trong khu vực
Đối với CHDCND Lào, Đảng NDCM Lào luôn luôn coi việc xây dựng tăng cường kiện toàn Nhà nước là một nhiệm vụ hàng đầu, làm cho Nhà nước dân chủ nhân dân Lào thực sự là trụ cột của hệ thống chính trị, là một công cụ chủ yếu vững mạnh của nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trên tinh thần đó một trong những nội dung quan trọng là phải xây dựng Nhà nước thực sự của dân, do dân và vì dân, tất cả quyền lực thuộc về nhân dân.
Nhà nước dân chủ nhân dân Lào là một Nhà nước kiểu mới nhưng lại được xây dựng lên trong điều kiện một nước phong kiến, thuộc địa, chưa trải qua dân chủ tư sản, kinh tế nông nghiệp lạc hậu, phân tán, tự cung tự cấp, giai cấp công nhân còn non trẻ, lại bị chiến tranh kéo dài.
Sự ra đời của Nhà nước dân chủ nhân dân Lào là kết quả của cuộc đấu tranh cách mạng của nhân dân Lào, dưới sự lãnh đạo của Đảng NDCM Lào, chính quyền nhân dân ra đời và phát triển trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn, nhưng nhờ có sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, Nhà nước vẫn được củng cố và phát triển đúng hướng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: "Chúng ta đã hy sinh làm cách mệnh thì nên làm cho đến nơi, nghĩa là làm sao cách mạng rồi thì quyền giao cho dân chúng số nhiều, chớ để trong tay một bọn ít người, thế mới khỏi hy sinh nhiều lần, thế dân chúng mới được hạnh phúc" [19, tr.403]. Ngay từ khi thành lập chế độ mới, Đảng NDCM Lào đã ra sức xây dựng Nhà nước Lào là Nhà nước của dân, do dân và vì dân, có nghĩa là ngoài thực hiện chức năng của mình bằng pháp luật, bằng mệnh lệnh hành chính, Nhà nước phải dựa vào nhân dân thực hiện vận động quần chúng kết hợp với các đoàn thể để phát động phong trào của quần chúng. Do các cơ quan nhà nước phải thường xuyên tham khảo ý kiến của nhân dân; Nhà nước dân chủ nhân dân Lào là đại biểu của chính quyền nhân dân, là người tổ chức và chỉ đạo thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, là người quản lý và tạo môi trường cho sự hoạt động của xã hội theo pháp luật.
Tính chất giai cấp của Nhà nước Lào thể hiện trước hết và chủ yếu ở chỗ Nhà nước Lào dưới sự lãnh đạo của Đảng NDCM Lào là đội tiên phong của giai cấp công nhân, mọi hoạt động của Nhà nước đều bắt nguồn từ quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, của giai cấp công nhân. Sự lãnh đạo của Đảng NDCM Lào là nhân tố có ý nghĩa quyết định đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ chính quyền cách mạng. Như vậy,
có thể nói mọi thành tựu của Nhà nước đều gắn liền với vai trò lãnh đạo của Đảng NDCM Lào - nguồn gốc sức mạnh của Nhà nước là ở Đảng và các tổ chức quần chúng.
Nhà nước dân chủ nhân dân Lào mang tính chất nhân dân sâu sắc. Bởi vì Nhà nước Lào được xây dựng trên cơ sở tăng cường, mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân, lấy liên minh giữa giai cấp công nhân với nông dân và tầng lớp trí thức làm nền tảng, do Đảng NDCM Lào lãnh đạo là người đại biểu chính quyền của nhân dân, do nhân dân bầu ra và dưới sự kiểm soát của nhân dân. Điểm độc đáo trong việc xây dựng Nhà nước Lào là các tổ chức Mặt trận yêu nước đã chuyển thành tổ chức nhà nước, bước chuyển này diễn ra một cách tự nhiên và tất yếu trong cách mạng. Tất cả những điều đó chứng minh rằng ngay từ nguồn gốc ra đời chính quyền cách mạng đã bắt rễ từ nhân dân, lớn lên trong phong trào cách mạng, nó thật sự là đại biểu cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân. Để thực hiện quyền làm chủ của nhân dân đòi hỏi Nhà nước phải xây dựng hệ thống pháp luật làm công cụ quản lý kinh tế - xã hội.
Quản lý xã hội bằng pháp luật là yêu cầu khách quan của bất kỳ xã hội văn minh nào. Pháp luật nghiêm minh bảo đảm sự ổn định và trật tự cần thiết cho mọi hoạt động của Nhà nước và xã hội. Vì vậy, trong quá trình tiếp tục và phát triển chế độ dân chủ nhân dân, Nhà nước lãnh đạo các thành phần trong xã hội phải thông qua luật.
Trước đây, có một giai đoạn việc quản lý nhà nước, quản lý xã hội ở Lào bằng chủ trương, đường lối của Đảng, bằng Chỉ thị của Chính phủ, quản lý đất nước bằng phong tục tập quán của nhân dân ở các địa phương. Sau khi đất nước đã phát triển, quan hệ xã hội ngày càng mở rộng cả trong và ngoài nước, đòi hỏi phải có một hệ thống pháp luật để quản lý xã hội.
Ngày 14-8-1991, Hiến pháp đầu tiên đã ra đời, là đạo luật cơ bản của Nhà nước CHDCND Lào, nó là cơ sở pháp lý vững chắc cho Nhà nước Lào, đó là một bản Hiến pháp tiến bộ đầu tiên của nhân dân các bộ tộc Lào. Hiến pháp này đã khẳng định một chính quyền của nhân dân do giai cấp công nhân lãnh đạo, trong đó thể hiện rất rõ tính chất của một bản Hiến pháp CHDCND Lào từng bước tiến lên CNXH.
Về mặt tính chất nhà nước trong phần I, Điều 2 Hiến pháp đã ghi: "Nhà nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào là Nhà nước dân chủ nhân dân. Tất cả quyền lực thuộc về nhân dân, do nhân dân và vì lợi ích của nhân dân các bộ tộc Lào mà gồm có các tầng lớp trong xã hội do giai cấp công nhân - nông dân và trí thức làm nòng cốt" [31, tr.1].
Về mặt lãnh thổ, Chương I, Điều 1 đã ghi: "Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào là một quốc gia thống nhất của các bộ tộc không thể chia cắt, có độc lập, có chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ bao gồm vùng trời và sông suối" [31, tr.1].
Về mối quan hệ giữa cán bộ và cơ quan nhà nước với nhân dân, Hiến pháp quy định ở Chương I, Điều 6:
Nhà nước bảo vệ quyền tự do và quyền dân chủ của nhân dân không ai vi phạm. Mọi cơ quan và cán bộ của Nhà nước phải giáo dục tuyên truyền các chính sách và luật pháp cho nhân dân và cùng nhau tổ chức thực hiện để bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân. Cấm mọi hành vi quan liêu, đe doạ gây thiệt hại đến danh dự, thân thể, tính mạng, tinh thần và của cải của nhân dân [31, tr.2].
Về chế độ kinh tế - xã hội, Hiến pháp ghi rõ ở Chương II, Điều 13: Chế độ kinh tế ở Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào là kinh tế nhiều thành phần nhằm mục tiêu phát triển sản xuất và mở rộng lưu thông, biến kinh tế tự nhiên thành kinh tế hàng hóa, làm cho nền kinh tế của đất nước ngày càng phát triển và nâng cao đời sống về vật chất và tinh thần của nhân dân các bộ tộc không ngừng phát triển.
Hiến pháp còn nêu rõ ở Chương II, Điều 14: "Nhà nước bảo vệ và phát huy các hình thức sở hữu nhà nước, tập thể, sở hữu tư nhân tư bản trong nước và sở hữu của người nước ngoài đầu tư vào CHDCND Lào.
Nhà nước khuyến khích các thành phần kinh tế thi đua và hợp tác nhằm phát triển sản xuất và kinh doanh, mọi thành phần kinh tế đều bình đẳng trước pháp luật" [22, tr.5].
Hiến pháp nước CHDCND Lào năm 1991 khẳng định thành quả to lớn của nhân dân trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng, xây dựng và bảo vệ đất nước, Hiến pháp khẳng định: Nhà nước, chính quyền dân chủ nhân dân các cấp là của nhân dân, do nhân dân xây dựng vì lợi ích của mọi tầng lớp nhân dân các bộ tộc.
Để thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới nhằm củng cố và hoàn thiện chế độ dân chủ nhân dân từng bước tiến lên CNXH, Nhà nước phải bảo đảm sự thống trị của pháp luật trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, giữ cho pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh. Hiện nay, CHDCND Lào đang có chủ trương xóa bỏ cơ chế quan liêu bao cấp, chuyển sang kinh tế thị trường, Nhà nước phải tạo mọi điều kiện và khuyến khích
các thành phần kinh tế phát triển theo định hướng XHCN, cái cốt lõi của vấn đề này là ở chỗ cải tiến, đổi mới quản lý nhà nước nhằm xóa bỏ mọi lực cản, tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế thị trường phát triển, bảo đảm sự phát triển nền kinh tế không chệch hướng theo đường lối kinh tế của Nhà nước. Để thực hiện được chiến lược đó, phải xây dựng hành lang pháp luật là một trong những nội dung cơ bản và quan trọng để quy định sự hoạt động của các thành phần kinh tế. Trong đó cái gì chỉ thuộc Nhà nước làm, cái gì cấm làm, cái gì cấm nhập khẩu, cấm xuất khẩu... tất cả những gì cấm đều được quy định trong pháp luật. Ngoài ra, Nhà nước khuyến khích mọi hoạt động sản xuất kinh doanh thuộc các thành phần kinh tế, tự do kinh doanh trong khuôn khổ pháp luật, nghĩa là được quyền tự do làm những gì pháp luật không cấm, đăng ký hành nghề và đóng thuế đầy đủ theo quy định của nhà nước, không trốn thuế, khai man thuế, hành nghề đúng pháp luật. Trong điều kiện đó, yêu cầu quan trọng đầu tiên của các văn bản pháp luật phải thể chế hóa đúng quan điểm, đường lối của Đảng, bảo đảm định hướng XHCN. Các chế độ pháp lý phải phù hợp với yêu cầu thực tế của cuộc sống, phải dựa trên cơ sở tổng kết kinh nghiệm thực tiễn ở Lào.
Xuất phát từ tình hình thực tiễn trong nước và kinh nghiệm của các nước ASEAN, Đảng và Chính phủ Lào đã chủ động sáng tạo đề ra những quyết sách mới, thực hiện những bước đi thích điều chỉnh cơ cấu kinh tế, đổi mới cơ chế quản lý và đổi mới chính sách đối ngoại. Quyết tâm thực hiện những chủ trương, chính sách đổi mới tạo ra những chuyển biến tích cực trong nền kinh tế quốc dân.
Nhìn chung qua các kinh nghiệm quản lý nền kinh tế của một số nước trên thế giới, Đảng NDCM Lào đã tiếp thu có chọn lọc và vận dụng dần dần vào nước Lào để quản lý, phát triển nền kinh tế đưa nước Lào phát triển.