1. Trang chủ
  2. » Giáo án - Bài giảng

Nhạc điệu trong thơ bích khê

8 1K 13

Đang tải... (xem toàn văn)

THÔNG TIN TÀI LIỆU

Thông tin cơ bản

Định dạng
Số trang 8
Dung lượng 198,27 KB

Nội dung

NHẠC ĐIỆU TRONG THƠ BÍCH KHÊ La Nguyệt Anh 1 Gợi cảm và ám thị, chủ nghĩa tượng trưng xem thơ như một thứ siêu cảm giác, như một bản hòa âm mà mỗi từ, mỗi chữ là một bản âm nhạc. Với ý thức duy tân theo hướng tượng trưng, Bích Khê đã sáng tạo những bài thơ thần tình diễm ảo như những cung cầm chơi vơi. Thanh âm độc đáo trong thơ Bích Khê gắn chủ yếu với điệu bình thanh (sử dụng phần lớn thanh bằng), cách gieo vần ở cả chiều ngang và chiều dọc, cách ngắt nhịp, lối điệp âm Thơ Bích Khê là sự thể nghiệm cho việc hòa nhập giữa thơ và nhạc, sự tương ứng của các giác quan… Từ nhận thức trên, bài viết hy vọng góp phần khẳng định nỗ lực cách tân của Bích Khê - một trong những đại diện tiêu biểu của phong trào Thơ mới (1932 - 1945). 1. Mở đầu Ngay từ thuở mới ra đời, thi ca đã gắn liền với âm nhạc, vay mượn ở âm nhạc phương thức và quy luật biểu hiện. Về nguồn gốc, các văn bản thơ ở dạng sơ khai, nguyên thủy xuất hiện cùng các bài ca trong các lễ nghi tôn giáo và trong thực tiễn lao động. Về động cơ sáng tạo, thơ và nhạc đều bộc lộ nhu cầu tự biểu hiện của con người. Thơ là do cái chí mình phát ra, ở trong lòng là chí, phát ra lời là thơ. Tình động ở trong lòng mà hiện ra lời nói, nói không đủ nên phải vịnh hát, vịnh hát không đủ nên phải tự nhiên tay múa chân giậm cho rõ chí mình (Tựa Kinh Thi). Trước khi được ghi lại bằng chữ viết, các trường ca cổ đại, những lời thơ dân gian cũng được lưu truyền và gìn giữ bằng đôi cánh của âm nhạc. Trong quá trình phát triển, thơ tách dần khỏi nhạc, càng ngày càng đóng vai trò độc lập. Người ta vẫn nói đến nhạc trong văn học nhưng đó là một loại âm nhạc đặc biệt - nhạc điệu của ngôn ngữ. Trong đó: “Yếu tố hình thái vật chất tạo nên nhạc điệu là điệp âm, điệp vận với các hình thức đa dạng của chúng: bằng, trắc, nhịp điệu, niêm, đối…” và “cái làm nên hồn của nhạc điệu là sự liên tưởng của tổ chức âm thanh với cảm giác âm nhạc (nhạc cảm) trong lòng người”. “Sự liên tưởng này không phải bao giờ cũng cụ thể trực tiếp, nhưng bao giờ cũng có một mối liên hệ giữa âm hưởng, nhịp điệu với điệu tâm hồn” [3]. Như nhịp đập của trái tim khi xúc động, thơ ca có nhạc điệu riêng của mình. Thế giới nội tâm của nhà thơ không chỉ biểu hiện bằng ý nghĩa của từ ngữ mà còn bằng cả âm thanh nhịp điệu của từ ngữ đó. Theo các nhà tâm lý học, dưới áp lực của cảm xúc, con người thường cất cao giọng, biến lời nói thành có ngữ điệu. Trong việc truyền đạt các trạng thái cảm xúc, nếu nội dung của lời nói tác động nhiều vào ý thức, thì thanh điệu, độ mạnh nhẹ, cao thấp, tiết tấu, nhịp điệu lại tác động nhiều vào lĩnh vực cảm xúc. Qua nhịp điệu và độ 1 ThS, trường ĐHSP Hà Nội 2 vang ngân, con người cảm giác được mình, tri nhận xúc cảm của chính mình. Điều này, như nhận xét của Hêghen: “trữ tình sử dụng độ vang làm phương tiện nội cảm”, tính nhạc do đó là đặc thù cơ bản của việc phô diễn tình cảm của thơ. Hơn nữa, nhạc điệu còn làm tăng thêm hàm nghĩa cho từ ngữ, gợi ra những điều từ ngữ không thể nói hết được. “Nhạc điệu của thơ là thứ nhạc điệu không phải chỉ ở lỗ tai nghe, đúng hơn nó thông qua lỗ tai nghe mà đi tới tâm hồn. Bài thơ cố gắng diễn đạt cái nhạc điệu tinh vi quý báu trong tâm hồn” (Xuân Diệu). 2. Nội dung 2.1. Nhạc điệu Thơ mới Trong lịch sử thơ ca, khi muốn đề cao tính trữ tình, người ta thường đề cao nhạc trong thơ, mượn danh nghĩa của âm nhạc, mô phỏng những phong cách của âm nhạc. Ở phương Đông, quan niệm “thi trung hữu nhạc” là quan niệm phổ biến từ lâu. Các luật thơ được đưa ra là để duy trì sự trầm bổng hài hòa, ngân vang của âm thanh. Điều này làm nên đặc trưng của thơ ca thời trung đại. Nhạc điệu đặc trưng trong thơ cổ điển được thể hiện trên cơ sở tương quan bằng - trắc, trầm bổng của ngôn ngữ. Nguyên tắc hài thanh trong thơ cổ điển được xây dựng từ sự hô ứng của từ ngữ và các công thức đã định sẵn. Ý nghĩa của thơ tạo ra từ những nghĩa có sẵn ở hầu hết các từ, còn tính nhạc của thơ được tạo ra bằng âm thanh những từ được lựa chọn, sắp đặt cốt sao khuôn theo những thi điệu có sẵn, bởi vậy, âm thanh và ý nghĩa bị tách rời. Thơ trung đại vì thế chủ yếu là những bức họa theo lối vịnh vật tả lòng. Ở phương Tây, nhiều nhà thơ, nhà mỹ học cũng cho rằng, âm nhạc là đỉnh cao của thơ ca. Các nhà thơ tượng trưng đặc biệt nhấn mạnh mối tương giao giữa thơ và nhạc. Valery cho rằng: “Thơ là sự giao động giữa âm thanh và ý nghĩa” và xem “âm nhạc trước hết mọi thứ”, mỗi từ, mỗi chữ phải là một nốt nhạc làm nên bản giao hưởng của tâm hồn. Trên tinh thần ấy, tư duy thơ tượng trưng đã thỏa sức tung hoành trong nhạc như một lãnh địa đặc quyền. Khắc phục hạn chế trong quan niệm sáng tác của các nhà thơ phương Đông, kế thừa tinh thần sáng tạo của các nhà thơ lãng mạn và tượng trưng siêu thực phương Tây, các nhà thơ trong phong trào Thơ mới Việt Nam đã làm nên “một thời đại trong thi ca” (Hoài Thanh). Trong Thơ mới “sự giao động giữa âm thanh và ý nghĩa” trở thành một nguyên tắc sáng tạo quan trọng. “Nghĩa thông thường, có sẵn” của từ được sử dụng làm chỗ dựa (chứ không bị vứt bỏ). Sáng tạo ngôn từ không nhất thiết là phải tạo ra những từ mới, mà làm mới ngôn từ cũng là một nỗ lực, một bước cách tân quan trọng. Trên tinh thần ấy, các nhà Thơ mới đã tạo ra những hàm nghĩa mới cho từ bằng phép dùng từ mới, bằng phép đặt câu mới và nhất là bằng nhạc điệu thơ. Không phải ngẫu nhiên những tuyệt tác Thơ mới đều gắn với những bài thơ có nội dung trực tiếp là nhạc cảm: Nhị hồ, Nguyệt cầm của Xuân Diệu, Điệu nhạc điên cuồng, Vo lụa của Chế Lan Viên, Đàn ngọc, Mùa xuân chín của Hàn Mặc Tử… (Tất nhiên cũng có không ít trường hợp mải chạy theo nhạc cảm của thơ mà đánh rơi mất bản thân thơ, khi đó nhà thơ chỉ là người thợ ngôn từ)… Cảm hứng về nhạc của các nhà Thơ mới đã tạo nên một thế giới đặc biệt được chính các nhà thơ định danh là “thế giới của Du Dương”, “thế giới Huyền Diệu”. Mỗi nhà thơ bằng cá tính sáng tạo riêng đã góp phần tô điểm cho thế giới ấy thêm huyền nhiệm, mê hoặc… Tọa lạc trong ấy có Bích Khê - “thi sĩ thần linh” (Hàn Mặc Tử). 2.2. Nhạc điệu thơ Bích Khê - một thanh âm độc đáo của Thơ mới Bích Khê khởi đầu sự nghiệp bằng Đường thi nhưng được thi giới biết đến qua những bài thơ tượng trưng. Với một tố chất đặc biệt như nhận xét của Hàn Mặc Tử: “Thi sĩ Bích Khê là người có đôi mắt rất mơ, rất mộng, rất ảo, nhìn vào thực tế, thì thực tế sẽ trở thành chiêm bao, nhìn vào chiêm bao lại thấy xô sang địa hạt huyền diệu…” [5], Bích Khê đã tạo nên một thế giới thơ thần tình, diễm ảo. Trong thế giới diệu kì ấy, nhạc là sản phẩm huyền diệu bậc nhất. Cách tạo nhạc của thơ Bích Khê cũng được xem là thần tình bậc nhất trong làng Thơ mới. Thanh âm độc đáo trong sáng tạo của Bích Khê trước hết gắn liền với điệu bình thanh. Trong phong trào Thơ mới, Xuân Diệu cũng từng viết những câu thơ bình thanh: Sương nương theo trăng ngừng lưng trời Tương tư nâng lòng lên chơi vơi. (Nhị hồ) Nguyễn Xuân Sanh có bài Xây mơ cũng chủ yếu sử dụng thanh bằng nhưng vẫn có xen tiếng trắc: Tay sương lam mờ đường buông tơ, Nghe sương lam mờ đường giăng tơ, Đêm rải men tràn nơi lối dẻo Hàng dương say đường thôi ngâm thơ. Tuy nhiên, đó dường như là những cảm hứng ngẫu nhiên, chứ chưa phải là ý thức cách tân của các thi sĩ. Cuộc cách tân thơ bình thanh thực sự bắt đầu từ Bích Khê. Để duy tân thơ, Bích Khê đã thể nghiệm qua kiểu thơ bình thanh, chất nhạc bao trùm lên toàn bài bởi “bán âm” toàn vần bằng. Thi nhân đã khoác cho thơ một bộ cánh âm thanh mượt mà, chơi vơi đẩy cảm xúc người đọc vào cõi sương khói hư thực. Ở tập Tinh huyết (1939), Bích Khê có hai bài thơ bình thanh: Tỳ bà, Hoàng hoa. Nét độc đáo, sức sống mãnh liệt của Tỳ bà chính là ở chỗ thi nhân biết kết hợp một cách nhuẫn nhuyễn nhiều thủ pháp nghệ thuật về âm thanh. Đó là cách gieo vần theo chiều ngang (buồn – xuân, buồn – đông quân, buồn – đồng), gieo vần theo chiều dọc (xuân – quân, đông – quân), điệp từ nâng sắc thái (buồn lưu, buồn sang, buồn vương)… Tất cả cùng hòa tan vào âm hưởng trầm buồn, nhè nhẹ của thanh bằng, “với cung cầm chơi vơi, âm điệu rung động cả không gian”, “nhạc lúc bấy giờ cũng không còn là nhạc nữa. Nó đã bay ra hương, ra hoa, ra thơm, ra mát, ra ngọt, ra ngào, ra gì mê tơi, run rẩy, hay âm thầm nức nở, lanh lảnh như giọng cười, mơn man như ân tình đòi hỏi”(Hàn Mặc Tử): Buồn lưu cây đào xin hơi xuân Buồn sang cây tùng thăm đông quân Ô hay! Buồn vương cây ngô đồng, Vàng rơi! Vàng rơi! Thu mênh mông. (Tỳ bà) Lối thơ bình thanh của Bích Khê là một sự cách tân thơ ca truyền thống. Những niêm luật cũ bị phá vỡ bởi thế đối lập thanh điệu: cao - thấp, bằng - trắc. Đây là bước khám phá độc đáo giúp thi nhân thâm nhập sâu vào đối tượng thẩm mỹ, lắng nghe được tiếng thì thầm của lòng mình, sinh khí êm đềm của ngoại giới. Với thơ bình thanh, Bích Khê đã khẳng định được sức mạnh kỳ diệu của vỏ âm thanh ngôn ngữ. Tuy nhiên, khảo sát 43 bài trong Tinh hoa, chúng tôi không thấy có bài thơ thuần kiểu bình thanh. Có ý kiến cho rằng: Phải chăng, tác giả cũng nhận thấy thơ bình thanh xuất hiện nhiều sẽ làm nhạc thơ đơn điệu? Vì vậy chăng Bích Khê cũng rất chú ý đến sự phối thanh: Ôi nắng vàng thơm rung rinh điệu ngọc Những cánh hồng đơm những cánh hồng đơm Nhẹ nhàng nhịp nhàng thở đều trong sương Màu trăng không gian như gờn gợn sóng. (Nhạc) Lúc này, chuỗi âm thanh bằng làm nền cho những âm thanh trắc. Những nghịch âm đó gây nhiều khoái cảm nghệ thuật. Sự tương phản âm thanh tạo nên những ấn tượng thính giác, những câu thơ như vậy khiến ta chú ý đến sự bất thường trong ngữ lưu. Những nét chấm phá trong dòng âm thanh mượt mà, du dương ấy là nơi tập trung nhiều giá trị biểu cảm của bài thơ. Bởi vì sự xuất hiện những thanh trắc không phải một sự ngẫu nhiên. Ở một khía cạnh khác nó cho thấy trong quá trình sáng tạo, Bích Khê luôn có ý thức cách tân nhưng không hề xa rời truyền thống. Có thể nói sự độc đáo của nhạc điệu thơ Bích Khê thể hiện ở thơ bình thanh nhưng đó không phải là yếu tố duy nhất. Ngoài sự khai thác giá trị âm thanh ngôn ngữ ở mặt thanh điệu, Bích Khê còn chú ý đến các yếu tố âm thanh ngôn ngữ khác như phụ âm đầu, nguyên âm (khép - mở, trầm - bổng), phụ âm cuối (vang - tắt), điệp từ, điệp khúc… Những thủ pháp này xuất hiện nhiều trong thơ Bích Khê và đặc biệt thể hiện qua Tiếng đàn mưa, Thi vị … Mưa hoa rụng, mưa hoa xuân rụng Mưa xuống lầu, mưa xuống thềm lan. Mưa rơi ngoài nẻo dặm ngàn, Nước non rả rích giọng đàn mưa xuân… Rơi hoa hết mưa còn rả rích Càng mưa rơi càng tịch bóng dương Bóng dương với khách tha hương Mưa trong ý khách muôn hàng lệ rơi (Tiếng đàn mưa) Sự lặp lại điệp từ “mưa”, điệp ngữ “mưa xuống” và mở rộng không gian từ “thềm lan” đến “nẻo đồi” rồi lan rộng ra khiến cho không gian thêm não nề, tiếng đàn mưa thêm u sầu tĩnh mịch, phải chăng đây cũng là nhạc lòng của thi nhân? Ở bài thơ khác, không phải điệp khúc “mưa” mà là điệp khúc “rơi” của một mùa thu tàn tạ, chia ly: Lá vàng rơi (Tôi khóc, anh ơi!) Đàn rung tiếng: Người yêu đang ngồi… Trăng vàng rơi (Tôi khóc, anh ơi!) Đàn nghẹn tiếng: Người yêu dậy rồi… Hoa vàng rơi (Tôi khóc, anh ơi!) Đàn rụng tiếng: Người yêu đi rồi… Sao vàng rơi (Tôi khóc, anh ơi!) Đàn câm tiếng Người yêu xa rồi… Đêm vàng rơi (Thôi hết, anh ơi!) Đàn bẻ phím: Người yêu chết rồi… (Thi vị) Bài thơ xây dựng trên cơ sở sự phát triển cảm xúc, sự tàn phai được gợi ra từ việc lặp lại những hình ảnh tương đồng “vàng rơi” của lá, trăng, hoa, sao, đêm; và mỗi thực thể này có mối quan hệ chặt chẽ với tiếng đàn và hình ảnh người yêu, tạo thành khúc tạ từ mà mỗi khổ là một cung bậc đau xót. Cả hai chuỗi động từ đi liền với chủ thể “đàn” (rung, nghẹn, rụng, câm, bẻ) và đối tượng được nói tới: người yêu (ngồi, dậy, đi, xa, chết) khiến cho bài thơ hiện lên như một thể thống nhất của hành động và cảm xúc. Mỗi động từ là một dấu ấn ghi lại những cung bậc tàn phai của đất trời, biệt ly của lòng người. Nhạc tính trong thơ Bích Khê còn thể hiện ở nhịp điệu, tiết tấu thơ. Với Bích Khê, sự dừng hơi trong ngữ lưu cũng là một phương tiện nghệ thuật tân kỳ. Theo dõi cách ngắt nhịp trong thơ Bích Khê sẽ thấy rõ chủ ý nhạc hoá thơ của tác giả. Ở bài Hoàng hoa, bốn câu đầu bài đều nhịp 2/2/3, hai câu cuối khổ lại chuyển sang 4/3. Hai câu đầu khổ hai nhịp 4/3 đến câu ba chuyển sang 2/2/1/2, câu bốn trở lại 4/3, câu năm đổi sang 2/2/3 rồi câu sáu lại về đúng “hợp âm chính” với nhịp 2/2/3. Đến khổ thơ cuối: hai câu đầu đẩy sang nhịp 2/5, câu ba và bốn lại chuyển sang nhịp 4/3 và hai câu cuối cùng lại trở về nhịp 2/2/3. Thử quên thơ để hát lên ta sẽ nghe âm nhạc lan tỏa từ Hoàng hoa: “Ngàn khơi/ ngàn khơi/ ta ngàn khơi// Làm trăng/ theo chàng/ qua muôn nơi// Theo chàng/ ta làm con chim uyên// Làm mây/ theo chàng/ bên nhung yên”… Đặc biệt Bích Khê đã tạo ra nhịp điệu mới cho thể thơ 8 chữ. Đây là thể thơ các nhà Thơ mới thường sử dụng. Nhưng hầu hết đều ngắt nhịp ở chữ thứ 3, 5, 6 rải rác mới có câu ngắt nhịp ở chữ thứ tư: Ngoài đường đê / cỏ non tràn biếc cỏ Đàn sáo đen / sà xuống mổ vu vơ Mấy cánh bướm / rập rờn / trôi trước gió Những con bò / thong thả / cúi ăn mưa. (Chiều xuân - Anh Thơ) Hay: Ta không muốn / đợi ngày / hơi thở tắt Cánh thời gian / bay chậm quá / người đi. (Máu xương - Chế Lan Viên) Và: Xao xác tiếng gà / trăng ngà lạnh buốt Mắt mờ run / kỹ nữ thấy sông trôi. (Lời kỹ nữ - Xuân Diệu) Riêng Bích Khê lại “liều lĩnh” ngắt nhịp ở chữ thứ tư, làm cho câu thơ như bị tách ra làm hai, tạo nên lối thơ song phân riêng biệt: Ôi nắng vàng thơm / rung rinh điệu ngọc Những cánh hồng đơm / những cánh hồng đơm Nhẹ nhàng nhịp nhàng / thở đều trong sương Màu trăng không gian / như gờn gợn sóng. (Nhạc) Lối ngắt nhịp như vậy khiến người đọc có cảm giác đây là bài thơ tứ tuyệt, gieo vần gián cách từng đôi một. Theo Hàn Mặc Tử thì cách dừng hơi hạ vần ở chữ thứ tư làm cho câu thơ của Bích Khê nửa như riêng tây, nửa như hòa hợp. Sự kết hợp Đông - Tây, kim - cổ khiến thơ Bích Khê vừa tân kỳ vừa quen thuộc. Chế Lan Viên cho rằng: “Cái đáng cho ta yêu Khê, bắt ta tìm đến anh, phải lôi anh ra khỏi lãng quên, đó là chất nhạc của thơ anh” [5]. Có thể nói kĩ thuật hòa điệu đã tạo nên “chất xạ mê ly” (Xuân Diệu), tạo ra thế giới huyền diệu trong thơ Bích Khê với những xôn xao và những ngân rung vi diệu nhất. Bước vào cõi thơ Bích Khê, ta như bị mê hoặc, bồng bềnh, chơi vơi trong trăng, trong sương, với hương, với hoa, với vàng ngọc, kim cương… “Để thể hiện cả một nhạc cảm vi diệu của mình, Bích Khê đã huy động khá nhiều kênh vật liệu cao quý tinh túy của thế giới vật chất”. Nhạc thoát ly khỏi phẩm chất vốn có của nó “bỏ thính giác để hiện hình trong thị giác” [6]. Tư duy thơ tượng trưng đặc biệt là phép tương giao đã giúp thi nhân nhập sâu vào cõi huyền diệu của nhạc: Ôi nắng vàng thơm rung rinh điệu ngọc Nắng có nhạc chớp đầy hương lạ Gió đi chới với trong khung trắng Lộ nửa vần thơ, nửa điệu ca (Nhạc) Nhạc không chỉ là nhịp điệu của thế giới huyền diệu mà còn là nhịp điệu của vũ trụ, của thế giới tâm linh sâu thẳm. Những ngân rung vi diệu ấy là nơi thăng hoa của điệu nhạc tâm hồn: Người họa điệu với thiên nhiên / ân ái Buồn / và xanh trời / (tôi trôi tới bờ) Êm biếc / khóc với thu / lời úa ngô Vàng / khi cách biệt / giữa hồn xây mộ. (Duy tân) Sự hòa thanh - nhịp thơ - cảm xúc thơ tạo thành khúc nhạc miên viễn. Trong thế giới âm thanh huyền diệu của Thơ mới ta nhận ra giai điệu du dương của thơ Bích Khê. 3. Kết luận Nhạc điệu trong thơ Bích Khê chứng tỏ một khả năng khác của thi ca. Đó là việc làm tê mê độc giả bằng hệ thống âm thanh “ám thị” qua thế giới ngôn từ. Nhạc điệu đi trước, ý tứ theo sau là quy luật chung của quá trình sáng tạo âm nhạc. Nhưng nếu xuất phát từ việc xem đơn vị ngôn ngữ như một đơn vị âm thanh thì thơ ca trước hết cũng chính là nhạc. Thơ Bích Khê là sự thể nghiệm cho việc hòa nhập hai loại hình nghệ thuật này. Điều đó không nằm ngoài quan niệm thơ ca và cái đẹp trong nghệ thuật tân kỳ, sự kết hợp ấy đã làm nên một Bích Khê sáng chói trên bầu trời thơ ca Việt Nam hiện đại. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Aristote, Nghệ thuật thơ ca (In lần thứ 4), Nxb Văn học, H., 1999. 2. Huy Cận - Hà Minh Đức, Nhìn lại một cuộc cách mạng trong thi ca (60 năm phong trào thơ mới), Nxb Giáo dục, H., 1993. 3. Lê Bá Hán - Trần Đình Sử - Nguyễn Khắc Phi (Chủ biên), Từ điển thuật ngữ văn học, Nxb ĐHQG Hà Nội, 1997. 4. Nhiều tác giả, 70 năm đọc thơ Bích Khê, Nxb Văn học, H., 2005. 5. Lê Lưu Oanh, Văn học và các loại hình nghệ thuật, Nxb Đại học Sư phạm, 2006. 6. Chu Văn Sơn, Thơ điệu hồn và cấu trúc, Nxb Giáo dục, H., 2007. 7. Hoài Thanh - Hoài Chân, Thi nhân Việt Nam (In lần thứ 14), Nxb Văn học, H., 1998. MUSIC IN BICH KHE’S POETRY La Nguyet Anh Abstract With its emotional force and indirectness, symbolism considers poetry to be superfeeling, a harmony in which each word is no other than a piece of music. In the direction of renovation towards figurativeness, Bich Khe has composed magically wonderful poems which are very much like floating melodies. Special tone in Bich Khe’s poems mainly consists of even tone (even signs are greatly used), rhyme finding with both left to right and downward dimensions, rhythm setting, alliteration … Bich Khe’s poems are the experiment on the combination of poetry and music, the close link of senses … With the comments as said above, this paper aims at contributing to confirm the effort of renovation of Bich Khe – one of the typical representatives of the New Poetry movement (1932 – 1945). . nhịp thơ - cảm xúc thơ tạo thành khúc nhạc miên viễn. Trong thế giới âm thanh huyền diệu của Thơ mới ta nhận ra giai điệu du dương của thơ Bích Khê. 3. Kết luận Nhạc điệu trong thơ Bích Khê. hiện ở nhịp điệu, tiết tấu thơ. Với Bích Khê, sự dừng hơi trong ngữ lưu cũng là một phương tiện nghệ thuật tân kỳ. Theo dõi cách ngắt nhịp trong thơ Bích Khê sẽ thấy rõ chủ ý nhạc hoá thơ của tác. diệu của nhạc: Ôi nắng vàng thơm rung rinh điệu ngọc Nắng có nhạc chớp đầy hương lạ Gió đi chới với trong khung trắng Lộ nửa vần thơ, nửa điệu ca (Nhạc) Nhạc không chỉ là nhịp điệu của

Ngày đăng: 05/09/2015, 08:40

TỪ KHÓA LIÊN QUAN

w