Củng cố vùng xung yếu, khoanh vùng chống phản

Một phần của tài liệu Phong trào quần chúng nhân dân tham gia bảo vệ, giữ gìn trị an ở miền Bắc (1954 – 1975) Luận văn ThS (Trang 35)

Vùng xung yếu là khu vực có những diễn biến phức tạp về an ninh chính trị, TTATXH, thường là ở nơi tập trung đông bọn phỉ, có đông đồng bào theo đạo Thiên chúa, hay còn nhiều xung đột xảy ra, tổ chức phản cách mạng. Các thế lực phản động lợi dụng sự yếu kém về nhận thức, hạn chế trong công tác bảo vệ an ninh ở những nơi này để kích động nhân dân nổi dậy đấu tranh, chống phá lại chính quyền. Lực lượng Công an nếu lơi là cảnh giác ở trong các vùng này thì khó có thể lường trước được những bất ổn có thể xảy ra trong thực hiện bảo vệ trị an. Bởi vậy, việc đẩy mạnh, phát huy hơn nữa vai trò của quần chúng ở những vùng xung yếu có ý nghĩa hết sức quan trọng, trở thành một trong những nét nổi bật của phong trào quần chúng tham gia giữ gìn trật tự trị an giai đoạn này.

Ở các vùng núi, trước tình trạng các thế lực thù địch thường xuyên kích động bọn thổ phỉ nổi dậy, lợi dụng những sơ hở, thiếu sót của chính quyền mà thả các toán gián điệp, biệt kích xuống, ngay từ Hội nghị Trung ương lần thứ VIII (tháng 8/1955) Đảng đã nhấn mạnh: “Phải kiên quyết dựa vào dân mà tiễu trừ chúng để tăng cường việc đoàn kết dân tộc, củng cố biên phòng và sự an toàn của giao thông vận tải…Cần quét sạch bọn này vì chậm ngày nào chúng càng phát triển ngày ấy” [1, 80].

Phong trào quần chúng bảo vệ trị an ở các vùng xung yếu từng bước được đẩy mạnh. Quần chúng nhân dân được sự tuyên truyền, giáo dục đã thấy được ai là bạn, ai là thù, từ đó tự mình làm công tác bảo vệ an ninh ở cơ sở. Một mặt, quần chúng tham gia vận động cải cách dân chủ, thành lập khu tự trị, thực hiện đoàn kết dân tộc, xây dựng các tổ chức đổi công, hợp tác xã, mặt khác, tích cực bảo vệ bản mường, phát hiện, bắt giữ gián điệp, biệt kích, kêu gọi con em còn tham gia thổ phỉ trở về làm ăn lương thiện, giao nộp vũ khí cho chính quyền. Ở những nơi lực lượng phỉ hoặc bọn phản động còn gây bạo loạn, quần chúng đã tham gia trấn áp phản cách mạng hoặc tiến hành tiễu phỉ. Đối với những nơi có phỉ hoạt động lẻ tẻ, quần chúng tham gia vận động, kêu gọi các đối tượng ra đầu hàng, bao vây, ngăn tiếp tế, truy tìm các đối tượng còn lẩn trốn.

Phong trào chống phỉ đã thu hút đông đảo quần chúng tham gia, qua đó hạn chế tới mức thấp nhất những hoạt động gây bạo loạn do phỉ gây ra. Có địa phương như ở Yên Bái, trong cuộc vận động truy lùng phỉ, diệt biệt kích, nhân dân đã đứng lên quét cơ sở bọn biệt kích, đánh tan hàng trăm tên phỉ, bắt sống tên đầu sỏ. Ở Lai Châu, nhân dân Mèo vũ trang tiêu diệt bọn trùm phỉ định rút về Lào.

Nhân dân đã bước đầu nhận thức được thực chất của vấn đề xưng vua, thấy được tính chất lừa bịp của một số đối tượng xấu lợi dụng lòng tin, tâm lý của bà con để tập hợp lực lượng chống chính quyền. Từ đó, nhân dân ở các địa phương có hiện tượng xưng, đón vua đã tự giác cùng Công an và chính quyền đấu tranh chống hoạt động này. Điển hình như bà con nhân dân xã Sa Dong, huyện Điện Biên, tỉnh Lai Châu tố giác tên Sáy Khứ người xã Phì Nhừ hoạt động tuyên truyền xưng đón vua và đề nghị chính quyền bắt tên này.

Ở vùng có đông đồng bào theo đạo Công giáo, thông qua các buổi phổ biến, nói chuyện, trên cơ sở nhận thức được âm mưu, thủ đoạn của địch, nhân dân đã tự giác tham gia bảo vệ ANTT bằng những việc làm thiết thực, cụ thể như: không nghe theo lời dụ dỗ của địch, báo cho cơ quan Công an các linh

mục tuyên truyền phản động, đi ngược lại đường lối của Đảng, Nhà nước. Quần chúng tăng gia sản xuất, khắc phục các khuyết điểm, yếu kém, giúp đỡ lẫn nhau theo tinh thần vừa kính chúa, vừa yêu nước. Do vậy, ở nhiều nơi cơ sở chính trị được củng cố, nhiều vấn đề phức tạp về ANTT được giải quyết ổn định, các phần tử phản động phá hoại bị vạch mặt. Đặc biệt, trong những năm 1959 - 1960, phát huy tính tích cực của giáo dân, lực lượng Công an đã phát hiện, từng bước đẩy đuổi toàn bộ 26 giáo sỹ, linh mục người nước ngoài ra khỏi nước ta, đánh mạnh vào chỗ dựa bọn gián điệp và bọn phản động.

Với sự tham gia ủng hộ của các cấp, các ngành, phát huy vai trò to lớn của nhân dân, lực lượng Công an đã củng cố vùng xung yếu, khoanh vùng đánh địch ở 165 địa điểm, tập trung chủ yếu ở các vùng dân tộc thiểu số, vùng phản động lợi dụng đạo Thiên chúa. Kết quả, đã hoàn thành 95 điểm, trừng trị trên 150 tên phản động lợi dụng đạo Thiên chúa, 251 tên phản động miền núi và 700 tên phản động khác [37, 178]. ANTT được đảm bảo, sức mạnh của quần chúng nhân dân ở cơ sở được phát huy. Qua thống kê kết quả “khoanh vùng” ở 21 điểm của 5 địa phương thì có số tiến bộ tăng từ 17,5% lên 32%, số còn chống đối từ 24% giảm xuống còn 4% [37, 178].

Thực hiện khoanh vùng đánh địch, quần chúng từ chỗ bị địch khống chế, mê hoặc nay đã đứng lên đấu tranh chống hoạt động phá hoại của bọn phản cách mạng. Uy tín của cán bộ cơ sở được nâng cao, việc chấp hành các chính sách của Đảng và Chính phủ được thuận lợi. Qua phong trào nhiều xã từ yếu kém về trật tự an ninh đã trở thành những xã khá. Nhiều địa phương trong diện “khoanh vùng đánh địch” đã có những hình thức phong phú, thích hợp thông qua phong trào “bảo vệ trị an”, củng cố vùng xung yếu kết hợp với thi hành chính sách của Đảng ở địa phương,…nên đã thu được nhiều kết quả tốt.

Mở đợt vận động quần chúng, củng cố vùng xung yếu, khoanh vùng trấn áp phản cách mạng, giải quyết các vấn đề cụ thể đang nổi lên, là hình thức vận động tổ chức quần chúng bảo vệ ANTT có trọng điểm, là bước phát triển cao của phong trào, ra đời từ thực tiễn cuộc đấu tranh và sáng tạo của lực lượng CAND.

Một phần của tài liệu Phong trào quần chúng nhân dân tham gia bảo vệ, giữ gìn trị an ở miền Bắc (1954 – 1975) Luận văn ThS (Trang 35)