Điều kiện tiên quyết để xây dựng hệ thống xếp hạng tín dụng khách hàng

Một phần của tài liệu Hoàn thiện công tác xếp hạng tín dụng khách hàng doanh nghiệp tại Ngân hàng thương mại cổ phần Đông Nam Á (Trang 34)

doanh nghiệp hiệu quả tại ngân hàng thương mại

1.3.1. Chất lượng nguồn thông tin của khách hàng

Thông tin của khách hàng doanh nghiệp là một trong những nhân tố quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến tính chính xác của kết quả chấm điểm và xếp hạng tín dụng khách hàng doanh nghiệp. Điều này đòi hỏi nguồn thông tin phải đầy đủ, kịp thời; phản ánh đúng tình hình tài chính và khả năng trả nợ của doanh nghiệp. Tuy nhiên, các thông tin do doanh nghiệp đi vay cung cấp cho ngân hàng thường có độ tin cậy và chính xác không cao do doanh nghiệp thường có xu hướng cung cấp cho ngân hàng các số liệu đã qua xử lý để che giấu điểm yếu của mình. Chính vì vậy, các thông tin cần được sàng lọc và kiểm tra chất lượng kỹ lưỡng trước khi sử dụng. Bên cạnh đó, để tăng tính khách quan của thông tin, ngân hàng cần thu thập thông tin từ nhiều nguồn khác nhau.

Do vậy, yêu cầu đặt ra đối với mỗi ngân hàng là phải có một hệ thống lưu trữ thông tin tập trung về khách hàng doanh nghiệp để có thể thu thập thông tin chính xác và đầy đủ về khách hàng một cách nhanh nhất, góp phần giúp cho kết quả chấm điểm và xếp hạng tín dụng chính xác hơn nhờ đó giảm thiểu thời gian thẩm định.

1.3.2. Chất lượng nguồn nhân lực

Cán bộ tín dụng là người trực tiếp thực hiện các bước trong quy trình xếp hạng tín dụng khách hàng doanh nghiệp từ thu thập thông tin, thẩm định thông tin đến việc phân tích các chỉ tiêu tài chính, chỉ tiêu phi tài chính; chấm điểm và xếp hạng. Do vậy, năng lực và trình độ cán bộ tín dụng là nhân tố ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng công tác chấm điểm và xếp hạng tín dụng.

Cán bộ tín dụng trước tiên phải là người có trình độ nghiệp vụ và hiểu biết sâu sắc về công tác quản trị rủi ro trong hoạt động tín dụng; am hiểu phần mềm sử dụng để xếp hạng tín dụng, có đủ năng lực chuyên môn để đánh giá các chỉ tiêu tài chính và phi tài chính. Đồng thời, cán bộ tín dụng phải là người có đạo đức nghề nghiệp để đảm bảo công tác chấm điểm và xếp hạng là trung thực, khách quan và đáng tin cậy.

1.3.3. Trình độ công nghệ ngân hàng

Chấm điểm và xếp hạng tín dụng là mô hình còn khá mới được áp dụng tại Việt Nam. Hệ thống công nghệ ngân hàng phải đủ hiện đại có thể kết hợp phần mềm chấm điểm tín dụng tạo một quy trình cho vay đồng bộ và tạo sự thống nhất trên toàn hệ thống. Mặt khác, việc áp dụng công nghệ thông tin vào xếp hạng tín

dụng sẽ làm tăng tính chính xác của kết quả xếp hạng, hạn chế sai sót do lỗi chủ quan của cán bộ tín dụng, rút ngắn thời gian chấm điểm so với việc tiến hành một cách thủ công.

1.3.4. Cơ sở pháp lý và chính sách

Ngân hàng cần phải xây dựng quy trình chấm điểm và xếp hạng tín dụng rõ ràng trước khi áp dụng mô hình chấm điểm tín dụng và xếp hạng khách hàng doanh nghiệp. Quy trình này bao gồm: các bước thực hiện chấm điểm, hệ thống chỉ tiêu, hệ thống tiêu chuẩn phục vụ cho quá trình xếp hạng… Quy trình một mặt phải tuân thủ theo những quy định chung của NHNN, theo nguyên tắc chuẩn mực quốc tế đồng thời phải phù hợp với hoạt động tín dụng thực tiễn của bản thân ngân hàng. Quy trình càng chi tiết, rõ ràng thì việc đánh giá xếp hạng doanh nghiệp càng chính xác.

Ngoài ra, việc ban hành các văn bản hướng dẫn chấm điểm và xếp hạng khách hàng doanh nghiệp cụ thể sẽ nâng cao chất lượng xếp hạng tín dụng nói riêng và chất lượng thẩm định tín dụng của ngân hàng nói chung.

Một phần của tài liệu Hoàn thiện công tác xếp hạng tín dụng khách hàng doanh nghiệp tại Ngân hàng thương mại cổ phần Đông Nam Á (Trang 34)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(102 trang)
w