Tham gia công tác phòng không nhân dân

Một phần của tài liệu Phong trào quần chúng nhân dân tham gia bảo vệ, giữ gìn trị an ở miền Bắc (1954 – 1975) Luận văn ThS (Trang 62)

Trước tình hình đế quốc Mỹ tăng cường đánh phá rất ác liệt, được sự tuyên truyền, hướng dẫn của lực lượng Công an, quần chúng đã tích cực tham gia phòng không nhân dân như: sơ tán, tổ chức đào hầm, hào trú ẩn, phục vụ

chiến đấu chống máy bay địch đến bắn phá, giải quyết khẩn trương, nhanh chóng hậu quả chiến tranh, giữ gìn trật tự công cộng,…Đây cũng là một trong những nét mới của phong trào quần chúng tham gia giữ gìn, bảo vệ trị an trong điều kiện chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ.

Sơ tán nhân dân, trang thiết bị máy móc ra khỏi những mục tiêu, địa bàn có thể bị địch bắn phá là nhiệm vụ quan trọng trong công tác phòng không nhân dân thời gian này. Mặc dù đây là nhiệm vụ đột xuất, có nhiều vấn đề đặt ra tuy nhiên với sự ủng hộ, giúp đỡ tích cực, tự giác của quần chúng, công tác phòng không nhân dân đã được tiến hành thuận lợi, nhanh chóng, đảm bảo các yêu cầu về công tác an ninh.

Ở Ninh Bình, chỉ sau một thời gian ngắn khi Mỹ leo thang phá hoại lần thứ nhất, 4000 cán bộ, nhân dân, công nhân các cơ quan, xí nghiệp, kho tàng đóng trên địa bàn thị xã, thị trấn đã sơ tán về các vùng nông thôn an toàn.

Tại Nghệ An, quần chúng tập trung di chuyển và bảo vệ an toàn 149 cơ quan, nhà máy ở các vùng trọng điểm về các địa phương an toàn, ổn định và đi vào sản xuất. Riêng địa bàn thành phố Vinh, cán bộ công nhân viên đã tháo gỡ và di chuyển 7 vạn tấn máy móc, thiết bị hàng hóa, sơ tán 5 012 hộ dân, hơn 3 vạn người, trên 90 cơ sở sản xuất công nghiệp của tỉnh, chia tách thành 200 điểm sản xuất phân tán. Đặc biệt, công nhân đã tháo dỡ 1 nhà máy phát điện 4000KW với 500 tấn thiết bị từ nhà máy điện Vinh lên vùng Anh Sơn, lắp đặt tổ máy an toàn trên lèn đá [12,182].

Tại những nơi có cơ quan và đồng bào đến sơ tán, nhân dân địa phương nhiệt tình đón tiếp, tích cực giúp đỡ về nơi ở, làm việc, đào hầm hào trú ẩn phòng máy bay Mỹ tới bắn phá. Nhờ có sự ủng hộ, giúp đỡ nhiệt tình, tích cực của quần chúng mà đồng bào tản cư đã nhanh chóng ổn định đời sống, các hoạt động sản xuất, học tập được duy trì.

Bên cạnh công tác sơ tán, đồng bào từ thành phố đến nông thôn, miền núi tới đồng bằng đều khẩn trương, tích cực tham gia đào hầm tập thể, hầm cá nhân, công sự, hào giao thông phục vụ trú ẩn khi máy bay địch tới bắn phá. Ở

các thị trấn, bệnh viện, trường học, hợp tác xã,…đều có hầm trú ẩn, đảm bảo công tác bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân. Các thành phố lớn như: Hà Nội, Hải Phòng,…nhân dân đã đào hàng vạn hầm tập thể, hàng chục vạn hố cá nhân. Ở Hà Tây tính riêng trong những năm tháng khốc liệt của chiến tranh phá hoại lần thứ hai của đế quốc Mỹ nhân dân đã sửa, đào đắp 965.000 hố cá nhân, 1.058.000 mét giao thông hào và 1.358.000 hầm các loại [7, 258].

Ở các tỉnh khu IV nhân dân nêu cao khẩu hiệu “Nhà che nắng, che sương, hầm che xương, che thịt”. Nhân dân tự nguyện đào hầm hào trú ẩn, sẵn sàng từ bỏ nhà cửa, ruộng vườn để phục vụ chiến đấu. Ở xã như xã Quỳnh Long, tỉnh Nghệ An 400 gia đình tự nguyện gỡ nhà làm hầm chữ A để bảo đảm cho lực lượng dân quân bám trụ chiến đấu.

Với sự nỗ lực, cố gắng của nhân dân mặc dù địch đánh phá ác liệt, nhưng thiệt hại về người, tài sản do máy bay, tàu chiến địch gây ra đã được hạn chế, đảm bảo giữ vững trật tự trị an.

Trên các tuyến đường giao thông chiến lược, quần chúng nhân dân tích cực tham gia công tác bảo vệ giao thông, ngụy trang phương tiện với nhiều khẩu hiệu như: “xe chưa qua, nhà không tiếc”, “cứu hàng, cứu xe như cứu người”, “địch phá ta sửa ta đi”, “Địch đánh ta cứ đi, địch đánh sửa ta đi, địch đánh một, ta làm mười”,…Các phong trào “toàn dân ra mặt đường”, “hòn đất hòn đá chống Mỹ”, “tăng tấn, lấn chuyến”, “thông đường thông tuyến” được nhân dân tích cực ủng hộ và tham gia. Nhiều địa phương đã xuất hiện cách làm hay, sáng tạo đảm bảo giao thông thông suốt trên các tuyến đường như: ở xã Quỳnh Châu, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An có con đường 1A chạy qua, nhân dân đã đào đắp nhiều con đường rẽ để dự phòng khi con đường chính bị đánh hỏng, đảm bảo trung bình mỗi ngày có tới 200 chiếc xe vượt qua trọng điểm an toàn.

Không ngại hy sinh, có những nơi đường hỏng, nhân dân đã tự dỡ nhà lấy gỗ, lát đường bắc cầu cho xe qua. Điển hình như: hơn 300 gia đình xã Võ Ninh (Quảng Bình) đã nhiều lần đập tường nhà, gỡ ván hầm, mang gạch đá,

gỗ ván, lát đường cho xe đi để kịp thời chi viện cho miền Nam. Nhân dân xã Hải Trạch, huyện Đức Trạch, tỉnh Quảng Bình còn tổ chức những đoàn dân công chèo thuyền đi khai thác vận chuyển 4800m3

đá, 6000 cây gỗ về lấp 150m đường qua sông Lý Hòa. Nhân dân xã Tiến Lộc (Hà Tĩnh) tự nguyện dỡ dời hơn 100 ngôi nhà đi nơi khác để làm đường tránh ngắn nhất cho đoàn xe quân sự chở xăng dầu ra chiến trường. Nhiều tấm gương sáng trong quần chúng đã anh dũng hy sinh để bảo vệ tuyến đường cho xe qua như: 8 dũng sỹ xã Tiến Lộc, anh Hà Văn Cách, tổ trưởng tổ rà phá bom mìn của dân quân xã Võ Ninh, 10 cô gái thanh niên xung phong tại ngã ba Đồng Lộc,…

Không chỉ có vậy, quần chúng còn tích cực tham gia vào các đội rà phá bom, ứng cứu giao thông. Tại Hà Tĩnh, quần chúng khẩn trương thực hiện “nhiệm vụ đột xuất số một” thành lập các đội rà phá bom, ứng cứu giao thông. Đến cuối tháng 5/1965 toàn tỉnh đã tổ chức được 150 đội rà phá bom gồm 670 người, 200 đội ứng cứu giao thông với gần 1 vạn người, 53 đài quan sát bom, 68 vọng gác và trạm gác đèn điều phối giao thông [30, 161]. Nhân dân phối hợp với các cơ quan chức năng phá 8000 quả bom, san lấp 5 000 hố bom, sửa 28 cầu lớn nhỏ, nâng cấp 60 km đường [30, 133]. Hệ thống giao thông được đảm bảo thông suốt góp phần quan trọng vào vận chuyển hàng vạn tấn hàng phục vụ chiến trường miền Nam an toàn và nhanh chóng

Đi đôi với công tác phòng không sơ tán, tổ chức bảo vệ giao thông, quần chúng còn tích cực tham gia vào các tổ đội phòng cháy, chữa cháy trong các cơ quan, xí nghiệp và các đội dân phòng ở các khu dân cư.

Nghệ An- địa bàn hay phải chịu những đợt tấn công ác liệt của máy bay Mỹ, nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy có vai trò hết sức quan trọng. Được sự giúp đỡ của nhân dân chỉ trong vòng 2 tháng từ tháng 3 đến tháng 5/1965 toàn tỉnh đã thành lập được hàng trăm đội phòng cháy chữa cháy thu hút hơn 6 000 người tham gia [12, 185]. Nhân dân đã tham gia cứu chữa trên 350 trận với 55000 tấn phương tiện, 45 000 tấn hàng hóa, 40 000 tấn xăng dầu [12, 189] trong suốt thời gian Mỹ ném bom phá hoại.

Tại Bắc Thái, công tác phòng cháy chữa cháy vẫn được duy trì đều đặn, ngay cả khi Mỹ hạn chế ném bom phá hoại. Nhân dân tham gia củng cố, xây dựng được 557 đội dân phòng nghĩa vụ [44, 175], phát hiện thu giữ hàng trăm súng các loại, hàng trăm kíp mìn, hàng chục ki lô gam thuốc nổ và dây cháy chậm. Đội dân phòng, cán bộ nhân dân cùng với lực lượng chữa cháy của Ty Công an, của Khu gang thép Thái Nguyên đã nhiều lần xuất kích dưới làn bom đạn địch dập tắt nhiều đám cháy nổ do bom đạn giặc Mỹ gây ra.

Ở Hà Tây, quần chúng tham gia xây dựng được 200 đội phòng cháy chữa cháy gồm 3500 cán bộ, công nhân viên và các xã viên hợp tác xã với 2 ô tô, 510 máy bơm, 310 bình bọt chữa cháy xăng dầu, hàng trăm bình CO2 [5, 286].

Nhân dân đã thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chữa cháy bằng nhiều hình thức, biện pháp. Điển hình ở xã Cổ Đông, Sơn Đông, huyện Tùng Thiện, tỉnh Hà Tây, nhân dân đã tự tay làm 750 bịch chống cháy phòng khi hỏa hoạn xảy ra. Nhân dân huyện Quốc Oai đã làm được 1500 hầm chống cháy. Nhân dân 2 thị xã Sơn Tây, Hà Đông đã thực hiện được 80% bếp tiết kiệm, làm giảm các vụ cháy do sơ suất, thành lập được 1150 đội chữa cháy nhân dân với 1770 người tham gia, được trang bị hàng trăm bơm tay cùng các công cụ hỗ trợ thô sơ phục vụ công tác. Ý thức tự giác phòng ngừa cháy nổ cùng với sự nhiệt tình của quần chúng trong việc ứng cứu, xử lý nhanh các tình huống khi có hỏa hoạn xảy ra là cơ sở quan trọng để lực lượng chức năng tiến hành dập tắt, chữa cháy được 220 vụ (chiếm 75%) trên địa bàn tỉnh [7, 284]. Nhiều tài sản của Nhà nước, của tập thể và tính mạng của nhân dân được cứu chữa kịp thời.

Với sự nỗ lực, cố gắng của toàn dân, công tác phòng cháy, chữa cháy đã thu được những kết quả to lớn; hạn chế tới mức thấp nhất những thiệt hại về tài sản do chiến tranh leo thang phá hoại của đế quốc Mỹ gây ra.

Một trong những vấn đề nổi lên trong công tác giữ gìn trật tự trị an thời kỳ Mỹ ném bom phá hoại là việc bảo vệ vật tư tài sản lớn của Nhà nước và tập thể. Được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp, các Ngành, nhân dân các

tỉnh, thành phố trọng điểm mà máy bay địch hay bắn phá, trên các tuyến đường giao thông huyết mạch nêu cao tinh thần tự giác, tích cực thực hiện phân tán tài sản, ngụy trang che phòng kho tàng, bến bãi. Tại cảng Hải Phòng, Bến Thủy (Nghệ An), cán bộ, công nhân cảng triệt để thi hành việc phân tán hàng hóa, tài sản tới các địa điểm an toàn. Nhiều gia đình đã nhường một phần diện tích nhà ở để bảo vệ tài sản, hàng hóa của Nhà nước được an toàn, đảm bảo. Nhiều nơi quần chúng thực hiện có hiệu quả phong trào “ba không”, “ba biết”1

.

Ở Quỳnh Châu, Quỳnh Lưu, Nghệ An, nhân dân tổ chức thực hiện có hiệu quả các khẩu hiệu “cho không lấy, thấy không xin, của công giữ gìn, của rơi trả lại”, “mỗi nhà là một kho, mỗi người dân là một thủ kho tốt”. Chính vì vậy, từ năm 1969 đến năm 1971 có 4 000 tấn gạo gửi trong 475 nhà được nhân dân chặt cây làm bục bảo quản chu đáo không để xảy ra mất mát, hư hao [12, 195].

Dọc các tuyến đường vận chuyển vào các tỉnh khu IV, nhân dân sẵn sàng nhượng nhà, nhượng hầm của gia đình mình để chứa tài sản Nhà nước và bảo quản một cách chu đáo, coi đó là trách nhiệm, nghĩa vụ của mình. Bản thân mỗi người dân đều tích cực, tự nguyện, tự giác trong việc bảo vệ tài sản của Nhà nước, của tập thể. Điển hình như: ông Lia ở xã Nghi Xuân, Nghi Lộc, Nghệ An đi biển vớt được 55 bao gạo và 15 lần khác nhặt được tài sản trôi trên biển đã đem nộp cho Công an xã [12, 190]. Chị Đồng, xã viên xã Cẩm Bình, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh nhận tiền tiết kiệm về thừa 98 đồng, ông Vệ nhận của cửa hàng thu mua lợn thừa 27 đồng cũng mang trả lại đầy đủ [30, 75].

Có thể nói, thực hiện phòng không nhân dân đã trở thành một nhiệm vụ đột xuất trong giữ gìn trật tự trị an của lực lượng Công an thời kỳ chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Mặc dù còn nhiều khó khăn trong quá trình

1

Phong trào “ba không”: không để địch phá hoại, không để hư tài sản, không để mất mát; “ba biết”: biết của ai, biết ai lấy, biết ai mang đi.

thực hiện, song cùng với sự giúp đỡ của nhân dân, các nhiệm vụ công tác ấy đã được các cấp triển khai thực hiện đồng bộ và thu được nhiều kết quả đáng kích lệ. ANTT trong thời chiến được giữ vững, dần đi vào nền nếp. Đây chính là một trong những cơ sở, tiền đề quan trọng để miền Bắc vừa phát huy vai trò hậu phương, khích lệ, động viên quân dân miền Nam tiến giải phóng đất nước, thu non sông về một mối.

Một phần của tài liệu Phong trào quần chúng nhân dân tham gia bảo vệ, giữ gìn trị an ở miền Bắc (1954 – 1975) Luận văn ThS (Trang 62)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(140 trang)