Phòng, chống gián điệp, biệt kích và chiến tranh tâm lý

Một phần của tài liệu Phong trào quần chúng nhân dân tham gia bảo vệ, giữ gìn trị an ở miền Bắc (1954 – 1975) Luận văn ThS (Trang 68)

Cuộc đấu tranh chống gián điệp, biệt kích của lực lượng Công an diễn ra gay go, ác liệt hơn nhiều so với giai đoạn trước đó. Nếu như những năm 1961 đến năm 1964, Mỹ- Ngụy tung nhiều toán gián điệp với mục đích chính là điều tra tình báo, xây dựng cơ sở, tổ chức lực lượng châm ngòi cho cuộc bạo loạn, gây phỉ ở các tỉnh miền núi thì trong giai đoạn này, hoạt động của bọn này chủ yếu là thu thập thông tin tình báo với ý đồ phục vụ cho các cuộc ném bom, bắn phá của không quân, hải quân ngăn chặn sự chi viện của hậu phương miền Bắc. Việc Mỹ tăng cường số lượng các toán gián điệp, các loại phương tiện, vũ khí,…đã gây không ít những khó khăn đối với nhiệm vụ giữ gìn ANTT của Công an. Để đối phó với các hoạt động gián điệp, biệt kích, ngoài việc triển khai thực hiện các biện pháp nghiệp vụ Công an thì đẩy mạnh, phát huy sức mạnh của quần chúng đã trở thành một trong những nội dung quan trọng trong các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, lãnh đạo Bộ Công an.

Phong trào quần chúng tham gia chống gián điệp, biệt kích tiếp tục được đẩy mạnh. Bà con đã tích cực, chủ động tuyên truyền cho gia đình, họ hàng, làng xóm nâng cao cảnh giác, phát hiện bọn gián điệp, biệt kích, trên cơ sở đó, kịp thời báo cáo cho chính quyền khi thấy các vấn đề, hiện tượng khả nghi giúp lực lượng Công an xây dựng kế hoạch phòng ngừa, đối phó. Trường hợp ông Trùm Cư ở 14 Phố Kỳ Đồng là một ví dụ. Ông Cư đã mang nộp đồn Công an Máy Nước một bộ điện đài lấy từ một ngôi mộ ở nghĩa địa “Bảo anh Thiên Thần” giúp Công an Hải Phòng lập án truy tìm và bố trí trinh sát, bắt gọn toàn bộ số gián điệp gồm 9 tên và thu một số loại vũ khí và phương tiện

hoạt động của chúng gồm: 11 bộ điện đài còn nguyên 10 quyển mật mã, 193 súng sạc bin, 50 súng, 3 mìn điện,…[46, 174].

Ngoài ra, quần chúng đã phát hiện, tố giác những người bị địch mua chuộc, bị khống chế, giao nhiệm vụ hoặc những người có khai báo với địch mà không dám tự thú với chính quyền. Nhờ tính tích cực của quần chúng, Công an đã phần nào ngăn chặn, hạn chế được những hoạt động của địch trong việc khai thác, thu thập tin tức tình báo.

Ở các vùng ven biển, bà con ngư dân tổ chức học tập, tuyên truyền, phổ biến cho nhau về cách khai báo khi bị địch bắt nhằm giữ gìn bí mật, giữ vững ý chí cách mạng, không phản bội, đầu hàng địch. Bà con tổ chức ra khơi theo 2 tuyến: Tuyến một ra khơi xa gồm những người tốt, tin cậy, là đảng viên, đoàn viên. Tuyến hai ra lộng, vừa có lực lượng nòng cốt, vừa có những người còn có vấn đề về chính trị, hình sự để tiện quản lý. Với cách thức tổ chức chặt chẽ, một mặt bà con vừa đảm bảo yêu cầu sản xuất, mặt khác nhằm hạn chế tới mức thấp nhất việc lộ, lọt thông tin ra bên ngoài khi địch tiến hành bắt bớ. Với sự giúp đỡ của quần chúng, tính riêng từ năm 1961 đến năm 1970, lực lượng Công an bắt được 78 toán gồm 463 tên, thu hàng chục tấn vũ khí, chất nổ, nhiều máy móc thông tin liên lạc và phương tiện hoạt động gián điệp hiện đại khác và trên 30 tấn lương thực, thực phẩm thuốc men của địch [18, 258]. Tổng kết đấu tranh chống gián điệp bằng các phương thức hoạt động khác nhau do Công an khám phá cho thấy tỷ lệ các vụ án được quần chúng giúp đỡ phát hiện, điều tra luôn chiếm tỷ lệ cao2. Điều này một lần nữa khẳng định quần chúng là lực lượng nòng cốt, chi phối, tác động sâu sắc các hoạt động điều tra, khám phá các tổ chức gián điệp của lực lượng Công an.

Không chỉ có vậy, quần chúng nêu cao tinh thần đấu tranh mưu trí, dũng cảm đưa địch vào bẫy để cho chúng không khai thác được thông tin cần thiết. Trường hợp có 4 người dân tộc Vân Kiều thuộc xã Phan Đình Phùng,

2 Thông qua phát động quần chúng: 8 vụ, cơ sở bí mật: 8 vụ, quản lý hành chính: 1 vụ, tài liệu mật: 2 vụ, xét hỏi: 4 vụ, đầu thú: 3 vụ, phái khiển: 10 vụ

huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình đi lấy mây ở khu Tân Kỳ ngày 8/1/1966 là một ví dụ. Tuy bị bọn biệt kích bắt, tra hỏi song bốn người đã không hề nao núng mà còn mưu trí tìm cách thông báo cho Công an biết. Họ còn tham gia giúp đỡ thực hiện phương án đấu tranh, tóm gọn nhóm gián điệp biệt kích, Công an Quảng Bình trên cơ sở đó lập chuyên án đấu tranh tiếp tục câu nhử và khống chế địa bàn đánh địch.

Ở mọi vùng, miền, nhân dân tích cực tham gia truy bắt các toán gián điệp, biệt kích, giúp Công an bắt nhanh, bắt gọn các đối tượng, thu giữ nhiều phương tiện máy móc của địch. Trên các vùng biển, ngư dân còn phiên chế thành những đơn vị chiến đấu, có trang bị vũ khí để sẵn sàng đánh trả khi bị địch vây bắt. Các đội thuyền đánh cá của các hợp tác xã Xuân Lập, Bảo Ninh, Nhân Trạch, Cảnh Dương (Quảng Bình) hàng chục lần mưu trí dũng cảm đánh trả quyết liệt với địch, quyết không để sa vào tay giặc. Những ngư dân không may bị địch bắt vẫn giữ lòng trung thành với Tổ quốc, quê hương, kiên quyết bảo vệ bí mật quân sự, bí mật kho tàng, không khai báo, hoặc khai báo những tin thất thiệt để tránh khủng bố, tra tấn và đánh lạc hướng của địch.

Đã có rất nhiều tấm gương sáng trong nhân dân nêu cao tinh thần bất khuất, thà chết không chịu đầu hàng trước quân thù. Điển hình như trường hợp anh Nguyễn Cò, 18 tuổi, xã Đức Trạch, Quảng Bình đã kiên quyết chiến đấu không rơi vào tay giặc. Gương anh Lê Ất, mặc dù địch tra khảo dã man, nhất quyết không khai một lời có hại cho kế hoạch chiến đấu của công an, bộ đội.

Cùng với sự giúp đỡ của quần chúng trong giữ gìn bí mật, không để lộ, lọt thông tin ra bên ngoài, lực lượng Công an đã tiến hành hàng loạt các chuyên án đấu tranh kéo dài trong nhiều năm để câu nhử, dụ dỗ, gây cho địch không ít những thất bại cay đắng, nặng nề mà chúng không hề hay biết. Ví dụ như Công an tỉnh Lai Châu với chuyên án LH17 được thực hiện từ tháng 7/1962 đến tháng 4/1968 đã bắt giữ được 22 tên gián điệp, phát hiện, truy tìm và thu được 122 kiện hàng do máy bay địch thả xuống gồm hàng chục tấn vũ khí, đạn dược, thuốc nổ và các loại thiết bị khác [31, 130]; Chuyên án BK63

của Công an Quảng Ninh dùng tên Phạm Chuyên để tiến hành câu nhử, lừa địch trong 10 năm,…

Cuộc đấu tranh chống gián điệp, biệt kích đã giành được những thắng lợi quan trọng, thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tham gia không phân biệt vùng miền, thành phần, tầng lớp tạo thành một phong trào rộng khắp để bao vây, cô lập, tiêu diệt kẻ thù.

Chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ hai của Mỹ kết thúc nhưng không vì thế mà hoạt động gián điệp của Mỹ dừng lại. Sát cánh cùng lực lượng Công an, nhân dân các tỉnh, thành phố tích cực tham gia chống gián điệp, giữ vững an ninh ở các khu vực quan trọng như: cảng, khu vực Đồ Sơn, sân bay Cát Bi,…. Cán bộ, công nhân viên các ngành bưu điện, giao thông vận tải đã phát hiện, báo cho cơ quan chức năng xử lý hàng trăm lượt tuyển viên nước ngoài đi lại quá giờ cho phép, đi quá nơi quy định, chụp ảnh khu vực cấm….

Được sự giúp đỡ của quần chúng, Công an đã phát hiện một số vụ đối tượng gián điệp được cài vào các đợt “trao trả” để xâm nhập nội bộ, hoặc đã trở về ẩn náu nơi quê cũ. Tiêu biểu như ở Ninh Bình, thông qua quần chúng giúp đỡ, Công an đã lập 100 hồ sơ đối tượng thuộc diện P863

, T724, phát hiện 14 trường hợp đã đầu hàng địch nay được trao trả [48, 162]. Ý thức cảnh giác của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối phó với các âm mưu, hoạt động gián điệp của địch được nâng cao.

Cùng với cuộc chống gián điệp biệt kích ở các biên giới, chống địch xâm nhập, bắt cóc ngư dân ở biển, chống các hoạt động phòng ngừa, đấu tranh chống chiến tranh tâm lý của địch đã được nhân dân triển khai, thực hiện sâu rộng. Những hiện tượng dùng hàng tâm lý chiến, nghe đài địch, đọc truyền đơn, tuyên truyền xuyên tạc, tung tin thất thiệt,…đều bị nhân dân kịp thời phát hiện, thông báo cho chính quyền. Từ đồng bằng, ven biển đến miền núi, nhân

3 P86 là đối tượng địch trà trộn trong số người ở vùng địch tạm chiếm ra Bắc học tập, an dưỡng sau tháng 3/1974 theo chủ tương của ta.

dân thu gom hàng chục tấn truyền đơn, khẩu hiệu phản động, tiền giả, đài bán dẫn, quần áo, vải, búp bê, sách vở học sinh,…Tất cả các mặt hàng tâm lý này đều được quần chúng tập trung rồi đem đốt. Những trường hợp vi phạm đều được nhân dân đưa ra giáo dục để họ thấy được những sai trái trong hành vi mà sửa chữa, cam kết không tái phạm.

Tại Ninh Bình, quần chúng tổ chức hủy tại chỗ 25 đài tâm lý chiến, 10 triệu tờ truyền đơn, bạc giả của địch [48, 164]. Tại Hà Tĩnh, từ năm 1969 đến tháng 8/1972, mặc dù địch thả hàng chục vạn tờ truyền đơn tới các loại đối tượng từ các đồng chí lãnh đạo đến các em học sinh, người nông dân bình thường nhưng nhân dân đã thu nhặt và nộp cho chính quyền hầu hết truyền đơn, hàng tâm lý của địch. Ở huyện Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh nhân dân đã thu nhặt, tiêu hủy 5000 tờ truyền đơn [49, 151].

Đế quốc Mỹ không ngừng tăng cường về số lượng, quy mô các hoạt động gây chiến tranh tâm lý nhằm phá hoại công cuộc xây dựng CNXH ở miền Bắc. Chúng hy vọng những biện pháp này sẽ phát huy hiệu quả trong việc thực hiện các đánh phá các mục tiêu kinh tế, chính trị của miền Bắc một cách chính xác, nhanh chóng; đồng thời gây nghi ngờ nội bộ, phá hoại khối đoàn kết toàn dân, làm rối tình hình ANTT ở hậu phương. Song dường như những mọi hy vọng của Mỹ đều bị tiêu tan. Sức mạnh của nhân dân đã tạo nên một thế trận với “nghìn mắt, nghìn tay” giúp lực lượng Công an hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Một phần của tài liệu Phong trào quần chúng nhân dân tham gia bảo vệ, giữ gìn trị an ở miền Bắc (1954 – 1975) Luận văn ThS (Trang 68)