V ừa là nhà đầu tư + người quản lý
1. 3 Những vấn đề pháp lý đặt ra về thuế thu nhập liên quan đến Công ty hợp danh và Doanh nghiệp tƣ nhân
2.1.1.1. Thuế thu nhập doanh nghiệp
Cùng với công cuộc cải cách thuế bước I năm 1990, Luật thuế lợi tức được ban hành. Tuy nhiên qua 8 năm thực hiện, Luật thuế lợi tức dần dần bộc lộ nhiều nhược điểm và không còn phù hợp với tình hình kinh tế Việt Nam trong giai đoạn mới: giai đoạn mở rộng quan hệ hợp tác với các nước trong khu vực và trên thế giới. Vì vậy, Luật thuế TNDN được ban hành nhằm đảm bảo sự phù hợp với yêu cầu phát triển của nền kinh tế trong giai đoạn mới. Về kỹ thuật hành thu, thuế TNDN không khác thuế lợi tức là mấy, nhưng về quan điểm kinh tế, thuế TNDN có một cái nhìn cởi mở hơn về hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nước và nước ngoài. Nếu như thuế lợi tức đánh theo các mức khác nhau trên lợi nhuận phân ngành nền kinh tế quốc dân theo cơ chế kế hoạch hóa (Theo cơ chế này, các doanh nghiệp được giới hạn phạm vi sản xuất, kinh doanh trong một miền nhất định, hoặc chịu thuế suất 30% nếu chỉ hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp nặng, xây dựng; hoặc chịu thuế suất 50% nếu hoạt động thương mại, dịch vụ; giữa các phân ngành có một rào cản nhất định do vậy các doanh nghiệp không dễ gì tự do chuyển đổi) thì thuế TNDN đánh trên thu nhập không tính đến ngành nghề kinh doanh. Với một mức thuế suất chung là 32 % đánh trên thu nhập chịu thuế của mọi hoạt động kinh doanh làm cho sự lựa chọn ngành nghề kinh doanh của các doanh nghiệp không còn nữa. Có thể nhận thấy, việc ban hành Luật thuế TNDN cho thấy sự chuyển đổi trong cách nhìn của Nhà nước ta, đó là việc từ bỏ cơ chế kinh tế kế hoạch hóa sang chấp nhận một cơ chế kinh tế thị trường; bước đầu nhìn nhận và thiết lập một hệ thống chính sách thuế theo quan điểm thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Mục
55
đích ban hành Luật thuế TNDN là nhằm bao quát và điều tiết tất cả các khoản thu nhập của các cơ sở kinh doanh, khuyến khích và thu hút đầu tư trong và ngoài nước thông qua chế độ ưu đãi về thuế suất, miễn, giảm thuế. Luật TNDN đã thông qua quy định doanh thu, các khoản chi phí hợp lý phải có hoá đơn, chứng từ hợp pháp đã thúc đẩy các cơ sở kinh doanh tăng cường hạch toán kinh doanh, củng cố công tác kế toán hoá đơn, chứng từ. Luật thuế TNDN cũng đã hệ thống hoá tất cả những quy định ưu đãi thuế cho các nhà đầu tư được quy định trong các luật khác nhau như Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, Luật thuế lợi tức...Tuy nhiên, sau một thời gian thực hiện, Luật thuế TNDN 1997 đã bộc lộ những bất cập như đối tượng chịu thuế chưa bao quát hết các khoản thu nhập, một số khoản chi phí chưa được pháp luật quy định hoặc quy định chưa phù hợp với thực tiễn, mức thuế suất 32% là khá cao so với các nước trong khu vực, vô hình chung đã chưa khuyến khích các doanh nghiệp tái sản xuất mở rộng, mặt khác, mức thuế suất và ưu đãi thuế còn phân biệt giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Do vậy, ngày 17/6/2003 Quốc hội thông qua Luật thuế TNDN 2003 và có hiệu lực thi hành ngày 01/01/2004 thay thế cho Luật thuế TNDN 1997. Luật thuế TNDN 2003 đã khắc phục một số hạn chế nêu trên của Luật thuế TNDN 1997, với mức thuế suất 28% đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư phát triển, đồng thời bao quát điều tiết được hầu hết các khoản thu nhập trong các cơ sở kinh doanh nhằm đảm bảo tăng nguồn thu cho Ngân sách Nhà nước và áp dụng thống nhất thuế TNDN không phân biệt giữa các thành phần kinh tế, các hình thức đầu tư khác nhau.
Về đối tượng nộp thuế
Mang bản chất của thuế trực thu, thuế TNDN đánh vào thu nhập thu về từ các hoạt động của doanh nghiệp và hoạt động kinh doanh của cá nhân. Tất cả các đối tượng, pháp nhân và thể nhân có hoạt động kinh doanh và có thu nhập mang lại từ hoạt động kinh doanh đều phải kê khai nộp thuế TNDN. DNTN và CTHD đều thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật thuế TNDN. Tựu chung lại, CTHD và DNTN với tư cách là đối tượng nộp thuế thuộc phạm vi điều chỉnh của thuế TNDN phải có
56
hai điều kiện: thực hiện hoạt động sản xuất kinh doanh hợp pháp và phải có phát sinh thu nhập từ hoạt động sản xuất kinh doanh đó. Khác với thuế lợi tức trước kia, đối tượng nộp thuế TNDN có phạm vi điều chỉnh rộng hơn, nó bao gồm cả tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động theo Luật đầu tư nước ngoài ở Việt Nam, hộ gia đình, cá nhân nông dân trồng trọt, nuôi trồng thủy sản có giá trị sản phẩm hàng hóa và thu nhập trên mức tối thiểu do Chính phủ quy định. Như vậy là trong quá trình phát triển hội nhập kinh tế, một số đối tượng nộp thuế phát sinh cũng được bổ sung dần vào trong các kỳ sửa Luật. Tuy nhiên, Luật thuế TNDN thời kỳ này dường như vẫn được thiết kế cho các doanh nghiệp Nhà nước là chủ yếu. Các định mức chi phí hợp lý chủ yếu dựa vào các định mức cho doanh nghiệp Nhà nước. Trong xu thế hội nhập, khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước phát triển nhanh nhất về số lượng doanh nghiệp và tạo việc làm mới cho người lao động. Tính đến thời điểm 01/01/2009, số doanh nghiệp ngoài nhà nước thực tế đang hoạt động là 196.779 doanh nghiệp, chiếm 95,7% tổng số doanh nghiệp, gấp 5,6 lần năm 2000, tốc độ tăng số lượng doanh nghiệp bình quân hàng năm là 24,1% [34]. Rõ ràng, giai đoạn 2000 - 2008, khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước chủ yếu phát triển nhanh về chiều rộng, giải quyết được nhiều việc làm, góp phần quan trọng vào việc xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội cho đất nước. Tuy nhiên, kết quả sản xuất kinh doanh cũng cho thấy, hầu hết các doanh nghiệp ngoài Nhà nước là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, kinh doanh còn nhỏ lẻ, hiệu quả còn thấp. Khu vực doanh nghiệp Nhà nước ngày càng được thu hẹp về quy mô theo chủ trương cổ phần hóa và sắp xếp lại của Nhà nước để đảm bảo kinh doanh ngày càng hiệu quả hơn. Tại thời điểm 01/01/2009, số doanh nghiệp Nhà nước thực tế đang hoạt động chỉ còn 3.328 doanh nghiệp, chiếm tỷ trọng thấp nhất trong 3 khu vực doanh nghiệp với 1,6%, bằng 45% số doanh nghiệp năm 2000 [34]. Như vậy, với số lượng lớn các doanh nghiệp dân doanh này, việc áp đặt các chuẩn mực danh riêng cho doanh nghiệp Nhà nước trong chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp là không còn phù hợp.
57
nhân và cá nhân kinh doanh, nên Pháp lệnh thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao ban hành năm 1991 không điều tiết thu nhập thu được từ hộ kinh doanh và thu nhập từ kinh doanh hay hoạt động hành nghề độc lập của cá nhân. Do vậy, thuế TNDN giai đoạn này phải đánh trên cả đối tượng là doanh nghiệp lẫn cá nhân kinh doanh. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển kinh tế xã hội, một số nghề vừa có thể đươc thành lập DNTN, nhưng cũng vừa có thể hoạt động mang tính chất làm công. Đồng nghĩa với việc có thể áp dụng thuế TNCN nếu là tiền công, nhưng cũng có thể áp dụng thuế TNDN nếu là hoạt động hành nghề độc lập hoặc là công ty tư nhân. Dẫn đến số thuế phải thu theo hai cách tính không đồng nhất, dễ gây hiện tượng tránh thuế, gây ra nhiều bất lợi cho công tác quản lý thuế.
Về thu nhập chịu thuế
Thuế TNDN của CTHD, DNTN được tính dựa trên thu nhập chịu thuế và thuế suất. Thu nhập chịu thuế bao gồm toàn bộ thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ và thu nhập khác sau khi đã trừ đi các khoản chi phí hợp lý phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Thu nhập chịu thuế gồm hai phần, phần thu nhập có được từ hoạt động kinh doanh gọi là doanh thu và phần thu nhập khác. Thu nhập chịu thuế từ hoạt động kinh doanh có được sau khi khấu trừ các chi phí phục vụ trực tiếp và gián tiếp cho hoạt động kinh doanh đó theo quy định tại luật thuế. Các loại thu nhập chịu thuế khác nhìn chung đã được bù trừ cho các khoản tương tự mà doanh nghiệp bỏ ra. Doanh thu để tính thuế thu nhập doanh nghiệp là toàn bộ tiền bán hàng, tiền cung cấp dịch vụ bao gồm cả trợ giá, phụ thu, phụ trội mà cơ sở kinh doanh được hưởng
Một vấn đề tồn tại trong chính sách thuế TNDN thời kỳ này là một số khoản thu nhập thu được từ hoạt động kinh doanh của một số đối tượng như cá nhân hành nghề độc lập, hộ gia đình kinh doanh công thương nghiệp, cá nhân cho thuê tài sản, thiết bị...được quy định chịu thuế sẽ làm phát sinh tình trạng không công bằng trong chịu thuế của các loại thu nhập cùng một người. Cùng là thu nhập của cá nhân nhưng thu nhập từ kinh doanh sau khi trừ chi phí liên quan trực tiếp đến hoạt động kinh doanh thì chịu thuế suất 28% theo thuế suất thuế TNDN, còn thu nhập từ tiền
58
lương lại được áp dụng thuế thu nhập cá nhân với biểu thuế luỹ tiến từng phần với thuế suất thấp nhất 10%, thuế suất cao nhất 40%. Thu nhập kinh doanh của cá nhân chịu thuế ngay từ đồng đầu tiên, trong khi thu nhập từ tiền lương, tiền công chỉ chịu thuế đối với phần thu nhập vượt trên mức khởi điểm (5 triệu đồng với người Việt Nam và 8 triệu đồng với người nước ngoài). Thực tế cho thấy có sự điều tiết không hợp lý nếu so sánh giữa các cá nhân kinh doanh: điều tiết cao với người có thu nhập thấp và điều tiết thấp đối với người có thu nhập cao.
Về các khoản chi phí hợp lý cho hoạt động kinh doanh
Các khoản chi phí hợp lý được Nhà nước thừa nhận để CTHD, DNTN (cũng như các loại hình doanh nghiệp khác là đối tượng nộp thuế TNDN) có thể được khấu trừ khi xác định thu nhập kinh doanh chịu thuế bao gồm 14 khoản chính: Chi phí khấu hao tài sản cố định; chi phí nguyên vật liệu, nhiên liệu; tiền lương, tiền công, phụ cấp, tiền ăn giữa ca; chi phí nghiên cứu khoa học, công nghệ, sáng kiến cải tiến, tài trợ, giáo dục; chi phí dịch vụ mua ngoài; các khoản chi cho lao động nữ; chi trả lãi tiền vay vốn sản xuất kinh doanh; trích các khoản dự phòng theo quy định; trợ cấp thôi việc cho người lao động; chi phí về tiêu thụ hàng hoá, dịch vụ; chi phí quảng cáo tiếp thị khuyến mại và chi phí khác; các khoản thuế, lệ phí, tiền thuê đất; chi phí mua hàng hoá, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân không kinh doanh không có chứng từ được trừ theo quy định của Chính phủ. Các khoản thuế, phí, tiền thuê đất phải nộp có liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ cũng được khấu trừ theo thực tế các chứng từ hợp lý mà doanh nghiệp xuất trình, trừ các loại thuế thu nhập. Các khoản chi phí hợp lý được khấu trừ theo một định mức. Ban đầu hầu hết các định mức đều do Nhà nước quy định cụ thể trên cơ sở các quy định dành riêng cho Doanh nghiệp Nhà nước, nhưng khi kinh tế thị trường phát triển, chi phí sản xuất ngày càng đa dạng hơn nên các định mức do Nhà nước quy định cũng được nới rộng dần theo đà phát triển kinh tế của đất nước. Các định mức dần được xây dựng hợp lý theo điều kiện cụ thể của doanh nghiệp. Cụ thể: CTHD, DNTN có thể xây dựng định mức này ngay từ đầu năm hoặc ngay khi bắt đầu đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh và đăng ký với cơ quan thuế để cùng nhau thực
59
hiện.
Về thuế suất
CTHD và DNTN cùng được áp dụng mức thuế suất thống nhất là 28% trên thu nhập chịu thuế. Mức thuế suất này được áp dụng thống nhất cho tất cả các loại hình doanh nghiệp trong nền kinh tế ngoại trừ các hoạt động khai thác dầu khí và tài nguyên quý hiếm phải chịu thuế suất từ 28% đến 50%. Với các khoản thu nhập có từ hoạt động chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền cho thuế đất của các doanh nghiệp, sau khi được thừa nhận như là một hoạt động kinh doanh, đã đưa vào chịu thuế TNDN theo thuế suất cố định 28% trên thu nhập chịu thuế. Số thu nhập còn lại so với chi phí đầu tư cho việc thuê đất, cho việc có quyền sử dụng đất, nếu cao hơn 15% thì sẽ chịu thuế thu nhập bổ sung theo biểu luỹ tiến từng phần với mức thuế suất tối đa không quá 30%. Ngoài ra, tuỳ theo ngành nghề kinh doanh, địa bàn hoạt động cũng như số lượng lao động sử dụng, CTHD, DNTN sẽ được hưởng các mức thuế suất ưu đãi 20%, 15% và 10% trong một khoảng thời hạn ưu đãi nhất định là 10 năm, 12 năm hay 15 năm.
Về các khoản miễn, giảm thuế TNDN
CTHD, DNTN nếu đáp ứng được các yêu cầu về ngành nghề, lĩnh vực ưu đãi; hoặc được tiến hành ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn theo quy định của Chính phủ; hoặc sử dụng nhiều lao động sẽ được hưởng ưu đãi về thuế suất với 3 mức 20%, 15% và 10% trong thời hạn 10, 12 và 15 năm kể từ khi thành lập và cũng sẽ được giảm hoặc miễn 50% số thuế TNDN phải nộp trong thời hạn tối đa là 4 năm miễn, 9 năm giảm. Để khuyến khích và tạo điều kiện phát triển các khu công nghiệp và khu chế xuất, Nhà nước còn ưu đãi thuế suất và ưu đãi miễn, giảm thuế cho các cơ sở dịch vụ, cơ sở sản xuất và các doanh nghiệp phát triển hạ tầng mới thành lập trong các khu công nghiệp và khu chế xuất rõ ràng hơn. Bên cạnh đó, CTHD, DNTN nếu mở rộng quy mô, đưa dây chuyền mới vào sản xuất cùng được hưởng ưu đãi, miễn, giảm thuế (tối đa 4 năm miễn thuế và 7 năm giảm 50% thuế, kể từ khi có thu nhập chịu thuế tính trên số thu nhập tăng thêm theo chính sách ưu đãi này).
60
Về chuyển lỗ
Theo quy định, CTHD, DNTN nếu phát sinh lỗ được chuyển lỗ trong vòng 5 năm kể từ năm phát sinh lỗ. Thực tế hiện nay, số lỗ quyết toán thuế thường không trùng với lỗ kế toán tài chính doanh nghiệp. Nếu trong quá trình chuyển lỗ cơ quan thuế không theo dõi hoặc không quyết toán thường xuyên thì khó có khả năng thực hiện tốt việc chuyển lỗ. Một số quy định về thủ tục chuyển lỗ đối với doanh nghiệp cũng gây ra những phiền phức trong quá trình thực hiện Luật vì phải đăng ký kế hoạch chuyển lỗ phức tạp. Nhiều khi thiếu nhất quán trong việc xác định số lỗ được chuyển trong các năm...làm cho việc quản lý thu nhập và chi phí của các doanh nghiệp ngày càng phức tạp hơn.
Với tỷ trọng chiếm gần 13% trong tổng thu Ngân sách Nhà nước và chiếm khoảng 25% trong Tổng thu thuế phí trong các năm gần đây, thuế TNDN đã làm tốt vai trò huy động số thu vào Ngân sách Nhà nước và thể hiện ngày càng cao tầm quan trong của mình.