6. Cấu trúc luận văn:
2.2.2. Con người trong chiều sâu tự nhận thức
Cùng với lớp nhà văn trưởng thành trong chiến tranh, lớp nhà văn sau này không bị ám ảnh, ràng buộc bởi các vấn đề đạo đức, chính trị, tự do trong tư duy sáng tạo. Phạm Thị Hoài, Tạ Duy Anh, Hồ Anh Thái, Nguyễn Bình Phương đã
đem đến cho văn học nói chung và tiểu thuyết nói riêng một tính chất “tự vấn” với những triết lí, suy tư, trải nghiệm của những con người tự đi tìm nhân cách cho mình trong đời sống tinh thần đầy phong phú. Hiện thực bề bộn không đơn giản như trước đây càng ngày càng thúc dục con người nhìn lại, đặt ra những câu hỏi khái quát hình thành vấn đề, rút ra chiêm nghiệm lẽ đời về cuộc sống cá nhân... như một tất yếu.
Trong văn học 1945-1975, vấn đề tự nhận thức không phải là vấn đề quan trọng. Có, nhưng đấy là sự tự nhận thức để “nhận đường”. Sự trở về với con người cá nhân, bản chất, bản thể sau 1975 buộc con người trong văn học phải không ngừng khám phá, lí giải bản thân nó. Nghĩa là nó đi vào trả lời câu hỏi mình là ai? Con người là ai? Mình là gì? Con người là gì? Và giải thích ý nghĩa sự tồn tại, lí do tồn tại của bản thân.
Con người trong tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương luôn trăn trở về điều này. Để giải thích, tự nhận thức về nó, luôn đối sánh sự tồn tại của nó với môi trường, với người chung quanh, trong các mối quan hệ xã hội, trong cả những vấn đề bản năng, đối chiếu với quá khứ, với lịch sử, với hiện tại...
Trong Ngồi, đôi khi Khẩn miên man theo hình ảnh một người đàn ông ngoại quốc dưới đường phố và đỏ mặt vì những ý nghĩ không lành mạnh của mình:“Khẩn ước cái của mình cũng vạm vỡ như của người đàn ông ngoại quốc kia và ước muốn đó làm Khẩn đỏ mặt vì ngượng ngùng tủi hổ. Tại sao lại phải ước ao vớ vẩn thế, chắc gì nó đã khỏe hơn mình? Hơn đứt đuôi con nòng nọc. Chắc gì, biết mèo nào cắn mỉu nào. Không hơn sao đàn ông nước mình hay thủ sẵn những bình rượu thuốc trong nhà thế?”[60 ;120,121]. Nhưng xét đến cùng, đó là khao khát khẳng định cái thân thể tự nhiên vốn trú ngụ ở tầng sâu kín nhất của con người. Khẩn nói với chính mình nhưng lại như phân bua với một kẻ khác. Nhiều giọng điệu cùng tranh nhau: tại sao?...hơn đứt…chắc gì…không hơn sao…Có lời hỏi và lời đáp rõ ràng, chứng tỏ dấu vết của cuộc đấu tranh trong nội tâm nhân vật để tìm ra đáp số cuối cùng cho nỗi băn khoăn tưởng vớ vẩn nhưng lại rất nhân bản kia.
Ở Những đứa trẻ chết già,nhân vật Ông triền miên trong nỗi hoang mang, nỗi buồn sâu thẳm: “Nhưng ngày mai? Ngày kia và dằng dặc sau đó nữa? Quay về làng ư? Ông lắc đầu quầy quậy và thầm hứa với mình rằng sẽ dứt khoát rủ bỏ nó[54 ;84]…Vĩnh viễn không bao giờ ông trở lại đấy nữa. Trừ buổi chiều hôm nay. Mà cũng chưa chắc. Ông không biết mình ngồi trên chiếc xe trâu này từ lúc nào, ở đâu. Và nó, chiếc xe trâu với ba con người lạ lẫm sẽ đưa ông đến đâu. Trở lại làng ư? Đi đâu nhỉ?”[54 ;95]. Đi đâu? Từ bao giờ? Vẫn là hai nỗi băn khoăn lớn của Ông. Ông không biết điểm xuất phát của mình và cũng mơ hồ về cái đích đến cuối cùng. Thời gian chỉ còn dư âm một con số không tròn trĩnh trong tâm trí. Chuyến xe trâu kì lạ, vừa quen thuộc vừa xa xôi chầm chậm trong hoàng hôn lưu cữu, di chuyển mà như ngưng đọng trong cõi âm ảm đạm khiến tất cả như trôi đi vô định. Ông quay trong hàng trăm câu hỏi: lúc nào? ở đâu? đến đâu? đi đâu? Điều quyết định tưởng như dứt khoát là từ bỏ làng quê lại trở thành một nghi hoặc, chần chừ, không chắc chắn nữa (mà cũng chưa chắc). Thân phận bị nương theo một sức cuốn kì lạ mà chiếc xe trâu là định mệnh của Ông. Vì thế Ông luôn trăn trở với mong muốn tìm ra cõi sống đích thực của mình.
Thắng trong Người đi vắng chấp nhận tình trạng bất thường ở vị thế một người chồng như một lẽ thường tình, anh chợt nhận ra điều đó khi đối diện với Hoàn trên giường bệnh. Cái điều “chợt hiện” ấy khiến Thắng suy nghĩ về mối quan hệ của mình, sự băn khoăn và cũng là nhận thức tình thế không bình thường của mình lâu nay. Anh quanh quẩn trong những câu hỏi không có lời đáp ấy. Đôi lúc, Hoàn- vợ Thắng cũng thức nhận về bản thân mình, thức nhận như một cảm thức về sự trôi nổi của kiếp người: “Thời gian cứ trôi đi, đều đặn, trùng trùng điệp điệp đến rùng rợn. Mình chẳng là gì cả, mình sẽ phải lênh đênh mãi ngay cả khi không hít thở trên mặt đất này nữa…Nhưng mà, tại sao Thắng lại xa lạ thế. Tại sao càng ngày Hoàn càng có cảm giác sợ hãi mỏi mệt mỗi khi ở bên chồng”[55 ;62]. Ý thức về sự trôi chảy của thời gian gắn liền với cuộc đời hữu hạn mà không tìm thấy một điểm tựa cố định nào. Trong vai trò là người vợ của
Thắng nhưng cô lại sống với Cương như một người tình mong tìm thấy sự thỏa mãn dục vọng. Cảm giác không tìm thấy điều mình muốn ở chồng tạo nên khoảng trống lớn ngăn cách hai người. Nỗi băn khoăn của Hoàn khi nhận thấy sự tồn tại của mình không có ý nghĩa “mình chẳng là gì cả”, vừa là sự thức nhận bản thân, vừa là nỗi buồn xót xa cho thân phận.
Trong tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương, dù con người hay bất cứ sự vật nào hiện hữu hoặc mơ hồ đều là những cá thể đầy tâm trạng, có thế giới riêng và hầu như ý thức rất rõ trạng thái của mình. Tuy nhiên, con người trong tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương đã không bao giờ trả lời được những câu hỏi đặt ra về bản thân nó và cho bản thân nó.