Một hiện thực đang phân rã

Một phần của tài liệu Sắc thái trữ tình trong tiểu thuyết nguyễn bình phương (Trang 52)

6. Cấu trúc luận văn:

2.3.1.Một hiện thực đang phân rã

Mặc dù Nguyễn Bình Phương luôn khai thác yếu tố vô thức trong những tác phẩm của mình nhưng Thoạt kì thủy mới thực sự là tiểu thuyết vô thức. Tiểu thuyết được xây dựng, kết cấu từ những ám ảnh. Tính - nhân vật chính trong tác phẩm sống và tồn tại trong trạng thái điên và mộng, là hai trạng thái mà vô thức hành động mãnh liệt. Hai trạng thái này có thể đồng nhất như cách hiểu của Schopen kauer “người ta có thể định nghĩa giấc mộng, còn cơn điên là một giấc mộng dài”. Nhân vật Tính được nhà văn xây dựng từ những ám ảnh trong vô thức. Bởi thế, qua phân tích, tìm hiểu những ám ảnh của Tính sẽ giúp chúng ta hiểu được cuộc sống và con người của Tính. Trăng và máu là hai ám ảnh chính nhất trong cuộc đời của Tính, dồn đuổi Tính đến lúc chết. Song đó cũng chính là nỗi cô đơn và bạo lực ám ảnh cuộc đời Tính, hủy diệt con người Tính.

Ngày Tính sinh ra đã bị ánh trăng chiếm đoạt mất không gian và hơi ấm của mình “trăng đen trăng vàng mày to bằng quả bưởi, bằng cái nồi, bằng cái mâm, bằng cái hủng, mày che hết tất cả tã lót làm tao rét”. Từ đây, định mệnh đã bắt Tính trở thành người cô độc, lẻ loi, phải chống lại nỗi cô đơn của cả cõi đời đang bao phủ. Rồi Tính lớn lên trong sự cách biệt với mọi người, không tình thương của cha mẹ: “Tính không quấn bố mẹ như những đứa trẻ khác, Tính thích

lê la một mình, bạ gì cũng cầm, bạ gì cũng liếm, cũng cho vào mồm, không bạn bè, không giáo dục, trẻ cùng lứa không đứa nào chơi với Tính, chẳng đi học, vạ vật khắp xóm”[58 ;15]. Ánh trăng hắc ám ma dại luôn luôn săn đuổi Tính như con mồi, nó xuất hiện biến ảo khôn lường, chui rúc, len lỏi vào nhiều ngóc ngách cuộc đời Tính, dồn đuổi Tính đến bờ mê muội với sự phản xạ, chống cự một cách điên cuồng. Ban đêm Tính không ngủ được vì trăng, ban ngày thì trăng ẩn hiện vào ánh “mắt chó vàng như trăng” của con chó nhà ông Điện, vào đá, vào Hiền.

Ám ảnh về trăng, nỗi cô đơn của Tính diễn tả thân phận một con người cô độc bị dồn đuổi đến điên loạn. Qua Tính cho thấy nỗi cô đơn, sự chia khỏi cộng đồng nó nguy hại đến thế nào .

Ám ảnh cuộc đời Tính còn là máu - biểu tượng của môi trường hiếu sát, đầy rẫy bạo lực vây quanh Tính. Chưa ra đời, Tính đã phải chịu đựng những cái đạp cùng tiếng gặm chén lách cách, man dại trong những cơn thèm rượu của người cha vũ phu. Tính lớn lên với việc làm yêu thích giết kiến và công cống, được ông Điện dạy cho cách chọc tiết, Hưng bồi đắp cho Tính những hành động hiếu sát: mọc nanh cắn cổ, đốt trại tà binh... Không gian núi Hột nơi Tính sống cũng nhuốm đầy máu: “Qủa núi bị khoét vẹt một nửa trông như cơ thể bị mất thịt lộ ra màu trắng pha chút đỏ của máu”. Từ đó, cơn khát máu, say máu của Tính sục sôi trong ý nghĩ, hiển hiện trong giấc mơ, trong lời nói và chuyển hóa thành hành động man rợ, dùng kéo đâm chết thằng bé điên, dùng dao chọc tiết những con lợn trong xóm và chọc tiết ông Khoa, cuối cùng là chọc tiết chính mình - hành động đạt đến đỉnh cao của vô thức.

Từ nỗi ám ảnh của Tính, Nguyễn Bình Phương đã cho thấy một xã hội thiếu giáo dục, thiếu tình thương dẫn đến hậu quả như thế nào. Nguyễn Bình Phương đã phản ánh một hiện thực đang phân rã và gửi đến bạn đọc một thông điệp đầy tính nhân văn: hãy sống với nhau bằng tình yêu thương và cảnh giác cái ác không chỉ ở xung quanh mà ở ngay trong lòng mỗi con người, bởi nó luôn sẵn sàng hủy diệt con người bất cứ lúc nào.

Không chỉ trong Thoạt kì thủy, mà trong tất cả các tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương, hiện thực được miêu tả luôn mang đến cho con người một cảm giác về sự đổ vỡ, về sự lỏng lẻo, về một cái gì đó lỏng và dễ tuột. Ở đấy, mặc dù vẫn có thể có những chi tiết, những yếu tố, những địa chỉ để nhân vật có thể hướng đến như một chỗ bấu víu hay nỗi khiếp sợ, nghĩa là nó mang dáng dấp của một cái gì đó là trung tâm, như ngọn Linh Nham chẳng hạn. Nhưng chính hình ảnh trung tâm đầy ma quái như thế, hoặc những trung tâm khác, kiểu văn phòng, công ti... lại mang màu sắc của sự uể oải... chỉ làm tăng thêm cảm giác về sự đổ vỡ. Những không gian được miêu tả theo lối nhảy cóc địa chỉ, sự trộn lẫn không gian thực tại và giấc mơ, không gian ma quái...; kiểu sắp xếp thời gian đan xen giữa hiện tại và quá khứ, kiểu thời gian nằm ngoài thời gian... không những không thể níu kéo được sự tan rã của hiện thực, mà còn nhấn mạnh, gia tăng tinh thần phân rã ấy. Những nhân vật của tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương cũng được miêu tả một cách khá "hời hợt", xuất hiện một cách hờ hững, càng ở các tác phẩm về sau càng hờ hững, không địa chỉ, không tính cách, không lí tưởng, không, thậm chí chỉ một ý niệm, cho thấy cái nhìn bất tín về con người và thế giới. Những nhân vật ấy tồn tại không một liên kết mặc dù giữa họ vẫn có các quan hệ. Có khi là quan hệ gia đình, là đồng nghiệp, là bạn bè, nhưng mỗi người theo đuổi một mục đích, một suy tư. Thậm chí kể cả khi không thể hướng đến cái gì đó khác, họ làm tình với nhau nhưng trong sự làm tình ấy, người ta càng đẩy nhau ra xa bởi động cơ khi họ đến với nhau hoàn toàn xa khác. Và sau mỗi cuộc truy hoan như vậy, họ chỉ ý thức được một cách sâu sắc hơn về nỗi cô đơn của chính mình.

Tiểu thuyết Việt Nam nói riêng, văn xuôi Việt Nam nói chung trước 1975 thường hướng đến việc miêu tả hiện thực đầy đủ trong những mối liên hệ móc xích, nhân quả... như chính hình thức bản thân hiện thực. Từ sau 1986, với ý thức về cái tôi nhỏ bé của kiếp người, với sự khủng hoảng nhất định trong nhận thức về thực tại với sự tiếp thu những thành tựu của kĩ thuật viết hiện đại thế giới, tiểu

thuyết, cũng như văn xuôi nói chung, bắt đầu mô tả những hiện thực phân rã, phi trung tâm. Chúng ta có thể thấy điều đó trong các sáng tác của Hồ Anh Thái, Nguyễn Vĩnh Nguyên. Nguyễn Bình Phương được đánh giá là người vận dụng khá đậm đặc kĩ thuật viết hậu hiện đại, việc mô tả những hiện thực đang phân rã là một trong những sở trường của nhà văn. Điều quan trọng là, thế giới trong tiểu thuyết của ông không phân rã một cách lạnh lùng, vô cảm, mà là sự phân rã trong ý thức khắc khoải của nhân vật. Điều đó gợi nên chất trữ tình, cũng làm nên nét phong cách rất riêng của nhà văn.

Một phần của tài liệu Sắc thái trữ tình trong tiểu thuyết nguyễn bình phương (Trang 52)