Tháng 12 năm 1986, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng được tiến hành. Đại hội quyết định mục tiêu, phương hướng kinh tế, xã hội của cả nước, thể hiện quan điểm mới toàn diện, đặt nền tảng cho việc tìm ra con đường thích hợp lên chủ nghĩa xã hội.
Khi đó ở Cao Phong, kinh tế nông nghiệp giữ vai trò chủ đạo. Các xã đã xác định được những cây trồng chính cho từng vụ, từng vùng đất canh tác như : lúa, ngô vụ đông, ngô hè thu và đậu tương. Riêng diện tích cây ngô vụ đông năm 1988 tăng 38 ha so với năm 1987 và tăng 140 ha so với năm 1986; cây sắn từ 2.000 ha năm 1986 đến năm 1988 là 2.200 ha. Vì vậy tỉ lệ màu quy thóc tăng từ 35-40%. Với chính sách phát triển kinh tế gia đình, được nhà nước khuyến khích, nhiều hộ gia đình đã có thu nhập từ 1 đến 1,5 triệu đồng/năm.
Cùng với đó, do sự chuyển đổi về chính sách đất đai (khoán 10) nên đã kích thích chăn nuôi hộ gia đình phát triển. “Năm 1987, tổng đàn trâu so với cùng kỳ năm 1986 tăng 17%, đàn bò tăng 0,7%, đàn lợn tăng 2,6%. Thực hiện cơ chế khoán mới theo tinh thần Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị, các hợp tác xã đang từng bước bán toàn bộ trâu, bò cho các hộ gia đình xã viên” [2; 277].
Bước sang giai đoạn mới, từ 1991 đến 1995, các xã vùng Cao Phong đã thực hiện đổi mới toàn diện trong đó có nông nghiệp. Và thực tế cho thấy tổng thu nhập của toàn huyện Kỳ Sơn tính đến năm 1995 đạt gần 124 tỷ đồng, tăng 53% so với năm 1990. Trong cơ cấu kinh tế, tỷ trọng nông – lâm - ngư nghiệp là 85%, công nghiệp là 5%, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ và du lịch
chiếm 10%. Riêng vùng Cao Phong, trong nông nghiệp chủ lực là cây mía, cây ăn quả, cây công nghiệp ngắn ngày, thâm canh diện tích hai vụ lúa chiêm, mùa.
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng. được chú trọng. Việc áp dụng tiến bộ khoa học – kĩ thuật vào phục vụ sản xuất nông – lâm nghiệp đã đưa một số loại cây như : ngô, lúa, cây công nghiệp ngắn ngày thích ứng với điều kiện khí hậu địa phương, cho năng suất cao, góp phần tăng tổng sản lượng toàn vùng. Nông trường Cao Phong chỉ đạo việc mở rộng diện tích trồng cam cùng với việc ứng dụng khoa học – kỹ thuật vào gieo trồng. Năm 1995, sản lượng cam đạt 500 tấn, cao gấp 10 lần so với năm 1985. Cây mía tím hàng năm đạt được từ 4,5 đến 5,8 triệu cây, mía đường đạt trên dưới 8.000 tấn. Tổng giá trị hàng hóa tăng từ 1,8 tỷ đồng (năm 1991) lên 2,6 tỷ đồng (năm 1993), 30% số hộ có thu nhập trên 10 triệu đồng/năm.
Tình hình chăn nuôi trong nhân dân phát triển khá. Công tác phòng chống dịch bệnh, tuyển chọn giống mới như : gà lai, gà siêu trứng, vịt siêu trứng, lợn siêu nạc có sức tăng trưởng và hiệu quả kinh tế cao được đưa vào chuồng trại. Xuất hiện nhiều mô hình điển hình về trồng trọt và chăn nuôi như : chăn nuôi trâu, bò kết hợp làm kinh tế vườn rừng, thả cá theo mô hình VAC hoặc VACR, nhiều gia đình còn nuôi các loại đặc sản như : lươn, ếch, trê phi…
Đến năm 1996 thời tiết có nhiều diễn biến phức tạp, nhất là lũ bão trong vụ mùa và hè thu đã làm cho nhiều diện tích bị mất trắng, diện tích lúa là 2.922 ha, cây ngắn ngày là 2.273 ha, trong đó diện tích mía chủ yếu tập trung ở vùng Cao Phong là 1.698 ha. Năm 1997, các xã vùng Cao Phong thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi gắn với thâm canh tăng năng suất. Nhất là việc triển khai chương trình IPM, khuyến nông, khuyến lâm được mở rộng. Do đó, diện tích gieo cấy trong toàn vùng đạt 3.675 ha, năng suất 34,8 tạ/ha, sản lượng lương thực đạt 8.997 tấn. Vùng trọng điểm lúa của Cao Phong tập trung chủ yếu ở các xã : Nam Phong, Dũng Phong, Tân Phong.
Công tác chăn nuôi cũng đạt chỉ tiêu đề ra. Một số xã có đàn gia súc khá lớn, như xã Dũng Phong năm 1998 có gần 800 con trâu, bò.
Năm 2000, giá trị sản xuất nông nghiệp có sự phát triển vượt bậc, tổng giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 99 tỉ đồng, tổng sản lượng lương thực là 17.986 tấn trong đó thóc là 13.866 tấn, hoa màu là 4.120 tấn. Năng suất lúa bình quân đạt 78,96 tạ/ha/năm, năng suất ngô bình quân đạt 19,04 tạ/ha. Để có năng suất lúa tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước, các công trình thủy lợi được tập trung sửa chữa, khai thông, đảm bảo đủ nước tưới cho sản xuất nông nghiệp. Các xã triển khai kế hoạch toàn dân làm thủy lợi, xây dựng phương án phòng chống bão lũ, giảm nhẹ thiên tai.
Diện tích gieo trồng tăng, chủng loại cây trồng đa dạng, phong phú và có năng suất cao, tạo đà cho chăn nuôi phát triển, nhất là mô hình chăn nuôi kết hợp với làm trang trại VAC hoặc VACR. Công tác phòng chống dịch bệnh được chú trọng, tuyển chọn những con giống mới có sức tăng trọng và hiệu quả kinh tế cao để đưa vào chăn nuôi. “Năm 1996, đàn gia súc, gia cầm huyện Kỳ Sơn đều tăng : đàn trâu tăng 2,2 %, đàn bò tăng 8,6% so với năm 1995. Tính đến năm 2000, đàn trâu là 17.897 con, tăng so với năm 1995 là 67,2% và đạt 123% kế hoạch đề ra, đàn bò tăng 61% và đạt 119,3% kế hoạch. Tổng đàn lợn tăng 15,4%, đạt 107,9% mục tiêu đề ra” [2; 305].
Ngày 12 tháng 12 năm 2001, chính phủ ban hành Nghị định số 95/2001/NĐ-Cao Phong về việc chia huyện Kỳ Sơn thành hai huyện Kỳ Sơn và Cao Phong, huyện Cao Phong chính thức được thành lập và đi vào hoạt động ngày 15 tháng 3 năm 2002. Tại thời điểm này, “giá trị sản lượng nông – lâm – ngư nghiệp của huyện Cao Phong chiếm con số cao 74,1%, trong đó công nghiệp – xây dựng chỉ chiếm 9,9%, dịch vụ là 16%. Giá trị sản xuất nông – lâm – ngư nghiệp của Cao Phong năm 2002 đạt 68,87 tỷ đồng, trong đó nông nghiệp chiếm tỷ trọng lớn nhất (80,3%), ngư nghiệp không đáng kể
(dưới 1%). Trong sản xuất nông nghiệp, trồng trọt chiếm tỷ trọng rất cao (76%)” [43; 838]. Đây là thách thức đặt ra đối với huyện Cao Phong đòi hỏi phải chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đặc biệt là cơ cấu kinh tế nông nghiệp.
Tiểu kết chương 1
Cao Phong là huyện có tiềm năng, thế mạnh để phát triển một nền nông nghiệp đa dạng, phong phú, tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng một cơ cấu kinh tế hợp lý :
Vị trí địa lý của Cao Phong tạo điều kiện cho nông nghiệp có thị trường tiêu thụ, thuận lợi cho việc mở rộng giao lưu, trao đổi khoa học công nghệ, kinh nghiệm sản xuất,… Điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên tương đối thuận lợi cho việc phát triển đa dạng, phong phú các sản phẩm nông nghiệp phục vụ thị trường không những trong tỉnh mà còn vươn ra thị trường trong nước và xuất khẩu. Đồng thời thuận lợi cho việc hình thành các vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn, phát triển kinh tế trang trại.
Đường lối phát triển của Đảng, Nhà nước, tỉnh Hòa Bình nói chung và của huyện Cao Phong nói riêng đã và đang tạo nên những động lực mới cho quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, tạo điều kiện tăng cường vốn đầu tư, khoa học công nghệ, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng, kỹ thuật và các quá trình cơ giới hóa, hóa học hóa, sinh học hóa… trong sản xuất, thu hoạch, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, là yếu tố thuận lợi thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp diễn ra nhanh hơn, hợp lý và hiệu quả hơn.
Là huyện có nguồn lao động dồi dào, đã có kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp tạo thuận lợi cho quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cơ cấu mùa vụ, vừa tạo ra thị trường tiêu thụ rộng lớn. Cùng với quá trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa diễn ra ngày một nhanh trên địa bàn, nông
nghiệp huyện Cao Phong có điều kiện thuận lợi để hình thành cơ cấu sản xuất theo hướng hàng hóa, với những sản phẩm có chất lượng, hiệu quả kinh tế cao thay thế những sản phẩm truyền thống.
Tuy nhiên những khó khăn, hạn chế mà người nông dân Cao Phong gặp phải trong quá trình sản xuất nông nghiệp cũng không phải là ít :
Nằm ở vị trí trung chuyển giữa Đông Bắc Bộ và Tây Bắc Bộ, Cao Phong chịu sức ép lớn giữa các vùng có điều kiện tương đồng về sản xuất nông nghiệp.
Những biến động bất thường về thời tiết và những dạng thời tiết cực đoan như bão, hạn hán, lũ lụt, sương muối… đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến các hoạt động sản xuất nông nghiệp và việc lựa chọn cơ cấu cây trồng, vật nuôi.
Nguồn vốn đầu tư cho nông nghiệp của huyện trong giai đoạn này tuy có tăng nhưng còn chậm và vẫn chiếm một tỷ lệ nhỏ trong cơ cấu đầu tư phát triển vì vậy ảnh hưởng lớn đến việc hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng, kỹ thuật trong nông nghiệp, hạn chế việc đưa các tiến bộ khoa học – kỹ thuật và công nghệ áp dụng rộng rãi vào sản xuất cũng như việc đào tạo đội ngũ nguồn nhân lực. Bên cạnh đó, phần lớn vốn đầu tư phục vụ cho phát triển hạ tầng nên vốn đầu tư cho khu vực trực tiếp sản xuất còn rất hạn chế, làm cho quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp diễn ra chậm, thiếu bền vững. Những hình thức sản xuất nông nghiệp đem lại hiệu quả kinh tế cao như trang trại, vùng chuyên canh, vùng sản xuất tập trung… cần nguồn đầu tư lớn để có thể mở rộng quy mô, áp dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật và công nghệ tiên tiến song do thiếu vốn đầu tư nên hiệu quả đem lại còn dưới mức tiềm năng, sản xuất manh mún, nhỏ lẻ.
Trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp cần phải có những điều tra, khảo sát, đánh giá tác động từ môi trường tự nhiên một cách
toàn diện, quy mô lớn, song hiện nay huyện vẫn chưa có điều kiện tiến hành, do vậy ảnh hưởng không nhỏ trong việc lựa chọn, xây dựng cơ cấu hợp lý để vừa khai thác, phát huy hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh, vừa hạn chế các tác động tiêu cực từ tự nhiên.
Với đặc điểm kinh tế của huyện Cao Phong : trên địa bàn huyện chưa có cơ sở công nghiệp lớn nào của trung ương và địa phương, du lịch không có nhiều tiềm năng để phát triển thành ngành kinh tế chủ lực thì việc xác định mũi nhọn phát triển kinh tế nông nghiệp đã, đang và sẽ là hướng đi đúng đắn của huyện Cao Phong.
CHƯƠNG 2
SỰ CHUYỂN DỊCH CƠ CẤU KINH TẾ NÔNG NGHIỆP HUYỆN CAO PHONG (2002 - 2012)