Chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước

Một phần của tài liệu SỰ CHUYỂN DỊCH CƠ CẤU KINH TẾ NÔNG NGHIỆP HUYỆN CAO PHONG (TỈNH HÒA BÌNH) GIAI ĐOẠN 2002 2012 (Trang 36)

Để tạo điều kiện cho quá trình chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp được thuận lợi và nâng cao đời sống của các hộ nông dân, Đảng và Nhà nước đã ban hành chính sách đầu tư vốn phát triển kinh tế nông nghiệp, phát triển sản xuất và các chính sách hỗ trợ nông dân, cùng với đó là chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong quá trình thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp.

Trong giai đoạn từ năm 1987 đến năm 2012 các Nghị quyết của Đại hội Trung ương Đảng khóa VI, VII, VIII, IX luôn nhấn mạnh thực hiện nhất quán, lâu dài chủ trương phát triển kinh tế hàng hoá nhiều thành phần, kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Cụ thể là :

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (12/1986) đề ra đường lối đổi mới toàn diện đất nước, trước hết là đổi mới tư duy, nhất là tư duy kinh tế trong đó sản xuất nông nghiệp được coi là mặt trận hàng đầu. Nông nghiệp phải được ưu tiên đáp ứng những nhu cầu về đầu tư xây dựng cơ sở vật chất – kỹ thuật, về vật tư, về lao động kỹ thuật. Đầu tư cho nông nghiệp phải đồng bộ từ sản xuất đến chế biến vận chuyển, bảo quản để có nhiều sản phẩm cuối cùng.

Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị (tức “khoán 10”) ngày 5/4/1988 là mốc son mở đầu cho quá trình đổi mới sản xuất nông nghiệp. Chính sách trao quyền tự chủ kinh doanh (bắt đầu từ khoán 10) đã cho phép nông dân tiếp cận với đất đai và các tài nguyên khác như rừng, biển, mặt nước..., chính sách tự do hoá thương mại và đầu tư, đặc biệt đầu tư mạnh về thuỷ lợi đã tạo cú hích ban đầu cho nền nông nghiệp hàng hoá.

Tháng 3 năm 1989, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (khóa VI) của Đảng bổ sung một số vấn đề liên quan đến đổi mới cơ chế quản lý nông nghiệp, trả lại vị trí, vai trò tự chủ của hộ nông dân, chuyển sang nền kinh tế hàng hóa, hoạt động theo kinh tế thị trường có sự quản lý của nhà nước.

Ngày 3/6/1993, Hội nghị trung ương 5 (khóa VII) của Đảng họp đã đưa ra những quan điểm, định hướng cơ bản về phát triển nông nghiệp nông thôn gắn với công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, thực hiện đổi mới cơ cấu kinh tế nông thôn, tiếp tục giao cho nông dân quyền sử dụng đất lâu dài. Luật đất đai được Quốc hội thông qua ngày 14/7/1993 đã khắc phục được tình trạng ruộng đất manh mún tồn tại lâu đời trong sản xuất nông nghiệp ở nước ta.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII (6/1996) của Đảng chủ trương đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. “Nội dung cơ bản của công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong những năm còn lại của thập kỷ 90 là : đặc biệt coi trọng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, phát triển toàn

diện nông, lâm, ngư nghiệp gắn với công nghệ chế biến nông, lâm, thủy sản, phát triển các ngành nghề, làng nghề truyền thống và các ngành nghề mới bao gồm tiểu thủ công nghiệp, công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng, xuất khẩu, các dịch vụ cho sản xuất và đời sống nông dân, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn tiến tới hình thành nông thôn mới văn minh, hiện đại” [12, 86]. Quốc hội và Chính phủ đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách thúc đẩy sự phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Bước sang thế kỷ XXI, Đại hội IX của Đảng (4/2001) và Đại hội X của Đảng (4/2006) đưa ra đường lối, chiến lược phát triển kinh tế, trong đó nông nghiệp, nông thôn được quan tâm đặc biệt. “Đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn theo hướng hình thành nền nông nghiệp hàng hóa lớn, phù hợp với nhu cầu, thị trường và điều kiện sinh thái của từng vùng, chuyển dịch cơ cấu ngành nghề, cơ cấu lao động, tạo việc làm thu hút nhiều lao động nông thôn. Đưa nhanh tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất, xây dựng hợp lý cơ cấu sản xuất nông nghiệp… phát triển mạnh công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn” [11,171]. Đại hội chủ trương phải ưu tiên phát triển lực lượng sản xuất, xây dựng quan hệ sản xuất phù hợp theo định hướng xã hội chủ nghĩa, tăng cường sự chỉ đạo và huy động các lực lượng cần thiết để đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn.

Những quan điểm chỉ đạo trên của Đảng, Nhà nước không chỉ bảo đảm cho sự phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững mà còn góp phần quan trọng cho sự phát triển hài hòa giữa công nghiệp và nông nghiệp, giữa thành thị và nông thôn, giữa kinh tế và xã hội, an ninh, quốc phòng, môi trường, tăng cường khối liên minh công nhân – nông dân và đội ngũ trí thức, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, bảo đảm cho nước ta phát triển nhanh, bền vững theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Ngày 5/8/2008, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) "Về nông nghiệp, nông dân, nông thôn”, xác định nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Theo đó vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn phải được giải quyết đồng bộ, gắn với quá trình đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Với chủ trương – chính sách đúng hướng của Đảng và Nhà nước, từ chỗ thiếu đói chúng ta đã vươn lên trở thành nước đứng thứ nhì thế giới về xuất khẩu gạo, là một trong những nước hàng đầu thế giới về xuất khẩu các nông phẩm nhiệt đới. Điều đó cho thấy Đảng và Nhà nước ta quan tâm đến nông nghiệp, coi đó là mục tiêu phát triển hàng đầu, kinh tế nông thôn giữ vị trí, vai trò quan trọng.

Một phần của tài liệu SỰ CHUYỂN DỊCH CƠ CẤU KINH TẾ NÔNG NGHIỆP HUYỆN CAO PHONG (TỈNH HÒA BÌNH) GIAI ĐOẠN 2002 2012 (Trang 36)