vực
Nhà nước là một tổ chức duy nhất trong hệ thống chính trị có quyền ban hành các văn bản, quy phạm pháp luật thể hiện ý chí và thực hiện quyền lực của giai cấp thống trị, có vai trò quản lý hành chính đất nước, đảm bảo an toàn quốc gia và thực hiện chức năng quản lý kinh tế đất nước.
ở Việt Nam nguyên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Đỗ Mười đã nói: "Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong sạch, vững mạnh, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả; cán bộ công chức nhà nước có đủ phẩm chất và năng lực, thực sự là công bộc, tận tụy phục vụ nhân dân" [20, tr.309]. Một phương hướng hoạt động rất quan trọng của Nhà nước XHCN là giải quyết các đòi hỏi, nhu cầu từ đời sống xã hội, tạo điều kiện để xây dựng một xã hội văn minh, nhân đạo và vì các giá trị cao cả của con người.
Khi chuyển sang kinh tế thị trường, vai trò quản lý và điều tiết của Nhà nước đối với nền kinh tế hết sức lớn và cực kỳ quan trọng như kinh nghiệm của Việt Nam trong
thời kỳ quá độ sang kinh tế thị trường, cái cần thay đổi không phải là hạ thấp chức năng kinh tế của Nhà nước, mà cần thay đổi cách thực hiện chức năng ấy. Nền kinh tế Việt Nam phải là nền kinh tế thị trường có sự điều tiết mạnh từ phía Nhà nước [15, tr.162]. Do có sự quản lý điều tiết của Nhà nước đúng đắn và kịp thời nền kinh tế Việt Nam ở mức tăng trưởng và phát triển nhanh, đảm bảo vững chắc bước đi theo định hướng đi lên CNXH.
Từ những kinh nghiệm của Việt Nam, ở CHDCND Lào việc phát huy kinh tế nhà nước đóng vai trò trụ cột trong nền kinh tế quốc dân là hết sức quan trọng trong sự phát triển kinh tế. Để đảm bảo cho kinh tế nhà nước có hiệu quả cao phải duy trì quyền kiểm soát, khống chế của Nhà nước đối với các doanh nghiệp có tầm cỡ quốc gia trên cơ sở thay đổi một cách căn bản hình thức tổ chức và quản lý doanh nghiệp nhằm nâng cao hiệu qủa kinh doanh của các doanh nghiệp nhà nước. Hướng đúng đắn là chuyển phần lớn các doanh nghiệp nhà nước hiện nay thành các công ty cổ phần có phát hành cổ phiếu trong đó Nhà nước nắm cổ phần khống chế. Mặt khác, khi chuyển sang kinh tế thị trường, vai trò quản lý điều tiết kinh tế của nhà nước phải được tăng cường để tạo môi trường cho toàn dân và mọi thành phần kinh tế hoạt động có hiệu quả, làm cho kinh tế - xã hội phát triển theo hướng đã định mà được thực hiện thông qua các chức năng kinh tế của Nhà nước, trong đó Nhà nước phải giữ vai trò quan trọng trong việc đề ra chiến lược phát triển kinh tế và việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống các chính sách kinh tế cho phù hợp từng giai đoạn nhất định.
ở Nhật Bản, kinh tế phát triển mạnh, một trong những nguyên nhân chủ yếu là do Chính phủ Nhật Bản đề ra chính sách rất phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế từng giai đoạn.
Chính sách kinh tế của Nhật Bản sau chiến tranh có hai vấn đề lớn là dân chủ hóa kinh tế và phục hồi kinh tế thị trường. Trong thời gian từ năm 1945 đến năm 1947, Nhật Bản đã củng cố cơ sở để dân chủ hóa kinh tế bằng cách thực hiện giải phóng ruộng đất trong nông nghiệp, thành lập các tổ chức công đoàn, giải tán các tập đoàn tài phiệt.
Nhật Bản đã chuyển sang nền kinh tế thị trường bằng cách thực hiện hai chính sách lớn là đẩy mạnh sản xuất và phục hồi chức năng của thị trường.
Đẩy mạnh sản xuất bằng cách tập trung mọi nỗ lực trong nước vào việc tăng cường sản xuất có trọng điểm như: các ngành than, gang thép. Nếu không khôi phục được trình độ sản xuất để duy trì mức sống của nhân dân thì không thể khôi phục được nền kinh tế thị trường.
Để khôi phục chức năng thị trường, trước năm 1946, Nhật Bản đã thi hành cải cách tiền tệ, nhằm hạn chế tiền tệ phát hành quá thừa. Nhật Bản thực hiện bằng cách cắt các khoản bồi thường trong chiến tranh, đặt ra các khoản thuế đặc biệt đánh vào khoản tiền bồi thường và đánh thuế tài sản... Chính phủ Nhật Bản còn nhiều lần tiến hành cải cách giá cả, bãi bỏ các khoản tiền trợ cấp. Năm 1949, Chính phủ Nhật Bản đã thực hiện chế độ tỷ giá hối đoái đơn nhất, sau khi có bước chuẩn bị như vậy, Nhật Bản đã dần dần bãi bỏ chế độ kiểm soát vật tư và kiểm soát giá cả, phục hồi kinh tế thị trường. Trong khoảng thời gian từ năm 1950 - 1957, Chính phủ Nhật Bản đã dần dần bãi bỏ chế độ kiểm soát vật tư và giá cả.
Để vận dụng những kinh nghiệm phát triển kinh tế của Nhật Bản vào điều kiện cụ thể của đất nước, Đảng NDCM Lào đã đề ra chính sách đổi mới kinh tế ở CHDCND Lào trong quá trình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Đảng và Chính phủ ban hành và sửa đổi nhiều chính sách phát triển sản xuất như: chính sách cơ cấu kinh tế; chính sách tài chính; chính sách về các chuyên ngành kinh tế; chính sách tiền tệ và tín dụng; chính sách kinh tế đối ngoại; chính sách dân số việc làm... Các chính sách đó đã quan tâm thỏa đáng đến lợi ích của người lao động, tạo ra môi trường thuận lợi khuyến khích tất cả các thành phần kinh tế, phát huy tiềm năng, đẩy mạnh sản xuất và kinh doanh, tự do cạnh tranh lành mạnh trong các thành phần kinh tế và các lĩnh vực kinh tế, kể cả trong lĩnh vực ngoại thương thuộc độc quyền của Nhà nước làm cơ sở cho Nhà nước thực hiện chức năng quản lý kinh tế.
Trong nền kinh tế thị trường hỗn hợp ở Lào hiện nay, Nhà nước có vai trò can thiệp vào quá trình kinh tế là một sự cần thiết khách quan. Vì cơ chế thị trường tự nó điều chỉnh không tránh khỏi những khuyết tật. Việc khắc phục những khuyết tật đó, không thể hoàn toàn trông chờ ở "bàn tay vô hình", trông chờ ở cạnh tranh và cung cầu hoàn toàn điều tiết, sự vận động của giá cả sản lượng trên thị trường, mà phải có vai trò của Nhà nước để điều tiết kinh tế thông qua công cụ điều tiết nền kinh tế của Nhà nước.
Nói chung, ở nhiều nước trong khu vực và trên thế giới đã có nhiều kinh nghiệm khác nhau trong quản lý, điều khiển nền kinh tế đất nước như kinh nghiệm ở Đài Loan.
Trong những giai đoạn phát triển khác nhau, chính quyền Đài Loan có những vai trò khác nhau. Nhìn chung ở giai đoạn đầu của quá trình phát triển, chính quyền Đài Loan đã tích cực can thiệp vào nhiều mặt trong hoạt động kinh tế hơn là giai đoạn sau. Những năm 1945-1954, vai trò của chính quyền Đài Loan là tạo ra môi trường kinh tế vĩ
mô ổn định, thuận lợi cho đầu tư như: khống chế lạm phát, cải cách hệ thống lãi suất và sử dụng các xí nghiệp công cộng trong hoạt động tài chính của Nhà nước. Trong thời kỳ này, chính quyền cũng đóng vai trò tích cực trong việc ổn định hóa khu vực nông thôn qua cải cách ruộng đất.
Những năm 1959-1972, chính quyền có vai trò rất quan trọng trong việc phát triển những ngành công nghiệp nhẹ thu hút nhiều lao động, hướng vào xuất khẩu. Chính quyền đã điều chỉnh lãi suất, thành lập các khu chế biến xuất khẩu, đưa ra chính sách ưu tiên về thuế và những phương sách khác để khuyến khích phát triển công nghiệp. Tuy nhiên vào những năm 80 nhiều nguồn lao động rẻ của Đài Loan đã cạn kiệt. Chính quyền lúc này lại phải điều chỉnh, nâng cấp cơ cấu kinh tế bằng cách đầu tư vào tri thức, kỹ thuật và vốn.
Vai trò của chính quyền được thể hiện qua các chính sách:
Một là, khống chế chặt chẽ lạm phát.
Giá cả hàng hóa vừa chịu sự tác động của giá trị đồng tiền, vừa tác động đến tiền tệ và lạm phát. ở Đài Loan, năm 1949 chỉ số giá bán buôn tăng đến 340,8% và năm 1950 là 30,5%. Để khống chế tỷ lệ siêu lạm phát năm, chính quyền đã thực hiện nhiều bước đi như cải cách hệ thống tiền tệ qua việc thay đổi đô la Đài Loan cũ bằng đô la Đài Loan mới, và bán vàng để tạo lập niềm tin của công dân vào đồng đô la mới, chính quyền cũng tăng mạnh lãi suất lên 7%/tháng hoặc 125%/năm.
Hai là, ổn định lãi suất.
Vào những năm 1950, Đài Loan đã thực hiện một hệ thống lãi suất rất phức tạp. Trong hệ thống này có những lãi suất khác nhau giữa đô la Đài Loan và đô la Mỹ đối với những đơn vị kinh doanh khác nhau và đối với những mục đích khác nhau. Mục đích của việc thực hiện hệ thống lãi suất phức tạp này là để hạn chế tiêu dùng và khuyến khích phát triển các xí nghiệp công cộng ở Đài Loan. Trong những năm 60, chính quyền đã từ bỏ hệ thống này. Hai thập kỷ tiếp theo, chính quyền chủ trương duy trì một lãi suất thấp để tạo điều kiện thuận lợi cho các ngành xuất khẩu ở Đài Loan.
Ba là, mở rộng và nâng cấp kết cấu hạ tầng cho sự phát triển nông nghiệp.
Cũng như nhiều nước đang phát triển khác, khu vực kinh tế tư nhân ở Đài Loan không có khả năng cung cấp và tài trợ cho những dự án phát triển kết cấu hạ tầng. Trách nhiệm này thuộc về chính quyền. Sự can thiệp của chính quyền được bắt đầu bằng 10 dự án xây dựng lớn để nâng cấp cơ sở hạ tầng ở Đài Loan. Gần đây, chính quyền đã thực hiện kế hoạch phát triển hơn nữa kết cấu hạ tầng ở Đài Loan.
Bốn là, khuyến khích tiết kiệm.
ở thời kỳ đầu của quá trình phát triển, để khuyến khích đầu tư vào cả hai khu vực công cộng và tư nhân, chính quyền Đài Loan duy trì chính sách lãi suất thấp. Tuy nhiên, mức lãi suất đó vẫn chưa đủ kích thích dân chúng tăng tiền gửi tiết kiệm và do đó không có đủ tiền dành cho thị trường vốn. Vào cuối những năm 50, chính quyền thực hiện chính sách hạ thấp lãi suất hơn nữa, ảnh hưởng của nó không chỉ là tăng tiết kiệm mà còn giảm cả lạm phát.
Năm là, bảo vệ những ngành công nghiệp thay thế nhập khẩu.
Trong những năm 50 và 60, chính quyền Đài Loan đã chấp nhận và thực hiện chiến lược bảo vệ công nghiệp, như tăng thuế nhập khẩu tới hơn 30% và khống chế chặt chẽ nhập khẩu. Hơn nữa hệ thống lãi suất rất ưu đãi những ngành công nghiệp thay thế nhập khẩu.
Sáu là, sử dụng thặng dư của các xí nghiệp công cộng cung cấp tài chính cho hoạt động của Nhà nước và cung cấp cơ sở với giá thấp.
Thặng dư của các xí nghiệp công cộng được chuyển cho các cơ quan chính quyền và cung cấp tài chính cho các hoạt động của chính quyền.
Bảy là, thúc đẩy phát triển công nghiệp thông qua các chính sách công nghiệp.
Một trong những nhân tố then chốt đóng góp vào sự tăng trưởng mạnh của nền kinh tế Đài Loan là sự phát triển của khu vực công nghiệp. Nguyên nhân sâu xa của chính công nghiệp này là chính quyền chấp nhận một chính sách công nghiệp thích hợp với những lợi thế so sánh của Đài Loan. Đó là những ngành tập trung lao động, chủ yếu là công nghiệp nhẹ hướng vào xuất khẩu.
Tám là, phát triển lực lượng lao động trình độ cao.
Lực lượng lao động được đào tạo tốt là một trong những nhân tố quan trọng khiến Đài Loan phát triển kinh tế nhanh. Là nước đi sau, Đài Loan có thể học hỏi và vay mượn kỹ thuật tiên tiến và giá thấp. Để thực hiện điều đó, chính quyền Đài Loan tập trung đầu tư vào giáo dục để phát triển lực lượng lao động trình độ cao [6, tr.49-50].
Nhà nước dân chủ nhân dân Lào đã vận dụng những kinh nghiệm đó vào quản lý nền kinh tế thị trường có nhiều thành phần kinh tế, nhiều hình thức sở hữu khác nhau: Nhà nước thực hiện chức năng quản lý là chủ yếu không trực tiếp sản xuất kinh doanh như trước đây. Chủ tịch Đảng NDCM Lào Cay Sỏn Phôm Vi Hẳn đã nói:
... Nhà nước có thể tự nắm và phải nắm một số cơ sở xí nghiệp quốc doanh hoặc cổ phần với tỷ lệ đủ để chi phối hoạt động của xí nghiệp quốc doanh. Trong trường hợp cần thiết Nhà nước phải trực tiếp xâm nhập thị trường để bảo đảm ổn định, điều tiết cung và cầu hạn chế giá cả biến động hạ lạm phát và thất nghiệp [30, tr.404].
Trong điều hành các hoạt động kinh tế cần hạn chế tối đa những mệnh lệnh hành chính, đề cao các hoạt động thị trường được diễn ra chủ yếu trên sự hướng dẫn của các quy luật giá trị, quy luật cung cầu, quy luật cạnh tranh đảm bảo nguyên tắc vận hành chủ yếu của nền kinh tế là nguyên tắc thị trường. Mặt khác, do thị trường của Lào mới hình thành còn sơ khai chưa tự điều tiết hoàn toàn mà còn phải phục vụ sát thực các mục tiêu kinh tế - xã hội của đất nước trong từng thời kỳ.
Do kinh nghiệm thực tiễn của nhiều nước đã cho thấy thị trường không phải là vạn năng, vì vậy không thể coi nhẹ kế hoạch. Tuy nhiên, Nhà nước dân chủ nhân dân Lào thấy tầm quan trọng của kế hoạch phải ở năng lực điều khiển, tập trung ở các mặt chủ yếu sau đây: Một là, dự đoán và đưa ra chính sách, cơ cấu đúng đắn cho các phương pháp
phát triển kinh tế; hai là, phát triển các công nghiệp nền tảng và sự nghiệp công ích là
những lĩnh vực mà thị trường thường bỏ qua; ba là, uốn nắn những sai lầm của thị trường. Với chức năng điều hành nền kinh tế, Nhà nước cần phải phối hợp hoạt động giữa cơ quan, đơn vị trong nền kinh tế quốc dân để đảm bảo những mối quan hệ cần thiết cho sự phát triển đảm bảo hoàn thành kế hoạch của toàn bộ nền kinh tế quốc dân như kinh nghiệm của các nước ASEAN, Nhà nước có vai trò đặc biệt quan trọng.
Kinh nghiệm quản lý và phát triển nền kinh tế của Hàn Quốc
Trong những thập niên vừa qua, nền kinh tế Hàn Quốc đã ngày càng phát triển mạnh mẽ. Hàn Quốc đã được mệnh danh là một trong bốn "con rồng" châu á. Từ một nền kinh tế lạc hậu, tài nguyên thiên nhiên nghèo nàn đến nay, Hàn Quốc đã kinh doanh được một nền kinh tế phát triển vững chắc, tiên tiến, hiện đại, một nền công nghiệp mạnh có tốc độ tăng trưởng cao. Hàn Quốc đã được các nhà kinh tế thế giới thừa nhận là một điển hình của một nền kinh tế thành công, thu nhập GNP bình quân đầu người từ những năm 1994 đã đạt 8.500 USD/năm.
Có được những thành tựu kinh tế to lớn đó là nhờ có sự quản lý, điển hình phát triển có kế hoạch kinh tế nông nghiệp và công nghiệp.
1) Từ kế hoạch phát triển kinh tế lần thứ nhất (1962-1966); lần thứ hai (1967- 1971); lần thứ ba (1972-1976); lần thứ tư (1977-1981); lần thứ năm (1982-1986); lần thứ sáu (1987-1991); lần thứ bảy (1992-1996); lần thứ tám (1996-2001); lần thứ chín (2001- 2005).
2) Nhà nước có chính sách quản lý ngoại tệ, giữ vững tỷ giá hối đoái phù hợp. 3) Tăng cường hợp tác kinh tế với nước ngoài, khuyến khích vốn đầu tư.
4) Hợp tác kinh tế mở (liên doanh với nước ngoài).
5) Có nhiều biện pháp chống lại chế độ bảo hộ nền công nghiệp trong nước và chính sách mở cửa thị trường thông thoáng.
6) Tham gia điều khiển trật tự kinh tế quốc tế mới.
7) Có chính sách công nghiệp và tổ chức công nghiệp phù hợp, chống độc quyền kinh doanh (thực hiện bình đẳng, sáng tạo, phát triển cân đối).
Kinh nghiệm của Thái Lan
Từ năm 1987 trở về đây, Thái Lan đã nổi lên như một trong những nước có tỷ lệ tăng