3.3.3.1. Giải pháp về vốn
Sản xuât nông nghiệp cần đầu tư vốn nhiều và chu kỳ sản xuất nông nghiệp thường kéo dài, thời gian quay vòng vốn chậm. Vì vậy nhu cầu về vốn,
việc nâng cao khả năng khai thác các nguồn vốn vào mục đích đầu tư, cải tiến cơ cấu kinh tế luôn là vấn đề đặt ra đối với nông nghiệp nói riêng và nền kinh tế quốc dân nói chung. Để đảm bảo nhu cầu về vốn phục vụ phát triển nông nghiệp cần tập trung vào các lĩnh vực sau :
Huy động vốn nhàn rỗi trong nhân dân thông qua hệ thống tài chính, tín dụng ngân hàng; củng cố phát triển thị trường vốn ngắn hạn truyền thống ở nông thôn đã được nhân dân chấp nhận; mở rộng mạng lưới hoạt động ngân hàng tới các cụm xã, liên xã gắn liền với các tổ chức tín dụng.
Đẩy mạnh hình thức huy động và tiết kiệm gắn liền với cơ chế tái đầu tư cho nhân dân, tạo điều kiện mở rộng các loại hình dịch vụ thanh toán, thuận tiện nhất đến từng người dân, nhằm xây dựng mối quan hệ mới giữa ngân hàng các tổ chức tín dụng với các hộ gia đình trong khu vực nông nghiệp .
Phát huy tốt vai trò của các quỹ tín dụng nhân dân, của các đoàn thể thanh niên, phụ nữ….của các hiệp hội: nông dân, cựu chiến binh, hội làm vườn, trong hỗ trợ sản xuất tạo công ăn việc làm, mặt khác phải phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp các hiệp hội…
Sử dụng hợp lý nguồn vốn ngân sách chi cho mục tiêu phát triển kinh tế sẽ là đòn bẩy thay đổi nhanh chóng cục diện cơ cấu kinh tế nông nghiệp, tạo nên sức bật mới về kinh tế nguồn vốn.
3.3.3.2. Giải pháp về thu hút đầu tư bên ngoài và liên kết sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp
Giải pháp về thu hút đầu tư
Thu hút và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nói chung, nông nghiệp nói riêng là một vấn đề quan trọng đặt ra với huyện Cao Phong. Do đó huyện cần có những giải pháp để tạo được môi trường đầu tư minh bạch, tin cậy, nâng cao chất lượng và hiệu quả dòng vốn đầu tư, cụ thể là :
Khẩn trương tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị định số 210/2013/NĐ-CP ban hành ngày 19/12/2013 và có hiệu lực thi hành từ ngày 10/2/2014 về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
Ban hành các cơ chế chính sách hỗ trợ đầu tư của huyện đối với các lĩnh vực đặc biệt khuyến khích : hỗ trợ về mặt bằng, cung ứng và đào tạo lao động, đầu tư kết cấu hạ tầng; hỗ trợ nhà đầu tư về hoạt động nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và xây dựng các mô hình công nghệ chất lượng cao; hỗ trợ nhà đầu tư giải quyết nhanh chóng và thuận lợi các thủ tục hành chính về đăng ký đầu tư,…
Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện quy hoạch sử dụng đất; công bố rộng rãi các quy hoạch đã được phê duyệt; tiếp tục phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ triển khai dự án như: giao thông, điện, cấp thoát nước, dịch vụ viễn thông, nhà ở cho người lao động…; chuẩn bị sẵn sàng mặt bằng sản xuất, xây dựng sẵn các nhà xưởng cho thuê.
Tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của các loại hình dịch vụ: tài chính, thị trường vốn, kinh doanh tài sản và dịch vụ tư vấn, kiểm toán, xúc tiến thương mại,...; nâng cao năng lực quản lý, điều hành, xây dựng đội ngũ cán bộ đủ năng lực phẩm chất làm công tác quản lý, xúc tiến đầu tư.
Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng lao động của các nhà đầu tư.
Xây dựng và cập nhật thường xuyên tài liệu phục vụ cho công tác xúc tiến đầu tư, giới thiệu, tuyên truyền và quảng bá hình ảnh, môi trường đầu tư của huyện Cao Phong trên các phương tiện thông tin truyền thông của Trung ương và của tỉnh; xây dựng và phát triển gói thông tin và trang web chất lượng cao giành cho các nhà đầu tư: cung cấp đầy đủ và minh bạch hệ thống các chính sách, pháp luật liên quan đến hoạt động đầu tư, danh mục các lĩnh vực ưu tiên và ưu đãi đầu tư, thông tin chi tiết về các ưu đãi, trao đổi thông tin hỗ trợ giải đáp thông tin cho các nhà đầu tư.
Tiến hành vận động đầu tư thông qua nhiều hình thức: trực tiếp cử đoàn đi xúc tiến, mời đoàn vào tìm hiểu cơ hội đầu tư, gửi thư ngỏ và các tài liệu giới thiệu về tiềm năng cơ hội đầu tư, danh mục các dự án đầu tư qua mạng Internet cho các đối tác tiềm năng,.. hoặc gián tiếp thông qua các tổ chức chuyên trách về công tác tư vấn và xúc tiến đầu tư trong và ngoài .
Nâng cao chất lượng công tác thẩm tra, thẩm định hồ sơ xin cấp phép đầu tư, đặc biệt chú trọng thẩm tra kỹ các dự án sử dụng nhiều đất. Đối với các dự án có quy mô lớn, có tác động lớn về kinh tế - xã hội, cần chú trọng xem xét đánh giá năng lực tài chính của nhà đầu tư, có biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ triển khai dự án đúng tiến độ cam kết. Đối với các dự án có địa điểm đầu tư nằm ở vị trí chiến lược mang ý nghĩa an ninh, phòng thủ của huyện cần phải có ý kiến của Ban chỉ huy Quân sự huyện trước khi cấp phép đầu tư, đảm bảo hài hòa lợi ích về kinh tế và an ninh quốc phòng. Đồng thời cần tăng cường sự phối hợp giữa các sở ngành, cơ quan chức năng trong công tác thẩm tra hồ sơ dự án đối với các dự án thuộc diện thẩm tra theo quy định.
Tăng cường công tác quản lý dự án sau cấp phép đầu tư: tiến độ, vốn thực hiện,... kiểm tra giám sát chặt chẽ việc tuân thủ các quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật, bảo hộ lao động, bảo vệ môi trường,...tăng cường các biện pháp giám sát kiểm tra về công nghệ, máy móc thiết bị; kiên quyết xử lý những dự án có vi phạm, đặc biệt là những vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường; rà soát, thu hồi giấy chứng nhận đầu tư đối với các dự án có vi phạm nghiêm trọng hoặc không triển khai thực hiện dự án theo quy định.
Tăng cường các biện pháp hỗ trợ nhà đầu tư tháo gỡ các vấn đề khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện dự án (liên quan đến thủ tục hành chính, đảm bảo an ninh, xử lý các vấn đề xung đột lợi ích giữa người lao động với chủ đầu tư,...).
Liên kết sản xuất hàng hóa
Có nhiều mô hình liên kết sản xuất có hiệu quả, đem lại lợi ích cao cho người nông dân và đóng góp cho tăng trưởng chung của nền kinh tế nông nghiệp như: chuỗi sản xuất, tiêu thụ khép kín; mô hình cánh đồng mẫu lớn; liên kết về khoa học kỹ thuật; liên kết về góp vốn bằng quyền sử dụng đất, góp vốn kinh doanh; liên kết sản xuất theo tổ đội, hợp tác xã… Việc liên kết trong sản xuất kinh doanh giúp các bên tham gia phát huy lợi thế và khắc phục khó khăn của mình, nâng cao hiệu quả đầu tư. Tuy nhiên, những mô hình liên kết trên còn mang tính đơn lẻ, chưa trở thành hiện tượng phổ biến. Vì vậy cần có các giải pháp nhằm đổi mới tổ chức, quản lý và liên kết trong sản xuất nông nghiệp.
Thứ nhất là thực hiện tốt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho nhân dân về các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế xã hội của Đảng, những cơ hội và thách thức đặt ra để thấy được ý nghĩa, tầm quan trọng của sự liên kết trong sản xuất, kinh doanh và các chính sách khuyến khích liên kết sản xuất kinh doanh trong sản xuất nông nghiệp của Nhà nước.
Thứ hai là xây dựng tính kiên trì trong quá trình liên kết tổ chức sản xuất kinh doanh. Sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp chịu tác động của nhiều yếu tố có khả năng gây rủi ro như thiên tai, giá cả, khả năng dự báo… do đó quá trình thực hiện liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cũng có những khó khăn, rủi ro cho mỗi bên. Vì vậy đòi hỏi các bên phải kiên trì quan hệ liên kết, tranh thủ thế mạnh của bên khác, phát huy thế mạnh của mình, cùng nhau tìm cách tháo gỡ, chia sẽ rủi ro để liên kết phát triển thuận lợi.. Cần tôn trọng và bảo vệ quyền lợi của mỗi bên trong liên kết, tránh trường hợp khi có sự biến động về giá cả thị trường thì bên nào cũng muốn bảo vệ lấy lợi ích riêng cho mình.
Thứ ba là đổi mới và nâng cao hiệu quả quản lý đối với từng hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh. Sản xuất nông nghiệp của Cao Phong chủ yếu là hộ sản xuất nhỏ, tự cung tự cấp, đang từng bước chuyển sang sản xuất hàng hóa, vì vậy cần thay đổi cách thức quản lý theo hướng linh hoạt chủ động bám sát yêu cầu của thực tiễn, đặc biệt là những yêu cầu của thị trường để tránh những tổn thất trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Điều đó đòi hỏi phải làm cho thói quen quản lý theo kiểu gia đình, tùy tiện lâu nay bị dỡ bỏ và thay vào đó là một hình thức quản lý khoa học.
Thứ tư là nâng cao năng lực tổ chức sản xuất kinh doanh theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung. Khi sản xuất nông nghiệp trở thành sản xuất hàng hóa thì bắt buộc người sản xuất phải quan tâm đến năng suất, chất lượng, số lượng, giá thành và thị trường tiêu thụ sản phẩm. Để giải quyết được những vấn đề đó cần phải có vốn, có hạ tầng kỹ thuật, khoa học và công nghệ, trình độ quản lý, sự kết nối thị trường, môi trường pháp lý và sự bảo hộ của nhà nước... đòi hỏi nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học và Nhà nước phải có sự liên kết để giải quyết.
Thứ năm là đa dạng hoá các hình thức liên kết, trong đó có hai hoặc nhiều chủ thể tham gia, như: doanh nghiệp với hộ dân, hợp tác xã với hộ dân, doanh nghiệp với hợp tác xã, các hộ dân với nhau, doanh nghiệp với nhau. Các mô hình liên kết trên cần triển khai các bước đi, cách làm cho phù hợp, từ thấp đến cấp cao, trên cơ sở gắn được sản xuất với chế biến, tiêu thụ sản phẩm trong từng địa bàn, vùng nguyên liệu.
Thứ sáu là khuyến khích phát triển các loại hình doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp và khu vực nông thôn. Để khai thác được thế mạnh, tạo sự kết nối giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ, nâng cao thu nhập cho người sản xuất cần phải đẩy mạnh phát triển doanh nghiệp, khuyến khích gắn kết giữa sản xuất nguyên liệu và nhà máy chế biến thông qua việc tạo thuận lợi về
hành lang pháp lý, cung ứng tín dụng, xây dựng các quỹ bảo hiểm rủi ro, quỹ hỗ trợ xuất khẩu, xây dựng kết cấu hạ tầng, xây dựng hệ thống thông tin, dự báo thị trường, phát triển khoa học kỹ thuật, văn hoá, giáo dục, y tế...