6. Cấu trúc luận văn:
2.3.2. Hiện thực mong manh
Thế kỉ XX của thế giới là thế kỉ của những hoài nghi, đổ vỡ. Với sự xuất hiện của các tiểu thuyết hiện đại, trong đó có F.Kafka, A.Camus, G.Marquez, Cao Hành Kiện... người ta đã thấy hoàn cảnh không còn là nơi để con người vịn vào mà tồn tại. Hoàn cảnh là một cái gì đó mong manh rất dễ tan vỡ, nhiều khi chỉ như là một giả định. Văn học Việt Nam những năm cuối thế kỉ XX, đầu thế kỉ XXI phát triển trong những dự cảm bất an, không phải là của tất cả, nhưng chắc chắn là một bộ phận nào đó con người, về thế giới mà họ đang tồn tại. Thậm chí, không chờ đến những năm chín mươi, những năm hai nghìn, mà ngay từ cuối thập niên tám mươi (của thế kỉ trước), người đọc đã thấy một thứ hiện thực bấp bênh, mong manh xuất hiện trong các sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài...; trong thơ Hoàng Hưng, Lê Đạt... Tuy nhiên, mức độ của sự mong manh ngày càng gia tăng trong các tác phẩm viết về sau này. Bảy cuốn tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương viết về bảy câu chuyện khác nhau, nhưng cùng có một điểm chung là luôn mang đến cho người đọc một kiểu hiện thực rất dễ đổ vỡ.
Trở lên, chúng tôi đã nói về một hiện thực đang phân rã, chính sự phân rã đó làm tăng thêm phần mong manh cho hiện thực của Nguyễn Bình Phương, đó là một nhẽ. Mặt khác, có thể thấy tính chất mong manh của hiện thực dưới ngòi bút nhà văn thể hiện trong những miêu tả nhiều khi chỉ có tính chất chấm phá về
hiện thực. Rất ít gặp những hoàn cảnh, những sự kiện, những sự việc, những con người được miêu tả một cách đầy đủ trong sự tương tác trong Thoạt kì thủy, Những đứa trẻ chết già, Vào cõi, Người đi vắng, Ngồi, Bả giời, Trí nhớ suy tàn, xe lên xe xuống.
Nhìn một cách tổng thể, người ta vẫn thấy trong các tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương vẫn xuất hiện những kiểu không gian hiện thực, đấy là bối cảnh để triển khai cốt truyện: làng Phan, Linh Nham, Linh Sơn, núi Rùng, Núi Hột, bãi Nghiền Sàng, Chùa Hang. Đấy là những địa danh của vùng Thái Nguyên quê ông, và thậm chí, nó không chỉ xuất hiện một lần, mà trở đi trở lại trong tiểu thuyết, như một ám ảnh. Tuy nhiên, những hình ảnh, chi tiết tưởng chừng bê nguyên từ thực tế ấy không đủ sức xác lập được một sự vững chãi cho thế giới thực tại mà ông mô tả (mà thực ra, ông cũng chẳng quan tâm điều đó).
Phổ biến trong các tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương là không gian làng, nhất là sự trở đi trở lại của hình ảnh làng Phan, hay một số kiểu không gian phố huyện, thị trấn, phố nhỏ, trung tâm làng xã... Đấy là kiểu không gian nghèo, ảm đạm (ta đã từng gặp, rất tiêu biểu, trong sáng tác của Thạch Lam). Chính cái nghèo, cái ảm đạm, cái tủn mủn làm tăng thêm tình thế mong manh của hiện thực.
Ở Người đi vắng, nhà văn đã diễn tả được một thế giới người với nỗi lo bất an, lo lắng đang trôi dạt trong một xã hội hoảng loạn, vô hướng. Mỗi nhân vật sau từng cuộc lang thang thì tan rã dần phần người trong mình, để cuối tác phẩm chỉ còn là một cõi người đi vắng .
Trong tiểu thuyết Ngồi, ám ảnh của các nhân vật tạo từ những huyền ảo, phi lí của đời thường, từ những huyền thoại dân gian và từ quá khứ. Thúy luôn bị ám ảnh bởi khuôn mặt của Quân, bởi những cú điện thoại của kẻ dấu mặt. Thúy không biết vì sao Quân - chồng mình lại mất tích, không biết Quân còn sống hay đã chết. Nỗi ám ảnh ấy khiến Thúy luôn cảm thấy khuôn mặt Quân dưới mặt nước “mặt trời luôn vùn vụt đi xuống lòng hồ theo hình vuông cung, sau đó nước
bắt đầu sôi trào đùn đẩy chấp chới. Khuôn mặt Quân với khuôn mặt của người công an xét hỏi lên từ đáy sâu thẳm, dìm nó xuống rồi lại đẩy nó lên”[60 ;98]. Những ám ảnh ấy khiến Thúy từ cô đơn hoảng loạn đến buông xuôi, phó mặc cuộc sống. Minh ám ảnh bởi vẻ đẹp xuất hiện ở nhà mình, Minh càng ám ảnh hơn khi nghe Xuân- bạn mình, kể mơ thấy Minh mang đến một mảnh vải rất đẹp nhờ cắt hộ, nhưng chiếc áo may xong thì không có loại cúc nào hợp và lạ lùng hơn, không biết ai đã đặt đặt vào tay Thúy sáu chiếc cúc hợp với cái áo của Minh. Đoàn Minh Tâm lí giải mối quan hệ lạ lùng giữa Thúy và Minh với chiếc áo kì lạ ấy như sau: Với Minh, người thiếu hàng cúc, đó là thông điệp phải có những nhân tố vun trồng, gắn kết, bằng không sẽ tan vỡ. Với Thúy, người thiếu mảnh vải, đó là lời nhắn khi đã ra đi thì hãy mau chóng đứng dậy làm lại từ đầu, đứng lên tìm kiếm cảm thông, an ủi từ những mối tình chóng vánh, đơn giản chúng chỉ làm con người ta thêm đau khổ mà thôi. Từ đó cho ta thấy Minh và Thúy đã khao khát tìm kiếm niềm hạnh phúc trong cuộc sống đầy phi lí, bí ẩn.
Tiểu thuyết truyền thống thường hướng đến miêu tả hiện thực trong hình thức của bản thân nó. Hiện thực mà tiểu thuyết truyền thống miêu tả thường để phản ánh những trạng thái tồn tại có thật của xã hội với tiêu chí giống như thật. Tiểu thuyết thế kỉ XX đã vượt qua những quy phạm ấy để miêu tả một hiện thực như nó đang là, vì thế, nó mong manh, nhòe mờ. Nguyễn Bình Phương thuộc số tác giả đã xây dựng một cách có ý thức thế giới hiện thực của mình theo khuynh hướng này. Cái mong manh ấy của hiện thực cũng góp phần quan trọng vào việc cấu thành chất thơ trong tiểu thuyết của nhà văn.