Nội tâm nhân vật được miêu tả gián tiếp

Một phần của tài liệu hi pháp nhân vật tiểu thuyết Ăn mày dĩ vãng và Khúc bi tráng cuối cùng của Chu Lai (Trang 96)

5. Kết cấu luận văn

3.3.3.Nội tâm nhân vật được miêu tả gián tiếp

Trong hai tiểu thuyết Ăn mày dĩ vãng và Khúc bi tráng cuối cùng, nội

tâm nhân vật còn được miêu tả thông qua phương thức gián tiếp. Phương thức miêu tả gián tiếp này biểu hiện qua hai hình thức:

3.3.3.1. Nhân vật miêu tả nội tâm của nhân vật khác. Đây là trạng thái nội tâm nhân vật bộc lộ những đánh giá của mình về đối phương để lựa chọn lối ứng sử phù hợp. Qua việc phân tích trạng thái nội tâm, nhà văn không chỉ đơn thuần là để các nhân vật giao tiếp với nhau mà đây là thủ pháp hữu hiệu để lột tả nội tâm cùng bản chất thật của cả hai nhân vật.

3.3.3.2. Nội tâm nhân vật có khi được miêu tả bởi chính tác giả với vị trí thứ ba tham gia chứng kiến sự việc. Với cách miêu tả này, tác giả như nhập vai vào nhân vật nói lên tiếng nói trong nội tâm nhân vật. Dưới ngòi bút của tác giả, nhân vật được bộc lộ một cách toàn diện con người thật của mình, không có cách gì che giấu được.

Trong Ăn mày dĩ vãng, con người Hợi, tâm tính được hiện lên qua lời

Hai Hùng, lời Tường, lời Sương, lời Ba Thành… Lần đầu Hợi xuất hiện qua con mắt quan sát của Hùng. Vẻ ngoài rất đàn ông với tóc ngắn, lông mày xếch, mắt sáng lì, bặm trợn, phong trần “ Song có một cái rất lạ, nằm ngầm bên trong phải để ý tinh mới thấy, đó là sự duyên dáng, đầy ắp nữ tính ẩn đằng sau cái vẻ nửa đàn ông nửa đàn bà ấy.” Một vẻ ngoài ấn tượng không chỉ với Hai Hùng, mà còn với tất cả những ai gặp Hợi, nhưng cái duyên cuốn hút bên trong không phải ai cũng tinh tế nhìn thấy như Hùng. Vẻ cuốn hút của Hợi đã làm bao người đàn ông trân trọng và mê đắm. Và với Hợi, dáng phong trần và cá tính mạnh mẽ của cô khiến những người đàn ông phải dè chừng và kiêng nể khi tiếp xúc, chứ không thể bỡn cợt. Hai Hùng muốn chứng minh một điều, chiến tranh có thể tàn phá sắc đẹp, thân thể con người, có thể làm thay đổi tâm tính một người, nhưng bản chất tốt đẹp và cái duyên thầm sẵn có của người con gái không thể mất đi, đừng nhìn vẻ ngoài để đánh giá.

Ba Sương là em họ của Hợi, với cô, Hợi là chị, lại là mẹ “ Chị bảo quý em hơn cả bản thân chị. Vì em một phần mà chị vào đây làm du kích. Cái gì ngon chị cũng nhường, trận nào ác liệt là chị cắt cử em ở nhà… Chị đối xử với em còn quá chị ruột. Có lần gian nan quá như hồi đầu năm ngoái, chị còn bảo em trở vào ấp lấy chồng đi, chuyện ngoài này một mình chị cáng đáng cho cả hai. Chị chết được rồi, nếm trải đủ mùi vị cuộc đời rồi.”[44.tr.74] Sương thấy mình nhỏ bé bên Hợi, được Hợi chở che, được chia se mọi điều. Giữa hai chị em là tình thương, tình gia đình ruột thịt. Hợi vừa là đàn chị đi trước vừa là mẹ, vừa là người bạn thân thiết, có vai trò quan trọng trong cuộc đời của Sương. Điều đó làm Sương vừa kính nể, tôn trọng vừa yêu thương.

Ba Thành là một trong số những người đàn ông đã thầm yêu Hợi và không thể nào quên được cô. Anh bị ám ảnh bởi ánh mắt của cô. Theo lời anh kể “ Cô ngồi một góc sạp, âm thầm, chìm trong khoảng tối mà ánh đèn măng-

sông không thể hắt tới. Cái nhìn tội lắm. Cái nhìn vời vợi của người mẹ, người em và cả người vợ, vừa buồn, vừa thương, vừa…”[44.tr.64] Hai mươi năm sau Ba Thành cũng vẫn không quên được ánh mắt đó. Anh đã nhìn thấy tấm lòng nhân ái, xót thương đầy nữ tính của cô, nó làm lòng anh lắng lại, phát hiện ra điều tuyệt diệu của con người trong chiến tranh- tình người, tình đồng đội, tình cảm người thân… Và anh đã yêu Hợi vì điều đó.

Người đàn ông làm cho Hợi yêu thương nhưng cũng đau khổ nhất là Tường. Hợi yêu Tường vì anh có “đôi mắt lạ lắm! Nhìn vô lâu có thể khóc được.” Còn Tường, “ những giờ khắc có được ở bên nhau, tôi bị cái tình thương ấy trào ra đến ngạt thở, không còn biết mình là ai, ở nơi nào, đang làm gì nữa. Mạnh mẽ, nghệ thuật, thô rám như gỗ nhưng lại mềm như tơ… Hợi đã tạo cho tôi một cảm giác lần nào cũng như lần đầu, đói khát, ngấu nghiến…”[44.tr.288] Bởi vậy, Tường có thể từ bỏ tất cả, công danh, sự nghiệp, vợ đẹp, nhà to… Tường “ biết tính Hợi quyết liệt và sòng phẳng, tôi đâu dám nói vụ vợ con.”[44.tr.289] Tường sợ mất Hợi nên mới giấu giếm nhưng điều đó lại là nguyên nhân khiến anh mất cô. Lần gặp lại, lúc Hợi đã trải qua một thời gian lăn lộn trong rừng rồi ra ấp, Tường nhìn thấy “Hợi đổi thay nhiều đến dễ sợ, không còn nhận ra nữa”, anh xót xa và không thay đổi tình cảm “ Tôi yêu một người rừng.”[44.tr.291].

Nói về tình yêu thủy chung của Hợi dành cho Tám Tính, Tường cũng nhìn bằng cái nhìn rất khách quan và ngưỡng mộ “ Cho đến phút cuối cùng cô cũng vẫn chỉ yêu một người. Vì người đó mà cô bỏ rừng ra dân, vì người đó mà cô âm thầm cúng giỗ, mà lặn lội đi tìm và nay cũng vì người đó mà cô vứt bỏ cuộc đời.” Trong Tường nảy lên một lòng ghen “ Tôi ghen kinh khủng và cũng tò mò kinh khủng với cái sinh vật đàn ông vô hình vô ảnh kia.”[44.tr.299]

Nội tâm của Sương chủ yếu được miêu tả gián tiếp qua lời kể, lời nhận xét của Hai Hùng. Trong mắt Hùng, lúc anh buồn nhất, dằn vặt, đau khổ nhất Sương trở thành Đức mẹ bao dung “ Đôi mắt Đức Mẹ nhìn chúa Hài đồng cũng chỉ vời vợi yêu thương đến thế là cùng.” Đôi mắt phản ánh một tấm lòng nhân hậu, một niềm đồng cảm, sẻ chia sâu sắc, một nỗi xúc động trước anh. Hùng thấy lòng ấm lại, thấy mênh mông tình yêu thương và mình thật nhỏ bé trước em.

3.3.3.3. Khúc bi tráng cuối cùng, nhân vật ít được miêu tả gián tiếp qua

hình thức thứ nhất này, mà chủ yếu được miêu tả qua lời tác giả (hình thức thứ hai). Như tướng Tuấn, qua con mắt của Hùng trong một lần gặp “ Có cái gì vừa rất xa lạ vừa rất gần gần gũi! Sống mũi thẳng, khuôn cằm dài, mái tóc lệch sang bên, đôi mắt sâu có cái nhìn lơ đãng…cái nhìn hết sức bề trên, xa cách…vẻ cao ngạo”, đó là vẻ mặt của kẻ luôn nhìn đời kiêu hãnh và Hùng không có cảm tình, không thích từ xưa.

Ở hình thức thứ hai, tác giả miêu tả tâm trạng nhân vật như một người được chứng kiến. Rất nhiều nhân vật được nhà văn dành những dòng miêu tả nội tâm sâu sắc. Trong một trận chống càn, hầm của Sương suýt nữa bị đánh sập, Hùng đã tìm kiếm, đào bới trong hoảng hốt, lo lắng và rất may hầm không bị sập, nhìn thấy ngón tay Sương trồi lên “ Thay vì phải thực hiện tiếp những động tác bới móc ráo riết hơn, Hùng lại quỳ xuống, nước mắt trào ra, u mê cầm lấy những ngón tay vấy đất, vấy máu ấy áp lên môi lên má…”[44.tr.101] Lúc này anh sung sướng, mừng vui khôn xiết vì Sương đã không sao cả. Niềm hạnh phúc không gì tả nổi của anh làm anh mê muội đi, quên mất phải đào bới để cứu Sương lên.

Nhà văn như nhìn thấy, như là chính Hùng đang sống qua những phút giây vui sướng lạ kỳ đó. Sau này, vào những phút giây gặp gỡ cuối cùng của hai người tại nhà Tường, tâm trạng của Hùng cũng được nhà văn miêu tả rất

chân thực: “ Đứng chết trân ngoài cửa, hình dáng y hệt một tên ăn trộm đêm thảm hại, nhân vật chính của chúng ta cũng đang ở trạng thái ấy. Mồ hôi ông toát ra đầm đìa, da thịt khi nóng khi lạnh, khi lại trơ ra không còn cảm giác gì nữa. Mỗi một câu nói,một cử chỉ, một cái nhìn của bà ta là một luồng hơi cay xộc thẳng vào mũi ông, đẩy nhanh ông vào một tình thế chơi vơi, mềm oặt không cưỡng lại được. Ông thả người ngồi phệt xuống bậc hè, không muốn hay không dám nhìn vào trong nữa. Ông sợ lồng ngực ọp ẹp của mình nổ tung lên dưới một áp lực đa chiều biết là không cách nào chịu thấu.”[44.tr.323;324] Trước lời thú nhận của Ba Sương, hoàn cảnh bi kịch của em làm cho Hùng choáng váng, không biết nên xử trí thế nào. Sự thật Hùng muốn đi tìm, muốn vạch trần bây giờ đã rõ cả, vậy mà anh thấy không chịu nổi, một sự đau đớn trước sự thật, một niềm thương cảm với em, một sự bức bối trước những chuyện phi lí, một nỗi căm thù với kẻ gây tai họa, một sự thất vọng về con người… Mọi thứ lẫn lộn, rối tung trong đầu Hùng. Tâm hồn và thể xác gầy còm của anh không đủ sức để chịu nổi. Người đọc như nhìn thấy con người đau khổ của anh trước mắt, như cùng anh trải nghiệm nỗi niềm anh đang phải chịu.

Hoàng Lâm (Khúc bi tráng cuối cùng), hiện lên trong tiểu thuyết này

chủ yếu qua sự miêu tả gián tiếp của nhà văn. “ Hoàng Lâm từ đầu ngồi im như mải đuổi theo một dòng suy nghĩ gì chảy thì thầm bên trong”[50.tr.49]. Con người của sư trưởng Lâm hiện lên lúc nào cũng đầy ưu tư, điềm tĩnh, có phút dành cho kỷ niệm, quá khứ, còn chủ yếu dành cho những lo lắng trận mạc.

Tướng Tuấn, trong lúc nói chuyện với Dung, dòng hoài niệm về quá khứ đang nôn nao, nhà văn miêu tả “ Hắn… rót một li đưa lên miệng uống cạn như cố uống cạn đi cái khúc tâm sự bung ra không đúng lúc của mình.”[50.tr.213] Hắn nhớ dĩ vãng buồn, hắn thấy lòng trở nên yếu đuối, không giống phong cách hằng ngày của hắn. Hắn sợ người khác biết những tâm tư sâu kín và phút yếu lòng của hắn. Tuấn còn được nhà văn miêu tả

trong phút bại trận “ Một nỗi nhục ăn sâu, nhức buốt, lan tỏa, gặp vào từng tế bào từng lỗ chân lông, nhục đến nỗi có lúc ông đã quên đi cả cái đau đáu về đứa con gái chưa biết trôi dạt nơi đâu của mình. Thế là, với nỗi nhục đó, cộng thêm nỗi cô đơn, hụt hẫng đến tột cùng, viên lãnh chúa kiêu hãnh…lặng lẽ bỏ đội hình, bỏ vị trí, bỏ lon hàm, bỏ hết để một mình thực hiện cuộc vi hành vào hỗn mang.”[50.tr.282] Đó là tâm trạng của một kẻ từng quá tự tin nay thất bại quá nhanh, quá bất ngờ, thất vọng ngay cả với thể chế mà mình phục vụ, thất vọng với quân lính của mình.

Qua cách miêu tả gián tiếp ở cả hai hình thức kể trên, nhân vật của Chu Lai dường như được lột tả khá toàn diện và trung thực về nội tâm. Các nhân vật chính hay phụ đều có thể thể hiện nội tâm từ vui sướng, hạnh phúc, đến đau khổ, thất vọng, dằn vặt, nhục nhã… nếu có. Tất cả các trạng thái tình cảm đó được cách miêu tả gián tiếp góp phần thể hiện dễ dàng và đầy đủ hơn.

Một phần của tài liệu hi pháp nhân vật tiểu thuyết Ăn mày dĩ vãng và Khúc bi tráng cuối cùng của Chu Lai (Trang 96)