Trong bối cảnh toàn cầu hóa đang phát triển như vũ bão hiện nay, Việt Nam đã và đang hội nhập ngày càng sâu rộng vào kinh tế toàn cầu. Bối cảnh đó đặt ra nhiều cơ hội và thách thức mới cho Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực giáo dục - đào tạo. Trong thời gian qua, các trường đại học Việt Nam đã tích cực đổi mới công nghệ đào tạo, đặc biệt là đào tạo đại học, trên nhiều khía cạnh: đổi mới mô hình, phương thức tổ chức đào tạo, đổi mới phương pháp giảng dạy,… để các sản phẩm đầu ra có chất lượng đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của xã hội. Theo hiện trạng khảo sát sinh viên tốt nghiệp gần đây nhất của HUTECH, CTĐT của trường chỉ thích ứng mới một phần của thị trường lao động, còn phải bổ sung một số môn để cung cấp thêm cho sinh viên kiến thức. Vì vậy, cần thực hiện đổi mới chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu của xã hội, nâng cao chất lượng sinh viên sau khi tốt nghiệp, nhằm cung cấp nguồn nhân lực tốt cho thị trường lao động. Nhà trường phải linh hoạt thiết kế chương trình đào tạo phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế xã hội và sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, lấy trọng tâm vào người học, chú trọng đào tạo thêm các kỹ năng sống, kỹ năng phát triển tư duy sáng tạo cho sinh viên. Từ chương trình khung của Bộ GD&ĐT, HUTECH căn cứ vào nhu cầu của từng ngành để lập chương trình, tránh những môn không cần thiết, giảm thời lượng các môn phi chuyên ngành, tăng cường các môn học ứng dụng thực tế trong đời sống. Thường xuyên tổ chức khảo sát các SV đã tốt nghiệp, ghi nhận các ý kiến đóng góp về chương trình, môn học và đề cương chi tiết của đối tượng này, từ đó đúc kết những vấn đề còn yếu và thiếu trong CTĐT để thay đổi cho phù hợp.
Nhà trường cũng cần “xã hội hoá” quá trình đào tạo, hợp tác và lôi cuốn được các đối tác tiềm năng trong xã hội, đặc biệt là các doanh nghiệp và người sản xuất cùng tham gia vào quá trình đào tạo, làm cho người học gần hơn với môi
trường mà sau này họ sẽ làm việc và học được những gì mà sau khi ra trường họ cần sử dụng. Vừa qua có một hiện tượng khá phổ biến trong giáo dục là nhà trường thì đơn phương đào tạo, còn doanh nghiệp lại đứng ngoài cuộc, chỉ biết tuyển chọn những sản phẩm đào tạo có sẵn để rồi phê phán nhà trường đào tạo không sát với nhu cầu của họ. Thực tiễn cho thấy, bản thân các doanh nghiệp cũng không muốn kéo dài tình trạng đó. Ngược lại, xét về lợi ích kinh tế cũng như văn hoá doanh nhân, họ đang rất sẵn sàng sát cánh tham gia vào quá trình đào tạo cùng với nhà trường một khi họ có cơ hội. Nên hình thành bộ phận chuyên trách về đào tạo theo nhu cầu xã hội, bộ phận này sẽ là cầu nối để doanh nghiệp gặp gỡ, hỗ trọ sinh viên, giúp gắn kết giữa nhà trường với doanh nghiệp và nhu cầu xã hội. Từ đó ghi nhận các yêu cầu để đề xuất với hội đồng khoa học nhà trường xây dựng chương trình đào tạo phù hợp. Tăng cường sự gắn kết giữa lý thuyết và thực tế thông qua nhiều biện pháp, tăng cường tính thực tế trong nội dung bài giảng của từng môn học thông qua những tình huống, sự kiện và các vấn đề đang diễn ra trong thực tiễn mà người dạy đưa vào hệ thống bài tập, bài thảo luận của từng môn học. Xây dựng môi trường dạy và học thân thiện, dân chủ, hình thành các kênh phản hồi trực tiếp và gián tiếp mang tính chính thức để sinh viên có khả năng thể hiện ý kiến và quan điểm của mình, tất cả các ý kiến phải được xem xét trên tính thần tôn trọng và phát triển. Để đổi mới phương pháp giảng dạy với tiêu chí “lấy người học làm trung tâm”, giảng viên cần tích cực sử dụng các phần mềm, phương tiện dạy học tiên tiến cùng việc tăng cường các bài tập thực hành trong giờ học nhằm tạo điều kiện cho SV phát triển khả năng tư duy độc lậpcũng như dần hình thành các kĩ năng tự học, tự nghiên cứu.