Nghĩa thực tiễn của kết quả nghiên cứu

Một phần của tài liệu Các yếu tố động viên đối với nhân viên tuyến đầu trong các ngân hàng TMCP tại khu vực TPHCM Luận văn thạc sĩ (Trang 77)

Việc xác định được các yếu tố tác động đến việc động viên nhân viên tuyến đầu là cơ sở để cung cấp thông tin cho các nhà quản trị hoạch định về chính sách nhân sự của ngân hàng mình. Với trọng số ảnh hưởng đến việc động viên nhân viên tuyến đầu khác nhau, các nhà quản trị sẽ có cơ sở để thu hút và giữ chân nhân tài cho ngân hàng của họ, đó là yếu tố sống còn đối với các ngân hàng thương mại cổ phần trong giai đoạn khó khăn và xu thế hội nhập hiện nay.

Từ kết quả nghiên cứu nêu trên, quan sát các hệ số Beta, có thể thấy trong các thành phần động viên nhân viên tuyến đầu thì có 4 thành phần bao gồm “Công việc thú vị”, “Lương cao”, “Công việc ổn định” và “Đồng nghiệp” tác động dương đến mức độ động viên của nhân viên tuyến đầu (tương ứng với các hệ số Beta dương). Kết quả phân tích hồi quy cho thấy thành phần có hệ số Beta cao nhất là thành phần “Công việc thú vị”, đây là yếu tố tác động lớn nhất đến cảm nhận động viên nhân viên tuyến đầu, tiếp đến là thành phần “Lương cao”, “Công việc ổn định” và “Đồng nghiệp”.

- Yếu tố “Công việc thú vị” có hệ số hồi quy lớn nhất là 0.449. Như vậy, trong số các yếu tố tác động đến yếu tố động viên nhân viên tuyến đầu thì cảm nhận về yếu tố “Công việc thú vị” có mức độ tác động nhiều nhất. Ý nghĩa của hệ số Beta: nếu như ảnh hưởng của các yếu tố khác đến mức độ động viên nhân viên tuyến đầu không đổi thì khi yếu tố “Công việc thú vị” tăng lên 01 đơn vị sẽ làm cho cảm nhận được động viên của nhân viên tuyến đầu gia tăng thêm 0.449 đơn vị. Do vậy, Ngân hàng nên ưu tiên tập trung vào yếu tố này nhằm nâng cao cảm nhận được động viên khi làm việc của nhân viên tuyến đầu.

- Yếu tố “Lương cao” có hệ số hồi quy lớn thứ 2, đạt 0.287. Đây là yếu tố cũng góp phần không nhỏ nâng cao mức độ được động viên của nhân viên tuyến đầu. Ý nghĩa của hệ số Beta: nếu như ảnh hưởng của các yếu tố khác đến mức độ động viên nhân viên tuyến đầu không đổi thì khi công ty nâng cao sự thỏa mãn về tiền lương tăng lên 01 đơn vị sẽ tác động đến mức độ được động viên của nhân viên tuyến đầu tăng lên 0.287 đơn vị .

- Yếu tố thứ ba là “Công việc ổn định”. Khi ngân hàng nâng cao cảm nhận về việc có một công việc ổn định thì cũng góp phần vào việc nâng cao mức độ động viên của nhân viên tuyến đầu. Có nghĩa là khi cảm nhân về “Công việc ổn định” được nâng cao 01 đơn vị thì cảm nhận về động viên của nhân viên tuyến đầu sẽ tăng thêm 0.196 đơn vị khi các yếu tố khác không thay đổi.

- Cuối cùng là yếu tố “Đồng nghiệp”. Khi nhân viên tuyến đầu làm việc với những đồng nghiệp luôn vui vẻ, hòa đồng, sẵn sàng giúp đỡ lẫn nhau thì cảm nhận được động viên của họ sẽ tăng lên. Cụ thể, khi cảm nhận về đồng nghiệp tốt tăng lên một đơn vị thì cảm nhận về động viên của nhân viên tuyến đầu sẽ tăng lên 0.119 đơn vị khi các yếu tố khác không thay đổi.

Đây là kết quả hợp lý vì đối tượng khảo sát của nghiên cứu là nhân viên tuyến đầu (không bao gồm cấp quản lý từ trưởng bộ phận, trưởng phó phòng trở lên). Không như những người đã có kinh nghiệm lâu năm và đã có một vị trí nhất định trong ngân hàng thường có nhu cầu về sự tự chủ trong công việc, muốn được tự mình quyết định cách thực hiện công việc của mình, những người mới gia nhập ngân hàng hoặc đang ở vị trí nhân viên tuyến đầu thì họ rất mong muốn có một công việc thật thú vị để tạo cảm hứng cho họ phấn đấu làm việc, hướng đến những vị trí cao hơn trong tổ chức mà họ đang công tác. Các ngân hàng cần đặc biệt chú ý điều này, nếu ngân hàng luôn tạo ra được cho nhân viên tuyến đầu của họ có cảm nhận công việc của họ luôn thú vị thì đó sẽ là giải pháp hết sức hiệu quả vì ngân hàng không phải tốn thêm chi phí mà vẫn động viên nhân viên tuyến đầu làm việc hiệu quả.

Bên cạnh đó, tiền lương cũng là một yếu tố rất được quan tâm trong thời điểm hiện tại khi hệ thống tài chính ngân hàng của Việt Nam đang trong giai đoạn tái cơ cấu lại, việc cắt giảm lương thưởng đang diễn ra tại nhiều ngân hàng thì yếu tố lương này cũng được các nhân viên tuyến đầu quan tâm rất nhiều. Do đó, các ngân hàng cần phải có những chính sách lương thưởng hợp lý, từ đó có thể thúc đẩy, động viên nhân viên tuyến đầu của họ trong công việc.

Ngoài ra, kết quả nghiên cứu cho thấy cảm nhận có một công việc ổn định cũng tác động rất lớn đến việc động viên nhân viên tuyến đầu. Trong thời điểm kinh tế suy thoái như hiện nay thì vấn đề có một công việc ổn định, vừa nâng cao chuyên môn vừa tạo ra thu nhập để vượt qua thời kỳ khó khăn cũng là rất quan trọng. Tuy nhiên, nhân viên tuyến đầu chưa an tâm với công việc hiện tại của họ do một số ngân hàng thương mại cổ phần hiện nay đang có xu hướng sáp nhập lại nhằm tăng tính cạnh tranh hoặc cắt giảm bớt nhân sự để giảm chi phí. Vì vậy, bên cạnh việc chú trọng tạo cho nhân viên tuyến đầu cảm nhận công việc một cách thú vị và chế độ lương thưởng hợp lý thì các ngân hàng cũng cần phải điều chỉnh chính sách nhân sự một cách hợp lý để động viên nhân viên tuyến đầu của họ trong công việc, tạo cảm giác an tâm trong quá trình làm việc mà không phải lo mất việc làm.

Cuối cùng, yếu tố đồng nghiệp cũng rất quan trọng đối với các nhân viên tuyến đầu, việc có những đồng nghiệp làm việc tốt, phối hợp công việc ăn ý, thân thiện và luôn chia sẻ, giúp đỡ mọi người trong công việc sẽ tạo cho cảm giác được động viên tăng lên đáng kể. Do đó, các ngân hàng cũng cần chú ý đến yếu tố này để có biện pháp tăng sự động viên nhân viên tuyến đầu trong công việc.

Một phần của tài liệu Các yếu tố động viên đối với nhân viên tuyến đầu trong các ngân hàng TMCP tại khu vực TPHCM Luận văn thạc sĩ (Trang 77)