Mục đích của giáo dục

Một phần của tài liệu Tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục con người mới (Trang 44)

Thấm nhuần và kế thừa truyền thống nhân văn của dân tộc trong việc đào tạo ra những người có tài, với ước mơ nguyện vọng xây dựng cho nước nhà một nền giáo dục hiện đại, phổ cập toàn dân, bởi thế Hồ Chí Minh muốn mỗi người dân phải hiểu và xác định được mục đích của giáo dục con người.

Mục đích của giáo dục con người mới đầu tiên là nhằm phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân để làm nước nhà ngày càng giàu mạnh.

Hồ Chí Minh đã đưa vấn đề giáo dục giống như kim chỉ nam cho mọi hành động để cùng nhân dân thực hiện. Đặc biệt Hồ Chí Minh đánh giá rất cao vai trò của thế hệ trẻ đã gửi gắm và đặt niềm tin vững chắc vào mỗi cá nhân nhằm tạo điều kiện và hướng họ đi tới mục đích và chân lý của mỗi người. Hồ Chí Minh nói:

"Nhiệm vụ của các cháu là thi đua học tập để sau này góp phần vào mở mang quê hương của mình vào việc xây dựng đất nước Việt Nam yêu quý của chúng ta" [36;496].

Giáo dục con người mới còn nhằm mở mang dân trí, nâng cao kiến thức, bồi dưỡng tư tưởng đúng đắn và tình cảm cao đẹp, những phẩm chất trong sáng cho nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Triết lý giáo dục con người mới ở Hồ Chí Minh luôn gắn với thực tiễn hoạt động của cách mạng Việt Nam, trong việc cải tạo con người cũ, xây dựng con người mới.

Hồ Chí Minh cho rằng: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu” [37;8] nên giáo dục trước hết là phải nâng cao dân trí. Đồng thời với quan điểm đó nền giáo dục định hướng con người đến cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Nâng cao dân trí là để tạo lập khả năng, tiềm lực tri thức để có những kiến thức mới tạo đà cho sự phát triển và theo kịp các nước tiên tiến trên toàn cầu. Để thực hiện mục tiêu nâng cao dân trí, Hồ Chí Minh khuyên mọi người hãy tiến dần

40

từng bước một, người nào chưa biết chữ phải gắng cho biết, người nào biết rồi phải thi đua để tiến lên những bước cao hơn nữa, cố gắng cập nhật tri thức của khoa học kỹ thuật. Tuy nhiên việc nâng cao dân trí phải diễn ra từng bước nhằm thực hiện nâng cao dân trí một cách vững chắc.

Trong mục tiêu nâng cao dân trí, Hồ Chí Minh chỉ thị giáo dục cho tất cả, tạo nên sự bình đẳng cho mọi người tiếp thu học vấn, dân chủ hóa nền giáo dục thì mới có thể hoàn thành tốt mục tiêu.

Quá trình giáo dục sẽ hình thành nên nhân cách, năng lực, phẩm chất con người. Khi đánh giá vai trò to lớn của giáo dục đối với việc hình thành nhân cách, Người cũng xác định rằng hoạt động rèn luyện của chủ thể là nhân tố quyết định nhất.

Ngoài ra giáo dục con người mới còn nhằm đào tạo những tri thức mới, tạo ra những người có đức, có tài, những con người kế tục sự nghiệp cách mạng, xây dựng tương lai của một nền giáo dục mới, nền khoa học tiên tiến, hiện đại, giàu bản sắc việt Nam.

Giáo dục con người mới vừa mang tính thường xuyên, cấp bách, vừa mang tính cơ bản lâu dài, phải làm công phu, tỉ mỉ như người làm vườn vậy. Vì vậy mà việc đào tạo nên những con người mới không chỉ nhằm mục đích xây dựng đất nước mà còn vì hạnh phúc, tương lai, cuộc sống của mỗi người dân, để phát triển năng lực của mỗi con người.

Hồ Chí Minh là người ý thức cao trong việc xây dựng đội ngũ tri thức mới. Nếu thiếu tri thức, tự mãn với những hiểu biết của mình, không những làm thui chột tài năng mà còn kìm hãm sự phát triển đất nước. Do vậy sự phát triển toàn diện về tri thức của thế hệ mới là rất cần thiết cho sự vững mạnh và cường thịnh của đất nước. "Cải tạo tri thức cũ, đào tạo tri thức mới, thực hiện công nông hóa trí thức, tri thức hóa công nông" [43;222].

Dù trong chiến tranh hay hòa bình, dù đấu tranh để giành độc lập dân tộc hay xây dựng chủ nghĩa xã hội thì đều cần đến chuyên gia và trí thức. Hồ Chí nói:

41

"Các bạn có trách nhiệm nặng nề và vẻ vang làm gương cho nhân dân trong mọi việc. Dân ta đấu tranh một cách rất dũng cảm. Lẽ tất nhiên giới trí thức phải hi sinh, đấu tranh dũng cảm hơn nữa để làm gương cho nhân dân". Khác với tri thức trong xã hội cũ, trong xã hội mới trí thức "không còn là những con người chỉ nằm trong tháp ngà và xa rời quần chúng. Ngày nay trí thức ta là những con người lao động trí óc, luôn hòa mình với công nông và cùng công nông ra sức xây dựng xã hội mới" [43;105].

Việc tôn trọng trí thức, xem trí thức giống như một vốn quý báu của dân tộc, Hồ Chí Minh tỏ ra nghiêm khắc trong việc phê phán những trí thức tỏ ra xem thường quần chúng, xem thường những người lao động chân tay hay kiêu ngạo.

Giáo dục con người mới còn đào tạo ra những con người mới vừa hồng, vừa chuyên.

Lịch sử đã chứng minh rằng trong tất cả các yếu tố tạo nên sự thành công của mỗi quốc gia, không một yếu tố nào lại quan trọng hơn là yếu tố giáo dục. Sở dĩ có thể khẳng định như vậy là vì giáo dục trang bị cho dân tộc, quốc gia đó nguồn tri thức khoa học, yếu tố quyết định đối với sự phát triển của chính sách quốc gia, dân tộc đó. Ngày từ truyền thống xa xưa cha ông ta sớm ý thức rằng muốn kiến thiết quốc gia, mở mang kinh tế thì cần phải có người tài, muốn có người tai thì phải đào tạo qua học hành thi cử. Kế thừa truyền thống đó, Hồ Chí Minh có cái nhìn đúng đắn về việc giáo dục con người Việt Nam mới là một vấn đề chiến lược, là nhiệm vụ quan trọng của cách mạng. Người khẳng định giáo dục là một việc rất khó khăn và công phu: “Vì lơi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”.

Hồ Chí minh đã khẳng định: "cây phải có gốc, người cách mạng phải có

đạo đức, không có đạo đức không căn bản". [40;252]. Cái gốc đó của việc "trồng người" là đào tạo ra những người vừa có đức, vừa có tài, đức và tài luôn đi liền

với nhau, đó là hai yếu tố cốt lõi của nhân cách, và chúng có mối quan hệ biện chứng với nhau. Người có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó, có tài mà không có đức thì không đem tài đó mà phụng sự được nhân dân, trái lại còn làm hại cách mạng.

42

Chiến lược giáo dục và đào tạo trong chiến lược con người là “Ta xây dựng con người cũng phải có ý định rõ ràng như nhà kiến trúc” [46;551] nhằm “đào tạo ra những công dân tốt và cán bộ tốt. Những người kế tục xứng đáng sự nghiệp cách mạng to lớn của Đảng và nhân dân ta”. Mục tiêu đó được biểu hiện

thông qua mục tiêu cụ thể của từng đối tượng, từng nội dung, từng giai đoạn, cấp học. Nói chuyện tại Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất về công tác huấn luyện và học tập ngày 6-5-1950, Hồ Chí Minh đưa ra một kiểu mẫu về cách xác định mục tiêu huấn luyện và học tập: phải thiết thực, chu đáo, muốn thế phải đặt câu hỏi: huấn luyện ai? Ai huấn luyện? Trong việc nâng cao và hướng dẫn tự học thì luôn đặt ra câu hỏi: học để làm gì? học ở đâu? Hay giữa các cấp học: đại học, trung học, tiểu học cần xác định rõ nhiệm vụ như thế nào?

Giáo dục con người mới là hướng vào phục vụ Tổ quốc, không phải chỉ người học cần xác định mà chính bản thân người dạy cũng cần phải xác định trách nhiệm đào tạo ra những con người sau này có ý thức phụng sự nhân dân, xây dựng tổ quốc ngày càng giàu mạnh và phát triển hơn.

Nói tóm lại, tư tưởng căn bản về giáo dục con người mới của Hồ Chí Minh

là nhằm đào tạo những con người mới có đủ tài năng về mọi mặt để phục vụ cho việc xây dựng và kiến thiết nước nhà ngày càng vững mạnh và phát triển đi lên.

(adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Một phần của tài liệu Tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục con người mới (Trang 44)