Xây dựng hệ thống xếp hạng tín dụng khách hàng doanh nghiệp mới phù

Một phần của tài liệu Hoàn thiện công tác xếp hạng tín dụng khách hàng doanh nghiệp tại Ngân hàng thương mại cổ phần Đông Nam Á (Trang 70)

3.2.1.1. Quy trình xây dựng hệ thống xếp hạng tín dụng mới

 Thuê tư vấn vào thiết kế và chọn mẫu:

Để có quy trình hệ thống xếp hạng tín dụng mới hợp lý và phù hợp với tình hình thực tiễn của ngân hàng, ngân hàng cần thuê tư vấn vào thiết kế. Đây là việc làm rất cần thiết bởi thuê tư vấn vào thiết kế là đơn vị có chuyên môn trong lĩnh vực xây dựng hệ thống xếp hạng tín dụng, ngân hàng sẽ tiết kiệm được chi phí cũng như thời gian xây dựng hệ thống. Ngân hàng nên chọn những công ty tư vấn có kinh

nghiệm lâu năm trong việc xếp hạng tín dụng nội bộ về khảo sát tình hình thực tế của ngân hàng, tiến hành chọn mẫu thiết kế hệ thống xếp hạng tín dụng mới phù hợp với điều 7 quyết định 493/QĐ – NHNN, thông lệ quốc tế Basel II, chuẩn quốc tế IAS 39 đồng thời mang tính đặc thù riêng của SeABank. Hiện nay, các ngân hàng trong nước thường thuê công ty kiểm toán Ernst & Young Việt Nam – một công ty có kinh nghiệm lâu năm trong việc xây dựng hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ, tư vấn giúp hoàn thiện hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ.

 Về nội bộ, thành lập ban triển khai với sự tham gia của nhiều bộ phận: Ban triển khai cần phải hoạt động chặt chẽ, minh bạch như:

- Ban triển khai cần có các quy chế bằng văn bản

- Nội dung các cuộc họp đều được ghi chép bằng biên bản, hàng tuần họp với tư vấn trong suốt thời gian triển khai

- Các bước thực hiện đều cần có biên bản nghiệm thu của tư vấn.  Xây dựng bộ chỉ tiêu phù hợp:

- Tại bước 2: Chấm điểm theo ngành, nghề lĩnh vực kinh doanh:

Cần thực hiện chấm điểm chi tiết hơn các ngành, nghề lĩnh vực kinh doanh hơn thay vì chấm điểm theo ngành, nghề lĩnh vực kinh doanh theo 4 nhóm ngành chính như hiện nay bởi mỗi ngành nghề lĩnh vực kinh doanh khác nhau đều có những đặc điểm riêng như khác nhau về vòng quay vốn, hàng tồn kho, doanh thu… Việc chấm điểm chi tiết theo từng ngành sẽ giúp ngân hàng có cái nhìn đúng đắn hơn về rủi ro của từng ngành, từ có thực hiện việc quản trị rủi ro và quản lý khách hàng theo danh mục khách hàng tốt hơn. Hiện nay, ngân hàng Vietcombank đã thực hiện việc chấm điểm chi tiết ngành nghề theo danh mục tín dụng gồm 52 ngành nghề kinh tế.

- Tại bước 3: Chấm điểm theo quy mô doanh nghiệp.

Quy mô doanh nghiệp lớn hay nhỏ quyết định vị thế cạnh tranh cũng như khả năng sinh lợi của doanh nghiệp. Có thể nói, xác định quy mô của doanh nghiệp là rất quan trọng trong quá trình xếp hạng tín dụng doanh nghiệp.

Việc phân chia thành 3 nhóm quy mô doanh nghiệp như hệ thống XHTD cũ là chưa hợp lý với tình hình nền kinh tế của nước ta hiện nay. Ngân hàng nên chia thành 4 nhóm gồm: quy mô lớn, quy mô trung bình, quy mô nhỏ, quy mô siêu nhỏ bởi khách hàng mục tiêu của SeABank chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Trong bảng chấm điểm các yếu tố bên ngoài, chỉ tiêu triển vọng ngành cần được sửa đổi với trọng số khác bởi hiện nay triển vọng ngành là một động lực mạnh mẽ để giúp các doanh nghiệp trong nội bộ ngành phát triển. Khi được đặt là ngành mũi nhọn, doanh nghiệp sẽ được nhà nước tạo mọi điều kiện để phát triển như về môi trường kinh doanh, môi trường pháp lý thuận lợi... Mặt khác, khi ngành có triển vọng phát triển có nghĩa là ngành đó được nền kinh tế chấp nhận, doanh nghiệp có khả năng sẽ tiêu thụ được nhiều sản phẩm, lợi nhuận gia tăng…Vì thế nếu doanh nghiệp kinh doanh trong ngành nghề có triển vọng phát triển tốt nghĩa là khả năng sử dụng vốn có hiệu quả cũng sẽ cao hơn các doanh nghiệp khác ngành. Do vậy, chỉ tiêu này cần được ngân hàng đặc biệt quan tâm.

Ngoài ra, SeABank cần điều chỉnh một số chỉ tiêu như: mức độ giao dịch với SeABank, vòng quay hàng tồn kho, kỳ thu tiền bình quân…Đây là những chỉ tiêu có khả năng định lượng cao, dễ dàng có thể đo lường được nhưng có những ý nghĩa kinh tế nhất định, không thể hiện nhiều về khả năng trả nợ của doanh nghiệp, nên ngân hàng có thể giảm nhẹ sự quan trọng của nó trong bảng chấm điểm và xếp hạng tín dụng doanh nghiệp bằng việc giảm điểm của các chỉ tiêu này.

Bên cạnh những chỉ tiêu đã có, ngân hàng cần bổ sung một số chỉ tiêu mới như:

 Trình độ công nghệ của doanh nghiệp: bởi với công nghệ cao sẽ giúp sản phẩm làm ra của doanh nghiệp có chất lượng vượt trội hơn, tạo nên lợi thế cạnh tranh nên hiệu quả sử dụng vốn sẽ rất tốt. Do đó, khả năng hoàn trả nợ của doanh nghiệp cũng cao hơn.

 Chất lượng hàng tồn kho: Vì một số doanh nghiệp có thể giá trị tài sản hàng tồn kho lớn nhưng khả năng thanh lý hàng lại không tốt. Điều này, làm ảnh hưởng tới kết quả thẩm định của cán bộ tín dụng.

 Chất lượng các khoản phải thu: Ngân hàng nên đưa thêm chỉ tiêu này vào bảng chấm điểm và xếp hạng tín dụng khách hàng doanh nghiệp để đánh giá tình hình kinh doanh doanh nghiệp. Bởi vì, các khoản phải thu nhiều sẽ làm tăng tài sản cho doanh nghiệp tuy nhiên nếu đó là các khoản nợ khó đòi thì doanh nghiệp cũng sẽ chịu thua lỗ, do bị tồn đọng vốn quá lớn, điều này ảnh hưởng đến tình hình tài chính của doanh nghiệp. Do đó, ảnh hưởng tới khả năng hoàn trả khoản nợ cho ngân hàng.

Mặt khác, các chỉ tiêu định tính là các chỉ tiêu khó xác định, phụ thuộc nhiều vào yếu tố chủ quan của cán bộ chấm điểm tín dụng. Do vậy, dễ nảy sinh rủi ro đạo đức trong việc chấm điểm và xếp hạng tín dụng. Vì thế các chỉ tiêu này nên cần được đi sâu chi tiết hơn hiện nay. Ví dụ như chỉ tiêu “vị thế cạnh tranh của doanh nghiệp” rất khó dự đoán, hoàn toàn dựa theo yếu tố chủ quan của cán bộ tín dụng. Vì vậy, ngân hàng nên thay bằng chỉ tiêu khác như thị phần của doanh nghiệp. Chỉ tiêu này có thể đo lường bằng tỷ lệ giữa doanh số bán ước tính của doanh nghiệp với doanh số bán ước tính của ngành.

Ngoài ra, các chỉ tiêu quan trọng như nợ quá hạn lại chỉ chiếm 4 điểm trong tổng số 100 điểm, do đó sẽ có trường hợp doanh nghiệp có lịch sử tín dụng tốt lại chấm điểm cao bằng doanh nghiệp vay nợ quá hạn nhiều.

 Chạy thử chương trình thông qua chọn mẫu:

Sau khi xây dựng bộ chỉ tiêu hoàn thiện cho hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ mới, ngân hàng tiến hành chạy thử chương trình thông qua chọn mẫu để phát hiện sai sót một cách kịp thời, tìm các biện pháp khắc phục.

 Triển khai thí điểm:

Sau khi chạy thử chương trình thông qua chọn mẫu, ngân hàng tiến hành triển khai thí điểm ở một số chi nhánh để thử nghiệm hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ trên điều kiện thực tế. Đề nghị cán bộ xếp hạng tín dụng nội bộ ghi phản hồi về ưu điểm cũng như nhược điểm của hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ mới này để có những khắc phục, sửa chữa kịp thời; giúp hệ thống ngày càng hoàn thiện hơn.

 Triển khai trên toàn hệ thống:

Sau thời gian thực hiện triển khai thí điểm tại một số chi nhánh, hoàn thiện các nhược điểm được rút ra từ các chi nhánh, ngân hàng thực hiện việc triển khai trên toàn hệ thống ngân hàng. Hàng quý, tổ chức các cuộc hội thảo bàn về những ưu điểm cũng như hạn chế của hệ thống XHTD nội bộ mới từ đó nghiên cứu việc nâng cấp, chỉnh sửa hệ thống.

 Kiểm tra chất lượng:

Thường xuyên tiến hành kiểm tra chất lượng công tác xếp hạng tín dụng nội bộ nhằm hạn chế rủi ro trong công tác xếp hạng tín dụng nội bộ. Ngân hàng nên thành lập ban thanh tra đôn đốc, giám sát việc tiến hành công tác XHTD cũng như chất lượng XHTD.

Một phần của tài liệu Hoàn thiện công tác xếp hạng tín dụng khách hàng doanh nghiệp tại Ngân hàng thương mại cổ phần Đông Nam Á (Trang 70)