Thông qua Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XI của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước đã có chính sách ngày càng hợp lý hơn cho sự phát triển giáo dục và đào tạo. Hệ thống pháp luật của Việt Nam ngày càng hoàn thiện, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho việc phát triển kinh tế, đặc biệt là chú trọng đến phát triển giáo dục, nâng cao trình độ nguồn nhân lực. Với sự ra đời của Luật giáo dục (2005), Luật giáo dục đại học (2012), cùng quyết định 58/2009/QĐ-TTg về việc ban hành “Điều lệ Trường đại học” và quyết định số 61/2009/QĐ-TTg về việc ban hành “Quy chế tổ chức và hoạt động của Trường Đại học tư thục” giúp sự phát triển giáo dục đại học, tăng cường quyền tự chủ cho các trường, đặc biệt là các trường đại học ngoài công lập trong đó có HUTECH. Với quan điểm xem giáo dục là quốc sách hàng đầu, Đảng và nhà nước tiếp tục ưu tiên cho giáo dục. Với Quyết định số 157/2007/QĐ-TTG, số 853/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tín dụng đối với học sinh, sinh viên tạo điều kiện cho học sinh học nghề, SV cao đẳng, ĐH có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn để chi trả cho việc học hành. Quyết định 157 quy định mức vốn cho vay 800.000 đồng/tháng, tới quyết định 853 đã tăng lên 1 triệu đồng/tháng. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho người học phát triển việc học của mình, làm tăng nhu cầu đào tạo. Gần đây, Bộ đã ban hành thông tư 57/2012/TT- BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế đào tạo ĐH, CĐ hệ chính quy theo hệ thống tín chỉ và chính thức có hiệu lực từ ngày 10/02/2012. Ưu điểm nổi bật nhất của thông tư này là Bộ đã thực hiện bỏ chương trình khung giáo dục đại học và giao toàn quyền xây dựng và ban hành chương trình đào tạo cho các trường đại học. Với sự đổi mới về cơ chế này, giúp cho các trường có thể thay đổi linh động nội dung chương trình đào tạo theo nhu cầu thực tế và phù hợp với yêu cầu của doanh nghiệp.