Nhóm giải pháp về phát triển nguồn nhân lực du lịch

Một phần của tài liệu Phát triển du lịch ở tỉnh Bến Tre Luận văn ThS. Kinh tế (Trang 90)

Du lịch là ngành kinh tế vừa có tính chuyên biệt vừa có tính tổng hợp, giao tiếp rộng rãi, giao tiếp nhiều ngành, nhiều lĩnh vực và trực tiếp với các đối tượng du khách với nhiều lứa tuổi, nhiều trình độ, đa dân tộc, đa ngôn ngữ, tín ngưỡng, tôn giáo, lịch sử, có thái độ chính trị, tập quán và sở thích rất khác nhau. Vì vậy, cán bộ nhân viên trong ngành du lịch cũng như những người tham gia hoạt động du lịch (lễ tân, buồng, bàn, quầy, tiếp thị và quảng bá...) đều phải có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ, phong cách và thái độ giao tiếp tương ứng theo trình độ phát triển của văn minh nhân loại và sắc thái riêng của từng dân tộc, vùng, miền.

Trong xu thế hội nhập quốc tế nhu cầu giao lưu, giao tiếp trong hoạt động du lịch ngày càng cao, những chuẩn mực giá trị dịch vụ ở nhiều lĩnh vực đã được quốc tế hóa.

Mục tiêu xây dựng được đội ngũ cán bộ, nhân viên du lịch Việt Nam nói chung và du lịch Bến Tre nói riêng có trình độ và kỹ năng nghiệp vụ, phẩm chất vững vàng, cơ cấu hợp lý, đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành trong tiến trình hội nhập du lịch khu vực và quốc tế. Vì vậy, ngành Du lịch

Bến Tre cần xây dựng và tổ chức thực hiện chiến lược phát triển nguồn nhân lực với các phương hướng và những giải pháp cụ thể.

Một trong những chính sách quan trọng nhất cần tính đến là đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, bao gồm cả về quản lý, kỹ năng nghề và giám sát để du lịch Bến Tre có thể đáp ứng được chất lượng dịch vụ du lịch như mong muốn của khách hàng.

Việc chuẩn bị tri thức, nghề nghiệp cho cán bộ nhân viên du lịch Bến Tre phải được ưu tiên hàng đầu để chuẩn bị cho các kế hoạch tương lai. Công tác đào tạo phải được chuẩn hóa ở cả 3 trình độ sơ cấp, trung cấp và đại học. Ngoài ra, đội ngũ lao động du lịch cũng cần phải được thường xuyên bồi dưỡng kiến thức nghiệp vụ, cập nhật tri thức, kỹ thuật mới, hiện đại cho phù hợp với nhu cầu, xu thế phát triển của thời đại. Cần nghiên cứu và ứng dụng công nghệ lữ hành, khách sạn, vận chuyển du lịch, vui chơi giải trí, công nghệ thông tin phục vụ quản lý và kinh doanh du lịch…

So với yêu cầu phát triển, hiện trạng đội ngũ lao động trong ngành du lịch Bến Tre còn nhiều bất cập, thách thức. Do vậy, đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực là yêu cầu cơ bản, bức xúc và thường xuyên của ngành du lịch Bến Tre.

Mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực cho ngành Du lịch Bến Tre trong những năm tới là phải từng bước nâng cao trình độ và năng lực của cán bộ, công nhân viên và người lao động lên ngang tầm với yêu cầu và nhiệm vụ mới, đáp ứng yêu cầu phát triển ngành trong thời kỳ mới.

Việc đào tạo mới, đào tạo lại cần phải có một chương trình toàn diện với những kế hoạch cụ thể, thiết thực không chỉ đối với doanh nghiệp nhà nước mà đối với mọi đối tượng tham gia hoạt động kinh doanh du lịch với các hình thức thiết thực, hiệu quả.

Việc thực hiện chương trình đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ lao động trong ngành với các trình độ chuyên ngành khác nhau bằng nhiều loại

hình phong phú thông qua các tổ chức trung tâm đào tạo chuyên ngành và ngoại ngữ. Việc đào tạo ngoại ngữ không chỉ đối với tiếng Anh mà còn chú trọng cả các thứ tiếng ở các thị trường trọng điểm như tiếng Đức, Pháp, Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc… một cách thực chất. Chú ý bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ cho lực lượng hướng dẫn viên du lịch, tập trung các chuyên đề về điểm, khu, tuyến du lịch văn hóa, lịch sử với nhiều kỹ năng giao tiếp và ứng xử tốt tình huống thị trường.

Tăng cường sự hỗ trợ từ dự án Phát triển nguồn nhân lực du lịch của Tổng cục Du lịch do Liên minh châu Âu tài trợ nhằm phát triển đội ngũ các đào tạo viên cho các doanh nghiệp nhằm chuẩn bị nguồn nhân lực cho phát triển du lịch trong tương lai. Đây là một nhiệm vụ quan trọng nhằm trang bị công cụ, phương tiện cho các doanh nghiệp để họ có điều kiện tự đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực khi phát triển, mở rộng kinh doanh.

Xây dựng kế hoạch cử, tuyển cán bộ trẻ, có năng lực đến các tỉnh, thành trong nước và nước ngoài có nền du lịch phát triển để học tập, nghiên cứu, nâng cao trình độ chuyên sâu về du lịch. Đồng thời, có chế độ khuyến khích, ưu đãi để thu hút sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp ở các trường có chuyên ngành du lịch về công tác, tham gia các hoạt động du lịch ở Bến Tre gắn chặt với việc tạo điều kiện, khuyến khích các doanh nghiệp kinh doanh du lịch mở rộng qui mô, phát triển ngành nghề, có chế độ đãi ngộ thỏa đáng, phát huy nguồn lực đã được đào tạo.

Tăng cường phối hợp với các Khoa Du lịch thuộc các trường đại học và các trường trung cấp nghiệp vụ du lịch để đào tạo, bồi dưỡng lực lượng lao động trong ngành. Bên cạnh việc đào tạo dài hạn, trung hạn và đạo tạo lại, cần có giải pháp chiến lược trong kế hoạch đầu tư, tuyển dụng lao động từ các trường đại học, để có một lực lượng lao động giỏi, có trình độ năng lực chuyên môn cao, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ mới, thích ứng được môi trường cạnh tranh ngày càng gay gắt trong hoạt động du lịch.

Tính tiến hành ký kết các thỏa thuận hợp tác với các trường nghiệp vụ du lịch, đặc biệt là các trường tại Cần Thơ, thành phố Hồ Chí Minh và Vũng Tàu… mở khóa ngắn hạn, các lớp chuyên đề về du lịch tại các cơ sở dạy nghề trong tỉnh.

Khuyến khích và tạo điều kiện để các cá nhân thuộc các thành phần kinh tế tham gia kinh doanh, quản lý theo học ở các cấp học, ngành học từ trung học, đại học và đến trên đại học; đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch tổ chức tự đào tạo thông qua các hình thức liên kết nhằm phát triển nguồn nhân lực.

Tăng cường hợp tác, trao đổi kinh nghiệm nghiệp vụ thông qua các hoạt động, khảo sát, hội thảo, hội nghị. công vụ… cho đội ngũ kinh doanh và quản lý du lịch. Đặc biệt, lực lượng hướng dẫn viên phải được thường xuyên kiểm tra, bồi dưỡng để không ngừng nâng cao kiến thức và thực tiễn.

Xây dựng và thực hiện xúc tiến các chương trình có tính trao đổi, giao lưu về phong cách tiếp xúc và ứng xử với du khách về bảo vệ môi trường du lịch, đặc biệt là nâng cao nhận thức về du lịch cho người dân một cách toàn diện với những hình thức cụ thể và phương án thích hợp.

Thường xuyên tập huấn, bồi dưỡng cho cộng đồng địa phương tham gia các hoạt động du lịch, nhất là phát triển du lịch cộng đồng để du lịch Bên Tre phát triển bền vững cả trước mắt và lâu dài.

Việc đào tạo, tiếp nhận lao động tay nghề giỏi, đồng thời phải đầu tư cơ sở vật chất, điều kiện làm việc thích hợp, hiện đại thì mới tạo điều kiện củng cố và phát huy được tay nghề của người lao động.

Một phần của tài liệu Phát triển du lịch ở tỉnh Bến Tre Luận văn ThS. Kinh tế (Trang 90)