Các đổi thủ cạnh tranh của VNPT trong đó có CTĐTTTP trực thuộc VTTPHCM (là thành viên của VNPT) hiện nay là các công ty Viễn Thông trong nước và ngoài nước.
a) Các công ty trong nước
Công Ty Điện Tử Viễn Thông Quân Đội (Viettel): Được thành lập ngày 1/6/1989, kinh doanh các dịch vụ truyền thống: khảo sát thiết kế, xây lắp các công trình thông tin, xuất nhập khẩu các thiết bị viễn thông và dịch vụ bưu chính. Ngoài việc xây lắp thi công các công trình viễn thông, bán thiết bị, linh kiện điện tử và viễn thông nhập khẩu còn thực hiện thiết kế, lắp đặt hệ thống tổng đài tự động, thiết bị vô tuyến điện, thiết bị truyền số liệu…
Chính thức được cung cấp từ năm 2003, hiện tại dịch vụ ĐTCĐ của Viettel đã có mặt tại các tỉnh thành trên cả nước, chất lượng thoại ổn định, thủ tục đăng ký và lắp đặt đơn giản, ĐTCĐ của Viettel cung cấp các dịch vụ gọi nội hạt, liên tỉnh, quốc tế,
gọi di động và các dịch vụ gia tăng khác. Đây là một trong những đơn vị có tốc độ phát triển nhanh trong các đổi thủ của VNPT.
Công ty Cổ Phần Dịch Vụ Bưu Chính Viễn Thông Sài Gòn (SaiGon Postel – SPT): Được UBND cấp phép thành lập vào 27/12/1995 với số vốn điều lệ 50 tỷ đồng.
Năm 2001, Công ty bắt đầu triển khai các dự án đầu tư cung cấp dịch vụ viễn thông như điện thoại cố định tại khu đô thị mới Nam Sài Gòn, đặc biệt dịch vụ VOIP đường dài trong nước và quốc tế với thương hiệu 177 đã nhanh chóng chiếm được thị trường và tạo được nguồn vốn đáng kể cho SPT.
Tổng doanh thu bình quân hàng năm của SPT vào khoảng 1.000 tỷ/năm. SPT đang từng bước mở rộng mạng lưới cung cấp các loại hình dịch vụ tại 64 tỉnh thành trong nước và chuẩn bị vươn ra thị trường quốc tế. Hiện nay, SPT đang cung cấp nhiều loại hình dịch vụ cho hàng trăm ngàn thuê bao, thị phần ngày càng mở rộng, thương hiệu SPT được thị trường nhận diện.
Công Ty Thông Tin Viễn Thông Điện Lực (VP Telecom - VPT): Ra đời theo Quyết định số 966/GP-BBCVT ngày 26/11/2004 của Bộ BCVT, VPT trực thuộc Công ty điện lực Việt Nam (EVN) đã chính thức bước vào sân chơi viễn thông một cách đầy đủ với tất cả các dịch vụ viễn thông công cộng. Lợi thế lớn nhất của VPT khi gia nhập lĩnh vực này là có cơ sở hạ tầng viễn thông mạnh (hệ thống các tuyến cáp quang trên đường dây điện 500 kV, 220 kV, 110 kV trải dài khắp đất nước). Đây là lợi thế hơn hẳn các doanh nghiệp khác trong lĩnh vực viễn thông.
Dự kiến đến năm 2010, VPT sẽ phấn đấu đạt được từ 1-2 triệu thuê bao Internet. Đối với dịch vụ ĐTCĐ không dây, VP Telecom sẽ triển khai trên 64 tỉnh thành của cả nước, phấn đấu đến năm 2010 đạt mức doanh thu 5.000-7.000 tỷ VND/năm.
Công Ty Cổ Phần Viễn Thông FPT (FPT Telecom): là công ty chuyên cung cấp dịch vụ Internet. Hiện nay, đây là đơn vị có thị phần lớn về Internet chỉ đứng sau VNPT.
Công Ty Điện Tử và Hàng Hải Việt Nam (Vishipel): Ra đời vào năm 2001. Đây là đơn vị cung cấp các dịch vụ viễn thông có tần số ngắn, cũng là một đối thủ cạnh tranh của VNPT, tuy nhiên chiếm thị phần không lớn.
HaNoi Telecom: là đơn vị được cấp phép xây dựng mạng dịch vụ viễn thông Cityphone vào tháng 12/2002 tại Hà Nội và mở rộng dịch vụ này tới TPHCM vào năm 2003.
b) Các công ty nước ngoài
Với chủ trương mở cửa thị trường dịch vụ viễn thông và hội nhập quốc tế, việc thâm nhập của các công ty nước ngoài vào thị trường viễn thông Việt Nam được xác định là điều tất yếu và sẽ trở nên rất mạnh mẽ trong những năm tới, đặc biệt là sự tham gia của các đối tác Mỹ khi hiệp định thương mại Việt - Mỹ chính thức có hiệu lực như AT&T, MCI World Com, Global Grossing, Viate, UPS…
Trong tương lai gần, sự tham gia của những tập đoàn viễn thông lớn của quốc tế sẽ tạo nên áp lực cạnh tranh ngày càng lớn cho những doanh nghiệp viễn thông Việt Nam, đặc biệt là ở những thị trường có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao như Hà Nội và TPHCM.