Tài liệu hạn chế xem trước, để xem đầy đủ mời bạn chọn Tải xuống
1
/ 11 trang
THÔNG TIN TÀI LIỆU
Thông tin cơ bản
Định dạng
Số trang
11
Dung lượng
353,73 KB
Nội dung
BIỂU TƯỢNG NGƯỜI KĨ NỮ TRONG THƠ MỚI Hoàng Thị Duyên 1 ới tính hàm súc, khả năng dồn nén thông tin và sự tái sinh, biểu tượng nghệ thuật là phương tiện đắc lực giúp các nhà văn, nhà thơ mã hoá tư tưởng, tình cảm của mình cũng như tái hiện lại cả mô hình văn hoá của thời đại. Bài viết dưới đây sẽ giải mã một biểu tượng nghệ thuật tiêu biểu trong phong trào Thơ mới, đó là biểu tượng người kĩ nữ. Hình ảnh người kĩ nữ đã từng xuất hiện nhiều trong thơ của tiền nhân, nhưng chỉ đến phong trào Thơ mới, dưới cảm quan đô thị và tư duy phân tích, nó mới được nâng lên thành một biểu tượng nghệ thuật đích thực, vừa có nét kế thừa thơ xưa, vừa có những đổi mới mang dấu ấn thời đại. 1. MỞ ĐẦU Mỗi thể loại văn học bao giờ cũng chứa đựng trong mình những nét đặc thù riêng, chính những nét đặc thù ấy đã "xui khiến" tác giả tìm đến những phương thức tối ưu để bộc lộ đời sống. Với hình thức ngắn gọn, cô đúc, thơ buộc phải tìm đến những biểu tượng nghệ thuật như một đòi hỏi tất yếu để mã hoá những tư tưởng, cảm xúc. Biểu tượng trong thơ có vai trò quan trọng ngang tầm với hình khối, đường nét trong điêu khắc, kiến trúc, màu sắc trong hội hoạ và giai điệu, hoà âm trong âm nhạc. Biểu tượng đã chuyển tải và thừa nhận sự hiện diện của khách thể ngay trong đời sống tinh thần của chủ thể, nội cảm hoá đối tượng biểu hiện trong một tổng thể không thể chia cắt được. Một minh chứng sống động cho vai trò của biểu tượng trong thơ là phong trào Thơ mới. Trong phong trào thơ ca này, các thi sĩ đã nỗ lực không ngừng để tạo nên một hệ biểu tượng sống động và gợi cảm, trong đó, tạo ra sự ám ảnh và day dứt trong tâm hồn bạn đọc là biểu tượng người ca kĩ. 2. NỘI DUNG Đầu thế kỉ XX, đất nước ta đã trải qua những biến thiên lịch sử lớn lao. Hai cuộc khai thác thuộc địa của thực dân Pháp với chủ trương vơ vét bóc lột đến tàn tệ đã tạo ra những đổi thay lớn trong cơ sở hạ tầng cũng như kiến trúc thượng tầng. Thực dân Pháp khi xâm lược nước ta, ngoài việc cai trị và đàn áp, chúng còn dùng chính sách mị dân, truyền bá văn hoá Pháp nhằm đồng hoá văn hoá Việt. Chính sách mị dân của Pháp nhằm làm suy giảm giống nòi dân tộc ta bằng cách đầu độc nhân dân với rượu, thuốc phiện, gái điếm. Dưới chủ trương, chính sách đó thì những hộp đêm, những kĩ viện hình thành như một hiện thực tất yếu kéo theo sự xuất hiện của những vũ nữ thị dân bên cạnh những ca kĩ, kĩ nữ vốn đã tồn tại từ trong 1 ThS, Trường ĐHSP Hà Nội 2 V xã hội xưa. Những lớp người này đã đi vào trong thơ mới như một biểu tượng đầy day dứt, ám ảnh. 2.1. Kĩ nữ hiện thân của nhan sắc Các nhà thơ mới đã vượt ra khỏi vòng luân lí đạo đức xã hội phong kiến để ca ngợi vẻ đẹp của những cô gái giang hồ, những người làm nghề đàn hát, bán thân nuôi miệng, những cô vũ nữ sống ở những hộp đêm, vũ trường. Với quan niệm nghệ thuật đi theo cái đẹp, các thi sĩ không bận lòng xem trong khi cố gắng đạt đến lí tưởng đã cọ xát và làm tổn hại đến những giá trị luân lí nào. Một nhà thơ trong trường phái tượng trưng đã khẳng định: "Nghệ thuật không phải là đạo đức". Các thi sĩ Thơ mới đã ngợi ca vẻ đẹp của những người kĩ nữ, những người luôn bị xã hội nhìn nhận một cách khắt khe nhất. Thi sĩ Thái Can đã miêu tả vẻ đẹp của một người kĩ nữ mà ông cho là rơi vào cảnh đoạn trường: Điểm vui yến tiệc bọn ca nhi Ba bảy mai kia đương vừa thì Hoa khôi hôm ấy là em đó Liếc mắt đưa tình đá cũng mê (Cảnh đoạn trường Thái Can) Người con gái đẹp đến trời đất, đất đá tạo vật cũng phải mê đắm đó nhưng vì hoàn cảnh xã hội đưa đẩy mà phải dấn thân chốn giang hồ chịu trăm đắng nghìn cay, sự ghẻ lạnh của người đời. Thi sĩ vốn là người dễ động lòng nên đã hiểu và cảm thông cho nỗi lòng của những người ca kĩ. Các thi nhân tìm đến chốn hồng lâu là để chiêm ngưỡng dung nhan tuyệt vời của các ca nữ, vũ nữ. Được ngắm dung nhan sắc nước hương trời đó, lại được thưởng thức tiếng đàn và giọng hát cũng như được người đẹp hưởng ứng tài năng của mình thì còn thú vui nào bằng: Cất tiếng hát, trông cô em ta gọi Hỡi giai nhân, nghe tiếng hát ta chăng? (Khúc ca hoài xuân Thế Lữ) Hình ảnh người ca kĩ xuất hiện trong thơ thực ra không mới nhưng cái mới ở đây là các thi sĩ đã nhìn nhận và đánh giá họ trong một nhãn quan mới, nhãn quan của trí thức Tây học, theo nếp cảm nếp nghĩ và lối tư duy đương thời. Họ biết xúc động một cách công nhiên trước vẻ đẹp đắm say, họ biết yêu thương theo nhịp tình cảm của thế hệ mới. Người vũ nữ hiện lên trong mắt các thi nhân thời này mang vẻ đẹp của một người khác giới trong cái nhìn táo bạo: Đâu đôi mắt mùa thu xanh tợ ngọc Vú non non? Da dìu dịu, êm êm? Đâu hang báu cho người ta phải khóc? Trên môi son, ta liếc lưỡi gươm mềm Đâu đôi mắt mùa thu xanh tợ ngọc Lưới lông mi rờn rợn ánh tơ đêm! (Mộng cầm ca Bích Khê) Vẻ đẹp của người ca kĩ, vũ nữ trong thơ Bích Khê đã mang dấu vết của tư duy thị thành hiện đại. Đó là vẻ đẹp trần thế đã hoàn toàn cởi bỏ khỏi quan niệm hà khắc về giới tính cũng như cái nhìn bất công về người phụ nữ. Thi sĩ đã vượt qua bút pháp ước lệ chi phối một thời để đạt đến bút pháp tả thực sắc sảo. Chính vì thế, những vẻ đẹp thiên nữ tính đầy gợi cảm như đôi vú, làn da, đôi mắt, hàng mi, đôi môi, lưỡi hiện lên với độ gợi cảm đến mãnh liệt. Vẻ đẹp ở đây vượt qua cái chung chung của con người trong văn học Trung đại để đi đến cái tỉ mỉ chi tiết vốn là sản phẩm của lối tư duy định tính, phân tích du nhập từ phương Tây. Trong một bài thơ khác, thi sĩ Bích Khê lại "chạm khắc" một vẻ đẹp hiếm thấy của một cô vũ nữ. Người đào hát trong bài thơ này hiện lên với dáng dấp mềm mại như tơ liễu và xiêm y lộng lẫy. Vẻ đẹp này thấm đượm nỗi buồn càng trở nên kiêu sa hơn: Dáng cô uốn éo dường tơ liễu Xiêm áo rung rinh tợ nắng vàng Có phải hồn cô buồn lảo đảo Khúc ca như vọng tiếng trong mồ (Cùng một cô đào hát bộ Bích Khê) Trong thơ Vũ Hoàng Chương, bóng dáng người ca kĩ, vũ nữ cũng hiện lên với một vẻ đẹp mê đắm lòng người: Ánh đèn tha thướt Lưng mềm, não nuột dáng tơ Hàng chân lả lướt Đê mê, hồn gửi cánh tay hờ. (Say đi em Vũ Hoàng Chương) Trong ánh đèn mờ, những người con gái xuất hiện với thân hình não nuột dáng tơ làm đắm say lòng bao vị khách làng chơi. Trong thế giới nghệ thuật thơ Vũ Hoàng Chương, tửu sắc hiện lên với một mật độ dày đặc. Đi liền với tửu sắc là hình ảnh của những cô vũ nữ cũng xuất hiện rất và họ đều mang vẻ đẹp quyến rũ vô cùng: Nhịp trúc buông khoan Sóng tơ dồn chậm Môi hồng tươi, da mịn ấm Liễu xinh xinh thon dáng, liễu cong đôi nét mày. (Dâng tình Vũ Hoàng Chương) Trong dòng chảy chung của những hồn thơ lãng mạn, mỗi người có một con đường để thoát ly thực tại. Nếu Xuân Diệu đê mê trong tình yêu, Hàn Mặc Tử đắm say với cõi huyền diệu thì Vũ Hoàng Chương lại mê đắm trong khoái lạc trần tục, vượt thoát khỏi mọi rắc rối của thế giới xung quanh để đến với rượu, thuốc phiện và người đẹp: Hàng mi ánh phới tình thanh liễu Gợn gợn dòng thu mắt ngọc tuyền Môi trĩu mùa nho ngọt ý thương Má thơm hồng lạnh kín tin hương. (Em là công chúa Vũ Hoàng Chương) Dưới ngòi bút miêu tả tài tình độc đáo của Vũ Hoàng Chương, người kĩ nữ, vũ nữ hiện lên với vẻ đẹp thật lộng lẫy. Lối miêu tả tinh tế thông qua cách cảm nhận bằng các giác quan cũng làm ta liên tưởng đến một lối tư duy mới chỉ có thể được hình thành trong xã hội hiện đại. Có thể thấy rằng, hình ảnh người ca kĩ, kĩ nữ trong thơ không mới nhưng nâng hình ảnh này lên thành một biểu tượng nghệ thuật là một sự đóng góp không nhỏ của các nhà thơ mới. Cái mới của họ ở chỗ họ đã lên tiếng để khẳng định và ca ngợi vẻ đẹp ngoại hình của những cô gái giang hồ bất chấp những định kiến xã hội. 2.2. Kĩ nữ biểu trưng cho lạc thú, trụy lạc Cũng giống như những biểu tượng nghệ thuật khác, hình ảnh người kĩ nữ trong cái nhìn của nhà thơ mới cũng mang nhiều thái cực đối lập. Họ không chỉ mang một vẻ đẹp làm đắm say lòng người mà họ còn có ý nghĩa biểu trưng cho những lạc thú, trụy lạc của con người. Vì thế các thi sĩ một mặt mê đắm trong hương sắc của kĩ nữ nhưng có lúc lại ghê tởm họ: Ta vừa đắm trong giấc mơ ghê tởm Vừa buông tay ôm ấp gái giang hồ Đầy xác thịt, đầy tâm hồn còn lợm Vị chán chường tràn lấn thú chua cay. (Đêm mưa gió Thế Lữ) Các thi sĩ đa tình đặt chân đến chốn hồng lâu để thoả mãn những lạc thú đời thường nhất: Mời anh cạn hết chén này Trăng vàng ở cuối non tây ngậm ngùi Tiếng gà đã rộn trong thôn Nửa đời phiêu lãng chỉ còn đêm nay (Giang hồ Lưu Trọng Lư) Tìm đến chốn hồng lâu họ cũng thoả mãn được thú vui ân ái nhưng chính các thi sĩ cũng nhận thấy đây là thứ ái ân dễ lạc đường, dễ rơi vào con đường trụy sa: Gót sen kĩ nữ đâu bên gối Tìm ái ân xưa, dễ lạc đường (Đà giang Vũ Hoàng Chương) Vũ Hoàng Chương đã đưa vào thơ cái nghiệp say. Nói như Hoài Thanh, thi sĩ say mọi thứ: say rượu, say đàn, say ca, say tình, say thuốc phiện, say nhảy đầm và say gái giang hồ. Ông tìm đến kĩ viện, hồng lâu, những hộp đêm để thoả mãn những lạc thú đó. Trong đó, nổi bật hẳn lên là lạc thú bên người kĩ nữ: Đêm nay tìm em trên gác tối Trong tay em dâng cả tháng năm thừa Có lẽ đâu tâm linh còn trọn lối Để đi về Cay Đắng những thu xưa. (Quên Vũ Hoàng Chương) Những người ca kĩ đã rơi vào chốn hồng lâu làm nghề ca hát mua vui nên các thi nhân cũng như bao vị khách đến nơi này để được ân ái thoả mãn lạc thú: Lũ chúng em ca nhi Đón dâng chàng một buổi, Nỗi yêu mê cuồng dại nén từ lâu. (Dâng tình Vũ Hoàng Chương) Người kĩ nữ, vũ nữ không chỉ biểu trưng cho nhan sắc mà đó còn mang trong mình ý nghĩa về những lạc thú. Song, sâu sắc hơn, biểu tượng này còn hàm nghĩa về số phận bất hạnh, nghiệt ngã của con người. 2.3. Kĩ nữ biểu trưng cho số phận nghiệt ngã Người kĩ nữ trong Thơ mới còn biểu tượng cho số phận nghiệt ngã của con người. Phần lớn trong số họ đều gặp những hoàn cảnh éo le, trớ trêu nên phải phiêu bạt chốn giang hồ làm nghề bán thân nuôi miệng để chịu sự miệt thị của người đời. Họ bị nền đạo đức và luân lí xã hội đương thời phủ nhận. Người ta chỉ coi họ như một thứ công cụ để thoả mãn thú vui, khoái lạc. Trước khi sa chân vào chốn hồng lâu có lẽ họ cũng là những cô gái đẹp người đẹp nết, cũng mang trong mình một khát vọng hạnh phúc êm ấm dưới một mái nhà với một ý trung nhân tử tế. Nhưng cái hạnh phúc bình dị ấy xa vời với họ. Vòng xoáy vô tình của xã hội đã đẩy họ vào con đường oan nghiệt: Không quê, không quán không mẹ cha Như cánh bèo trôi không chỗ bám Em phải dấn thân vào hồng lâu Lụy từ nô bộc đến công hầu. (Cảnh đoạn trường Thái Can) Những cô gái giang hồ dấn thân chốn bụi bặm đã phải chịu nỗi đau đớn ê chề về thể xác và nỗi nhục nhã về tinh thần. Phan Văn Dật đã lột tả được cảnh tượng đau lòng này của một người con gái chốn hồng lâu: Em là gái giang hồ Hầu hạ người khách du Vì tiền khách, bán thịt Mặc lòng khách giày vò. (Bi xuân nương Phan Văn Dật) Sự giày vò về thể xác vốn đã đau đớn bởi tới nơi kĩ viện mấy ai biết trân trọng thân thể người kĩ nữ, họ "đang tay vùi liễu dập hoa tơi bời", song sự giày vò đó chưa thấm vào đâu so với nỗi đau gặm nhấm tâm can người kĩ nữ. Tất nhiên không phải không có những cô gái rơi vào chốn này là do thói quen sống buông tuồng sa đoạ nhưng phần lớn trong số họ đều có những nỗi bất hạnh éo le riêng đã khiến cho dòng đời nghiệt ngã kéo họ vào guồng quay của cuộc sống giang hồ. Không ở đâu như ở thời kì này, cái ngàn vàng của con người được đưa ra mua bán như người ta xẻ thịt. Hai chữ "bán thịt" với vẻ sống sượng nhưng đã lột tả được những nỗi đau khôn cùng của thân phận người kĩ nữ trong xã hội đó. Dấn thân vào chốn hồng lâu, người kĩ nữ không chỉ mất tương lai, mất tình yêu, hạnh phúc gia đình, cuộc sống vật chất mà ngay cả cái danh dự làm người bình thường họ cũng không có nốt. Họ khao khát cháy bỏng về hạnh phúc gia đình và những tri âm tri kỉ, nhưng ước mơ đó chỉ là hão huyền bởi thói đời bạc bẽo: Đâu biết rằng anh cũng chỉ là Khách chơi giây lát ghé chơi qua Rồi thôi, níu áo không tình nữa Để mặc mình ai khổ giấc mơ (Bên sông đưa khách Thế Lữ) Xuân Diệu đã từng thấm thía nỗi bất hạnh, cảm giác cô đơn tuyệt vọng của người kĩ nữ trước thói phũ phàng của nhân thế. Người kĩ nữ trong thơ ông càng khát khao được hiểu, được sẻ chia nỗi niềm thì dường như đáp lại khát vọng cháy bỏng ấy chỉ là những sự tuyệt tình. Vì vậy, nàng càng đau đớn, cô đơn và lạc lõng hơn: Chớ đạp hồn em! Trăng từ viễn xứ Đi khoan thai lên ngự đỉnh trời tròn Gió theo trăng từ biển thổi qua non Buồn theo gió lan xa từng thoáng rợn Lòng kĩ nữ cũng sầu như biển lớn. (Lời kĩ nữ Xuân Diệu) Không chỉ có số phận oan nghiệt, chịu sự lạnh lùng tàn nhẫn của người đời mà ngay cả với các vị khách làng chơi, người kĩ nữ cũng bị rẻ rúng, chà đạp. Cái bi kịch đau đớn nhất của họ thể hiện ở chỗ: là sản phẩm của xã hội đương thời nhưng chính cái xã hội ấy lại phủ nhận họ. Họ không bao giờ được nhìn nhận bình đẳng như những người bình thường khác. Nghề nghiệp của họ đã khiến họ bị đẩy ra ngoài lề của xã hội không dám ngẩng đầu lên nhìn ai, cũng không ai thèm đoái hoài trừ những khách làng chơi thỉnh thoảng đến mua vui. Nhưng ngay đến cả những người đã mua vui đó cũng đến rồi đi một cách vô tình, tàn nhẫn. Họ bị dồn đẩy vào con đường cay đắng chua chát: Em đã bán mình rồi Nghĩ đến đời em em khiếp kinh, Khiếp kinh vì đời như vực thẳm Xui em trụy sa dưới trời xanh. (Cảnh đoạn trường Thái Can) Trong xã hội, mỗi người một số phận và không phải ai cũng được sung sướng ấm no. Bên cạnh những người sống đủ đầy, hạnh phúc thì không ít người phải chịu thiệt thòi, bất hạnh. Nỗi bất hạnh của nhân gian mỗi người một kiểu nhưng không ai lại có số phận đau đớn và nghiệt ngã như người kĩ nữ. Bởi ngoài nỗi đau bị giày vò, vùi dập về thể xác, họ còn bị đè nặng bởi nỗi đau tinh thần, chịu sự ghẻ lạnh, khinh miệt của người đời. Bởi thế, người kĩ nữ trong Thơ mới đã được xây dựng như một biểu tượng về số phận nghiệt ngã, đớn đau. 2.4. Kĩ nữ biểu hiện của nỗi cô đơn và khát khao tình yêu, tự do Không chỉ bị xã hội rẻ rúng, người kĩ nữ còn phải đối mặt với một nỗi cô đơn khủng khiếp. Chính vì bị xã hội gạt ra ngoài lề của đời sống, bị coi như một thứ công cụ rẻ tiền để thoả mãn dục vọng của khách mua vui, nên họ không tìm được tri kỉ tri âm để sẻ chia tâm sự. Họ cũng ý thức rất rõ điều này và càng ý thức được thói đời thì nỗi đau càng thấm thía hơn: Tôi tiễn đưa anh đến tận thuyền Để dài thêm hạn cuộc tình duyên Thuyền đi, tôi sẽ rời chân lại Tôi nhớ tình ta, anh vội quên (Bên sông đưa khách Thế Lữ) Người kĩ nữ trong thơ Xuân Diệu mang trong mình khát khao cháy bỏng được sẻ chia nỗi lòng, được gặp tri kỉ tri âm để dốc bầu tâm sự nên đã tìm cách níu kéo vị khách làng chơi, song, thói đời cay độc đã không để cho họ được có bạn, sự phũ phàng của nhân thế khiến nàng phải đối diện với một nỗi cô đơn khủng khiếp: Khách ngồi lại cùng em, đây gối lả Tay em đây mời khách ngả đầu say Đây rượu nồng và hồn của em đây Xin cung kính đặt dưới chân hoàng tử. Em sợ lắm giá băng tràn mọi nẻo Trời đầy sương lạnh lẽo suốt xương da. (Lời kĩ nữ Xuân Diệu) Có tiếp cận và sẻ chia chúng ta mới thấy được nỗi đau đớn của người kĩ nữ. Họ cũng từng là những cô gái con nhà tử tế vì guồng quay trớ trêu của xã hội nên vướng chân vào con đường trụy lạc. Song, khi vướng chân vào cõi bùn nhơ này không phải bất cứ cô kĩ nữ nào cũng sống buông thả mà rất nhiều người đã ý thức được hoàn cảnh, thân phận của mình và cháy bỏng một khát vọng sống, khát vọng tình yêu và sự tự do: Giời đất này, hãy chứng minh Vì chưng xã hội quá bất bình Thân em thật đã bùn than lấm Lòng quyết, em còn giữ tiết trinh. (Cảnh đoạn trường Thái Can) Không chỉ ý thức về nhân phẩm, giữ gìn tiết trinh, những người kĩ nữ chưa bao giờ nguôi quên khát vọng được sống hạnh phúc, khát vọng yêu thương: May thay em gặp khách phiêu lưu Cảm thấy tình em thảm đạm nhiều Nhặt cánh hoa tàn rơi dưới đất Chung tình trong một mối yêu thương. (Cảnh đoạn trường Thái Can) Không chỉ mơ ước tình yêu, họ còn khát khao một mái ấm gia đình, mơ ước có thể ngẩng đầu lên trong xã hội: Rồi ngày đào lí nở nhành bông Em cũng như ai có tấm chồng Quyền cả chức cao trong xã hội Êm đềm chia sẻ ngọt bùi chung. (Cảnh đoạn trường Thái Can) Hơn ai hết, người kĩ nữ hiểu rõ nhất và thèm khát một cuộc sống gia đình, lứa đôi bình dị. Chính cái nghề nghiệp thấp hèn đã khiến họ bị xã hội ghẻ lạnh, khinh bỉ. Song, dù thực tế có đau đớn phũ phàng đến mấy cũng không làm họ vơi đi khát vọng không cùng về hạnh phúc, về tự do và sự hoàn lương. 2.5. Kĩ nữ người đồng cảm với thi nhân Mối đồng cảm kĩ nữ thi nhân không phải đến phong trào Thơ mới mới được đề cập đến. Trong thơ xưa, tiền nhân Bạch Cư Dị đã từng có duyên gặp gỡ và đồng cảm với một người ca kĩ trên đất Tầm Dương. Khi ấy, tâm hồn của một người bị biếm trích và một người ca kĩ hết tuổi xuân thì đã tìm thấy sự đồng điệu trong tiếng tỳ bà dìu dặt. Họ cùng là những con người tài hoa đã có một thời kì vàng son được tung hô trọng vọng. Nhưng rồi trong cơn vần xoay thịnh suy bĩ thái của cuộc đời đến lúc hết thời, họ chỉ còn lại nỗi gian truân, lận đận và sự cô độc: Cùng một lứa bên trời lận đận Gặp gỡ nhau lọ sẵn quen nhau. (Tỳ bà hành Bạch Cư Dị) Các nhà Thơ mới ở Việt Nam dường như cũng có tâm trạng gần gũi chàng Tư Mã đất Giang Châu xưa. Cả một thế hệ nhà Thơ mới hầu như đều mang trong mình mặc cảm "đầu thai nhầm thế kỉ". Họ là những trí thức có học, nhận thức sâu sắc về tình trạng thảm hại của đất nước. Họ là những người yêu nước có tinh thần dân tộc cao mà không tìm được đường đi, nước bước để giải phóng dân tộc. Họ bế tắc trước cuộc sống tối đen hỗn loạn của xã hội lúc bấy giờ, họ "đau đời mà có cứu được đời đâu". Nhãn quan tiểu tư sản không giúp họ tìm được ánh sáng của lí tưởng nên cứ quẩn quanh bế tắc trong vũng bùn thực tại. Vì thế, họ đã tìm đến nhiều ngả đường để mong quên đi được hiện thực đen tối như tìm đến tiên giới, chìm đắm trong đạo, trong cái tôi bản thể nhưng tất cả đều vô ích. Họ lại tìm đến kĩ viện một phần để thoả mãn lạc thú, để quên, để tìm sự đồng cảm tương liên. Những thi sĩ sau khi nghe những tâm sự chân thành về cuộc đời của những ca kĩ đã không khỏi chạnh lòng nghĩ đến mình: "Anh cũng như em chán cõi đời". Kĩ nữ và thi nhân tuy xuất thân từ những hoàn cảnh và những địa vị xã hội hoàn toàn khác nhau (một người thuộc tầng lớp trí thức Tây học, một người dưới đáy xã hội, một người xa lánh, trốn tránh cuộc đời còn một người bị cuộc đời xa lánh) nhưng họ lại gặp nhau, đồng cảm với nhau sâu sắc ở gánh nặng làm người, ở nỗi cô đơn, ở sự lận đận, nổi trôi: Một lứa bên trời chung lận đận Thương nhau cha soạn khúc tỳ bà (Oan nghiệt Nguyễn Bính) Không phải ngẫu nhiên mà ý thơ trong bài thơ của tiền nhân xưa được các thi sĩ Thơ mới liên tục tô đậm và xoáy sâu. Bởi họ tìm thấy ở đó một sự an ủi, một sự đồng cảm tương liên giữa xưa và nay, giữa thi nhân và kĩ nữ: Hãy dừng lại đây chàng say ơi Cùng lận đận bên trời một lứa (Dâng tình Vũ Hoàng Chương) Chính dòng đời nổi trôi đã đẩy họ vào vòng xoáy oan nghiệt của nhân tình. Nhưng cũng chính ở đó, họ đồng cảm với những người cùng cảnh ngộ. Vì thế, họ có thể sẻ chia với nỗi niềm của các thi nhân: Gặp nhau một đêm thâu Gió quên áng hương sầu Hai đời hai cảnh khổ Hoạ bằng những hạt châu (Tặng Bích Đào Thúc Tề) Xuân Diệu cũng từng tìm thấy bi kịch của cái tôi sâu thẳm trong tâm hồn của người kĩ nữ. Lời người kĩ nữ như cũng đồng vọng được cả nỗi niềm của thi nhân. Cái tôi cô đơn của Xuân Diệu xuất hiện khi những ước ao, khát khao sôi nổi của ông vấp phải sự nhạt nhẽo hờ hững đến vô tình của người đời. Giữa thi sĩ và kĩ nữ có sự đồng bệnh tương liên. Cả thi nhân và người kĩ nữ đều khát khao đi tìm sự đồng cảm, sự sẻ chia, họ đều sợ phải đối diện với chính tâm hồn của mình. Đó là nỗi đau lớn của thi sĩ, của kĩ nữ mà có người đã từng đúc kết: Người đẹp vẫn thường hay chết yểu Thi nhân đầu bạc sớm hơn ai. (Hoa bạc mệnh J. Leiba) Thời đại Thơ mới là lúc cái tôi cá nhân con người trỗi dậy mạnh mẽ nhất. Cái tôi cá nhân vấp phải nỗi buồn chán cô đơn bơ vơ, vô định của xã hội nên cố đi tìm sự đồng cảm để vơi bớt nỗi niềm. Và họ đã được sẻ chia không ít khi tìm đến với người kĩ nữ, vũ nữ. Vì thế, khó có thể phủ nhận vai trò của người kĩ nữ đối với các nhà thơ lãng mạn. Họ gặp gỡ nhau không chỉ ở thể xác mà còn ở tâm hồn. Họ cũng phần nào giúp các thi nhân thoả mãn lạc thú đời thường, quên đi sự đời dù trong khoảnh khắc, nhưng đáng nói hơn là họ còn chia sẻ với thi nhân bằng sự từng trải và đau đớn của chính mình. Họ không chỉ là nguồn cảm hứng bất tận đối với các thi nhân mà còn trở thành biểu tượng nghệ thuật giàu ý nghĩa để chuyển tải nhiều vấn đề nhức nhối của đời sống xã hội. Họ là sản phẩm của cuộc sống đô thị đang lên, đồng thời cũng chính là nạn nhân đau khổ của quan hệ đô thị lạnh lùng đó. 3. KẾT LUẬN Như vậy, quá trình giải mã biểu tượng người kĩ nữ trong Thơ mới một lần nữa khẳng định tính chất đa nghĩa và sự đắp đổi ý nghĩa liên tục của biểu tượng nghệ thuật. Người kĩ nữ trong Thơ mới vẫn kế thừa những ý nghĩa cốt lõi của hình ảnh này trong thơ xưa như hiện thân cho nhan sắc, cho nỗi khổ, cho sự miệt thị của nhân gian , song vì họ được soi chiếu từ cảm quan hiện đại nên mang vẻ đẹp hình thể táo bạo đầy gợi cảm làm đắm say lòng người, đồng thời ở họ ý thức về cái tôi với khát khao cháy bỏng về tình yêu, hạnh phúc và khát vọng hoàn lương hiện lên vô cùng mạnh mẽ. Chính những điều này đã làm cho biểu tượng người ca kĩ, kĩ nữ trong Thơ mới trở nên có sức ám ảnh hơn. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Phan Cự Đệ, Phong trào thơ mới lãng mạn 1932 1945, "Phan Cự Đệ tuyển tập tập 3", Nxb Giáo dục, H., 2006. 2. Jean Chevalier, Alain Gheerbrant, Từ điển biểu tượng văn hoá thế giới: Huyền thoại, chiêm mộng, phong tục, cử chỉ, dạng thể, các hình, màu sắc, con số, Nxb Đà Nẵng Trường viết văn Nguyễn Du, H., 2002. 3. Nhiều tác giả, Thơ mới 1932 1945, tác giả và tác phẩm (Tái bản lần thứ 6), Nxb Hội nhà văn, H., 2004. THE SYMBOL OF COURTESAN IN MORDEN POEMS Hoang Thi Duyen Abstract With conciseness, compressibleness of information and reproduction, stylistic symbols are effective means to help writers and poets encode their ideals and emotions as well as reproduce the cultural model of the age. The following article decodes a typical stylistic symbol in the movement of morden poem which is the symbol of courtesan. This symbol appeared in foerebears’poems many . biểu tượng nghệ thuật tiêu biểu trong phong trào Thơ mới, đó là biểu tượng người kĩ nữ. Hình ảnh người kĩ nữ đã từng xuất hiện nhiều trong thơ của tiền nhân, nhưng chỉ đến phong trào Thơ mới, . quá trình giải mã biểu tượng người kĩ nữ trong Thơ mới một lần nữa khẳng định tính chất đa nghĩa và sự đắp đổi ý nghĩa liên tục của biểu tượng nghệ thuật. Người kĩ nữ trong Thơ mới vẫn kế thừa. hạnh, nghiệt ngã của con người. 2.3. Kĩ nữ biểu trưng cho số phận nghiệt ngã Người kĩ nữ trong Thơ mới còn biểu tượng cho số phận nghiệt ngã của con người. Phần lớn trong số họ đều gặp những