Người lính thời bình và những lo toan hụt hẫng giữa đời thường

Một phần của tài liệu hi pháp nhân vật tiểu thuyết Ăn mày dĩ vãng và Khúc bi tráng cuối cùng của Chu Lai (Trang 40)

5. Kết cấu luận văn

2.3. Người lính thời bình và những lo toan hụt hẫng giữa đời thường

2.3.1. Kiểu nhân vật đời tư là kiểu nhân vật được khai thác ở khía cạnh đời sống thường ngày, không hào quang chiến thắng, không súng đạn, không xung phong… Là con người trở về nhịp sống thường nhật, bộc lộ tất cả những rồng phượng lẫn rắn rết trong bản chất. Vì hoàn cảnh cuộc sống thay đổi, con người cũng thay đổi theo. Cái xấu, cái đẹp, có cái xuất chúng, có cái lại hạn chế. Con người được đặt trong những thử thách mới, thể hiện bản lĩnh, khả

năng của mình để tồn tại và khẳng định mình. Người lính đã thể hiện mình

như thế nào trong hoàn cảnh mới đó? Khúc bi tráng cuối cùng không đề cập điều này, còn Ăn mày dĩ vãng lại rất quan tâm đến số phận người lính khi họ

bước ra khỏi chiến tranh. Ở những trang văn viết về đời tư của họ, biết bao day dứt, trăn trở… Tác giả Hồng Diệu trong một bài nghiên cứu về những sáng tác của Chu Lai về người lính thời hậu chiến đã nhận xét: “ Về diện, anh đã góp một cái nhìn rộng hơn vào hiện thực đời sống hôm nay ở các ngóc ngách của nó. Về điểm, anh đã đi sâu thêm một bước nữa vào sự phức tạp của tính cách con người dưới sự tác động của những điều kiện sống khác nhau. Và với nghệ thuật xây dựng nhân vật, cách tạo những tình huống, xung đột, đặc biệt là cách nhìn khá mạnh dạn, Chu Lai có những trang hấp dẫn, người đọc đã cầm đến sách là phải theo đuổi câu chuyện đến cùng.”[ 10]

Trong dòng chảy tiểu thuyết sau 1975, đổi mới cái nhìn về người lính, tác phẩm của Chu Lai cũng đã đề cập đến người lính với cái nhìn nhiều chiều

và đa dạng. Nguyễn Thị Bình, trong bài viết “ Một vài nhận xét về quan niệm

hiện thực trong văn xuôi nước ta từ sau 1975” đã cho rằng: “ Biến cố lịch sử

trở thành đường viền của số phận cá nhân hoặc là cái cớ ban đầu để nhân vật khảo sát hành trình tự ý thức của con người. Nếu ở văn học giai đoạn trước, con người là phương tiện để biểu đạt “ cái lịch sử” thì bây giờ lịch sử lại trở thành phương tiện để biểu đạt con người.” Hoàn cảnh sau chiến tranh là hoàn cảnh mới đầy thử thách, nó buộc người lính phải thể hiện bản lĩnh của mình để thích nghi, đó là một quá trình vất vả, thậm chí dằn vặt, đau đớn, nghiệt ngã. Những trang viết của Chu Lai quan tâm đến số phận người lính sau chiến tranh, với nỗi day dứt khôn nguôi. Hồng Diệu cảm nhận: “ Tiểu thuyết của Chu Lai đề cập đến nhiều vấn đề. Nhưng bao trùm lên tất cả là chuyện những người lính sau chiến tranh, rời chiến trường trở về, người thì tha hóa, người thì bước vào cuộc chiến đấu mới. Cuộc chiến đấu của những người lương

thiện chống kẻ bất lương, mà thật trớ trêu, có những người trước kia là đồng đội của nhau, nay đứng trên hai mặt trận đối lập.[10]

Chiến tranh khốc liệt còn hòa bình lại đầy dẫy phức tạp và toan lo đời thường. Cuộc sống mưu sinh quá đỗi nhọc nhằn, những người anh hùng trận mạc hôm qua, hôm nay thành anh binh nhì ngơ ngác. Bước ra khỏi cuộc chiến, trở về đời thường, người lính phải đối mặt với những thử thách hoàn toàn mới. Cuộc sống của họ đầy những nghiệt ngã và khó khăn, trắc trở. Đa phần họ khó bắt nhịp được với nhịp sống thị trường hiện đại. Có những người lính vẫn giữ nguyên thói quen thời chiến, trước những lo toan của cuộc sống vụn vặt vốn không quen với người lính chỉ một đời làm bạn với cây súng khiến họ lạc lõng giữa đời thường. Ở chiến trường họ là anh hùng, là chủ mặt trận, nhưng giữa đời thường họ phải bắt đầu làm quen từ những việc đơn giản nhất để kiếm kế sinh nhai. Ranh giới giữa cái cũ và cái mới, truyền thống và hiện đại… không còn rạch ròi như trước. Các giá trị xã hội bị đảo lộn. Cuộc sống của người lính đặt trong cái bộn bề gai góc của đời thường. Chu Lai đã tinh tế nhận ra sự bỡ ngỡ, hụt hẫng của họ trước cuộc sống đời thường ấy.

Nam (Phố), Tuấn, Tám Tính (Ăn mày dĩ vãng)… và nhiều nhân vật khác, họ

lao vào làm ăn, với cuộc kiếm tìm, toan lo cơm áo gạo tiền.

2.3.2. Khai thác nhân vật người lính ở khía cạnh đời tư, Chu Lai cho người đọc nhìn thấy toàn diện hơn con đường đời của người lính trong và sau chiến tranh theo chiều hướng nào. Ở đó, nhân vật hiện lên là những người anh hùng một thời mải mê đánh giặc, vì thế không ai chuẩn bị cho mình hành trang cần thiết để bước vào đời thường. Không ai ngờ đời thường tưởng chừng xôn xao mà lại nghiệt ngã đến thế. Tay trắng, hụt hẫng họ vẫn phải vật

lộn để sống. Hai Hùng (Ăn mày dĩ vãng) đã ngót nghét bước sang tuổi năm

mươi nhưng vẫn còn phải lận đận bỏ xứ xa quê để “ đi tìm việc làm, đi tìm nơi trú ngụ chót cùng của cuộc đời[ 44.tr.6]. Không nhà cửa, không việc làm,

không gia đình… anh lang thang đến vùng đất xa xôi, tìm về dĩ vãng. Cái nhức nhối xót xa nhất đối với người lính khi rời khỏi chiến trường trở về là họ không tìm được việc làm. Cảm thấy mình bế tắc trong hành trình kiếm kế sinh nhai. Hùng xuất hiện giữa đời thường thật méo mó, tiều tụy. Không còn là chàng chỉ huy trinh sát đặc nhiệm cao lớn năm xưa. Gần cuối cuộc đời vẫn không tìm thấy bến đỗ. Anh xa lạ với cuộc sống hiện đại. Ngạc nhiên với những thay đổi của con người trong cơ chế thị trường mà đồng tiền đóng vai kim chỉ nam. Cuộc đời hiện tại đối với anh là những bi kịch nối tiếp nhau nghiệt ngã. Nhưng cuối cùng anh đã đứng vững, bước qua được trạng thái vô cảm, ảo giác để trở lại chính mình, một Hai Hùng một thời ngang dọc. Anh muốn nói: “Cuộc chiến tranh vừa đi qua có thể là trò đùa nhưng sự mất mát là có thật. Cuộc đời hôm nay có thể chỉ là tấn tuồng nhưng nỗi buồn không bao giờ là một màn kịch cả.”[44.tr.375]

Ba Thành từng xông xáo trong việc chỉ huy đánh càn trở về yên phận “ làm một lão nông lọm khọm cầy cuốc”[44.tr.107] Bàn tay cầm dao mổ của Ba Thành từng cứu sống bao nhiêu đồng đội, được mọi người tín nhiệm là mát tay, hết chiến tranh, bất mãn với gia đình, với đoàn thể, chán cảnh đời, thói đời đen bạc bỏ nghề, về cày cuốc. “ Cứ tưởng rằng gốc gác người ở đây, được học hành đào tạo hẳn hoi, lại trải qua cả cuộc chiến tranh cầm dao mổ cứu sống bao mạng người, trong đó không ít người đã là và đang là quan chức cao cấp, nhất định Ba Thành bây giờ không là giám đốc sở y tế thì mèng ra cũng giữ chân bệnh viện trưởng bệnh viện trung tâm nào đó. Vậy mà không!... Ba Thành khật khưỡng đi từ ngoài dẫy về. Cởi trần để hở những rẻ xương sườn cong vênh, vai vác cuốc, đầu quấn khăn rằn đã vàng ố, chân bước cà nhắc, thỉnh thoảng lại vấp một cái, mặt đen cháy, tóc nửa đen nửa bạc lam nham…”[44.tr.109]

Lời văn xoáy vào người đọc nỗi xót xa khó tả về số phận một người lính sau chiến tranh. Còn Tám Tính, “ con cọp đen một thuở” đã “ hóa thân

thành ông lão làm vườn hiền lành, cần mẫn”[44.tr.267], vị đại tá (Ăn mày dĩ

vãng) đi làm bảo vệ, Vận (Vòng tròn bội bạc) đi làm chủ số đề… tất cả họ

đều sống cơ cực, vất vả.

Xã hội thay đổi, cuộc đời người lính thay đổi theo, nhưng đa phần người lính trong tiểu thuyết Chu Lai thay đổi theo chiều hướng buồn. Gần như họ đều lui về phía sau để nhường chỗ cho những người có khả năng thích nghi nhanh, có đủ sức chống trọi và điều khiển được đồng tiền. Nhưng cái gì cũng có tính hai mặt, chính cuộc sống bon chen, vất vả thường ngày đã biến họ thành “ con nộm rơm” khốn khổ, già nua nhàu nhĩ giữa cuộc đời nhiều giông bão. Những người lính ấy may mắn trở về nhưng để sống cái số kiếp nhọc nhằn trong thời bình. Còn bao nhiêu người lính khác trong tiểu thuyết của Chu Lai phải sống nghèo khổ như thế nữa? Cái nhức nhối, trớ trêu nhất đối với những người lính khi rời chiến trường là không tìm nổi việc làm.

Những Vận (Ba lần và một lần) ghi số đề, Sáu Nguyện làm bảo vệ ở một xí nghiệp, Ba Thành, Tám Tính (Ăn mày dĩ vãng) trồng rẫy, nuôi heo… Họ đều

sống cuộc sống vất vả, cơ cực mà tưởng những người như họ sẽ được hưởng một cuộc sống nhàn nhã trong những năm cuối đời…

2.3.3. Đi sâu khám phá số phận con người, Chu Lai đã chỉ ra bao điều

trớ trêu, trái với lẽ phải thông thường. Hình ảnh vị đại tá (Ăn mày dĩ vãng) cả

đời cống hiến cho trận mạc, lúc về hưu tưởng được sống yên ổn nhưng cuộc sống chảy trôi cuồn cuộn với tất cả những cái nhố nhăng xô bồ của nó khiến ông trở thành người gác cổng cho sở nông lâm, mà cấp trên là tên trung úy bại trận của chế độ cũ. Còn Tuấn, trong chiến tranh là chiến sĩ dũng cảm, gan dạ và hết mình vì đồng đội. Trở về thời bình, sự trung thực của anh phải trả giá, nhường chỗ cho sự cơ hội nhảy vào ngự trị xã hội. Lúc đầu anh giữ chức

huyện đội phó, huyện đội trưởng rồi chủ tịch, bí thư huyện. Huyện của anh là một trong những huyện vững mạnh về mọi mặt. Cũng như bao đồng đội khác còn may mắn sống sót trở về, anh đã thực sự coi mảnh đất một thời cầm súng bảo vệ là quê hương của mình. Song cuộc sống không đơn giản như niềm tin đẹp đẽ một thời, cái bất ngờ của số phận luôn vượt ra ngoài mọi toan tính của con người. Cuộc chiến đấu giành đất năm xưa giờ đây đang chuyển hóa thành cuộc chiến đấu giành ghế ngoài đời. Kỳ đại hội lần II anh bị đánh bật khỏi cấp Ủy vì “ tội cả tin, không chịu vào ê kíp nào, công tâm yêu quý tất cả mọi người và làm việc không kể ngày đêm”[44.tr.262]

Những người lính trở về sau cuộc chiến không phải hoàn toàn ai cũng gặp trắc trở, gian truân. Trước vòng xoáy của cuộc đời, nhiều số phận lại được khẳng định thêm lần nữa. Người lính lại có dịp đóng góp thêm năng lực

dồi dào cho cuộc sống mới. Bàn tay, khối óc những con người như Tuấn (Ăn

mày dĩ vãng), Chiến (Vòng tròn bội bạc), Hai Tính (Ba lần và một lần) đã lao

vào làm việc nhằm xóa đói giảm nghèo. Những con người ấy đã bắt kịp những biến động của thời cuộc để tạo cho mình một vị thế vững vàng, dù không phải dễ dàng.

2.3.4. Cùng với việc viết về người lính trong hành trình nhập cuộc vất vả, tiểu thuyết Chu Lai còn hướng vào khai thác đời tư, khám phá hành trình tìm kiếm hạnh phúc, tình yêu của họ. Ở phương diện này họ người lính vẫn chỉ là những anh binh nhì ngơ ngác, kém cỏi khi không thể nắm lấy hạnh phúc, tình yêu và đón nhận nó như những người bình thường. Dường như nỗi ám ảnh quá khứ thiêng liêng cùng tình yêu dang dở khiến họ khó tìm được sự yên ổn trong đời tư của mình. Hai mươi năm trôi qua dù cố tìm cách quên đi nhưng Ba Thành không thể gạt bỏ hình bóng Hai Hợi, anh vẫn nhớ mãi đôi mắt, cái nhìn của Hợi đêm phẫu thuật ca khó cho một người lính. Phải lòng Hợi và giữ mãi tình yêu thầm lặng với cô, nhưng cao thượng, nhìn thấy Tám

Tính giành được cô mà dằn lòng, nén nhịn. Sau hai mươi năm, Ba Thành kể lại với Hai Hùng về Hợi mà nguyên vẹn cảm xúc. Anh vẫn đi tìm con mắt Hai Hợi năm xưa, mà gặp bao người không tài nào tìm thấy nổi. Càng nhớ nhung càng day dứt.

Hai Hùng, cũng ngần ấy năm, vượt bao nhiêu đường để quay về dĩ vãng tìm lại Sương. Ký ức về Sương in hằn và khắc đậm trong lòng anh. Một tình yêu gắn chặt với định mệnh hai người như lời tiên tri của Bảo. Họ đã có những tháng ngày yêu nhau say đắm. Nếu như không có cuộc li tán định mệnh thì có lẽ họ đã có một gia đình hạnh phúc. Bi kịch của họ bắt đầu từ trong chiến tranh. Trong một đêm ấp bị phục kích, Hùng chạy thoát, còn Ba Sương chết. Chính anh đào mộ và bắn một loạt AK đưa tiễn. Yêu Ba Sương hơn chính cuộc sống của mình,anh không thể quên. Kỷ niệm đẹp đẽ, lãng mạn, xen lẫn những cảm xúc ấm áp và xúc động, lồng vào đó là dấu ấn của sự dâng hiến trọn vẹn làm cho Hai Hùng không thể quan tâm đến bất cứ ai khác. Mỗi khi nghĩ đến Sương, anh không khỏi bồi hồi và day dứt vì nghĩ rằng mình đã góp phần gây ra cái chết của người yêu. Đi đến đâu Hùng cũng hỏi về Sương. Anh không tin cô đã chết dù chính anh tận mắt nhìn thấy cô bị bắt, chính anh cùng đồng đội cướp xác cô về chôn. Nhưng linh cảm của tình yêu mãnh liệt và bền bỉ đã mách bảo anh rằng cô còn sống. Quả thực niềm tin đó đã chiến thắng. Nhưng số phận như đùa cợt với con người, gần hai mươi năm, Hùng tình cờ gặp lại Ba Sương trong một vai trò khác, nhìn lại mình anh nhận ra mình đang trong tình trạng thân tàn ma dại.

Ba Sương còn sống, mọi giày vò khổ sở đeo bám anh bao năm nay giờ được gạt bỏ nhưng anh lại vĩnh viễn mất đi một người đàn bà, một tình yêu mà suốt đời đi tìm cũng không có nữa. Trước sự thật cay đắng anh đã thốt lên: “ Em là con đàn bà độc ác…nhưng bây giờ, sau khi biết sự thật, tôi lại tiếc rằng em lại không chết đi, chết hẳn đi trong cái buổi sáng ma quái ấy…bây

giờ mới là hết, hết thực sự.” Cuộc kiếm tìm đã vắt kiệt sức lực của anh, thân xác anh hao mòn, tinh thần anh mệt mỏi, nhưng vì tình yêu với người đàn bà ấy đã không cho phép anh dừng lại. Tiều tụy giữa cuộc đời, anh cũng không còn quan tâm đến chính bản thân mình, anh mải miết tìm lại dĩ vãng xa xôi và hình bóng Ba Sương năm nào.

Chiến tranh đã cướp đi tuổi trẻ, sinh lực của con người khiến họ không còn đủ sức lực để làm một người đàn ông với những thiên chức đích thực, cánh cửa hạnh phúc đã sập xuống trước mặt họ một cách nghiệt ngã. Điều này Chu Lai nói trong nhiều tác phẩm. Hai Hùng, Vũ Nguyên bị vợ bỏ chỉ vì họ “không có chất đàn ông năng nổ”[47.tr.73]; Út Thêm thành đạt nhưng cô đơn, Linh lận đận trong tình yêu, Nam vĩnh viễn mất đi người vợ yêu quý… Nỗi bất hạnh của những người lính ấy tạo thêm một gam màu nhức nhối trong tác phẩm. Nhà văn muốn nói, nỗi buồn, sự mất mát, thua thiệt bao giờ cũng thuộc về những người lính từ chiến trận trở về, mọi cố gắng để có được hạnh phúc bình thường cũng là vô vọng.

2.3.5. Có một thời trong văn học Việt Nam người chiến thắng trở về bao giờ cũng được miêu tả đầy oai hùng, rạng rỡ, đầy hào quang và tự hào. Nhưng đến Chu Lai và một số nhà văn khác cùng giai đoạn, lại nhìn thấy những vết thương của con người từ sau hào quang rực rỡ ấy. Ở hàng loạt tiểu thuyết của ông xuất hiện một loạt nhân vật đặc biệt mà văn học trước 1975 chưa bao giờ nói tới: Kiểu nhân vật bị chấn thương. Đây là kiểu nhân vật do bị ám ảnh quá dữ dội của chiến tranh mà không thể tìm được sự thanh thản trong tâm hồn khi đất nước đã giành độc lập. Đó là vết thương không được chứng thương và không bao giờ chữa lành, khiến nhân vật không thể sống như người thường, không thể hòa nhập với hiện tại. Mỗi người một cảnh ngộ riêng, cho người đọc thấy rõ mặt trái của chiến tranh và cái giá của chiến

thắng, không chỉ là xương máu, là những năm tháng thanh xuân mà cả những day dứt khôn nguôi, những giày vò dai dẳng, đau đớn của phần đời còn lại.

Một phần của tài liệu hi pháp nhân vật tiểu thuyết Ăn mày dĩ vãng và Khúc bi tráng cuối cùng của Chu Lai (Trang 40)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(134 trang)