Đảm bảo theo sát diễn biến của quá trình tranh luận

Một phần của tài liệu vai trò của hội thẩm nhân dân trong phiên tòa hình sự sơ thẩm (Trang 37)

Các chủ thể tham gia vào giai đoạn tranh luận tại phiên tòa hình sự sơ thẩm bao gồm: Chủ thể buộc tội, chủ thể bào chữa và chủ thể xét xử vụ án để thực hiện các chức năng tương ứng là buộc tội, gỡ tội và xét xử. Ở giai đoạn này ta nhận thấy chỉ có chức năng buộc tội của Kiểm sát viên và chức năng bào chữa của người bào chữa để gỡ tội là được thực hiện đầy đủ. Chức năng xét xử của Hội đồng xét xử được thể hiện ở vai trò “trọng tài công lí” và giám sát các hoạt động tranh luận. Là thành viên của Hội đồng xét xử, Hội thẩm có nhiệm vụ theo sát diễn biến của quá trình tranh luận để góp phần đảm bảo việc tranh luận diễn ra bình đẳng, đúng pháp luật và qua theo dõi, giám sát Hội thẩm thấy cần xem xét thêm chứng cứ thì đề nghị Hội đồng xét xử quyết định trở lại việc xét hỏi. Cũng qua việc theo dõi tranh luận Hội thẩm sẽ có thêm cơ sở cho việc thảo luận và biểu quyết các vấn đề của vụ án khi nghị án.

Tranh luận là dùng lí lẽ, chứng cứ để trình bày kết luận của mình và phản bác quan điểm của phía bên kia nhằm bảo vệ quan điểm của mình đưa ra là đúng. Thông qua việc trình bày ý kiến và đối đáp của các bên, các vấn đề của vụ án sẽ được phân tích, chứng minh ở nhiều góc độ khác nhau. Tranh luận là một giai đoạn của phiên toà theo qui định của thủ tục tố tụng hình sự, đồng thời việc các bên tham gia tranh luận còn là biện pháp được Toà án thực hiện để góp phần vào việc xác định sự thật của vụ án vì thông qua tranh luận các vấn đề của vụ án sẽ được nhìn nhận một cách khách quan và toàn diện hơn. Trình tự tiến hành việc tranh luận tại phiên toà hình sự sơ thẩm bao gồm chủ thể của bên buộc tội (Kiểm sát viên) và bên bào chữa (người bào chữa, bị

GVHD: Th.s Mạc Giáng Châu SVTH: Lê Thị Tuyết Mai 35

cáo…) phát biểu ý kiến, phân tích các chứng cứ được đưa ra xem xét và trình bày kết luận của mình về các vấn đề đúng, sai của mỗi bên.

Theo qui định của khoản 1 Điều 217 của Bộ luật tố tụng hình sự thì trình tự, yêu cầu của việc tranh luận bao gồm: “Sau khi kết thúc việc xét hỏi tại phiên tòa, Kiểm sát viên trình bày lời luận tội, đề nghị kết tội bị cáo theo toàn bộ hay một phần nội dung cáo trạng hoặc kết luận về tội nhẹ hơn;nếu thấy không có căn cứ để kết tội thì rút toàn bộ quyết định truy tố và đề nghị Hội đồng xét xử tuyên bị cáo không có tội”. Luận tội là việc xem xét, cân nhắc để định tội, đây là quyền công tố của Kiểm sát viên đã được luật qui định. Thông thường lời luận tội của Kiểm sát viên bao gồm: Phân tích những chứng cứ buộc tội đối với bị cáo (nếu luận tội theo hướng buộc tội) hoặc chứng cứ gỡ tội đối với bị cáo (nếu theo hướng gỡ tội); nêu các tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ trách nhiệm hình sự; đề nghị Hội đồng xét xử quyết định hình phạt, mức hình phạt đối với bị cáo; nghĩa vụ bồi thường, mức bồi thường cho người bị hại… Khi nghe Kiểm sát viên trình bày lời luận tội bị cáo, Hội thẩm phải tự mình đánh giá, xem xét lời luận tội đó có “căn cứ vào những tài liệu, chứng cứ đã được kiểm tra tại phiên toà và ý kiến của bị cáo, người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự và những người tham gia tố tụng khác tại phiên toà”31hay không.

Khi Kiểm sát viên trình bày lời luận tội xong thì “Bị cáo trình bày lời bào chữa, nếu bị cáo có người bào chữa thì người này bào chữa cho bị cáo. Bị cáo có quyền bổ sung ýkiến bào chữa”32. Bị cáo hoặc người bào chữa cho bị cáo căn cứ vào lời luận tội của Kiểm sát viên để bào chữa và tranh luận. Đối với trường hợp bị cáo không nhờ người bào chữa hoặc từ chối người bào chữa do Toà án yêu cầu đoàn luật sư cử đến thì bị cáo tự bào chữa.

Trong trường hợp “Kiểm sát viên rút một phần quyết định truy tố hoặc kết luận về tội nhẹ hơn thì Hội đồng xét xử vẫn tiếp tục xét xử vụ án”33 và ra bản án theo thủ tục chung. Nếu Kiểm sát viên rút toàn bộ quyết định truy tố thì Hội đồng xét xử phải yêu cầu những người tham gia tố tụng trình bày ý kiến về việc rút quyết định truy tố đó, trong trường hợp này sẽ không còn việc tranh luận, Hội đồng xét xử tiến hành nghị án và tuyên án theo qui định.

31 Xem thêm Khoản 1 Điều 217 Bộ luật tố tụng hình sự 2003

32 Xem thêm Khoản 2 Điều 217 Bộ luật tố tụng hình sự 2003

GVHD: Th.s Mạc Giáng Châu SVTH: Lê Thị Tuyết Mai 36

Cùng chịu trách nhiệm với Thẩm phán - Chủ toạ phiên toà thực hiện vai trò là trọng tài của việc tranh luận giữa các bên, Hội thẩm có thể đề xuất với chủ tọa phiên tòa định hướng cho việc tranh luận đi vào trọng tâm, nhanh gọn, rõ ràng nhưng vẫn đảm bảo được những quy định của pháp luật. Hội thẩm không được can thiệp trái qui định pháp luật vào quá trình tranh luận như không được yêu cầu Chủ tọa phiên tòa hạn chế thời gian tranh luận hoặc cắt ngang việc tranh luận; nếu thấy Kiểm sát viên chưa đáp lại những ý kiến có liên quan đến vụ án của người bào chữa và những người tham gia tranh luận khác thì Hội thẩm phải yêu cầu Chủ toạ phiên toà đề nghị Kiểm sát viên đáp lại những ý kiến đó. Trong quá trình diễn ra tranh luận Hội thẩm phải giữ thái độ vô tư, khách quan, không được phát biểu quan điểm của mình về bất cứ vấn đề gì, mọi nhận xét, đánh giá về các vấn đề đúng, sai của các bên tham gia tranh luận chỉ được thể hiện trong khi nghị án.

Muốn theo sát được diễn biến của quá trình tranh luận, Hội thẩm phải lắng nghe và ghi chép những ý quan trọng đồng thời vẫn luôn phải quan sát diễn biến của toàn bộ phiên toà, do vậy chỉ có tập trung tinh thần cao độ, Hội thẩm mới nắm được ý kiến, quan điểm và đề nghị của các bên than gia tranh luận, từ đó có thêm nhận thức, căn cứ tìm ra sự thật về từng vấn đề để phục vụ cho việc đưa ra các quyết định trong khi nghị án được chính xác và khách quan.

Tranh luận có một ý nghĩa quan trọng đối với quá trình xét xử của vụ án, việc tranh luận thể hiện tính dân chủ của pháp luật tố tụng hình sự. Đảm bảo theo sát diễn biến của quá trình tranh luận cũng chính là việc Hội thẩm thực hiện vai trò giám sát của mình trong phiên tòa để việc tranh luận diễn ra bình đẳng, đúng pháp luật giữa các bên tham gia tranh luận. Để hoàn thành tốt vai trò giám sát, Hội thẩm cần nâng cao trách nhiệm của mình đồng thời luật pháp cần có những qui định cụ thể hơn về nhiệm vụ giám sát của Hội thẩm trong công tác xét xử nói chung và trong giai đoạn tranh luận tại phiên toà hình sự nói riêng.

Một phần của tài liệu vai trò của hội thẩm nhân dân trong phiên tòa hình sự sơ thẩm (Trang 37)