Giống mía có vai trò rất quan trọng trong thâm canh mía. Phẩm chất hom giống là yếu tố quan trọng quyết định năng suất mía. Nếu hom giống chất lượng kém thì các biện pháp kỹ thuật khác cũng tác động không đáng kể đến năng suất. Chi phí giống phụ thuộc vào lượng giống sử dụng và giá giống.
Theo kết quả điều tra thì lượng đặt hom phụ thuộc vào chiều dài của mỗi học (chiều dài mỗi học trồng mía khoảng 6 đến 10 m/học). Thông thường trên 1.000 m2 đất trồng mía người dân sử dụng khoảng từ 1.000 đến 1.300 kg mía giống với giá mía giống dao động trong khoảng 1.500-1.800 đồng/kg. Việc sử dụng số lượng mía giống nhiều hay ít tùy thuộc vào việc người trồng mía đặt hom dày hay thưa. Chi phí mía giống của nông hộ thấp nhất là 1.050 ngàn đồng, cao nhất là 2.380 ngàn đồng và chi phí mía giống trung bình là 1.836,13 ngàn đồng.
Chi phí mía giống có sự chênh lệch lớn như vậy là do các nông hộ trồng mía với mật độ chênh lệch nhau khá lớn, đa số các nông hộ sản xuất mía có tâm lý muốn đạt năng suất cao thì phải tốn chi phí mía giống nhiều hơn, tìm kiếm những giống tốt, có năng suất cao hơn. Để giảm chi phí mía giống thì nông hộ cần trồng mía với mật độ phù hợp mà vẫn đạt năng suất cao, mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất. Mặc khác các nông hộ còn sử dụng phương pháp lưu mía gốc. Có nghĩa là sau khi thu hoạch xong, dọn dẹp vệ sinh và xử lý gốc mía ngay. Người nông dân dùng cuốc bén cuốc ngang phần trên cùng của gốc mía và chỉ giữ lại phần gốc có mầm chứa từ 3 đến 5 mầm. Sau khi mía mọc đủ mầm thì kiểm tra lại chỗ bị thưa hoặc chết thì trồng dặm lại cho đủ mật độ.
Qua khảo sát, các hộ sử dụng phương pháp lưu mía gốc thường ít tốn chi phí giống hơn vì cứ trên 1.000 m2, các hộ chỉ sử dụng khoảng 700 – 900 kg mía giống. Qua đó người dân có thể giảm bớt chi phí mua mía giống.