Là một huyện vùng cao của tỉnh Hòa Bình, huyện Cao Phong xác định nông nghiệp nói chung, trồng trọt nói riêng là một trong những ngành sản xuất kinh tế chính của địa phương. Trong trồng trọt, xu hướng chuyển dịch cơ cấu sản xuất từ cây lương thực sang các cây trồng khác như cây ăn quả, cây công nghiệp từng bước được khẳng định là thế mạnh của huyện. Thực tế cho thấy năm 2012 so với năm 2002, diện tích lúa giảm 12,41% trong khi diện tích ngô tăng 93%, diện tích mía tăng 90,92%, đặc biệt là diện tích cây ăn quả có múi tăng 203,3%.
2.3.2.1. Cây lương thực
Là huyện có phần lớn dân cư sống ở khu vực nông thôn, hoạt động kinh tế nông nghiệp, do vậy cây lương thực có vai trò hết sức quan trọng trong đời sống kinh tế - xã hội của huyện. Trong giai đoạn vừa qua, cùng với quá trình chuyển dịch cơ cấu nông – lâm – thủy sản nói chung và nội bộ ngành nông nghiệp nói riêng với xu thế chung là sự vươn lên mạnh mẽ của các ngành, các loại cây trồng vật nuôi có giá trị kinh tế cao, song ngành trồng cây lương thực
của huyện Cao Phong vẫn chiếm tỷ trọng tuyệt đối trong cơ cấu giá trị sản xuất của ngành trồng trọt.
Cây lúa
Cây lúa là cây trồng chủ lực trong ngành trồng trọt của huyện Cao Phong. Mặc dù hiện nay giá trị thương phẩm của cây lúa không cao, diện tích trồng lúa có xu hướng thu hẹp do việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng và một phần do chuyển đổi mục đích sử dụng đất (năm 2012, diện tích trồng lúa giảm 202,97 ha so với năm 2002) song cây lúa vẫn giữ tỷ trọng tuyệt đối và giữ vai trò quan trọng nhất trong cơ cấu cây trồng của toàn huyện.
Trong điều kiện đất trồng lúa không còn khả năng mở rộng diện tích và đang bị thu hẹp dần do chuyển đổi mục đích sử dụng, xu hướng chuyển dịch của cây lúa trong giai đoạn vừa qua là dựa trên cơ sở việc áp dụng mạnh mẽ tiến bộ khoa học kỹ thuật, thâm canh tăng vụ và đưa vào sản xuất các giống lúa có năng suất, hiệu quả cao nên năng suất và sản lượng lúa liên tục tăng lên.
Bảng2.2. Thống kê diện tích, năng suất, sản lượng lúa năm 2002 và 2012
Năm 2002 Năm 2012
Diện tích 1635,07ha 1432,1 ha
Năng suất 46,1 tạ/ha 53,93 tạ/ha
Sản lượng 7.537,93 tấn 7.723,59 tấn
Nguồn : UBND huyện Cao Phong : Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh năm 2002 và 2012.
Nhìn vào bảng thống kê cho thấy, so với năm 2002, trong năm 2012, nếu diện tích lúa giảm 12,41% thì năng suất lúa tăng 16,98 %, sản lượng lúa tăng 2,46%. Đó là minh chứng cho những thay đổi trong chính sách quản lý sản xuất, quản lý đất đai và việc dồn điền đổi thửa tạo điều kiện cho nông dân đầu tư, thực hiện các biện pháp kỹ thuật thâm canh lúa.
Hai vụ sản xuất lúa chính là vụ mùa và vụ đông xuân. Diện tích canh tác lúa vụ đông xuân thấp hơn lúa mùa khoảng 400 ha/năm (do chuyển một phần diện tích lúa sang trồng các loại cây vụ đông), tuy nhiên năng suất, sản
lượng luôn lớn hơn vụ mùa. Do đó xu hướng chuyển dịch cơ cấu mùa vụ trong sản xuất lúa hiện nay là tăng diện tích lúa xuân muộn, lúa mùa sớm và giảm diện tích lúa mùa chính vụ và lúa xuân sớm, đưa quỹ đất canh tác cây vụ đông tăng lên, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
Sản xuất lúa ở Cao Phong vẫn còn nhiều khó khăn, trở ngại. Thiệt hại do thiên tai còn lớn, đặc biệt là hạn hán trong những tháng đầu năm và mưa lũ vào mùa hè đã làm ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của cây lúa. Vì vậy năng suất bình quân toàn huyện trong những năm gần đây có tăng tuy nhiên thu nhập của người lao động từ cây lúa còn thấp. Theo định hướng quy hoạch phát triển sản xuất lúa của huyện Cao Phong, xu hướng chính là chuyển đổi cơ cấu giống lúa từ lúa thường sang lúa chất lượng cao, giống lúa mang lại giá trị kinh tế cao hơn. Các khu vực quy hoạch là các xứ đồng thuận lợi cho việc canh tác lúa ở tất cả các xã, thị trấn trong huyện.
Để chuyển đổi cơ cấu giống, đưa các các giống lúa chất lượng cao, có thời gian sinh trưởng ngắn để chuyển dịch thời vụ, luân canh với cây trồng hiện có, sản xuất 3 vụ/năm góp phần tăng thu nhập trên đơn vị diện tích đất canh tác, phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Cao Phong đã tập trung chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu giống lúa bằng việc đưa giống lúa BC15 vào sản xuất. Giống lúa BC15 có các ưu điểm nổi trội như: có thời gian sinh trưởng vụ xuân từ 130 - 135 ngày, vụ mùa từ 110 - 115 ngày, khả năng chịu rét tốt, thích nghi tốt với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, phù hợp với điều kiện canh tác của người sản xuất, năng suất cao và ổn định từ 55 - 60 tạ/ha, chăm sóc tốt có thể đạt trên 75 tạ/ha, chất lượng tốt, tỷ lệ gạo xát đạt từ 70-75%, cơm dẻo, đậm, ngon, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, giá giống rẻ, có thể để giống được cho vụ sau, kháng sâu bệnh khá...,do đó hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nên rất an toàn với môi trường và sức khỏe con người. Sản xuất 2 vụ/năm có thể đạt thu nhập trên 70 triệu đồng/ha/năm, trong điều kiện
thời tiết thuận lợi, giá trị sản xuất có thể đạt từ 90 - 100 triệu đồng/ha/năm. Sau thành công từ mô hình thử nghiệm ban đầu 2.000m2 năm 2009 tại hai xã Yên Lập và Xuân Phong, đến nay tổng diện tích lúa chất lượng BC15 của toàn huyện đã tăng lên trên gần 100ha và phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện đang tiếp tục chỉ đạo mở rộng diện tích, phấn đấu đến năm 2020 tổng diện tích lúa chất lượng của huyện đạt khoảng 300 ha.
Cây ngô
Ngô là một trong những loại cây trồng chủ yếu của Cao Phong sau cây lúa. Cây ngô chủ yếu được trồng để cung cấp cho công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi và trở thành cây hàng hóa trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng của huyện. Diện tích gieo trồng ngô liên tục được tăng lên : năm 2002 diện tích gieo trồng của toàn huyện là 1008 ha thì đến năm 2012 đã tăng lên gần gấp đôi là 1949,4 ha. Ngô được gieo trồng trên đất màu, đất một vụ lúa – một vụ màu, vùng đồi thấp và những năm gần đây ngô được gieo trồng với diện tích lớn trên đất hai vụ lúa. Hiện tại Cao Phong có ba vụ ngô (đông, xuân, thu) nhưng tập trung và có diện tích lớn ở vụ xuân. Trong đó huyện đã hình thành được vùng sản xuất ngô chuyên canh ở hai xã Bắc Phong và Thu Phong. Sản lượng ngô hàng năm ở hai xã chiếm đến trên 50% tổng sản lượng ngô của cả huyện.
Đời sống của người dân Cao Phong chủ yếu dựa vào trồng trọt, nhưng do điều kiện đất đai, khí hậu mà một số diện tích trồng lúa năng suất thu được thấp vì vậy năm 2004, huyện đã mạnh dạn chuyển số ruộng lúa bấp bênh sang trồng ngô lai cao sản. Vẫn là trồng ngô, nhưng hiện nay bà con chăm sóc ngô bằng cách khác, không chỉ là chọc lỗ, bỏ hạt như xưa nữa mà đã thực hiện trồng, chăm sóc theo cả quy trình. Để thay đổi nếp nghĩ, cách làm cho nông dân đã mời cán bộ khuyến nông về hướng dân kỹ thuật, xây dựng các mô hình điểm. “Bám sát ruộng ngô từ khâu làm đất, tra hạt, làm cỏ, bón thúc…
cho đến khi thu hoạch, cánh đồng đã cho năng suất 45 tạ/ha. So sánh với năng suất cũ 38 tạ/ha, trên 60% hộ nông dân đã kịp thời ứng dụng ngay những quy trình kỹ thuật tiến để nâng cao sản lượng. Giống ngô được bà con chọn trồng nhiều nhất là ngô lai 96-98, B06, ngoài ra cũng có nhiều hộ chọn những khu đất tốt ở thung lũng để trồng ngô nếp, bán ngô non cho khách qua đường. Đến nay, nhiều diện tích đất canh tác ở Cao Phong đã được chuyển sang trồng ngô với năng suất trung bình đạt 40 tạ/ha. Với giá cả như hiện nay, cây ngô đã trở thành cây trồng có giá trị” [21; 4].
Cây sắn
Nếu như trước đây, cây sắn ở Cao Phong chỉ được người dân trồng với mục đích tận dụng những diện tích đất đồi trống, bổ sung nguồn thức ăn cho chăn nuôi thì nay, loại cây này phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa. Được trồng ở Cao Phong từ lâu nhưng đến năm 2006, cây sắn bắt đầu được người dân nhân rộng. “Năm 2006, sản lượng sắn thu được là 2378 tấn, đến năm 2009 là 3357 tấn và đến năm 2012 đã tăng lên là 6750 tấn” [1; 279]. Ưu điểm của cây sắn là dễ trồng, ít bị sâu bệnh, không mất nhiều công chăm sóc, chi phí sản xuất thấp, hiệu quả kinh tế cao, chỉ phải làm cỏ hai lần và vun gốc một lần trong cả thời gian sinh trưởng là có thể thu hoạch. Do vậy sắn nhanh chóng được trồng phổ biến tại Cao Phong trong đó tập trung nhiều ở các xã Đông Phong, Xuân Phong và Thung Nai với năng suất tương đối cao, bình quân đạt 80 tạ/ha. Tuy nhiên, để có thể bán được giá cao, ổn định, người dân phải bỏ nhiều công sức làm sạch, ruôi nhỏ và phơi khô. Chính vì thế, khi trời mưa dài ngày, sắn thu về khó phơi và bán, hoặc nếu đã phơi khô cũng dễ bị mốc do độ ẩm không khí lớn. Do vậy nên trước đây, người dân thường bị thương lái ép bán với giá thấp, nếu không sắn bị mốc lâu ngày sẽ hỏng, phải đổ bỏ. Nhằm bảo vệ quyền lợi của những người trồng sắn, đồng thời tăng hiệu quả kinh tế của loại cây này, cán bộ khuyến nông của huyện đã hướng dẫn bà
con chọn thời vụ trồng phù hợp, không thu sắn trong mùa mưa và khi có dự báo mưa kéo dài... Vì thế những năm gần đây, sắn khô thành phẩm tại đây có giá tương đối ổn định, dao động từ 3.500 - 3.800 đồng/kg. Người dân địa phương đã yên tâm trồng, chăm sóc loại cây này và dần mở rộng, phát triển hình thành vùng sản xuất sắn hàng hóa, đem lại giá trị kinh tế cao, ổn định và từng bước giúp người dân xóa đói giảm nghèo.
Nhờ sự phát triển của công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi, cây sắn trở thành cây hàng hóa, góp phần xóa đói, giảm nghèo cho nhân dân Cao Phong. Diện tích sắn luôn được giữ ổn định ở mức 400-500 ha. Ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào canh tác sắn, đặc biệt là đưa các giống mới như KM 94, KM 98-1,… kết hợp với thâm canh vào sản xuất tại các vùng nguyên liệu tập trung tạo nên năng suất vượt trội.
Khó khăn đặt ra với huyện Cao Phong là tình trạng độc canh cây sắn và canh tác quảng canh hiện vẫn còn phổ biến dẫn đến tình trạng đất đai bị nghèo kiệt dinh dưỡng, bị xói mòn và rửa trôi mạnh. Đây là vấn đề đòi hỏi lãnh đạo huyện cùng người dân phối hợp giải quyết để kinh tế nông nghiệp địa phương được phát triển bền vững.
Cây khoai lang
Cây khoai lang phát triển ở hầu khắp các xã, tập trung trên các vùng đất màu, đất bãi và đất xen canh lúa, tuy nhiên giá trị hàng hóa của cây khoai lang không cao. Chính vì vậy diện tích cây khoai lang phát triển rất ít trong những năm qua. Năm 2002 diện tích cây khoai lang là 219 ha thì đến năm 2012 diện tích là 250,1 ha.
Cây khoai lang được trồng phổ biến và phát triển sản xuất vụ đông bởi quy trình canh tác đơn giản, phù hợp với điều kiện sản xuất của nông dân. Ưu điểm của loài cây này là dễ trồng, đầu tư thấp nhưng mang lại hiệu quả kinh tế ổn định. Để trồng cây khoai lang, chỉ cần cày xới cho đất tơi xốp, lên thành từng liếp là khoai phát triển xanh tốt, rất hợp với đất bãi, có thể phát triển
trong điều kiện thời tiết khô hạn, cho năng suất, chất lượng cao. Hiện nay, huyện đang chú trọng mở rộng mô hình trồng khoai lang cao sản thí điểm ở hai xã Bình Thanh và Xuân Phong khoảng 3ha. Ưu điểm vượt trội so với giống khoai lang địa phương là có thể trồng ở bất cứ địa hình canh tác, chất lượng củ thơm ngon, bở, hàm lượng dinh dưỡng cao và được thị trường đón nhận. Mô hình trồng khoai lang cao sản đã mang lại hiệu quả hơn hẳn so với các cây màu khác, góp phần nâng cao thu nhập. Từ hiệu quả kinh tế mang lại, mô hình còn giúp bà con nông dân tiếp cận khoa học - công nghệ, biết áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất.
Thời gian tới, huyện Cao Phong tiếp tục triển khai nhân rộng mô hình trồng khoai lang cao sản và trồng thêm một số cây vụ đông khác nhằm giúp nông dân xoá nghèo, vươn lên ổn định đời sống.
Như vậy cây lương thực ở Cao Phong tương đối đa dạng. Ngoài lúa, ngô, sắn, khoai lang chiếm đa số, trên địa bàn huyện còn có một số loại cây lương thực khác như khoai sọ, dong riềng, khoai nước… nhưng số lượng không đáng kể. Để đảm bảo an ninh lương thực, ổn định đời sống cho nhân dân, huyện Cao Phong xác định cho mình hướng đi : tập trung phát triển hai loại cây lương thực thế mạnh của huyện là lúa và ngô, trong đó định hướng xây dựng các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa, chú trọng thâm canh tăng năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm và chuyển dịch cơ cấu mùa vụ mang lại hiệu quả kinh tế cao.
2.3.2.2. Cây công nghiệp Cây mía
“Cao Phong là huyện có truyền thống trồng mía và cây mía có nhiều điều kiện để phát triển. Mía đã có ở Cao Phong từ những năm 1980 với diện tích khoảng 200ha, tập trung ở thị trấn Cao Phong và xã Dũng Phong. Trong những năm gần đây, cây mía ngày càng phát triển không ngừng” [19; 2]. Hiện nay Cao Phong đứng đầu trong toàn tỉnh về diện tích và sản lượng mía, đặc biệt là mía tím. Sản lượng mía của Cao Phong chiếm hơn 50% sản lượng mía của toàn tỉnh.
Theo Nghị quyết số 405/QĐ - UBND ngày 23/5/2006 của UBND huyện Cao Phong, mía là một trong những cây trồng chủ lực. Những năm qua, cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã tích cực vận động nhân dân mở rộng diện tích trồng mía. Xác định mía là một trong những cây có tiềm năng lớn, do vậy trong những năm từ 2002 đến 2012 diện tích mía phát triển khá nhanh, cùng với đó, năng suất, sản lượng mía cũng có những thay đổi đáng kể.
Bảng 2.3. Diện tích, năng suất, sản lượng mía huyện Cao Phong từ năm 2002 đến năm 2012
Năm Diện tích (ha) Năng suất (tạ/ha) Sản lượng (tấn)
2002 1461 710 103.731 2003 1303,6 710 93.073 2004 1335 700 93.450 2005 1408 700 98.560 2006 1615,7 700 113.099 2007 2.220 700 155.400 2008 2354 715 168.311 2009 2.353,1 720 169.423,2 2010 2.492,2 720,5 179.563,01 2011 2.626,5 720,6 189.265,59 2012 2.488,9 720,7 179.375,02
Nguồn : Báo cáo hệ thống chỉ tiêu chủ yếu huyện Cao Phong từ năm 2002 đến năm 2012 – Chi cục Thống kê Cao Phong
Diện tích mía từ 1461 ha năm 2002 tăng lên đến 2488,9 ha năm 2012, mức tăng là 70,36%, năng suất tăng 1,5% và sản lượng tăng 72,92%. Sở dĩ diện tích mía tăng nhanh như vậy là do Cao Phong hình thành nên các vùng sản xuất mía nguyên liệu tập trung có quy mô lớn, mô hình sản xuất tiên tiến, hiện đại, gắn liền với công nghiệp chế biến. Đây là một trong những thành tựu nổi bật trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, thực hiện có hiệu quả mối liên kết, hợp tác liên minh công – nông – trí, gắn công nghiệp với