Hoàn cảnh lịch sử, tình hình an ninh trật tự

Một phần của tài liệu Phong trào quần chúng nhân dân tham gia bảo vệ, giữ gìn trị an ở miền Bắc (1954 – 1975) Luận văn ThS (Trang 50)

Sau thất bại của chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, Mỹ - ngụy thi hành chiến lược “chiến tranh cục bộ”, đưa quân Mỹ trực tiếp vào tham chiến với hy vọng quân đội chính quy, tinh nhuệ cùng với đội ngũ cố vấn quân sự đứng đầu thế giới sẽ đánh bại ý chí chiến đấu của quân dân hai miền Bắc- Nam. Tuy nhiên, thực tế không như Mỹ mong muốn. Mỹ thất bại thảm hại về mọi mặt, buộc phải ngồi vào bàn đàm phán Hiệp định Pari và chuyển sang chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, dùng Người Việt đánh người Việt. Mức độ, quy mô cuộc chiến tranh được đẩy lên cao. Cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân ta bước vào giai đoạn gay go, ác liệt đặc biệt khi Mỹ tăng cường và ngang nhiên tiến hành các hoạt động gây chiến tranh phá hoại miền Bắc.

Sau khi dàn dựng “Sự kiện vịnh Bắc Bộ”, từ 5/8/1964 đế quốc Mỹ công khai tiến hành chiến tranh phá hoại bằng không quân đối với miền Bắc. Chúng tập trung đánh phá hầu hết các khu công nghiệp, các tuyến đường giao thông quan trọng. Nhiều khu dân cư, chùa chiền, nhà thờ, trường học, bệnh viện bị phá hủy. Chúng rung dọa “đưa miền Bắc Việt Nam trở về thời kỳ đồ đá”. Chiến tranh leo thang phá hoại của đế quốc Mỹ đã tác động sâu sắc tới ANTT miền Bắc, khiến cho tình hình thêm phức tạp, nảy sinh nhiều vấn đề bất ổn.

Để phá hủy hậu phương của cách mạng miền Nam, Mỹ không ngừng tăng cường các toán gián điệp, biệt kích ra miền Bắc. Cục Tình báo Trung ương Mỹ cùng với bọn phản động ở Thái Lan, ở Lào tuyển mộ một số thanh niên trong các dân tộc H’mông, Thái, Lào tổ chức lực lượng đặc biệt huấn luyện tại các căn cứ dọc biên giới Việt Nam- Lào, Thái Lan- Miến Điện- Tây Nam Trung Quốc, sau đó được bí mật đưa vào miền Bắc hoạt động phá hoại. Bên kia biên giới đối diện các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, bọn phản động lập ra hàng trăm căn cứ phỉ, đồn bốt huấn luyện gián điệp biệt kích. Ngoài đường bộ

sang các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Mỹ ráo riết tiến hành kế hoạch tung gián điệp, biệt kích bằng đường hàng không, đường biển; bí mật xâm nhập móc nối với bọn ẩn nấp trong nội địa, tập kích đánh phá một số mục tiêu trọng điểm ở miền Bắc; tăng cường hoạt động bắt cóc ngư dân, khai thác tình báo.

Ngoài ra, Mỹ- ngụy đẩy mạnh hoạt động cài cắm bọn gián điệp ẩn nấp, đưa tình báo vào các cơ quan thường trú và phái đoàn lâm thời đến miền Bắc để hoạt động thu thập tin tức. Tính riêng 2 năm 1965 – 1966, chúng đã tung ra miền Bắc 25 toán gián điệp với 189 tên với mục đích là: điều tra về sự vận chuyển quân dân Việt Nam trên tuyến đường sông biển và đường mòn Hồ Chí Minh, đặt trạm quan sát bí mật ở các điểm chốt đường qua biên giới, nhất là các trục đường số 7, 8, 12 để thu thập tin tức về sự vận chuyển quân sự, thu thập tin tình báo phục vụ cho máy bay bắn phá, xây dựng cơ sở bí mật để kích động bạo loạn và phá hoại.

Cơ quan tình báo Mỹ và tay sai còn lợi dụng số cán bộ, bộ đội ta bị chúng bắt rồi khống chế, mua chuộc đưa đi huấn luyện gián điệp trong thời gian ngắn, giao nhiệm vụ rồi tung ra miền Bắc dưới nhiều hình thức như: bộ đội đi phép, đi công tác, chữa bệnh…Đây là phương thức hoạt động mới rất nguy hiểm và xảo quyệt được Mỹ tăng cường sử dụng nhất là khi miền Bắc lập lại hòa bình (sau năm 1973). Mỹ hy vọng bọn này sẽ tìm cách ẩn nấp, hoạt động tình báo và gây chiến tranh tâm lý vừa phục vụ cho những yêu cầu trước mắt, vừa phục vụ cho âm mưu lâu dài của chúng.

Ngoài ra, Mỹ và tay sai còn tăng cường hoạt động chiến tranh tâm lý nhằm xuyên tạc đường lối cứu nước của Đảng, chia rẽ nội bộ, làm giảm sút ý chí chiến đấu của quân và dân ta, kích động bọn phản động gây rối, gây bạo loạn. Chúng sử dụng nhiều hình thức, phương tiện tuyên truyền liên tục nói xấu chế độ miền Bắc, ca ngợi chế độ Mỹ- Ngụy ở miền Nam. Chúng đưa ra luận điệu “hòa bình thương lượng”, vu cáo “miền Bắc xâm lược miền Nam” để che đậy những âm mưu và hành động của mình; tung tin có các tổ chức phản động như: “Mặt trận gươm thiêng ái quốc”, “Liên đoàn thanh niên cộng sản”, “Liên đoàn thanh niên Liên khu IV”…đang hoạt động ở miền Bắc để kích động bọn phản động cách mạng nổi dậy chống phá.

Mỹ còn tiến hành giả danh các đơn vị quân đội ở chiến trường “nhắn tin”, gửi “thông báo” về địa phương báo tin đã hy sinh hoặc “đầu hàng phản bội” nhằm lung lạc tinh thần các gia đình có con em đi chiến đấu. Từ nhiều địa chỉ ở nước ngoài, bọn địch gửi thư, biếu quà, văn hóa phẩm vào miền Bắc, tăng cường thả hàng tâm lý chiến như: đài bán dẫn, quần áo, đồ chơi trẻ em, bạc giả, truyền đơn để mua chuộc, tác động tinh thần nhân dân.

Để khai thác, thu thập thông tin, chúng tiến hành vây bắt ngư dân đi đánh bắt cá trên biển. Theo thống kê chưa đầy đủ, từ năm 1965 đến 1968, Mỹ đã gây ra 370 vụ, bắt 3489 người. Chúng giữ lại 186 thuyền trưởng, 86 thuyền phó, 93 đảng viên, 130 bộ đội phục viên, 195 đoàn viên, bắn chết 80 người, làm mất tích 213 người [34, 190]. Chúng khai thác tin tức tình báo xung quanh các vấn đề như: tình hình bố phòng, canh gác, tình hình bộ đội, công an, dân quân địa phương; chính sách đối với hợp tác xã, thu mua, thuế khóa, chính sách với tôn giáo,…Đây là âm mưu rất thâm độc, không chỉ nhằm khai thác, thu thập tin tức tình báo mà còn gây nghi ngờ nội bộ, phá hoại khối đoàn kết toàn dân. Những hoạt động này đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới ANTT ở hậu phương, nhất là vùng ven biển, ảnh hưởng đến làm ăn sinh sống của đồng bào, gây hoang mang, dao động trong nhân dân.

Đánh phá bằng không quân, hải quân, tiến hành chiến tranh gián điệp, chiến tranh tâm lý là ba mặt của cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ đối với miền Bắc nước ta. Sự kết hợp ba mặt chiến tranh này của địch đã gây ra cho lực lượng Công an không ít những khó khăn, thử thách trong công tác giữ gìn ANTT.

Do chiến tranh phá hoại của Mỹ lan rộng, ngày càng ác liệt đã tác động và khiến cho nhiều hoạt động sản xuất, công tác, quản lý xã hội bị đảo lộn. Trong tình hình đó, các phần tử xấu, lưu manh chuyên nghiệp, cướp của, giết người có điều kiện để hoạt động. Phạm pháp hình sự tăng nhanh, mức độ ngày càng nghiêm trọng. Nếu như năm 1965, các tỉnh trên miền Bắc xảy ra 20024 vụ thì tới năm1966 xảy ra 29 568 vụ phạm pháp hình sự, trong đó có

114 vụ giết người [4, 295]. Thành phần phạm tội là lưu manh chuyên nghiệp có giảm nhưng điều đáng lo ngại là cán bộ, công nhân viên chức bị sa đoạ, biến chất và thiếu niên hư có chiều hướng gia tăng. Bọn phạm tội hình sự hoạt động mạnh trên các tuyến giao thông thủy bộ, vùng ngoại thành các thành phố và nơi tập trung các cơ quan, xí nghiệp và nhân dân sơ tán.

Ở vùng trọng điểm còn xảy ra các vụ phá hoại, nhen nhóm tổ chức phản động. Bọn phản động lợi dụng đạo Thiên chúa cũng thay đổi hoạt động theo xu hướng thích nghi. Bề ngoài chúng tỏ ra vâng phục, tránh va chạm với chính quyền, gần gũi với giáo dân nhưng bên trong chúng tranh thủ đào tạo linh mục trẻ, lôi kéo quần chúng, củng cố hội đoàn cũ thành lập hội đoàn mới. Chúng tìm mọi cách tấn công vào cán bộ, đảng viên cốt cán có đạo, dùng giáo lý khống chế gia đình, vợ con, người thân để lôi kéo cán bộ….

Trong khi đó, ở các tỉnh miền núi, một số tên phản động trong dân tộc chưa chịu cải tạo đã cấu kết với bọn phản động từ Lào sang, tập hợp lực lượng nhen nhóm tổ chức phản động như “Hội nông dân liên hiệp Việt Nam” ở Bắc Thái, “Đảng dân tộc thiểu số” ở huyện Văn Bàn, tỉnh Yên Bái... Ở vùng Tuần giáo, tỉnh Lai Châu một số tên phản động người dân tộc H’mông đứng đầu là tên Hồ A Chư tung dư luận có vua hiện ra...

Ngoài ra, do tác động của “chủ nghĩa xét lại” và hoạt động “cách mạng văn hóa” trong xã hội, đã xuất hiện những biểu hiện dao động về tư tưởng. Một số phần tử làm tay sai cho nước ngoài, chống đối lại đường lối quan điểm của Đảng. Dọc các trục đường giao thông quan trọng thuộc các tỉnh biên giới, các phần tử xấu trong quân đội làm đường của Trung Quốc tích cực tuyên truyền cách mạng văn hóa nước này, đồng thời cho tay chân sang gây cơ sở hoạt động trong một số đồng bào các dân tộc Dao, Nùng, Thái, H’mông.

Tình hình an ninh càng trở nên phức tạp khi Mỹ tiến hành chiến tranh leo thang, phá hoại miền Bắc. Một số tên là con cái địa chủ, tư sản do bất mãn về quyền lợi cá nhân, số ít cán bộ, đảng viên bị kỷ luật, sa thải, do tác động của bọn phản động, chiến tranh tâm lý đã có những hoạt động phản cách

mạng như: nói xấu lãnh tụ, chống lại các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước…

Những khó khăn trong nước cùng với âm mưu và hành động phá hoại ngày một ngang tàn của đế quốc Mỹ ở miền Bắc đã làm cho nhiệm vụ giữ gìn ANTT ở miền Bắc thêm khó khăn, nặng nề hơn.

Tuy nhiên, với đường lối cách mạng đúng đắn của Đảng, quân dân miền Bắc đã giành được nhiều thắng lợi quan trọng trên các mặt trận, vừa tích cực lao động, sản xuất, vừa hăng hái tham gia chiến đấu chống giặc ngoại xâm, tích cực thực hiện nhiệm vụ giữ gìn trật tự an ninh. Với tinh thần quyết tâm để giải phóng miền Nam, cả dân tộc cùng ý chí kiên cường, bất khuất, đã khắc phục khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước đề ra.

Ở miền Nam, chúng ta đã đánh bại lần lượt các cuộc hành quân của địch vào vùng giải phóng, mở nhiều cuộc tiến công gây không ít những bất ngờ cho chúng. Điển hình là: cuộc Tổng tiến công và nổi dậy miền Tết Mậu Thân năm 1968, cuộc tiến công chiến lược năm 1972, đặc biệt là chiến thắng Điện Biên Phủ trên không năm 1972. Những thắng lợi vang dội của quân dân hai miền đã buộc đế quốc Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán ở Pari, mở đường cho chiến thắng lịch sử mùa xuân năm 1975 của đất nước.

Cách mạng miền Nam chuyển biến mau lẹ, xuất hiện khả năng mới. Ngày 18/12/1974, Bộ Chính trị họp hội nghị mở rộng, xem xét phân tích tình hình mọi mặt, ra Nghị quyết lịch sử, động viên nỗ lực lớn nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, gấp rút chuẩn bị mọi mặt để giải phóng hoàn toàn miền Nam.

Chủ trương chiến lược của Bộ Chính trị như luồng gió mới làm bùng lên mạnh mẽ tinh thần quật cường của cả dân tộc ta. Lực lượng Công an lại cùng với các tầng lớp nhân dân tăng cường công tác giữ gìn ANTT, tích cực chi viện cùng với quân dân miền Nam đánh tan lực lượng chiến tranh to lớn của ngụy quyền, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thực hiện nhiệm vụ vẻ vang, thu giang sơn về một mối.

Phong trào quần chúng bảo vệ trị an ở miền Bắc, phong trào bảo mật phòng gian ở miền Nam, đã thực sự phát huy sức mạnh toàn dân, của cả hệ thống chính trị, góp phần đấu tranh bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ trong cả nước.

2.1.2. Đường lối, chủ trương của Đảng và chỉ đạo của Bộ Công an

Để đáp ứng những yêu cầu, nhiệm vụ tình hình ANTT đặt ra trong tình hình mới, ngày 29/4/1966, Bộ Chính trị ra Chỉ thị số 125 về “tăng cường giữ gìn an ninh ở miền Bắc, kiên quyết đánh bại mọi âm mưu hoạt động của bọn gián điệp và phản cách mạng khác trong tình hình có chiến tranh phá hoại”, nhấn mạnh tới phát động triệt để khí thế cách mạng của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, đề cao cảnh giác, tích cực khẩn trương tiến hành tốt các mặt công tác bảo vệ nội bộ, bảo vệ tài sản XHCN, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân, giữ vững ANTT chủ động kịp thời đập tan mọi hoạt động biệt kích, thả gián điệp biệt kích, gây bạo loạn, gây phá hoại, điều tra tình báo, chiến tranh tâm lý của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai.

Thực hiện Chỉ thị trên, ngày 25/7/1966, Bộ trưởng Bộ Công an ra Chỉ thị số 28VP/P4 về “Đối phó với những hành động leo thang nghiêm trọng mới của đế quốc Mỹ”. Trong đó, Bộ lưu ý Công an các địa phương về việc gắn chặt các hoạt động nghiệp vụ với công tác vận động, đẩy mạnh phong trào quần chúng bảo vệ trị an, bảo mật phòng gian, nhất là ở các địa bàn xung yếu, trọng điểm. Kết hợp phong trào quần chúng bảo vệ trị an với việc xây dựng làng xã chiến đấu và các cuộc vận động khác, vừa phòng ngừa, vừa đấu tranh, bảo vệ vững vàng ANTT trong mọi tình huống.

Nội dung phong trào bảo vệ trị an được chỉ đạo phải xoay quanh 7 lĩnh vực quan trọng: Toàn dân nâng cao cảnh giác, vững vàng, chủ động đối phó với mọi âm mưu, hoạt động của kẻ địch. Có phương án phòng chống gián điệp, biệt kích, chống các bọn phản cách mạng, không để chúng gây ra các hoạt động phá hoại. Thực hiện tốt công tác phòng không nhân dân. Bảo vệ nội bộ, chống địch xâm nhập phá hoại. Bảo vệ tài sản XHCN, kho tàng, cơ

quan, xí nghiệp. Đấu tranh chống tội phạm hình sự, phòng ngừa tai nạn, bài trừ tệ nạn. Thực hiện tốt các biện pháp quản lý Nhà nước về ANTT.

Ngày 7/5/1965, TW Đảng ra Chỉ thị 96/CT.TW về việc “tăng cường công tác bảo mật phòng gian”. Trong đó, TW Đảng yêu cầu tăng cường giáo dục sâu rộng về ý thức chấp hành bảo mật, phòng gian trong nhân viên làm cho mọi người nhận rõ âm mưu, thủ đoạn của địch, tác hại của việc làm lộ bí mật của Đảng và Nhà nước; kế hoạch kết hợp chặt chẽ giữa công tác bảo mật phòng gian ở trong cơ quan, xí nghiệp với phong trào bảo vệ trị an ở địa phương. Ở các xã, thành phố, đẩy mạnh phong trào bảo vệ trị an với nội dung giáo dục ý thức giữ bí mật của Nhà nước, phòng chống gián điệp, biệt kích.

Khẳng định vai trò, vị trí quan trọng của công tác này trong việc giữ gìn trật tự trị an, ngày 15/3/1967, Bộ Công an ra Chỉ thị số 341/CT về việc “tiếp tục phong trào bảo mật phòng gian, xây dựng đơn vị an toàn sâu rộng hơn” nhấn mạnh tới nâng cao cảnh giác cách mạng cho cán bộ, công nhân viên, chiến sỹ để mọi người có ý thức tự giác tham gia công tác bảo vệ nội bộ, phát hiện và tham gia chống gián điệp, chống chiến tranh tâm lý của địch, qua đó, nhằm bảo vệ tốt bí mật của Đảng, Nhà nước, các tài liệu, các cơ sở kinh tế, quốc phòng, tài sản vật tư của Nhà nước, bảo vệ tốt đội ngũ cán bộ, đảng viên, công nhân viên,…

Chỉ thị có đề ra 4 tiêu chuẩn đơn vị an toàn: 1. Tiến hành tốt công tác làm trong sạch về chính trị trong nội bộ; không để xảy ra các vụ lộ bí mật, mất tài liệu, ngụy trang tốt cơ quan, xí nghiệp, kho tàng, không để địch lợi dụng được sơ hở của ta để bắn phá gây thiệt hại; 2. Bảo vệ tốt các cơ sở kinh tế, quốc phòng, tài sản vật chất của Nhà nước; 3. Tích cực phòng, chống địch (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Một phần của tài liệu Phong trào quần chúng nhân dân tham gia bảo vệ, giữ gìn trị an ở miền Bắc (1954 – 1975) Luận văn ThS (Trang 50)