Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập vào nền kinh tế quốc tế, nền kinh tế nước nhà đã có những chuyển biến mạnh mẽ. Tất cả doanh nghiệp trong nước sẽ tìm được cơ hội hợp tác kinh doanh nhưng bên cạnh đó còn đối mặt với những trở ngại, thách thức mới. Để tồn tại và phát triển, các doanh nghiệp cần phải có đội ngũ nhân viên có đủ trình độ chuyên môn và lòng trung thành, nhiệt huyết. Điều đó đồng nghĩa với việc tổ chức bộ máy quản lý nhân lực phải là mục tiêu đặt lên hàng đầu. Quá trình tạo ra của cải vật chất và tinh thần cũng như đảm bảo cuộc sống an toàn cho xã hội ngày càng được thực hiện trên quy mô lớn với tính phức tạp ngày càng cao đòi hỏi phải có sự phân công hợp tác của những con người trong tổ chức. Một doanh nghiệp có thể có dây chuyên sản xuất với công nghệ hiện đại, chất lượng dịch vụ tốt và cơ sở hạ tầng vững mạnh nhưng thiếu đi lực lượng lao động tài giỏi thì khó có thể tồn tại lâu dài và tạo được lợi thế cạnh tranh bởi lẽ, người lao động là yếu tố tạo nên sự khác biệt giữa các doanh nghiệp. Bởi vậy tập hợp được lượng lớn người lao động tài giỏi, doanh nghiệp phải cần có người lãnh đạo, cần có sự quản lý để tạo nên sự thống nhất trong bộ máy. Hiện nay các doanh nghiệp ở Việt Nam chỉ sử dụng được 40% nguồn nhân lực, con số này còn thấp hơn nữa ở nhóm nhân viên khối văn phòng. Lý giải điều này, cơ bản mấu chốt vấn đề chính là ở công tác quản trị nguồn nhân lực. Từ những lập luận trên cho ta thấy rõ vai trò quan trọng của cơ cấu tổ chức bộ máy quản trị nhân lực, nó quyết định toàn bộ quá trình hoạt động của tổ chức. Cơ cấu tổ chức gọn nhẹ, linh hoạt, phù hợp với yêu cầu của tổ chức sẽ giúp cho việc thực hiện công việc hiệu quả hơn.