ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU ··················································

Một phần của tài liệu ẢNH HƯỞNG CỦA CẤU TRÚC THỊ TRƯỜNG VÀ QUY MÔ TỔNG TÀI SẢN ĐẾN HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI VIỆT NAM (Trang 64)

5.1.1. Kết quả đạt được

Đề tài nghiên cứu của khoá luận đã giải quyết được các mục tiêu đề ra. Kết quả nghiên cứu chỉ ra mối tương quan dương giữa cấu trúc thị trường ngành và quy mô tổng tài sản đến hiệu quả hoạt động của các NHTM Việt Nam giai đoạn 2006-2014.

Cấu trúc thị trường ngành ngân hàng Việt Nam thể hiện hình thái cạnh tranh không hoàn hảo. Với hình thái này, cấu trúc thị trường ngành ngân hàng tác động đến hiệu quả hoạt động của các NHTM Việt Nam thông qua khả năng tạo giá trên thị trường và sự khác biệt hoá sản phẩm, dịch vụ được cung cấp. Với xu hướng tái cơ cấu thông qua hoạt động mua lại và sáp nhập, mức độ tập trung của thị trường ngành ngân hàng càng gia tăng trong thời gian tới. Đứng trên giác độ của các NHTM Việt Nam, đánh giá hiệu quả hoạt động thông qua chỉ tiêu tài chính, xu hướng phát triển của cấu trúc thị trường sẽ mang lại cơ hội phát triển cho hoạt động kinh doanh khi tận dụng được các khuyết tật của thị trường.

Quy mô tổng tài sản có ảnh hưởng cùng chiều đối với hiệu quả hoạt động của các NHTM Việt Nam giai đoạn 2006-2014. So với cấu trúc thị trường, mối tương quan giữa quy mô tổng tài sản các NHTM Việt Nam với hiệu quả hoạt động của chúng chặt chẽ hơn. Tác động của quy mô thể hiện qua lợi thế kinh tế nhờ quy mô và một số ảnh hưởng thu hút khách hàng. Quy mô tổng tài sản của các NHTM Việt Nam có xu hướng tăng lên trong thời gian tới, và khả năng tận dụng lợi thế kinh tế nhờ quy mô vẫn còn phụ thuộc vào khả năng quản lý và kiểm soát chi phí của từng NHTM cụ thể.

Ngoài mục tiêu chính là xác định mối quan hệ và đo lường mức độ ảnh hưởng của cấu trúc thị trường ngành và quy mô tổng tài sản đến hiệu quả hoạt động của các NHTM Việt Nam, chiều hướng và mức độ tác động của các yếu tố về hành vi và môi trường kinh tế vĩ mô cũng được xác định. Kết quả mô hình hồi quy cho thấy mối tương quan nghịch chiều của tỷ lệ thu nhập lãi thuần trên tổng thu nhập, tỷ lệ dự phòng rủi ro tín dụng và tỷ lệ tiền gửi huy động trong tổng nguồn vốn với hiệu quả hoạt động của các NHTM Việt Nam giai đoạn 2006-2014.

50

5.1.2. Hạn chế

5.1.2.1. Hạn chế trong thực tiễn hoạt động của các NHTM Việt Nam

Thứ nhất, các NHTM Việt Nam không tự chủ hoàn toàn trong việc hoạch định tăng quy mô tổng tài sản.

Định hướng của NHNN trong thời gian tới đối với các hệ thống TCTD nói chung và các NHTM nói riêng là tăng quy mô và giảm số lượng các ngân hàng. Việc tăng quy mô và giảm số lượng các NHTM được NHNN khuyến khích thực hiện thông qua hoạt động mua lại và sáp nhập. Với hoạt động này, những NHTM nhỏ hoặc yếu kém trong hệ thống sẽ phải sáp nhập với các NHTM lớn mạnh hoặc các NHTM cùng quy mô có thể hợp nhất với nhau để thành lập một NHTM mới có quy mô lớn hơn. Như vậy, tuy quy mô của NHTM là nhân tố nội sinh, có tác động đến hiệu quả hoạt động của các NHTM nhưng trong thời gian tới, xu hướng tăng quy mô của các NHTM không hoàn toàn mang tính tự chủ của các NHTM Việt Nam.

Ngoài ra, tăng quy mô dựa trên hoạt động mua lại và sáp nhập tạo ra lợi thế đối với các NHTM có sẵn tiềm lực lớn hơn. Trong các thương vụ mua lại và sáp nhập, các NHTM nhỏ và kém hơn sẽ không có ưu thế trong đàm phán, thương lượng. Do đó, các NHTM nhỏ có thể sẽ mất đi thương hiệu của mình trên thị trường sau quá trình mua lại và sáp nhập.

Thứ hai, sự khác biệt về giá giữa các sản phẩm, dịch vụ tương đồng của các NHTM Việt Nam tận dụng sự bất cân xứng thông tin trong thị trường có mức độ tập trung cao không mang tính chiến lược dài hạn.

Rõ ràng, sự khác biệt về giá giữa các sản phẩm, dịch vụ tương đồng được cung cấp bởi các NHTM Việt Nam chỉ tạo ra lợi nhuận trong ngắn hạn và cản trở việc tạo ra sự trung thành của khách hàng đối với ngân hàng. Theo phân tích ở trên, thị trường ngành ngân hàng Việt Nam hiện nay là thị trường cạnh tranh không hoàn hảo và xu hướng phát triển của thị trường càng tập trung hơn nhưng không thể chạm đến hình thái thị trường độc quyền. Do đó, mặc dù thị trường không trong suốt nhưng thông tin không bị chặn đứng và vẫn đến được với khách hàng.

51 Xét trên hành vi của người tiêu dùng, khi mọi khía cạnh của sản phẩm, dịch vụ được cung cấp đều giống nhau, giá cả sẽ trở thành yếu tố quyết định lựa chọn của sử dụng sản phẩm, dịch vụ. Bởi vậy, việc xây dựng biểu giá khác nhau cho các sản phẩm, dịch vụ giữa các NHTM chỉ có hiệu quả khi sản phẩm, dịch vụ của ngân hàng cung cấp có sự khác biệt, độc đáo, mang lại cho người tiêu dùng một lợi ích vô hình cao hơn khi sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tương tự của đối thủ cạnh tranh.

5.1.2.2. Hạn chế trong mô hình định lượng

Thứ nhất, như phân tích ở phần chương 2, hiệu quả hoạt động của NHTM được đánh giá bởi nhiều chỉ tiêu và mỗi chỉ tiêu có những ưu điểm cũng như hạn chế riêng. Do đó, không thể dùng một chỉ tiêu duy nhất để đánh giá chính xác hiệu quả hoạt động của các NHTM Việt Nam. Tuy vậy, khoá luận chỉ sử dụng một chỉ tiêu duy nhất là ROA vì sự tiện lợi và phù hợp với mục đích nghiên cứu nên việc đánh giá vẫn chưa thật sự toàn diện trên tất cả các mặt hoạt động kinh doanh của các NHTM Việt Nam. Đồng thời, công thức sử dụng để tính ROA chưa loại bỏ được sự thay đổi đột ngột của tổng tài sản ở thời điểm thu thập số liệu.

Sử dụng ROA, khoá luận chỉ đánh giá hiệu quả hoạt động kinh doanh của các NHTM Việt Nam dựa trên chỉ tiêu tài chính và bỏ qua các chỉ tiêu phi tài chính khác . Bởi vậy, khi sử dụng ROA là chỉ tiêu duy nhất để đo lường hiệu quả hoạt động, khoá luận mặc nhiên không xem xét đến hiệu quả quản lý và hiệu quả về an toàn trong hoạt động kinh doanh của các NHTM Việt Nam.

Thứ hai, dựa trên mô hình hồi quy và kết quả phân tích thực tiễn hoạt động tại Việt Nam trong giai đoạn 2006-2014, khoá luận chỉ ra được các NHTM Việt Nam đang tận dụng được lợi thế kinh tế nhờ quy mô. Tuy nhiên, với mục đích nghiên cứu và mô hình được xây dựng, khoá luận chưa xác định được điểm quy mô tối ưu cho các NHTM Việt Nam. Việc xây dựng mô hình nghiên cứu để tìm ra quy mô tối ưu là cơ sở để các NHTM Việt Nam hoạch định chiến lược kinh doanh phù hợp để gia tăng hiệu quả hoạt động kinh doanh của mình ở mức tối ưu trong tương lai.

52

5.2. ĐỀ XUẤT GIẢI PHÁP

5.2.1. Giải pháp nâng cao hi ệu quả hoạt động của các NHTM Việt Nam

Dựa trên các hạn chế từ thực tiễn hoạt động kinh doanh tại các NHTM Việt Nam và những nguyên nhân được phân tích, tác giả đề ra một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các NHTM Việt Nam trong thời gian tới. Các biện pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của các NHTM Việt Nam bao gồm:

Thứ nhất, tăng cường hiệu quả quản lý và kiểm soát chi phí

Vì khả năng tự chủ trong việc hoạch định chiến lược tăng trưởng quy mô bị hạn chế nên để tận dụng được lợi thế kinh tế nhờ quy mô, các NHTM Việt Nam cần tăng cường hiệu quả quản lý và kiểm soát chi phí. Tuy nhiên, không đồng nhất hiệu quả trong quản lý và kiểm soát chí phí là khả năng giảm thiểu chi phí theo số tuyệt đối. Hiệu quả quản lý và kiểm soát chi phí được đánh giá dựa trên khả năng tạo ra lợi nhuận cao hơn trên một đồng chi phí bỏ ra. Với cách hiểu như trên, quản lý và kiểm soát chi phí bao gồm: gia tăng chi phí đầu tư vào các tài sản có khả năng sinh lợi cao hơn hoặc giảm thiểu các chi phí lãng phí hay các chi phí đầu tư cho tài sản kém sinh lợi hoặc sử dụng kết hợp cả hai phương thức trên.

Đặc thù của các sản phẩm, dịch vụ tài chính ngân hàng chính là tính vô hình và hoạt động dựa trên lòng tin của khách hàng là chủ yếu. Do đó, việc quản lý và kiểm soát chi phí không phải nhất thiết làm giảm chi phí và bỏ qua tác động đến khách hàng mà dựa trên cảm nhận của khách hàng về sản phẩm, dịch vụ của ngân hàng để đầu tư hoặc giảm thiểu chi phí cho phù hợp. Với lý do trên, để tăng cường hiệu quả quản lý và kiểm soát chi phí, một số biện pháp có thể được áp dụng đối với NHTM Việt Nam là:

o Hoàn thiện và đổi mới hệ thống trang thiết bị như hệ thống ATM, các phần mềm giao dịch Ngân hàng điện tử, cập nhật các phiên bản mới nhất của hệ thống core banking nhằm nâng cao khả năng phục vụ và giảm thiểu thời gian chờ đợi của khách hàng, hạn chế những sự cố về công nghệ. Việc đi đầu trong công nghệ cũng tạo được lợi thế cạnh tranh cho các NHTM.

53

o Cập nhật các quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động của các NHTM một cách kịp thời nhằm hạn chế những sai phạm có thể xảy ra. Các sai phạm này một mặt gây ra tổn hại về kinh tế do phải đối diện với các biện pháp xử phạt của NHNN. Mặt khác, các sai phạm trong hoạt động có thể đánh mất hình ảnh của NHTM, ảnh hưởng đến lòng tin và sự trung thành của khách hàng đối với ngân hàng.

o Tăng cường đầu tư vào lĩnh vực nghiên cứu và phát triển nhằm đánh giá đúng nhu cầu của khách hàng, từ đó phát triển sản phẩm phù hợp. Dự báo tốt nhu cầu của khách hàng là cơ hội để các NHTM chiếm lĩnh các phân khúc thị trường mới đồng thời hạn chế được chi phí nghiên cứu, thiết kế, triển khai các sản phẩm, dịch vụ không phù hợp, lãng phí nguồn lực của ngân hàng.

Bên cạnh việc gia tăng chi phí để đầu tư vào các tài sản có khả năng sinh lời cao và hạn chế rủi ro như trên, việc giảm thiểu chi phí không cần thiết và gây lãng phí cũng cần được thực hiện. Các chi phí có thể được cắt giảm được cân nhắc theo điều kiện của từng NHTM cụ thể. Hoạt động cắt giảm chi phí cần phải được xem xét kỹ càng trước khi ra quyết định để không làm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm, dịch vụ được cung cấp, sự trung thành của khách hàng đối với ngân hàng và sự hài lòng của đội ngũ cán bộ, nhân viên ngân hàng.

Thứ hai, tăng tính sự khác biệt và mức độ đa dạng sản phẩm và dịch vụ

Cấu trúc thị trường có ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của các NHTM. Vì cấu trúc thị trường là một nhân tố ngoại sinh nên NHTM không có khả năng kiểm soát và điều tiết nhân tố này. Tuy nhiên, NHTM có thể nắm bắt được xu hướng phát triển của các hình thái thị trường để xây dựng nên chiến lược kinh doanh phù hợp với khả năng tài chính và lợi thế của riêng từng NHTM nhằm gia tăng hiệu quả hoạt động kinh doanh. Cùng với đề án cơ cấu lại hệ thống TCTD của NHNN, cấu trúc thị trường ngành ngân hàng có xu hướng tập trung hơn và phát triển theo hình thái thị trường cạnh tranh không hoàn hảo ở mức độ cao hơn. Khai thác lợi thế thông tin bất cân xứng và sản phẩm không đồng nhất, các NHTM cần đa dạng hoá sản phẩm, dịch vụ cung cấp hoặc xây

54 dựng sự khác biệt để giảm bớt sự cạnh tranh từ những sản phẩm, dịch vụ tương đồng, đáp ứng được tối đa nhu cầu của khách hàng để gia tăng lợi nhuận và hiệu quả hoạt động. Ngoài các biện pháp tạo ra sự khác biệt về giá trị cốt lõi mà sản phẩm dịch vụ cung cấp, một số biện pháp nâng cao tính khác biệt trong phương thức cung ứng và định vị sản phẩm, dịch vụ tạo ra giá trị gia tăng nhằm khơi gợi lòng trung thành của khách hàng.

Các giải pháp này bao gồm:

o Cung cấp các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng theo gói. Các sản phẩm trong cùng một gói sản phẩm có tương trợ, bổ sung lẫn nhau. Quyền lựa chọn các sản phẩm đơn lẻ trong một gói sản phẩm thuộc về khách hàng thay vì dưới sự định đoạt của ngân hàng.

o Phân khúc khách hàng theo tiêu chí: khách hàng tiêu dùng giá trị cốt lõi và khách hàng tiêu dùng giá trị gia tăng của sản phẩm. Với cách phân loại khách hàng như trên, các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng cần được đầu tư theo hai hướng nhằm thoả mãn hai cách tiêu dùng này.

Bên cạnh đó, các NHTM Việt Nam cần đi tiên phong trong việc đổi mới sản phẩm. Vì các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng là sản phẩm vô hình nên các đối thủ cạnh tranh rất dễ bắt chước và sao chép ý tưởng. Mặc dù vậy, theo Trịnh Quốc Trung (2011), tuy đối thủ của các NHTM sẽ sao chép, bắt chước ý tưởng trong khoảng 20 tuần đầu tiên nhưng nếu năm ngân hàng cùng cung cấp một sản phẩm thì “ngân hàng đi tiên phong sẽ chiếm 40% thị phần sản phẩm đó trong suốt vòng đời của sản phẩm” (t.159,160). Các ngân hàng tiên phong phát triển sản phẩm vì thế mà “được hưởng lợi thế về khối lượng và số lượng các giao dịch hơn các ngân hàng đi sau” (t.161).

Ngoài việc tạo ra sản phẩm, dịch vụ khác biệt về tên gọi, phương thức tính lãi suất, lãi suất, đối tượng khách hàng mục tiêu, thời gian xử lý hồ sơ, thủ tục pháp lý,…cần sự góp phần không nhỏ trong thái độ phục vụ nhiệt tình và chuyên nghiệp của đội ngũ nhân viên. Chính thái độ phục và tác phong làm việc chuyên nghiệp là tài sản mà các NHTM khác không thể bắt chước được trong các yếu tố tạo nên sản phẩm, dịch vụ mới.

55

5.2.2. Hướng nghiên cứu mới

Để khắc phục những hạn chế trong quá trình thực hiện lượng hoá ảnh hưởng của các yếu tố bằng mô hình hồi quy, các đề tài nghiên cứu tiếp theo có thể sử dụng nhiều các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả hoạt động của các NHTM Việt Nam để đánh giá một cách toàn diện toàn bộ hoạt động kinh doanh của các ngân hàng. Các chỉ tiêu đó nên đánh giá được cả về hiệu quả tài chính lẫn hiệu quả quản lý và hiệu quả về an toàn hoạt động.

Bên cạnh đó, việc xây dựng đề tài nghiên cứu nhằm tìm ra quy mô tối ưu của từng NHTM Việt Nam cũng mang ý nghĩa thực tiễn lớn. Quy mô tối ưu của các NHTM được tìm ra sẽ là cơ sở để các NHTM định hướng chiến lược hoạt động kinh doanh cho các NHTM này trong giai đoạn tiếp theo.

TÓM TẮT CHƯƠNG 5

Dựa trên kết quả phân tích định tính và phân tích định lượng qua 4 chương trước, chương 5 đánh giá những mặt đạt được và những hạn chế còn tồn tại trong vấn đề nghiên cứu của khoá luận. Các hạn chế được nhìn nhận dưới hai phương diện: hạn chế từ thực tế hoạt động kinh doanh của các NHTM Việt Nam và hạn chế từ mô hình hồi quy được thiết lập. Những hạn chế trong hoạt động của các NHTM Việt Nam sẽ được xem xét, tìm hiểu nguyên nhân để đề ra giải pháp khắc phục nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các NHTM này. Hạn chế từ mô hình là một gợi mở để xây dựng và đề xuất các hướng nghiên cứu tiếp theo.

56

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Tài liệu tiếng Việt

Một phần của tài liệu ẢNH HƯỞNG CỦA CẤU TRÚC THỊ TRƯỜNG VÀ QUY MÔ TỔNG TÀI SẢN ĐẾN HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI VIỆT NAM (Trang 64)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(86 trang)