Lịch sử đã chứng minh rằng bất kỳ một dân tộc nào cũng phải trải qua quá trình phát triển riêng của mình đồng thời sản sinh ra các giá trị truyền thống của dân tộc. Các giá trị truyền thống đó tạo nên diện mạo cốt cách truyền thống dân tộc. Cũng như các quốc gia khác nhau trên thế giới, những giá trị truyền thống của dân tộc Việt Nam thống nhất nhưng đa dạng trong sắc thái văn hóa của từng địa phương khác nhau. Do vậy để giữ gìn và phát huy những giá trị truyền thống của dân tộc thì không thể không quan tâm đúng mức tới sắc thái văn hóa của từng địa phương. Những sắc thái văn hóa ấy biểu hiện thông qua thuần phong mỹ tục, nếp sống, nét sinh hoạt của cộng đồng dân cư.
Thanh Hóa vùng đất phương nam xa xôi của quốc gia Đại Việt trước đây, đã hóa chung vận mệnh với đất nước. Ngay từ thời lập quốc đây đã là nơi “địa linh
nhân kiệt”. Đây không chỉ là địa phương biểu hiện sâu sắc những giá trị truyền thống dân tộc mà quan trong hơn đó con là nơi làm nên những giá trị truyền thống ấy. Mặt khác, Thanh Hóa còn là nơi có nhiều nét văn hóa đặc sắc không lặp lại ở bất cứ địa phương nào khác. Những giá trị truyền thống ấy đã có vị trí nhất định đối với đời sống kinh tế - văn hóa - xã hội ở Thanh Hóa trong quá trình lịch sử.
Là một tỉnh (xưa là bộ, là thừa tuyên, là trấn) của đất nước Việt Nam, Thanh Hoá gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của Tổ quốc. Theo Địa Chí Thanh Hoá “là một trong những cái nôi đầu tiên xuất hiện con người sinh sống từ sơ kỳ thuộc thời đại đồ đá cũ cách đây khoảng 30 - 40 vạn năm. Cũng chính từ đó Thanh Hoá chứng kiến sự tồn tại phát triển liên tục của xã hội loài người qua các thời kỳ lịch sử” [40, tr.19]. Mảnh đất này đã hiện diện trên bản đồ đất nước từ thời Hùng Vương mở nước. Khác với những khu vực trở vào phía nam đèo Ngang, lịch sử dân tộc có bao nhiêu những thăng trầm thì vùng đất này cũng có bấy nhiêu những hưng phế như vậy. Các triều đại luôn thừa nhận đây là một mảnh đất phên dậu để bảo vệ Tổ quốc.
Miền quê này đã chia sẻ với dân tộc những chiến công, chiến đấu và xây dựng suốt ngàn năm lịch sử. Có thể thấy không một chặng đường lịch sử nào mà thiếu sự tham dự của Thanh Hoá. Hơn nữa đó là một sự tham dự ghi dấu ấn rõ rệt. Thời cổ xưa, cả nước còn mơ màng với huyền sử Âu Cơ Lạc Long Quân, với thời đại Hùng Vương trên 20 thế kỷ, thì ở Thanh Hoá cũng đã thấy lung linh câu chuyện “Đẻ đất đẻ nước” chắc chắn là mang sắc thái Việt Mường. “Thời đại Hùng Vương đã được chứng minh là tương ứng với thời kỳ văn hoá Đông Sơn” [26, tr.29].
Khởi nghĩa Hai Bà Trưng, ngoài địa bàn Mê Linh ra, còn có ở Thanh Hoá (Nga Sơn và Dương Xá). Rồi so với nhiều vùng trong nước cũng thấy ở Thanh Hoá nổi lên những ngọn cờ của Bà Triệu, của Đào Lang Vương, của Triệu Quang Phục (dấu vết còn lại ở huyện Lang Chánh ngày nay). Tiếp đó trong suốt mấy trăm năm Thanh Hoá đều có những đóng góp với lịch sử Việt Nam, đặc biệt là lịch sử khai sáng các triều đại. Vào thời kỳ cận đại, hiện đại, Thanh Hoá vận ghi được những cố gắng của mình qua những phong trào Cần Vương, Duy Tân, Đông Du và trong Cách mạng thánh Tám.
Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cũng đều chung tinh thần chiến đấu, chung nỗ lực hy sinh như cả nước. Nhưng không rõ hay bất ngờ hay hợp quy luật mà bao giờ xứ Thanh cũng tự ghi lấy một vài nét để tự phân biệt. Một phong trào công nhân rầm rộ, một thế đứng hiên ngang của cầu Hàm Rồng hay một tổ đổi công Trịnh Xuân Bái, một hợp tác xã nông nghiệp Định Công, Thanh Hoá vẫn khiến cho anh em, bà con trong cộng đồng dân tộc nhớ đến mình. Nhìn theo lăng kính văn hoá, thì đó là một vài biểu hiện cụ thể làm nên diện mạo xứ Thanh.
Thanh Hoá xưa nay là vùng đất thống nhất hầu như không có sự tách nhập, du cho lịch sử hàng ngàn năm đã trải qua nhiều triều đại và chính thể khác nhau. Một vùng đất hội tụ đủ các yếu tố tự nhiên của rừng núi, đồng bằng và biển cả, là xứ “địa linh” đã sinh ra không ít hiền tài, “nhân kiệt”. Có học giả nước ngoài khi nghiên cứu lịch sử Việt Nam đã nói muốn hiểu được lịch sử của đất nước này thì nhất định phải hiểu được lịch sử Thanh Hoá.
Từ trước công nguyên Triệu Đà thôn tính Âu Lạc, chia nước ta thành hai quận, vùng đất này với Nghệ An hợp thành quận Cửu Chân. Trong cuộc bành trướng của nhà Hán về phương Nam nó chỉ là quận Cửu Đức tách từ quận Cửu Chân. Dưới thời Tam Quốc - quận Cửu Chân là vùng đất tương đương với Thanh Hoá ngày nay (phần còn lại là Hàm Hoan tương đương với Nghệ An ngày nay).
Suốt ngàn năm Bắc thuộc, nhân dân vùng đất này không ngừng đấu tranh, ý thức dân tộc ngày càng rõ rệt. Việc kết thúc thời kỳ phụ thuộc triền miên vào phương Bắc được đánh dấu bằng chiến thắng Bạch Đằng (938) của Ngô Quyền. Sau khi Đinh Tiên Hoàng dẹp loạn 12 xứ quân chia nước ta thành 10 đạo. Đến thời Lê Đại Hành trong khi chia cả nước thành 10 lộ thì riên khu vực Cửu Chân cũng được xếp vào trại. Cái tên Thanh Hoá xuất hiện vào những năm 30 của thế kỷ XI thay cho cái tên Ái Châu (1111), (phụ lục 1).
Nhưng phải trải qua nhiều cách diễn nữa, đến hơn 4 thế kỷ sau khi Lê Thái Tông chia nước ta thành 13 đạo thừa tuyên (1466) thì vùng đất Thanh Hoa thành tên Thanh Hoá đánh dấu sự ra đời của tên tỉnh Thanh Hoá.
Thời Pháp thuộc và cho tới sau cách mạng tháng tám 1945 Thanh Hoá về cơ bản vẫn giữ nguyên địa giới từ thời Thiệu trị tới sau năm 1954, bản đồ hành chính Thanh Hoá gồm 21 huyện, thị xã (các tên phủ châu đều đổi thành huyện).
Từ năm 1965 đến ngày 5/8/1999, sau nhiều lần sát nhập và chia tách bản đồ hành chính Thanh Hoá có 27 huyện thị, thành phố, 633 xã, phường, thị trấn.
Thành phố Thanh Hoá là trung tâm kinh tế, chính trị của tỉnh Thanh Hóa. Thành phố Thanh Hoá có tên gọi như ngày nay bắt đầu từ (tháng 5 năm 1929) toàn quyền Đông Dương ký Nghị định nâng cấp thị xã Thanh Hoá lên thành thành phố Thanh Hoá. Bốn tháng sau, ngày 11 tháng 9 năm 1929, Đốc lý thành phố điều chỉnh lại địa giới hành chính: Phía Bắc giáp làng Thọ Mạc, phía Nam giáp làng Mật Sơn, phía Đông giáp Bến Ngự và Phía Tây giáp Phủ Đông Sơn. Cũng theo Nghị định trên kể từ ngày 01 tháng 01 năm 1930, thành phố được chia thanhd 6 đơn vị hành chính từ đệ nhất đến đệ lục.
Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam dân chủ cộng hoà ra đời (24/11/1946), Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 11/SL quy định những thành phố thuộc tỉnh đều gọi là thị xã. Thành phố Thanh Hoá mặc nhiên trở thành thị xã của tỉnh Thanh Hoá.
Đến tháng 7 năm 1954 cuộc kháng chiến chống Pháp giành thắng lợi, Uỷ Ban kháng chiến hành chính tỉnh và Uỷ ban kháng chiến đặc biệt của thị trấn trở về tiếp quản thị xã và bắt tay vào xây dựng đô thị mới.
Ngày 05 tháng 5 năm 1991, Hội đồng Bộ trưởng ra Quyết định số 132/ BĐBT, về phân loại đô thị, thị xã Thanh Hoá được xếp vào loại đô thị loại 4. Ngày 14 tháng 8 năm 1993 Bộ trưởng Bộ Xây dựng ra Quyết định 214 BXD/ĐT công nhận thị xã Thanh Hoá là đô thị loại 3. Ngày 01 tháng 5 năm 1994 Thủ tướng Chính phủ ký Nghị định 37/CP thành lập thành phố Thanh Hoá thuộc tỉnh Thanh Hoá trên cơ sở địa giới, diện tích và dân số của thị xã Thanh Hoá.
Năm 2004, Thành phố Thanh Hoá được Thủ tướng Chính phủ công nhận là đô thị loại II, (theo Quyết định số 72/2004/QĐ - TTg ngày 29 tháng 4 năm 2004).
Thành phố Thanh Hoá là trung tâm chính trị, kinh tế và văn hoá của tỉnh Thanh Hoá. Thành phố Thanh Hoá có địa giới: Phía Tây và Tây Bắc giáp huyện
Đông Sơn, Phía Đông Bắc ngăn cách với huyện Hoằng Hoá bởi con sông Mã, phía Đông và phía Nam giáp với huyện Quảng Xương. Thành phố này nằm ở 19047’ vĩ độ Bắc và 105045’ độ kinh đông, cách Thủ đô Hà Nội 160 km về phía Nam, cách Thành phố Hồ Chí Minh 1600 km về phía Bắc, cách bờ biển Sầm Sơn 16 km về phía Tây, cách biên giới Việt - Lào (thuộc địa phận huyện Quan Hoá) 135 km về phía Đông, diện tích tự nhiên 58,58 km2, trong đó diện tích đất canh tác 40,47 km2.
Điểm nổi bật của thành phố này là nơi tập trung nhiều di tích, danh thắng nổi tiếng với 20 di tích cấp quốc gia và hơn 30 di tích cấp tỉnh. Phía Bắc thành phố là khu thắng cảnh Hàm Rồng với Hồ Kim Quy, làng cổ Đông Sơn, di tích văn hoá núi Đọ…
Phía Nam thành phố là khu di tích thắng cảnh đẹp mà trung tâm là núi Mật Sơn có các ngọn núi bao quanh như, núi Long, núi Hổ, núi Kim Đồng, Ngọc Nữ… Trung tâm thành phố có Quảng trường Lê Lợi, quảng trường Lam Sơn, công viên văn hoá trung tâm, nhà tưởng niệm Bác Hồ, Thái miếu nhà hậu Lê, chùa Thanh Hà, nhà thờ Chính toà, khu Hồ thành…
Thành phố Thanh Hoá là một trong những nơi có nhiều lệ hội truyền thống, các trò diễn dân gian như: múa đèn Nam Ngạn, kéo quân, xếp chữ, cướp cù làng Vệ Yên, múa rối Nam Ngạn… các làn điệu dân ca độc đáo như Hò Sông Mã ở làng Nam Ngạn, hát bội ở làng Vĩnh Yên, hát ghẹo ở làng Yên Biên… giúp cho du khách thư giãn, giải trí, cho các nhà văn hoá nghiên cứu…đã tạo nên nét đặc trưng của người dân xứ Thanh.
Xứ Thanh được coi là một vùng văn hoá [26], cũng giống như tên gọi xứ Huế, xứ Nghệ… Với tên gọi “xứ Thanh” theo cách giải thích của “Địa chí Thanh Hoá”: Xứ có nghĩa rất hẹp, một cánh đồng, một thôn xóm, đều có thể gọi là xứ. Nhưng xứ cũng có thể rất rộng, rộng ra không gian cả nước thì người ta lấy thủ đô Thăng Long làm trung tâm mà bốn phương sẽ là xứ Bắc, xứ Đông, xứ Nam, xứ Đoài v.v. đi vào miền Nam ta sẽ gặp xứ Quảng, xứ Đồng Nai, lên các vùng cao ta có thể gặp xứ Thượng, xứ Thái, xứ Nùng… Dù không một quy định hay sách vở nào định ra các xứ như vậy nhưng mọi người vẫn thống nhất với nhau để nhìn nhận các xứ ấy qua các sinh hoạt kế tiếp nhau của các thế hệ dân chúng, qua những
phong tục tập quán, qua phong cách của những con người. Cách nhìn này rõ ràng là nhìn theo góc độ văn hoá.
Thành phố Thanh Hoá nói riêng và Thanh Hoá nói chung thì đây được coi là một tỉnh lớn của nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Ở toạ độ 20040’ đến 19018’ vĩ độ Bắc, 104022’ đến 106005’ kinh độ Đông. Phía Bắc giáp các tỉnh Ninh Bình, Hoà Bình, Sơn La; phía Nam là Tây Nam nằm liền kề Nghệ An. Phía Tây giáp tỉnh Hủa Phăn của Lào, phía Đông mở ra phần giữa của vịnh Bắc Bộ thuộc biển Đông, đường bờ biển dài trên 102 km, phần đất liền Thanh Hoá chạy theo hướng Tây Bắc Đông Nam. Thanh Hoá có tổng diện tích đất nổi rộng 11.168 km2 (theo dư địa chí Thanh Hoá), có thềm lục địa dài 18.000km. Về diện tích Thanh Hoá đứng thứ 4 trong 61 tỉnh thành thuộc trung ương, gồm một thành phố, 2 thị xã, (Sầm Sơn và Bỉm Sơn), 24 huyện, số dân là 3.608.000 người, với 6 nhóm dân tộc: Việt - Mường, Thái, H’ Mông, Dao, Khơ Mú, dân tộc Thổ.
Với những điều kiện lịch sử xã hội và tự nhiên như vậy phần nào cắt nghĩa Thanh Hoá ít nhất hai lần được các triều đại phong kiến chọn làm thủ đô (dưới thời vua Nguyễn Huệ - Quang Trung, vua Gia Long). Lòng trung thành và dũng cảm của họ được các chính quyền phong kiến tin cậy, vua Lê, chúa Trịnh mỗi lần kén “ưu binh” thường chỉ nhằm vào cư dân xứ Thanh, hoặc chúa Nguyễn thường phái người ra tận đây để dụ dỗ, bắt bớ dân cư địa phương vào cắm ở Đàng Trong.
Non nước xứ Thanh được đúc kết trong một câu châm ngôn cổ gọi tên mảnh đất “địa linh nhân kiệt”. Thanh Hoá xứng đáng với nhận xét của nhà sử học Phan Huy Chú: “Vẻ non sông tươi tốt… nên sinh ra nhiều bậc vương tướng, khí tinh hoa tụ họp lại xảy ra nhiều văn nho. Bởi vì đất thiêng thì người giỏi nên tạo ra nhiều bậc phi thường” [42, tr.22].
Và hôm nay khi được Bác Hồ đến thăm với niềm phấn khởi tự hào Bác nói:
“Tỉnh Thanh biển bạc rừng vàng Ruộng đồng man mác, xóm làng liên miên”
Trên cơ sở hình thành giá trị văn hoá truyền thống của xứ Thanh như vậy, chúng ta cùng tìm hiểu một số giá trị văn hoá truyền thống dân tộc tiêu biểu trong quá trình lịch sử ở Thanh Hoá.
Những giá trị truyền thống dân tộc là những phẩm chất chủ yếu nổi bật của dân tộc biểu hiện sự tồn tại của mình. Trên thực tế, các địa phương khác nhau về điều kiện tự nhiên và hoàn cảnh lịch sử, nên những giá trị truyền thống dân tộc biểu hiện ở các địa phương đó là không giống nhau. Các giá trị truyền thống dân tộc đã được “đặc thù hoá” theo từng địa phương mà không được lặp lại ở bất kỳ một địa phương nào khác.
Từ thế kỷ thứ XV Lý Tử Tấn đã nói: “Các triều đại lấy đó để chế ngự người tây man di”, không chỉ che chắn ở phương Nam, vùng đất này còn là chỗ dựa của nhiều triều đại phong kiến, xây dựng các căn cứ để chống lại các cuộc xân lăng của kẻ thù đến từ phương Bắc. Đúng như cố tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Lê Duẩn: “Hàng ngàn năm nay đây là nơi xây dựng cơ sở để chống ngoại xâm giữ vững nước nhà. Khi nào phía Bắc mất người ta lại về đây để xây dựng lực lượng giải phóng cả nước”.
Với vị trí chiến lược như vậy, đã sớm tạo dựng cho con người xứ Thanh tinh thần yêu nước cao cả, sẵn sàng hy sinh vì nền độc lập tự do của tổ quốc. Truyền thống yêu nước đã động viên sức người sức của của nhân dân Thanh Hoá vào sự nghiệp chung của dân tộc.
Trong cuộc kháng chiến chống quân Minh đầu thế kỷ XV, nhận thức được vai trò quan trọng của nơi đây “là nơi hiểm yếu, đất rộng, người đông”, người anh hùng dân tộc Lê Lợi đã tập hợp nghĩa quân ngày đêm luyện tập lãnh đạo nhân dân lập nên chiến công Lam Sơn thể hiện khí phách anh hùng của nhân dân Ái Châu. Chiến thắng Lam Sơn tạo nên bước ngoặc quyết định sự thành công của chiến tranh giải phóng dân tộc do Lê Lợi lãnh đạo.
Tinh thần yêu nước của quân dân Thanh Hoá đã được cả nước khâm phục, nhất là trong sự nghiệp giải phóng dân tộc cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Chúng ta không thể quên những người con anh hùng của xứ Thanh: Nguyễn Chích, Nguyễn Khải, Lê Hữu Lập, Nguyễn Thị Tuyển… Nhân dân Thanh Hoá còn viết nên chương mở đầu cho lịch sử vàng chói lọi của Đảng Cộng sản Việt Nam với tên tuổi của những người cộng sản tiên phong như Lê Tất Đắc (Hoằng Phúc), Lê Khả Phiêu (Đông Sơn).
Trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ Thanh Hoá là cửa ngõ đường mòn chiến lược Hồ Chí Minh lịch sử, vừa sản xuất giỏi, vừa chiến đấu tốt, cung cấp sức người sức của, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Thanh Hoá đã vinh dự được đón Bác về thăm (1961) - xứng đáng là Thanh Hoá anh hùng.
Lòng yêu nước của nhân dân xứ Thanh không chỉ được biểu hiện trong công cuộc cứu nước mà còn được phát huy trong việc gìn giữ các hình thức sinh hoạt văn hoá dân gian trên cả ba phương diện, sáng tác, diễn xướng và lưu truyền. Những nét