5. Kết cấu luận văn
3.4.1.3. Ngôn từ giàu chất triết lí suy nghiệm
Bên cạnh ngôn từ xù xì, gân guốc đậm chất đời thường, tiểu thuyết Chu Lai còn thể hiện một lớp ngôn từ giàu chất triết lí suy nghiệm. Có thể nói, những gì về chiến tranh trong tiểu thuyết của ông đã được chắt ra từ tâm hồn những người một thời từng trải nghiệm chiến tranh. Những suy nghiệm ấy lại là phát ngôn tự nhiên của nhân vật theo logic vận động của câu chuyện. Nó không sáo mòn, khô khan mà giữ nguyên được dư vị cuộc sống, nó tác động vào tình cảm người đọc, nhưng cũng tác động mạnh mẽ vào trí tuệ người đọc. Chu Lai là nhà văn dày dạn kinh nghiệm viết về chiến tranh, nhà văn đã tạo ra giọng điệu triết lí riêng luôn thường trực trong tác phẩm của mình.
Trong Ăn mày dĩ vãng, tính triết lí hầu như quán xuyến toàn bộ tác
phẩm. Số phận mỗi người lính sau chiến tranh đã là một triết lí đầy đủ về chiến tranh, về cuộc đời nói chung. Hai Hùng, ông đại tá về hưu làm gác cổng, Ba Thành, Tuấn là những nhân vật mang tính triết lí đó. Hai Hùng đã chỉ ra nỗi day dứt về những phút hèn nhát, yếu đuối, sợ hãi của người lính khi phải trải qua bao ngày dài chứng kiến sự khủng khiếp của chiến tranh, chết, bị thương, hành hạ tinh thần dai dẳng. Phải trực tiếp cầm súng chiến đấu và trải qua những năm tháng ấy trực tiếp. “ Lí tưởng ư? Mục đích ư? Giải phóng miền Nam ư? Vẫn có cả đó nhưng nó đã lặn vào đâu đó trong người sâu lắm rồi, không dễ mỗi lúc mà moi ra nhấm nháp như thứ lính chuyên ngồi văn phòng, lính phía sau, cách cái chết nửa vòng trái đất.”[44.tr.124] Đó không phải là những tư tưởng phản bội, mà đó là những phút yếu lòng, lí tưởng còn đó, lòng trung thành còn đó nhưng khó khăn, thiếu thốn, chết chóc ngày nào cũng phải đối diện, ai không có chút dao động. Đó là hiện thực chiến tranh không phải ai cũng dễ dàng nhận ra căn nguyên của nó, không phải ai cũng dũng cảm nói ra.
Dòng tâm sự của Hùng như là lời thú nhận đầy đau khổ, nhưng đó cũng là những triết lí sâu sắc và nghiêm túc về chiến tranh. Anh cũng đưa ra lời khẳng định người lính “ là một thằng người biết cầm súng chứ không phải là cái máy biết nhả đạn.”[44.tr.206] Anh muốn phân biệt giữa người lính cầm súng chiến đấu vì mục đích bảo vệ tổ quốc với kẻ cầm súng đi xâm lược hoặc nhả đạn như cái máy cho kẻ thuê mình. Tham gia cuộc chiến này vì mục đích cao cả, người lính vẫn giữ nguyên vẹn những bản tính NGƯỜI tốt đẹp và còn cả những nhược điểm, hạn chế cũng rất NGƯỜI như bao người bình thường khác.
Khúc bi tráng cuối cùng, chiến tranh đã kết thúc, gia đình Hoàng Lâm
thăm lại chiến trường xưa, thăm lại nơi Oánh và Hùng đã cùng chết, nhà văn để mọi người chìm sâu vào những suy tư riêng. Và Chu Lai đã nói hộ các nhân vật tâm trạng của họ lúc Tây Nguyên về chiều: “ Chiều rồi. Chiều Tây Nguyên thật buồn. Chiến tranh cũng buồn mà hòa bình cũng buồn man mác. Đâu đâu cũng một hoang sơ tĩnh lặng như câu chuyện chết chóc kinh hoàng xảy ra ngày hôm qua chỉ là chuyện đùa.”[50.tr.335] Chiến tranh đâu phải trò đùa, hòa bình cũng man mác buồn vì chiến tranh đã cướp đi rất nhiều thứ, trong đó có cả những người con thân yêu. Dung cũng nói với bà rằng: “ Cháu và mọi người không muốn bà phải nghĩ ngợi, buồn đau thêm nữa bởi lý do, để có một ngày bà cháu ta được thơ thới đi dọc hết chiều dài đất nước như thế này, cái giá phải trả là rất đắt như thế nào.”[50.tr.339] Ngẫm về chiến tranh và những gì dân tộc phải đánh đổi để có hòa bình mới thấy cái giá phải trả quá đắt. Sống giữa hòa bình mà buồn là vì vậy.