Các yếu tố ảnh hưởng đến quy hoạch phát triển đội ngũ GVTH

Một phần của tài liệu Quy hoạch phát triển đội ngũ giáo viên tiểu học huyện hưng nguyên, tỉnh nghệ an đến năm 2020 (Trang 38)

Việc xác định mức độ ảnh hưởng của các nhân tố đến quy hoạch phát triển GD-ĐT nói chung và quy hoạch phát triển đội ngũ giáo viên Tiểu học nói riêng có ý nghĩa rất quan trọng. Bởi lẽ, GD-ĐT là một phân hệ trong hệ thống KT-XH. Quá trình phát triển GD-ĐT luôn chịu sự tác động của nhiều nhân tố khác nhau trong hệ thống KT-XH. Tuy vậy, thực tiễn công tác quy hoạch cho thấy không thể đưa tất cả các nhân tố ảnh hưởng vào quá trình xây dựng quy hoạch mà chỉ xem xét để đưa vào một số nhân tố ảnh hưởng trực tiếp tới quá trình phát triển GD-ĐT. Đó là những nhân tố mà sự biến động của nó tất yếu gây ra sự biến động của giáo dục theo chiều hướng tích cực và tiêu cực.

Các nhà nghiên cứu đã khái quát sự tác động của các nhân tố tới sự phát triển của hệ thống GD-ĐT thành các nhóm nhân tố sau:

1.4.4.1. Nhóm nhân tố CT-XH; dân số và dân số trong độ tuổi đi học

Nếu nền chính trị của một quốc gia mà ổn định, tiến bộ thì Chính phủ quốc gia ấy sẽ có chiến lược với những chính sách đúng đắn, phù hợp đầu tư cho GD-ĐT phát triển toàn diện, nhanh, mạnh và vững chắc. Xét ở bình diện hẹp, đối với một địa phương, tình hình chính trị - xã hội có vai trò rất quan trọng tới sự phát triển trên nhiều lĩnh vực trong đó có GD-ĐT của địa phương đó. Tình hình chính trị - xã hội của địa phương luôn luôn ổn định, phát triển vững chắc sẽ tạo cơ sở cho GD-ĐT phát triển. Ngược lại, nếu một địa phương tình hình chính trị, xã hội không ổn định; bộ máy Lãnh đạo của các cấp uỷ, chính quyền, các tổ chức chính trị, xã hội không đồng bộ về cơ cấu, không đủ

mạnh cả về số lượng và chất lượng theo hướng chuẩn hoá, hiện đại hoá, chưa đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH của quê hương đất nước và xu thế hội nhập khu vực và quốc tế thì sẽ làm cho GD-ĐT nói riêng và KH-XH địa phương đó nói chung chậm phát triển, thậm chí không phát triển.

Như vậy, tình hình chính trị - xã hội của một địa phương là một yếu tố quan trọng được xác định như là một nền tảng, một điểm tựa vững chắc giúp cho GD-ĐT phát triển. Việc xây dựng quy hoạch giáo dục của một địa phương phụ thuộc vào môi trường chính trị - xã hội của địa phương đó. Công tác xây dựng quy hoạch GD-ĐT sẽ sát thực tế, phù hợp với sự phát triển chung đảm bảo tính đặc thù, sát đối tượng và có tính khả thi cao.

Yếu tố dân số và dân số trong độ tuổi đi học là một trong các yếu tố xã hội có ảnh hưởng cơ bản, trực tiếp đến quy mô phát triển GD-ĐT. Yếu tố cơ cấu dân số, phân bố dân cư trên địa bàn lãnh thổ cùng với các phong tục tập quán, truyền thống văn hóa đều ảnh hưởng trực tiếp đến dân số học đường. Tốc độ tăng trưởng hoặc giảm dân số đột ngột đều tạo sự biến động bất thường đối với việc tăng, giảm dân số xã hội. Mức tăng, giảm dân số, tỷ suất sinh, sự di dân, cơ cấu nam – nữ, thành phần dân tộc của dân số và phân bố dân số theo địa bàn, lãnh thổ ở thành thị hay nông thôn…đều ảnh hưởng tới dân số học đường. Nếu dân số tăng sẽ tạo sự bùng nổ dân số học đường, gây sức ép cho GD-ĐT, nhất là lớp đầu cấp. Ngược lại, nếu dân số giảm đột ngột sẽ làm cho quy mô giáo dục bị giảm điều đó sẽ làm ảnh hưởng đến việc xác định các chỉ tiêu điều kiện để khai thác có hiệu quả cho giáo dục và đào tạo.

1.4.4.2. Nhóm nhân tố về kinh tế và ngân sách đầu tư cho GD-ĐT

Kinh tế phát triển được thể hiện ở giá trị sản phẩm GDP bình quân đầu người. Nền kinh tế phát triển sẽ tạo điều kiện đầu tư cho GD phát triển. Thể hiện nguồn ngân sách nhà nước đầu tư cho giáo dục hàng năm ngày một tăng và chiếm tỉ lệ cao trong tổng ngân sách nhà nước sẽ tạo điều kiện để giáo dục

phát triển nhanh và bền vững. Tỉ trọng GDP và tỉ trọng ngân sách Nhà nước chi cho giáo dục là nhóm nhân tố có ảnh hưởng cơ bản và trực tiếp nhất đến việc phát triển GD-ĐT.

Đối với địa phương, việc định hướng chiến lược phát triển kinh tế theo chu kỳ trung hạn, dài hạn với cơ cấu ngành, nghề hợp lý đảm bảo sự đón đầu trong tương lai đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN là rất quan trọng. Từ định hướng chiến lược đó sẽ tác động đến việc hình thành và phát triển các mô hình, các thành phần kinh tế, các loại hình dịch vụ đáp ứng nhu cầu và đòi hỏi của xã hội. Đây là yếu tố ảnh hưởng đến sự dịch chuyển dân số xã hội. Nếu địa phương xác định được cơ cấu kinh tế phù hợp sẽ huy động được mọi nguồn lực và lợi thế để phát triển kinh tế. Trên cơ sở kinh tế có sự tăng trưởng nhanh và bền vững, các địa phương mới có điều kiện để phân bổ và đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo đúng hướng chuẩn hoá, hiện đại hoá, xã hội hoá.

1.4.4.3. Nhóm nhân tố văn hóa, khoa học và công nghệ

Những diễn biến về văn hóa, sự phát triển của KH-CN sẽ ảnh hưởng đến nội dung và cơ cấu đào tạo. Sự phát triển đó sẽ làm thay đổi cơ cấu đào tạo và yêu cầu mới về chất lượng GD-ĐT làm xuất hiện những ngành nghề mới, tiên tiến, phù hợp, đồng thời sẽ làm thu hẹp hay mất đi những ngành nghề đã có.

1.4.4.4. Nhóm nhân tố bên trong của GD-ĐT

Hệ thống mạng lưới trường lớp đa dạng các loại hình trường, loại hình đào tạo, phương thức tổ chức quá trình đào tạo, thời gian đào tạo, đội ngũ giáo viên là các nhân tố có vai trò quan trọng trong quy hoạch phát triển giáo dục.

Nếu những nhân tố này phát triển hợp lý, đầy đủ, đồng bộ sẽ đáp ứng yêu cầu phát triển GD-ĐT cả về quy mô và chất lượng.

1.4.4.5. Nhóm nhân tố quốc tế về GD-ĐT

Xu thế phát triển GD-ĐT trên thế giới và trong khu vực có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển GD-ĐT của mỗi quốc gia: Về quan điểm chính sách đầu tư cho GD-ĐT. Nhờ đó mà Giáo dục có lộ trình vừa đảm bảo tính dân tộc, hiện đại có khả năng hòa nhập quốc tế và khu vực đáp ứng nhu cầu cuộc sống đặt ra.

Một phần của tài liệu Quy hoạch phát triển đội ngũ giáo viên tiểu học huyện hưng nguyên, tỉnh nghệ an đến năm 2020 (Trang 38)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(125 trang)
w