhiều doanh nghiệp có khai trường khai thác tách biệt nhau rất xa và xen kẽ với khai trường của các doanh nghiệp khác, làm cho công tác quản lý đất đai, tài nguyên và bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp gặp khó khăn, không rõ trách nhiệm, các cơ quan quản lý khó kiểm tra, giám sát.

- Còn tồn tại nhiều nguồn gây ô nhiễm môi trường và làm suy thoái các tài nguyên thiên nhiên khác chưa được quan tâm đầu tư xử lý.

- Việc trồng cây, công tác hoàn nguyên theo phương án còn chậm, nhiều khu vực chưa được thực hiện.

- Các doanh nghiệp có hoạt động khai thác khoáng sản liên quan đến vùng cấm và hạn chế khai thác khoáng sản chưa thực hiện nghiêm theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.

2.4.2.2. Nguyên nhân

Công tác quản lý về lĩnh vực môi trường vẫn còn những tồn tại, hạn chế bởi các nguyên nhân:

1. Về chính sách, chế tài xử lý

- Ngành Than đã có lịch sử hình thành hơn một thế kỷ trên địa bàn tỉnh, những hệ lụy môi trường trong và sau quá trình khai thác, chế biến than là rất lớn, đặc biệt là các bãi thải, mỏ sau khai thác.

- Công tác bảo vệ môi trường là vấn đề cấp bách nhưng các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường vẫn còn thiếu, chưa đồng bộ. Chế tài xử phạt liên quan đến vi phạm về môi trường chưa đủ mạnh dẫn đến nhiều cá nhân, đơn vị tái vi phạm nhiều.

- Trong lĩnh vực quản lý, hoạt động khai thác khoáng sản. Mặc dù Luật Khoáng sản đã có hiệu lực từ 1/7/2011 nhưng đến nay vẫn còn thiếu văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành luật dẫn đến khó cho các cơ quan chức năng trong quá trình thực thi pháp luật về khoáng sản. Chưa kể chế tài xử lý đối với các hoạt động khai thác, vận chuyển và tiêu thụ than trái phép chưa đủ mạnh, chưa có sự phối hợp chỉ đạo chặt chẽ có hiệu quả của các địa phương giáp ranh với tỉnh Quảng Ninh về kiểm tra, xử lý, giải toả các bến bãi, chế biến trái phép, các trường hợp kinh doanh than không đủ điều kiện. Và mức thu phí bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản như hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu cải tạo, khắc phục suy thoái, ô nhiễm môi trường do hoạt động khai thác, chế biến tiêu thụ than gây ra.

2. Về phía tỉnh Quảng Ninh và các cơ quan chức năng

- Chưa có chính sách và công cụ kinh tế thích hợp nhằm khuyến khích các doanh nghiệp, các tổ chức cá nhân tham gia, đầu tư bảo vệ môi trường. Việc ban hành cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, sử dụng năng lượng sạch, thân thiện môi trường chưa kịp thời.

- Kinh phí đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường đã được tỉnh quan tâm nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Nhiều dự án về bảo vệ môi trường triển khai chậm, việc quản lý khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên chưa hợp lý. Bên cạnh đó, việc đầu tư nguồn nhân lực, phương tiện, thiết bị cho công tác bảo vệ môi trường còn thiếu và yếu.

- Bên cạnh đó, nhận thức và ý thức chấp hành luật bảo vệ môi trường của nhiều đơn vị, tổ chức chưa nghiêm túc, sự quan tâm của một số ngành và địa phương đối với công tác bảo vệ môi trường chưa cao, thể hiện ở việc buông lỏng quản lý. Sự phối hợp quản lý giữa cơ quan chuyên ngành với các cấp chính quyền địa phương và doanh nghiệp còn nhiều hạn chế. Công tác đầu tư và xã hội hoá cho bảo vệ môi trường còn hạn chế, nên hiệu quả chưa cao.

- Công tác thanh, kiểm tra xử lý vi phạm bảo vệ môi trường chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Công tác kế hoạch hoá bảo vệ môi trường ở một số ngành, địa phương trong tỉnh còn yếu, tiến độ triển khai một số dự án về bảo vệ môi trường còn chậm.

- Công tác quy hoạch sử dụng đất và khai thác tài nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường chưa được tiến hành đồng bộ. Kế hoạch sản xuất than chưa được xem xét đầy đủ đến yêu cầu phát triển của các ngành kinh tế - xã hội khác và đặc điểm của các vùng lãnh thổ. Công tác cập nhật thông tin, dữ liệu về thực trạng và biến động về đất đai, khoáng sản và bảo vệ môi trường còn chưa thường xuyên, thiếu tính hệ thống, thiếu chính xác và còn tồn tại nhiều sai sót.

- Tình trạng khai thác vận chuyển, chế biến than trái phép vẫn diễn biến phức tạp, chủ yếu tập trung tại các khu vực nằm ngoài ranh giới cấp phép khai thác, trong ranh giới quản lý tài nguyên, đan xen với khu dân cư, các dự án vườn rừng điển hình là trên địa bàn thành phố Hạ Long, huyện Hoành Bồ…đã ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường khu vực.

3. Về phía Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam

- Công tác quản lý về tài nguyên và môi trường thiếu tính hệ thống và sự phối hợp giữa các doanh nghiệp trong khu vực còn nhiều bất cập. Ngành than đã có bước phát triển nhanh vượt bậc, đi trước quy hoạch 15 năm, trong khi cơ sở hạ tầng dịch vụ và các nhu cầu thiết yếu kèm theo chưa đảm bảo đáp ứng tốt phục vụ sản xuất, đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường. Kế hoạch phát triển hiện nay của ngành than chưa được xem xét kỹ lưỡng để đảm bảo phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội toàn vùng và quy hoạch phát triển, bảo tồn thiên nhiên...của các ngành, các lĩnh vực kinh tế, văn hoá, xã hội khác.

- Kinh phí dành cho xử lý môi trường do khai thác than gây ra còn quá ít để có thể xử lý tất cả các nguồn gây ô nhiễm, đáp ứng các quy chuẩn quốc gia về môi trường. Hiệu quả sử dụng quỹ môi trường của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam còn chưa cao. Nhiều công trình, dự án bảo vệ môi trường chưa được nghiên cứu kỹ trước khi thi công và chưa đánh giá hiệu quả về kinh tế - xã hội, môi trường. Một số hạng mục thuộc chi phí đầu tư xây dựng cơ bản và chi phí thường xuyên trong sản xuất của ngành than đã hạch toán vào quỹ môi trường là chưa đúng.

- Chưa lập quy hoạch tổng thể toàn bộ khu công nghiệp khai thác than, bao gồm khu khai trường và bãi đổ thải nên trong quá trình triển khai các dự án còn gặp nhiều khó khăn, bất cập. Cụ thể là việc xác định ranh giới các khu vực khai thác hầm lò, lộ thiên, khu vực đổ thải và phân định ranh giới hoàn nguyên môi trường còn khó khăn; vẫn còn xảy ra tình trạng chồng lấn ranh giới quy hoạch; chưa xác định được quy chuẩn độ cao các bãi đổ thải…

- Khá nhiều phần đất nằm trong ranh giới khai thác đã trở thành khu dân cư và phải chịu sự quản lý hành chính của địa phương phường, xã. Do đó, khi cần phải giải tỏa, di dời để lấy mặt bằng thi công các công trình bảo vệ môi trường, an toàn lao động lại bị vướng mắc.

- Nhiều dự án chưa được khai thông còn do hàng loạt vấn đề bất cập khác liên quan tới Luật Bảo vệ môi trường khó có thể áp dụng vào thực tế khai thác than. Đơn cử hệ thống các văn bản pháp luật về hoạt động khoáng sản chỉ quy định giới hạn sau 5 - 10 năm khai thác phải hoàn thổ, hoàn nguyên môi trường. Trong khi đó, hoạt động về khoáng sản thường có chu kỳ kinh tế rất dài, từ 30 năm đến 50 năm nên không thể hoàn thổ giữa chừng được.

Kết luận Chương 2

Trong Chương 2, Luận văn đã đề cập đến những đặc điểm cơ bản về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ninh có liên quan đến công tác bảo vệ môi trường trong khai thác than tại địa phương. Luận văn tập trung phân tích, đánh giá các tác động môi trường và thực tiễn công tác quản lý môi trường trong khai thác than tại tỉnh Quảng Ninh trong những năm qua. Trên cơ sở đó luận văn khẳng định những kết quả đạt được và rút ra những hạn chế, nguyên nhân đối với công tác bảo vệ môi trường tại địa phương.

Từ những kết quả phân tích, đánh giá thực trạng đó sẽ giúp người quản lý có được những bài học kinh nghiệm, kết hợp với cơ sở lý luận chung về môi trường và phát triển bền vững đã được hệ thống ở Chương I nhằm tìm ra các giải pháp đúng đắn, thích hợp để tăng cường hơn nữa công tác bảo vệ môi trường trong quản lý khai thác than tại tỉnh Quảng Ninh trong những năm tới.

Chương 3

MỘT SỐ GIẢI PHÁP TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRONG QUẢN LÝ KHAI THÁC THAN TẠI

TỈNH QUẢNG NINH ĐẾN NĂM 2020

Một phần của tài liệu Một số giải pháp tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong quản lý khai thác than tại tỉnh Quảng Ninh (Trang 86)